(Baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, những năm gần đây, huyện Như Thanh đã thực hiện các giải pháp để thay đổi tập quán sản xuất của người dân, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn ở huyện Như Thanh

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, những năm gần đây, huyện Như Thanh đã thực hiện các giải pháp để thay đổi tập quán sản xuất của người dân, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn ở huyện Như ThanhDiện tích rau màu của HTX rau an toàn Xuân Thọ, xã Yên Thọ được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Từ năm 2016, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Như Thanh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ..., với tổng diện tích hơn 100 ha rau, quả an toàn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ mang lại thu nhập mà còn hình thành tư duy sản xuất mới gắn với nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Tiêu biểu, như: vùng trồng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Yên Lạc; vùng trồng rau màu VietGAP tại các xã Mậu Lâm, Yên Thọ và hàng chục mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAP... Tại những vùng sản xuất tập trung, người dân đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới vào sản xuất, như: áp dụng nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, nhỏ giọt và sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)...

Ông Bùi Ngọc Thân, giám đốc HTX rau an toàn Xuân Thọ (xã Yên Thọ), cho biết: Từ năm 2018, HTX rau an toàn Xuân Thọ được thành lập với 43 hộ tham gia sản xuất. Ðể bảo đảm sản xuất an toàn, HTX đã chủ động và tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “bốn đúng” gồm: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Đồng thời, hướng dẫn người dân lựa chọn các loại thuốc có hiệu lực cao, thời gian cách ly ngắn và ít độc đối với sinh vật có ích, ít gây hại với người tiêu thụ sản phẩm... Nhờ vậy, các sản phẩm nông sản của HTX những năm qua luôn bảo đảm chất lượng. Hiện, sản lượng rau an toàn bình quân của HTX đạt khoảng 40 - 50 tấn/năm, lợi nhuận đạt gần 180 triệu đồng/ha/năm.

Cùng với sản phẩm rau an toàn, nhiều năm trở lại đây, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã quen thuộc với một số sản phẩm nông nghiệp an toàn có xuất xứ từ huyện Như Thanh, như: nấm hữu cơ, gà đồi, lợn cỏ... Anh Trần Mạnh Quý, xã Xuân Du là một trong những cơ sở cung cấp thịt gà an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Quý chia sẻ: Sau khi học hỏi, tham khảo các mô hình phát triển sản xuất và nhu cầu thị trường, tôi đã phát triển mô hình trồng đào cảnh kết hợp nuôi gà thả vườn. Năm 2015, quy mô sản xuất gồm 200 gốc đào và 200 con gà trống. Sau nhiều lứa gà tiêu thụ trên thị trường, nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng, tôi đã nhân rộng đàn gà lên đến 1.500 con/lứa và triển khai nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Để sản phẩm có nguồn gốc và đầu ra ổn định, tôi đã tham gia câu lạc bộ nuôi gà an toàn dưới tán cây, với 22 thành viên. Thông qua câu lạc bộ, tôi và các thành viên khác đã có điều kiện trao đổi kinh nghiệm và ổn định được đầu ra cho sản phẩm gà an toàn. Hiện, sản phẩm gà an toàn của tôi đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Thanh cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm gà thịt của mô hình được bán cho các tiểu thương, siêu thị, đại lý, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, lợi nhuận đạt khoảng 200 triệu đồng/năm.

Được biết, để từng bước thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân, thời gian qua, huyện Như Thanh đã vận dụng linh hoạt nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp an toàn, như: hỗ trợ phát triển nhà màng, nhà lưới; kinh phí đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm... Ông Vũ Hữu Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Thanh, cho biết: Với hơn 2.826 ha cây trồng theo hướng thâm canh, nhưng mới chỉ có khoảng 6 ha được chứng nhận VietGAP. Thực tế cho thấy, hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp an toàn đạt lợi nhuận từ 150 triệu đồng/ha/năm trở lên, vì vậy UBND huyện tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ để người dân sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Theo kế hoạch, đến hết năm 2021, huyện Như Thanh sẽ chuyển đổi khoảng 600 ha đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp sang chuyên canh rau, quả theo các quy trình sản xuất an toàn. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 20% diện tích lúa; 100% diện tích rau trồng trong nhà lưới, nhà màng; 10% cây ăn quả; 5% diện tích nuôi trồng thủy sản được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP và thu hút thêm 7 dự án đầu tư phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Bài và ảnh: Thanh Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]