(Baothanhhoa.vn) - Sau 2 lần vinh danh vào năm 2015 và 2018, Thanh Hóa hiện có 40 Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT). Trong lần xét duyệt gần đây nhất, Thanh Hóa đang đề nghị 27 NNƯT và 3 Nghệ nhân Nhân dân (NNND). Đây là vinh dự không chỉ cá nhân những nghệ nhân mà là niềm tự hào của người xứ Thanh.

Chuyện về các “báu vật nhân văn sống”

Sau 2 lần vinh danh vào năm 2015 và 2018, Thanh Hóa hiện có 40 Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT). Trong lần xét duyệt gần đây nhất, Thanh Hóa đang đề nghị 27 NNƯT và 3 Nghệ nhân Nhân dân (NNND). Đây là vinh dự không chỉ cá nhân những nghệ nhân mà là niềm tự hào của người xứ Thanh.

Chuyện về các “báu vật nhân văn sống”Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Tắng (Ngọc Lặc) và những Bằng khen, Giấy khen vì có thành tích trong việc giữ gìn và trao truyền văn hóa.

Nghệ nhân chính là “hạt nhân trung tâm” trong việc giữ gìn di sản. Nói về Khặp Thái ở Thường Xuân, không ai không biết đến cố nghệ nhân Lang Thị Peng. Chỉ vài tháng sau khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT năm 2015, bà đã ra đi ở tuổi 87 và để lại một khoảng trống trong việc truyền dạy Khặp Thái ở Thường Xuân.

Câu chuyện về “khoảng trống” ấy là thực tế trong công tác bảo tồn DSVHPVT hiện nay. Phần lớn các nghệ nhân đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Việc đặt họ vào vị trí trung tâm cho thấy vai trò của họ là vô cùng quan trọng trong hành trình bảo vệ, giữ gìn, bảo tồn di sản. Và hầu hết các nghệ nhân dân gian đang làm tốt vai trò của mình, bằng sự đam mê, tận tâm.

Với các NNND và NNƯT, ngoài tấm bằng vinh danh và số tiền thưởng (trên 10 triệu đồng), phần lớn các nghệ nhân không nhận được sự hỗ trợ kinh phí nào khác từ Nhà nước và cộng đồng.

Sau gần 5 năm tôi lại tìm đến thôn Lỏ, xã Cao Ngọc (huyện Ngọc Lặc) để gặp nghệ nhân Phạm Thị Tắng - người đang được đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu NNND trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian trò diễn Pôồn Pôông. Trong căn nhà sàn truyền thống, cây bông đã thêm “nhiều tầng”, thêm nhiều Bằng khen, Giấy khen trên tường. Và mái tóc người nghệ nhân già đã bạc trắng. Bà chia sẻ: “Do “con” COVID-19 nên hai năm nay bà không đi biểu diễn ở xa. Nhiều tháng ở nhà, bà thấy mình yếu hơn nhiều. Cứ được nhảy được múa mới khỏe. Vui nhất là sáng ra, mọi người đến nhờ bà dạy múa hát Pôồn Pôông”.

NNƯT Phạm Thị Tắng chỉ là một trong số nhiều nghệ nhân văn hóa dân gian mà chúng tôi gặp trong quá trình tìm hiểu về các giá trị văn hóa phi vật thể. Họ - các nghệ nhân, bằng một tình yêu thuần nhất với văn hóa ông cha đang làm thực sự tốt vai trò của người lưu giữ các giá trị văn hóa.

Nhưng họ không phải - không thể “chịu trách nhiệm” về việc bảo tồn di sản. Bởi, phần lớn trong số họ không được hưởng chế độ. Kể từ năm 2016, Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với NNND và NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn với 3 mức hỗ trợ là 1 triệu đồng, 850.000 đồng, 700.000 đồng/người/tháng có hiệu lực. Nhưng trong 40 NNƯT của tỉnh, một số nghệ nhân có lương hưu nên hằng tháng không được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào; còn một số nghệ nhân khác dù không có lương hưu, hoàn cảnh khó khăn nhưng cũng chưa được hưởng chế độ đãi ngộ theo Nghị định số 109. Khi được hỏi về việc hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước, NNƯT Phạm Thị Tắng tâm tình: “Vợ chồng bà không có con đẻ, các con của bà bây giờ đều là con nuôi. Ông bà đã nuôi dưỡng, dựng vợ gả chồng cho các con. Hiện nay, bà đã 76 tuổi, không có lương hưu, cũng không có thu nhập ổn định nhưng không biết làm thế nào để được hưởng hỗ trợ”!?

