Armenia gia nhập Liên minh châu Âu: Không gian hậu Xô Viết sẽ có những thay đổi lớn
Ngày 26/3, Quốc hội Armenia đã thông qua dự luật khởi động tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong lần đọc thứ hai và cũng là cuối cùng. Đây được xem là bước tiến đưa Armenia trở thành thành viên của EU, đánh dấu những thay đổi lớn về cục diện chính trị-quân sự trong không gian hậu Xô Viết thời gian tới.
Động lực thúc đẩy Armenia gia nhập EU
Thứ trưởng Ngoại giao Armenia Paruyr Hovhannisyan lưu ý dự luật không phải là đơn chính thức xin gia nhập EU, mà chỉ thể hiện mong muốn tăng cường quan hệ giữa Yerevan với với Brussels. Tới đây, Armenia sẽ phê duyệt chương trình nghị sự hợp tác mới với EU theo luật đã thông qua.
Chính quyền Armenia lần đầu tiên công bố kế hoạch bắt đầu hội nhập châu Âu vào tháng 3 năm 2024. Sáu tháng sau, vào ngày 11 tháng 9, đơn xin trình lên Quốc hội dự luật về việc nước cộng hòa này gia nhập EU đã chính thức được đăng ký. Dự luật trên, được các nghị sĩ của đảng Khế ước Dân sự cầm quyền ủng hộ, nhấn mạnh quyết tâm khởi động tiến trình gia nhập EU.
Cơ sở cho dự luật nêu rằng, mục đích là “khẳng định ý chí và quyết tâm của người dân Armenia và chính quyền hiện tại trong việc gia nhập vào gia đình nhân loại tiến bộ, văn minh và phát triển”. Theo Armenia, luật này sẽ “tăng cường củng cố chủ quyền và tính bền vững” của đất nước, đồng thời góp phần vào các tiến trình sau: (1) Thiết lập hòa bình và ổn định trong khu vực thông qua việc khôi phục lại cán cân quyền lực và đưa quân đội Armenia ngang bằng với các tiêu chuẩn của lực lượng vũ trang các nước EU; (2) Tăng cường an ninh kinh tế thông qua việc xóa bỏ độc quyền, tăng năng suất lao động và chất lượng hàng hóa, dịch vụ; (3) Tiếp cận đầu tư và công nghệ, khởi động lại ngành công nghiệp, tạo ra các liên kết hậu cần; (4) Tăng cường an ninh dân số, tạo ra việc làm mới, nâng cao mức sống của người dân; (5) Thúc đẩy phát triển giáo dục, văn hóa theo các giá trị toàn châu Âu và hình thành một không gian văn minh thống nhất.
Theo RBC, nhà khoa học chính trị người Armenia Johnny Melikyan nhận định, quyết định của Quốc hội Armenia là bước tiến dài thúc đẩy Armenia gia nhập EU. Điều này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga-Armenia đối mặt với nhiều sóng gió liên quan đến vấn đề tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan. Armenia tỏ ra không hài lòng vì Nga đã không gây sức ép đủ lớn để buộc Azerbaijan tuân thủ các lệnh ngừng bắn và ngăn chặn tình trạng căng thẳng leo thang, đồng thời nghi ngờ vai trò của Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga trong bối cảnh, Azerbaijan có xu hướng tăng cường sử dụng sức mạnh quân sự nhằm vào Armenia và lực lượng ly khai ở Nagorno-Karabakh. Chiến dịch quân sự của Azerbaijan vào ngày 19-20/9/2023 và giành quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực Nagorno-Karabakh như “giọt nước tràn ly”, khiến niềm tin của Armenia trông chờ vào sự bảo vệ của Nga đi đến giới hạn. Trong bối cảnh đó, Armenia hướng tới châu Âu như một phần trong nỗ lực liên tục nhằm đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và giảm bớt ảnh hưởng của Nga.
Còn với châu Âu, có vẻ như châu Âu đã thành công trong việc khai thác khoảng trống do căng thẳng Nga-Armenia để lại. Thông qua tăng cường quan hệ với Armenia, châu Âu không chỉ có thể khai thác tiềm năng to lớn trong hợp tác kinh tế, năng lượng, mà còn làm suy giảm ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xô Viết. Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đang đi ngược lại mong muốn của châu Âu xuất phát từ các cuộc đàm phán Mỹ-Nga, châu Âu có trong tay những phương án khác để có thể gây sức ép lên Nga và buộc Nga phải nhượng bộ.
Cục diện chính trị-quân sự trong không gian hậu Xô Viết thời gian tới
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nhấn mạnh rằng, quyết định gia nhập EU không thể được đưa ra ở cấp độ luật pháp hay nghị định của chính phủ, mà đòi hỏi phải có một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc. Phát biểu tại một cuộc họp chính phủ ngày 9/1/2025, ông Pashinyan khẳng định, “trong bất kỳ kịch bản nào, Armenia chỉ có thể trở thành thành viên của EU nếu một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức và theo thủ tục do Hiến pháp Armenia thiết lập”.
