(Baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh là vùng đất của tín ngưỡng - tâm linh, “địa linh nhân kiệt”. Trong đó, thần Độc Cước và tín ngưỡng thờ thần Độc Cước của cư dân vùng ven biển mang nhiều nét đặc trưng, độc đáo, biểu lộ niềm tin, ý chí, khát vọng về cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc...

Dấu ấn thần Độc Cước trên mảnh đất xứ Thanh

Xứ Thanh là vùng đất của tín ngưỡng - tâm linh, “địa linh nhân kiệt”. Trong đó, thần Độc Cước và tín ngưỡng thờ thần Độc Cước của cư dân vùng ven biển mang nhiều nét đặc trưng, độc đáo, biểu lộ niềm tin, ý chí, khát vọng về cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc...

Dấu ấn thần Độc Cước trên mảnh đất xứ ThanhĐường lên đền Độc Cước (TP Sầm Sơn).

Trên dải đất hình chữ S này, thần Độc Cước được thờ phụng ở nhiều nơi. Chỉ tính riêng xứ Thanh đã có 53 làng, rải rác khắp 11 huyện, nhiều nhất là Ngọc Sơn (thị xã Nghi Sơn ngày nay) với 14 nơi thờ, Hoằng Hóa với 9 nơi thờ (Địa chí tỉnh Thanh Hóa, tập II)... Vùng đất biển xinh đẹp Sầm Sơn được xem là nơi phát tích truyền thuyết về vị thần Độc Cước và ngôi đền Độc Cước tọa lạc trên hòn Cổ Giải, dãy núi Trường Lệ linh thiêng bậc nhất.

Cùng với hệ thống di tích dày đặc ấy là những huyền thoại, truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian nhằm ca ngợi công đức của thần Độc Cước. Tuy có nhiều dị bản nhưng tựu trung đều khắc họa chân dung về chàng khổng lồ đã xả thân mình đánh tan loài quỷ biển “mình tròn trùng trục, mõm dài, răng nhọn..., thân có lớp vảy cứng, rất sắc, chỉ cần chạm nhẹ vào người là da thịt chỗ ấy lở loét, thối dần rồi chết”.

Theo “Tuyển tập Truyền thuyết Thanh Hóa” (Đào Huy Phụng, Lưu Đức Hạnh đồng chủ biên, NXB Thanh Hóa), loài quỷ biển hung hãn, không chỉ ăn tươi nuốt sống những ngư dân vươn khơi bám biển mà khi khát mồi, chúng mò vào đất liền càn quét khiến cho đời sống cư dân trong vùng gặp nhiều khó khăn, luôn trong cảnh nơm nớp lo sợ, nhiều gia đình phải dắt díu nhau đi tha phương cầu thực. Để giải thoát cho ngư dân khỏi cuộc sống khổ cực ấy, chàng khổng lồ đã rèn một cây búa lớn bằng đồng, chuẩn bị tâm thế chiến đấu với quỷ biển hung ác. Chàng bày cách cho những chiếc bè của ngư dân chụm lại, kết liền thành khối và những người dân chài tựa lưng vào nhau, tay lăm lăm những cây sào nhọn hoắt chĩa ra đằng trước, tạo thành lớp bảo vệ và sẵn sàng đâm bọn quỷ biển. Đối diện với lũ quỷ đông, hung hãn, chàng khổng lồ vung búa, dũng mãnh lao vào chiến đấu. Trận chiến diễn ra khốc liệt cho đến khi lũ quỷ tan tác, biến mất tăm dạng, chỉ còn lại chàng khổng lồ người nhuốm máu đỏ đứng bên cạnh người dân chài bình yên vô sự.

