(Baothanhhoa.vn) - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã giải phóng hoàn toàn miền Bắc Việt Nam. Nhưng, nơi “miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam” vẫn đau thương chìm trong bom đạn. Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới, thực hiện chủ trương lớn của Trung ương, các địa phương 2 miền đã thi đua kết nghĩa, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chính trị lớn là thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bắc - Nam kết nghĩa, Thanh Hóa - Quảng Nam son sắt nghĩa tình

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã giải phóng hoàn toàn miền Bắc Việt Nam. Nhưng, nơi “miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam” vẫn đau thương chìm trong bom đạn. Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới, thực hiện chủ trương lớn của Trung ương, các địa phương 2 miền đã thi đua kết nghĩa, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chính trị lớn là thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Bắc - Nam kết nghĩa, Thanh Hóa - Quảng Nam son sắt nghĩa tìnhPhiên bản chùa Cầu – Di sản Văn hóa thế giới được Nhân dân Quảng Nam đóng góp, xây dựng tặng Nhân dân Thanh Hóa dịp kỷ niệm 55 năm kết nghĩa. Ảnh: M.H

Ngày 20-7-1959, mở đầu sự kiện lịch sử kết nghĩa giữa các tỉnh, thành phố hai miền Bắc - Nam, là lễ kết nghĩa giữa 2 tỉnh Hà Nam - Biên Hòa. Từ đây, phong trào kết nghĩa lan tỏa mạnh mẽ và thổi bùng khắp cả nước. Chưa đầy 10 tháng sau sự kiện ấy, các địa phương Hải Dương - Phú Yên, Nam Định - Mỹ Tho, Hà Tĩnh - Bình Định, Thanh Hóa - Quảng Nam, Bắc Giang - Sóc Trăng, Hải Phòng - Đà Nẵng... trang trọng tổ chức lễ kết nghĩa. Hà Nội - Huế - Sài Gòn, ba địa phương đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam, những thành phố cuối cùng trong cả nước cũng tổ chức lễ kết nghĩa vào ngày 8-10-1960, tại Ba Đình, Hà Nội, thể hiện ý chí quyết tâm “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” và “chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Lễ kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam được tổ chức trang trọng, thiêng liêng tại Nhà hát Nhân dân, thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) vào 20h ngày 12-3-1960. Hơn 20.000 đại biểu các cơ quan Đảng, chính quyền, chiến sĩ, Nhân dân trong tỉnh và đoàn đại biểu tỉnh bạn đã cùng tham dự. Tại lễ mít tinh, thay mặt Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Xuân Thúy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã đọc diễn văn khai mạc, nêu lên ý nghĩa to lớn của việc kết nghĩa, nhằm tăng thêm tình đoàn kết Bắc - Nam ruột thịt, tăng thêm tinh thần kiên quyết đấu tranh giành thống nhất nước nhà. “Kết nghĩa với Quảng Nam, chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn những công việc chúng ta đã và sẽ làm. Chúng ta thấy rằng, một nửa tỉnh của chúng ta ở miền Nam tức là tỉnh Quảng Nam chưa được giải phóng, chưa được tự do, no ấm. Điều đó càng cổ vũ, thúc đẩy chúng ta ra sức làm tốt mọi nhiệm vụ cách mạnh để góp phần mau chóng giải phóng Quảng Nam”.

Sau lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh, lần lượt các địa phương 2 tỉnh cũng “tìm về với nhau” trong niềm tin sắt son, nguyện “đi bên nhau” trong sự nghiệp xây dựng XHCN và giải phóng toàn vẹn nước nhà. Thị xã Thanh Hóa kết nghĩa với thị xã Hội An, huyện Tĩnh Gia với huyện Đại Lộc, huyện Hoằng Hóa với huyện Điện Bàn, huyện Đông Sơn với huyện Thăng Bình, huyện Quảng Xương với huyện Hòa Vang, huyện Thọ Xuân với huyện Quế Sơn, huyện Triệu Sơn với huyện Tam Kỳ, huyện Nông Cống với huyện Duy Xuyên, huyện Nga Sơn với huyện Tiên Phước.

Ngay sau lễ kết nghĩa, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát động nhiều chiến dịch, nhiều phong trào thi đua yêu nước, động viên, cổ vũ Nhân dân trong toàn tỉnh tham gia sôi nổi với tinh thần “vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa”. Chiến dịch “Đông Xuân - Điện Biên - Thanh Hóa - Quảng Nam quyết thắng”, các phong trào “thi đua làm việc bằng 2 vì miền Nam ruột thịt”, “Ta tiến công ra đồng, như Quảng Nam xông vào đồn giặc”; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tuổi nhỏ, chí lớn làm việc anh hùng”,“ vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa”,... đã lan tỏa khắp hậu phương Thanh Hóa thân yêu. Trên địa bàn Thanh Hóa, khắp nơi mọc lên những cánh đồng Quảng Nam, đường cây Quảng Nam, con mương Quảng Nam, sáng kiến thi đua mang tên Quảng Nam và trăm ngàn thành tích đẹp đẽ của Nhân dân, cán bộ tỉnh ta. Vì “người anh em kết nghĩa chí thiết”, hậu phương Thanh Hóa đã dốc sức, dốc lòng nỗ lực sản xuất, xây dựng XHCN, chi viện cho tiền tuyến Quảng Nam anh dũng đứng lên tranh đấu. Tinh thần ấy đã được nhà thơ Hữu Ngôn vận vào những vần thơ đẹp: “Sông Thu Bồn trăng sáng như gương. Gợi nhớ những điệu hò sông Mã. Cánh đồng Triệu Sơn nhớ ruộng đồng Quế Sơn trải lụa. Điệu hát Thăng Bình giục mùa năm tấn Đông Sơn”.