Chuyên gia Johnny Melikyan nhận định, mặc dù chưa công bố ngày cụ thể, song cuộc trưng cầu dân ý về việc Armenia gia nhập EU sẽ khó xảy ra trong tương lai gần, nhất là trong bối cảnh không gian hậu Xô Viết đang diễn biến phức tạp, khó lường do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Với quyết định này, Yerevan đang gửi tín hiệu đến Brussels rằng họ đã sẵn sàng làm việc về hội nhập châu Âu; đồng thời, cho thấy chủ trương đối ngoại của Armenia là cân bằng lợi ích giữa các nước lớn, ưu tiên hợp tác với các nước phương Tây, thay vì ngả hẳn về phía Nga như trước đây.
Trong khi đó, nhà khoa học chính trị người Armenia Grant Mikaelyan cho rằng, dự luật gia nhập EU của Chính phủ Armenia cũng mang chiều hướng chính trị trong nước. Hiện tại, Chính phủ Armenia đã thuyết phục được khoảng 2/3 người dân nước này về nhu cầu gia nhập EU và việc tổ chức trưng cầu dân ý cùng với các quốc bầu cử Quốc hội Armenia (dự kiến diễn ra vào năm 2026) sẽ giúp Thủ tướng Nikol Pashinyan đạt được mục tiêu.
Thời gian tới, song song với việc thúc đẩy lộ trình để trở thành một thành viên của EU, Armenia sẽ tăng cường hợp tác với các nước châu Âu. Các lĩnh vực hợp tác chính của Armenia với các nước châu Âu là nhằm cải cách nền chính trị, pháp lý, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng mở rộng hợp tác thương mại với các nước phương Tây.
Trong khi đó với Nga, việc Armenia ngả theo hướng châu Âu là kịch bản mà Nga hoàn toàn không hề mong muốn, bởi điều này phản ánh thực tế là ảnh hưởng của Nga ở không gian hậu Xô Viết đang bị suy yếu nghiêm trọng. Nga vẫn rất coi trọng mối quan hệ đồng minh với Armenia vì vai trò, vị trí quan trọng của Yerevan đối với môi trường an ninh Nga, nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng và là vùng đệm an ninh chiến lược của Nga. Do đó, Nga sẽ đặt ra “giới hạn đỏ” mà Armenia không thể bước qua và gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với môi trường an ninh Nga, chẳng hạn như việc gia nhập NATO hay cho phép lực lượng quân sự NATO hiện diện, đồn trú trên lãnh thổ Armenia.
Mặc dù quan hệ song phương đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng Armenia vẫn phụ thuộc kinh tế rất lớn vào Nga. Ngày 8/2/2025, Đại sứ Nga tại Armenia Sergei Kopyrkin cho biết, kim ngạch thương mại giữa Nga và Armenia năm 2024 đạt 12 tỷ USD, con số kỷ lục trong hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước. Sự tăng trưởng trong kim ngạch thương mại giữa hai nước là kết quả của sự phát triển tích cực trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU). Trong khi đó, như một thông điệp nhằm “nắn gân” Armenia, ngày 29/1/2025, TASS trích dẫn tuyên bố của Phó Thủ tướng Nga Alexei Overchuk khẳng định, Moscow công nhận “quyền chủ quyền của Armenia trong việc phát triển quan hệ theo mọi hướng”, nhưng tư cách thành viên EU không tương thích với việc tham gia EAEU. Tức là đối với Nga, việc Armenia thúc đẩy gia nhập EU cũng chính là sự khởi đầu của việc rời khỏi EAEU.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-03-28 15:54:00
Tổng thống Trump ký sắc lệnh chống lại công ty luật từng dính líu tới vụ điều tra ông
-
2025-03-27 15:15:00
Các dấu hiệu của xung đột Mỹ - Iran đang hiện hữu
-
2025-03-25 11:05:00
Vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân: Khi các nước cần bồi đắp thêm lòng tin
100 ngày trên “ghế nóng” của Thủ tướng Pháp François Bayrou
Tự chủ chiến lược hay là sự cô đơn, lạc lõng?
Nga sẽ “luôn sẵn sàng với mọi bước ngoặt” trong quan hệ với Mỹ
Sự tan băng Mỹ - Nga và tác động đối với trật tự thế giới
Fed giữ nguyên lãi suất gây ra nhiều phản ứng trên thị trường tài chính
Biển Đỏ “dậy sóng”
Trung Đông - điểm nóng an ninh đáng lo ngại
Damascus 2.0 - Những thách thức cũ đối với “Syria mới”
Bài toán cân bằng của Fed giữa những bất ổn chính sách của ông Trump