Kể từ đó, ngày ngày chàng khổng lồ vươn khơi đánh cá cùng ngư dân. Một hôm chàng khổng lồ cùng ngư dân trở về, thấy làng xóm xơ xác, biết ngay rằng lũ quỷ lại đến phá quấy. Trước tình thế ấy, chàng khổng lồ quyết định tự xẻ đôi thân mình, một nửa đứng trấn trên hòn Cổ Giải, một nửa thân mình theo bè mảng, “vùng biển Sầm Sơn sóng lặng gió êm, dân chúng yên vui ra khơi vào lộng”... Nửa thân chàng khổng lồ đứng trên đỉnh núi, bàn chân in sâu vào đá, lưu lại ngàn năm. Nhân dân trong vùng tôn chàng làm thần, gọi là thần Độc Cước, lập nơi hương khói thờ tự để ghi nhớ công ơn.

Ban đầu, đền Độc Cước được dựng lên bằng tre, mái lợp tranh. Sau có một trận bão lớn bỗng xuất hiện một cây chò rất to từ ngoài biển trôi dạt vào hòn Cổ Giải, dân làng cho là thần đưa gỗ về nên bảo nhau xẻ gỗ, thuê thợ dựng đền. Trải qua nhiều thăng trầm, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay ngôi đền trở thành điểm tham quan, du lịch tâm linh tiêu biểu, hấp dẫn du khách. Đền Độc Cước được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và nằm trong Khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2019.

Trong gió chiều lồng lộng, bước chân du khách thong dong dạo trên những bậc đá rợp bóng cờ, hướng mắt trông lên ngôi đền Độc Cước linh thiêng bên bờ biển. Cửa tam quan nhuốm màu rêu phong, mang đậm kiến trúc thời Nguyễn, hai bên cửa tạc hai ông hộ pháp oai vệ tay cầm gươm đứng canh đền và hai con voi chầu vừa mang vẻ cổ kính vừa gợi lên nét cô tịch, thần bí. Cảnh quan thiên nhiên nơi đây như khúc thiền thanh thản, tịnh tâm...

Kiến trúc đền theo kiểu chuôi vồ - kiểu kết cấu cổ và độc đáo còn lưu lại trên đất Thanh Hóa, trong đó có tiền đường, trung đường, hậu cung và cung cấm. Các chi tiết chạm khắc, đắp nổi công phu, khéo léo càng làm tôn lên nét độc đáo, tiêu biểu trong kiến trúc- mỹ thuật của ngôi đền. Đề tài trang trí chủ yếu là hoa cỏ, vật linh. Trong kiến trúc và trang trí của nhà tiền đường, đặc sắc nhất là những bức cốn mê chạm tứ linh, đan xen hoa cỏ; các bẩy ngoài cũng chạm những con vật linh hoặc hoa sen với những lá sen úp ngược; trên nóc có đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt. Ở y môn chạm khắc rồng chầu mặt trời... Sự phối hợp giữa chạm nổi và chạm tròn đã tạo nên những khối kiến trúc đặc sắc, tinh tế, làm cho tâm hồn con người thêm tĩnh lặng, hòa nhập với không gian thờ cúng đồng thời vừa đề cao sức mạnh siêu nhiên của thánh thần.

Đi qua tiền đường, trung đường, bước vào hậu cung, ở gian ngoài là không gian thờ thần Độc Cước, có bức tượng làm bằng gỗ đen tuyền chỉ có một nửa thân mình, khắc họa hình ảnh thần Độc Cước tay cầm búa vững vàng, oai vệ. Hai bên là hai ngai thánh vị, thờ Tô Hiến Thành bên trái và Hoàng Minh Tự bên phải, hai vị phúc thần được phối thờ với Thành hoàng Độc Cước.

Khu vực cung cấm một năm mở cửa một lần. Cung cấm có khám thờ, trong khám đặt một chiếc ngai trên có thần vị ghi bốn chữ triện sơn son thếp vàng “Chu Minh thánh vị”, Ngoài ra, nơi này hiện lưu giữ 8 sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam đựng trong hộp gỗ. Ngay dưới khám bằng gỗ sơn son tương truyền là dấu chân thần Độc Cước hằn in trên đá.

