(Baothanhhoa.vn) - Thực tế trong xây dựng nông thôn mới (NTM) cho thấy, để đảm bảo phát triển nông thôn bền vững, vấn đề quan trọng hàng đầu là tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, việc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gia tăng đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương, làm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm là góp phần xây dựng NTM bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chương trình mỗi xã một sản phẩm - giải pháp quan trọng để xây dựng nông thôn mới bền vững

Thực tế trong xây dựng nông thôn mới (NTM) cho thấy, để đảm bảo phát triển nông thôn bền vững, vấn đề quan trọng hàng đầu là tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, việc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gia tăng đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương, làm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm là góp phần xây dựng NTM bền vững.

Chiếu cói Nga Sơn. Ảnh: Trần Đàm

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng để thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa xác định Chương trình Phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM là chương trình số một trong 5 chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh. Đồng thời, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Sau hơn 7 năm thực hiện, đã thu được những kết quả quan trọng: Về xây dựng NTM: Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng từ 8,9 triệu đồng năm 2011 lên 24,8 triệu đồng năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 26,96% năm 2011 xuống còn 9,22% năm 2017. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1 huyện, 244 xã và 525 thôn (bản) đạt chuẩn NTM. Về phát triển nông nghiệp: Cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế và nhu cầu thị trường; sản xuất quy mô lớn, tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị được thúc đẩy; nền nông nghiệp xứ Thanh đã có những chuyển biến toàn diện cả về chất và lượng; tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản thời kỳ 2014-2017 đạt 3%; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng lên từ 36,2 nghìn tỷ năm 2014 lên 37,7 nghìn tỷ năm 2017, tăng 4,1%.

Kinh nghiệm các nước phát triển như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc... khi xây dựng, triển khai chiến lược phát triển kinh tế đất nước đã rất chú ý đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh, chú trọng các nguồn lực sẵn có làm động lực phát triển, như: Đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý... Điển hình, phong trào mỗi làng một sản phẩm của Nhật Bản vào những năm 70 của thế kỷ trước; chương trình mỗi cộng đồng một sản phẩm của Thái Lan. Ở Việt Nam, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm đã được triển khai tại tỉnh Quảng Ninh, kết quả sau 4 năm đã cho thấy một hướng đi đúng đắn, sáng tạo trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường.

Từ kinh nghiệm thế giới và tình hình thực tế triển khai ở các địa phương, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 về phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là Chương trình OCOP). Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Chủ thể của chương trình là người dân, HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học- công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng. Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng NTM.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh có các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, có tiếng tăm, như: Chiếu Nga Sơn, tơ Hồng Đô, Trống đồng Đông Sơn, nem chua, chè lam Phủ Quảng, bánh gai Tứ Trụ, nước mắm Ba Làng, nón lá Trường Giang, kẹo nhãn, bưởi Luận Văn, cam vàng, quế ngọc Thường Xuân... đây được xem là điều kiện để tỉnh ta sớm có sản phẩm đáp ứng theo yêu cầu của Chương trình OCOP.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; có trên 160 sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế của các địa phương thuộc 6 nhóm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng do các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, làng nghề và hộ gia đình trong tỉnh sản xuất; có 155 làng nghề với 25 nghề truyền thống, trong đó đã công nhận 23 nghề truyền thống, 20 làng nghề và 47 làng nghề truyền thống; đã thành lập được 3 hiệp hội ngành hàng. Ngoài ra, tỉnh ta có nhiều danh lam, thắng cảnh có thể phát triển thành điểm dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng, tạo ra các sản phẩm phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu... đã và đang được quan tâm phát triển. Đây cũng chính là tiềm năng, lợi thế so sánh để Thanh Hóa bứt phá trong thực hiện chương trình.

Tuy đa dạng, phong phú về số lượng và chủng loại, song cũng như các địa phương khác trong cả nước, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của Thanh Hóa cũng còn bộc lộ những hạn chế và khó khăn, thách thức, như: Chất lượng chưa đáp ứng được các yêu cầu, mẫu mã hạn chế; sức cạnh tranh yếu; số lượng sản phẩm có thương hiệu ít; thị trường tiêu thụ nội địa vẫn là chính, chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu; một số sản phẩm nông nghiệp vẫn ở tình trạng “được mùa rớt giá”.. Nguyên nhân có nhiều, song chủ yếu vẫn là: Sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ; sản xuất thủ công; thiếu sự liên kết giữa các “nhà” với nông dân; thiếu đầu tư về khoa học - kỹ thuật, công nghệ, vốn, nguồn nhân lực, công tác xúc tiến thương mại; công tác định hướng và phát triển sản phẩm lợi thế ở một số địa phương còn lúng túng...

Xuất phát từ tình hình thực tế, tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 10-8-2018 về triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; đồng thời, giao Văn phòng Điều phối NTM tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu xây dựng và hoàn thiện đề án thực hiện chương trình trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt làm cơ sở cho các địa phương triển khai, thực hiện. Với định hướng là: Chương trình OCOP là sản phẩm địa phương nhưng phải được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia, hướng tới quốc tế, có tác động mạnh mẽ tới thương hiệu, chất lượng hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp của tỉnh nhà. Cần phải phát huy tính sáng tạo của cộng đồng dân cư, mỗi người dân và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong môi trường kinh tế thị trường. Theo đó, các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện được tập trung vào những vấn đề sau:

Về nhiệm vụ: Tập trung quan tâm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM...

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả về cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình xây dựng NTM; xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa,

(Xem tiếp trang 17)

(Tiếp theo trang 6)

quy mô lớn, công nghệ cao; xây dựng được thương hiệu một số sản phẩm có lợi thế; tập trung nâng cấp và phát triển 1-2 sản phẩm OCOP cấp quốc gia; 5-10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh; 20-30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp huyện.

Về giải pháp: Đẩy mạnh công tác truyên truyền, truyền thông đến tất cả các cấp, các ngành, các chủ thể kinh tế và nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, triển khai thực hiện chương trình. Xây dựng hệ thống chỉ đạo, thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở và Văn phòng Điều phối NTM các cấp, có bộ phận chuyên trách triển khai Chương trình OCOP. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng sản phẩm; phát triển sản phẩm gắn với tiêu thụ, đào tạo nguồn nhân lực; đặc biệt, phát huy được tính sáng tạo của các tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư trong thực hiện chương trình. Huy động có hiệu quả nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức kinh tế để thực hiện chương trình. Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở, làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản xứ Thanh. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP cấp tỉnh và cấp quốc gia...

Có thể khẳng định, việc triển khai Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa là hướng đi đúng, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng sản xuất là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng NTM, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng bền vững.

Nguyễn Đức Quyền,

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]