Cũng trong những năm tháng ấy, tỉnh Thanh Hóa đã huy động hàng chục vạn thanh niên nam nữ vào miền Nam chiến đấu. Đối với tỉnh Quảng Nam kết nghĩa, Thanh Hóa đã cử hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho các đơn vị giải phóng quân địa phương. Có những thời điểm, 1/2 số quân của các đơn vị làm nhiệm vụ trên chiến trường Quảng Nam (Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 89 đặc công, Bệnh xá 78,...) là con em Thanh Hóa. Đặc biệt, trong những đoàn quân trùng điệp ấy, có Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn được Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo thành lập, huấn luyện để tăng cường cho chiến trường Quảng Nam. Đơn vị đặc biệt với 500 chiến sĩ tinh nhuệ, là tinh hoa của tuổi trẻ xứ Thanh này được mệnh danh là “Quả đấm thép” của Thanh Hóa trên đất Quảng Nam, với hàng trăm trận lớn, nhỏ, tiêu diệt hàng ngàn tên Mỹ, ngụy, phá hủy nhiều máy bay, xe tăng, vũ khí của địch, lập nên nhiều chiến công vang dội trên khắp các mặt trận Hòa Vang, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn..., làm kẻ thù khiếp sợ.

Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa cũng đã kịch liệt lên án những hành động dã man, tội ác tày trời của Mỹ - Diệm. Ngày 15-2-1965, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh Thanh Hóa đã ra tuyên bố kịch liệt lên án Mỹ và tay sai tàn sát dã man 40 đồng bào ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam); ngày 20-3-1965, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ra tuyên bố kịch liệt tố cáo bọn xâm lược Mỹ ném bom phá hủy Trường Mận Quảng, ở xã Hòa Thuận, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, làm 48 người chết, trong đó có 45 em học sinh và nhiều người bị thương. Bản tuyên bố kêu gọi cán bộ, đồng bào toàn tỉnh: “Hãy ra sức phát huy chiến công, luôn luôn tay cày, tay súng, tay búa, tay súng, thi đua mỗi người làm việc bằng 2, đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu cùng đồng bào Quảng Nam kết nghĩa, đồng bào miền Nam ruột thịt”. “Chia lửa” với Quảng Nam, quân và dân Thanh Hóa đã đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại mang tính hủy diệt bằng lực lượng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ.

Đáp lại tình cảm, sự hy sinh lớn lao của Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa kết nghĩa, Quảng Nam đã anh dũng chiến đấu ngoan cường, lập nhiều chiến công xuất sắc, đi đầu trong phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” ở miền Nam. Từ đó, từng bước đánh bại các chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - Ngụy, xứng đáng danh hiệu “Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Những chiến công oanh liệt ở chiến trường Quảng Nam đã góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà.

Bắc - Nam kết nghĩa, Thanh Hóa - Quảng Nam son sắt nghĩa tình

Đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và đồng chí Nguyễn Xuân Thúy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chụp ảnh lưu niệm với Đoàn tuồng Thanh Quảng tại Thư viện Thanh Hóa – Quảng Nam. Ảnh: Tư liệu

Trong những bức thư chan chứa ân tình mà 2 tỉnh anh em Thanh Hóa - Quảng Nam gửi tới nhau, là những tình cảm sắt son bền chặt, gắn kết không rời. Mỗi chiến công vang dội, là sự hòa quện của lòng căm thù mãnh liệt, của ý chí quyết tâm, của mối tình keo sơn cùng động viên nhau trong chiến đấu và sản xuất. Nếu như, Quảng Nam có những tấm gương can trường anh dũng Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Vân, má Kham, má Tơ, rồi cô Năm, em Hợi, anh Tám dám “thi gan” với kẻ thù... thì Thanh Hóa có Ngô Thị Tuyển, có đội nữ dân quân Hoa Lộc bắn rơi máy bay bằng súng bộ binh, có hàng ngàn tấm gương thi đua đạt thành tích cao trong sản xuất...

Trong thư của đồng bào tỉnh Quảng Nam gửi đồng bào Thanh Hóa dịp Tết Nguyên đán 1963, có viết: “Đồng bào chúng tôi luôn động viên nhau đoàn kết keo sơn, quyết tâm cao độ, vươn mình lên để cứu nước. Đồng bào Quảng Nam - Thanh Hóa chúng ta sẽ quyết tâm phấn đấu hơn nữa để mối tình kết nghĩa giữa 2 tỉnh chúng ta càng thêm thắm thiết. Miền Bắc ra sức xây dựng thắng lợi XHCN, miền Nam đoàn kết đấu tranh đánh đổ Mỹ - Diệm, để rồi một ngày mai không xa, chúng ta sẽ cùng nhau nắm chặt tay xây dựng một nước Việt Nam đầy tự do và hạnh phúc”.

Và, ngày Quảng Nam - Đà Nẵng giải phóng như vỡ òa niềm mong mỏi, hạnh phúc trong gần 2 triệu trái tim đồng bào, chiến sĩ tỉnh Thanh. Hòa bình lập lại, non sông đã về một mối, sau hàn gắn vết thương chiến tranh, Đảng bộ và Nhân dân hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam đang cùng nhau viết tiếp nên những trang sử đẹp. Ở đó, “mối tình Thanh - Quảng, nghìn thu không mờ” sẽ mãi mãi thắm tươi trên những công trình dấu ấn, những hoạt động kết giao, trong tâm tưởng của mỗi người, mỗi nhà nơi quê hương Thanh - Quảng.

Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]