Đền Độc Cước là nơi diễn ra lễ hội cầu phúc với nhiều nghi lễ, hoạt động độc đáo, sôi động, mang đậm sắc thái văn hóa vùng biển. Cuốn sách “Linh tích Sầm Sơn” (Hoàng Thăng Ngói, NXB Thanh Hóa, tập 1) cho biết: Lễ cầu phúc đền Độc Cước là đại tế của xã Lương Niệm xưa, gồm 4 làng lớn nhất của vùng Sầm Sơn, 4 năm tổ chức một lần vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Làng đăng cai phải chuẩn bị sân bãi và tất cả mọi phí tổn, kể cả lễ vật dâng cúng thần. Các làng rước kiệu Thành hoàng làng mình về nơi tổ chức lễ hội, kiệu thần Độc Cước để trên rồi đến kiệu các làng theo thứ tự thần sắc: Thượng thượng đẳng, thượng đẳng, trung đẳng thần... Vui nhất là cả vùng Sầm Sơn rước kiệu diễu qua các làng dọc bãi biển rồi tụ hội về khu vực đền Độc Cước. Ngoài ra, người dân được hòa mình vào phần lễ với nhiều hoạt động độc đáo như: kéo co, vật tay, cà kheo... Độc đáo, mang đậm sắc thái văn hóa vùng biển là thế nhưng suốt một thời gian dài, lễ hội cầu phúc đền Độc Cước bị mai một. Đến năm 2008, ngành văn hóa Sầm Sơn mới chính thức khôi phục lại lễ hội này. Lễ hội cầu phúc đền Độc Cước được phục dựng trên cơ sở lệ tục, phong tục mà cộng đồng cư dân lưu giữ như: nghi thức tế lễ, rước thần, lễ vật...

Từ Sầm Sơn, dấu ấn thần Độc Cước in đậm trong nhiều di tích khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa: Đền thờ thần Độc Cước, làng Hổ Cứ, xã Lộc Sơn (Hậu Lộc); đình Thanh Nga, xã Hoằng Trinh, nghè My Du, xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa); đình làng Vân Trai, xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy); nghè Hậu, thôn Phú Lạc, xã Ngọc Lĩnh (thị xã Nghi Sơn)... Mỗi di tích vừa như một nốt nhạc cùng ngân vang hòa tấu trong bài ca ngợi công đức thần Độc Cước, tô điểm thêm cho bức tranh văn hóa, đời sống tín ngưỡng - tâm linh của người dân xứ Thanh.

Tọa lạc bên bờ sông Trà Giang, thuộc làng Hổ Cứ, xã Lộc Sơn (Hậu Lộc), ngôi đền thờ thần Độc Cước bền bỉ sức sống. Không có kiến trúc bề thế nhưng từ lâu, nơi đây được xem như trung tâm tín ngưỡng của làng, nơi người dân thành kính dâng nén hương thơm, dâng chút lễ vật đến thành hoàng làng - vị thần “hộ quốc an dân”, gửi gắm những mong cầu, ước nguyện về sức khỏe, sự bình yên, công danh, sự nghiệp... Tương truyền, thần Độc Cước hiển linh trên vùng đất này trong một đêm mưa bão mịt mùng. Sáng ngày hôm sau, bên bờ sông Trà Giang, người dân phát hiện nổi lên gò đất in hình bàn chân to, dài kỳ lạ, không phải của người thường. Vị trí của gò đất sau này chính là nơi xây dựng đền thờ thần Độc Cước.

Tương tự như đền trên hòn Cổ Giải, kiến trúc ngôi đền thờ thần Độc Cước, xã Lộc Sơn theo kiểu chuôi vồ, gồm tiền đường và hậu cung. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, ngôi đền vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử - văn hóa như: bức đại tự, đạo sắc phong...

Gắn với những truyền thuyết, huyền thoại xẻ đôi thân mình chiến đấu với quỷ biển, bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân, thần Độc Cước được xem như “biểu tượng trong đấu tranh chống thế lực ngoại xâm và bảo vệ biển đảo của cộng đồng ngư dân Thanh Hóa”. Những truyền thuyết, huyền thoại và sự hiện diện của hệ thống di tích góp phần làm dày thêm vỉa tầng văn hóa - tín ngưỡng của mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này.

Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Địa chí Thành phố Sầm Sơn”, NXB Thanh Hóa, 2022.

Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]