Trao đổi với Trưởng Phòng Văn hóa huyện Ngọc Lặc, bà Bùi Thị Quyên cho chúng tôi biết: Cá nhân bà Tắng vẫn đi cúng vía thì không nghèo lắm đâu. Theo quy định thì NNƯT Phạm Thị Tắng không được hưởng chế độ hỗ trợ (?). Nhưng phòng sẽ kiểm tra lại cho chính xác”.

Vấn đề đặt ra ở đây là tư duy “xin - cho”, hay địa phương chưa thực sự quan tâm, thậm chí không nắm được chính sách? Dù không biết, hoặc không có đòi hỏi trong việc hỗ trợ nhưng nếu những “báu vật nhân văn sống” có được một phần trợ cấp thì cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn, họ có thêm nhiều thời gian để cống hiến, đặc biệt thay đổi nhận thức “trách nhiệm” với di sản và cộng đồng.

Từ những năm 1990, xã Xuân Trường (Thọ Xuân) đã có chủ trương khôi phục trò Xuân Phả. Tuy nhiên sau hơn 30 năm, đến nay, vẫn chưa có một công trình tầm cỡ nào thực hiện điền dã, sưu tầm, nghiên cứu một cách công phu, bài bản, qua đó làm nổi bật các giá trị riêng có, độc đáo của trò Xuân Phả. Đây cũng chính là trăn trở của NNƯT Bùi Văn Hùng. Anh chia sẻ: “Trò diễn Xuân Phả kết hợp múa và âm nhạc, riêng phần nhạc có nhạc cụ mõ, nạo bạc và trống. Hiện nay, trong số 25 nghệ nhân (bao gồm 7 NNƯT) chỉ còn có tôi và NNƯT Đỗ Đình Tạ là biết sử dụng trống. Còn việc “tổ chức” diễn trò khi có sự kiện lớn (lễ hội Lam Kinh; lễ hội Lê Hoàn...) thì ngoài bản thân tôi, thực sự chưa tìm được người thay thế. Vì vậy tôi thực tâm mong mỏi tìm được những “hạt nhân” để có thể đảm trách vai trò của mình sau này”.

Được biết với mong muốn truyền dạy - để lại DSVHPVT trò Xuân Phả cho thế hệ sau, cá nhân NNƯT Bùi Văn Hùng đang trăn trở tập hợp tư liệu (thông tin, vẽ hình ảnh) từ đó hoàn thiện cuốn tài liệu mô tả chi tiết về trò Xuân Phả, chứ không dừng lại ở việc “truyền miệng”. Rõ ràng đây là ý tưởng hay, nếu không tâm huyết thì có lẽ ông không dành thời gian, công sức để thực hiện. Nhưng nếu chỉ có cá nhân nghệ nhân Bùi Văn Hùng thì hành trình để lưu giữ di sản sẽ thực sự nhọc nhằn, khó khăn.

Đánh giá về vai trò của nghệ nhân trong giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa nhìn nhận: “Nghệ nhân, đặc biệt nghệ nhân nắm giữ các DSVHPVT của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi có vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu một ngày họ mất đi mà di sản chưa được “tư liệu hóa” và việc truyền dạy chưa đạt hiệu quả thì sự mai một, biến mất của di sản rất dễ xảy ra”.

Với các NNND, NNƯT trước hay sau khi được tặng danh hiệu cao quý thì họ vẫn luôn cháy bỏng đam mê, âm thầm gìn giữ và trao truyền những vốn quý của di sản văn hóa mà họ đã dành cả đời để nắm giữ, bảo tồn cho cộng đồng và thế hệ trẻ. Nhưng thay vì đặt gánh nặng trách nhiệm lên vai các nghệ nhân, có lẽ việc đầu tiên xin hãy thực sự trân trọng và bảo vệ những “báu vật nhân văn sống”, những hạt nhân cốt lõi của di sản văn hóa một cách thực tế nhất. Đó là những chính sách, chế độ đặc thù hỗ trợ phù hợp, tạo môi trường thuận lợi cho các nghệ nhân tiếp tục cống hiến tri thức, kinh nghiệm, đưa di sản văn hóa vào đời sống và truyền lại cho thế hệ mai sau.

Kiều Huyền - Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]