(Baothanhhoa.vn) - Bước chân vội vã như chạy, đôi bàn tay thuần thục với những thao tác sơ cứu người bệnh, sự tập trung cao độ của những điều dưỡng viên là những gì chúng tôi nhìn thấy khi vừa bước chân vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Chứng kiến một buổi làm việc của những họ, chúng tôi mới thấu hiểu nghề điều dưỡng thực sự là một nghề vất vả với không ít khó khăn và những hi sinh thầm lặng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thầm lặng nghề điều dưỡng

Bước chân vội vã như chạy, đôi bàn tay thuần thục với những thao tác sơ cứu người bệnh, sự tập trung cao độ của những điều dưỡng viên là những gì chúng tôi nhìn thấy khi vừa bước chân vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Chứng kiến một buổi làm việc của những họ, chúng tôi mới thấu hiểu nghề điều dưỡng thực sự là một nghề vất vả với không ít khó khăn và những hi sinh thầm lặng.

Thầm lặng nghề điều dưỡng

Hết lòng chăm sóc, tận tâm cứu chữa là phương châm làm việc của những người điều dưỡng.

Chị Đặng Thị Thu, Điều dưỡng trưởng của bệnh viện tiếp chúng tôi khi đang hoàn thành nốt các thủ tục giấy tờ. Phía sau tập hồ sơ chồng cao trên bàn, chị Thu vội nói: “Cô thông cảm, tôi dở tay một chút”. Biết đã làm phiền chị, trong lúc chờ chị làm xong, tôi đứng ra hành lang quan sát những hoạt động của y, bác sỹ, bệnh nhân và người đi thăm khám. Những gì diễn ra ngay trước mắt cho tôi cảm nhận dường như hiếm có nơi nào mọi hoạt động lại diễn ra gấp gáp, vội vã như ở bệnh viện. Người nhà bệnh nhân thì tay xách nách mang nào phích, nào chăn, rồi làn quần áo, sổ khám bệnh, phiếu siêu âm, xét nghiệm... Những nhân viên “áo trắng” cũng liên tục đi lại, di chuyển từ phòng này sang phòng khác. Thỉnh thoảng, những băng cáng chở bệnh nhân lại vội vã lướt qua trong sự lo lắng của người nhà và sự tập trung cao độ của người điều dưỡng.

Viết xong tờ giấy cuối cùng, chị Thu cởi mở cho biết: Toàn bệnh viện có 555 điều dưỡng viên công tác tại 42 khoa, phòng và trung tâm. Công việc chính của các chị là đón tiếp, phối hợp với bác sỹ để điều trị, chăm sóc sóc bệnh nhân, hoàn thành các thủ tục hồ sơ bệnh án khi bệnh nhân ra viện… Để nói về sự vất vả của nghề này thì nhiều lắm. Số lượng bệnh nhân đông với nhiều ca bệnh nặng được chuyển lên từ các cơ sở y tế tuyến dưới khiến áp lực do công việc nhiều, cường độ làm việc cao. “Đã đến với nghề này là phải chấp nhận nhiều thiệt thòi, hi sinh nhu cầu cá nhân và gia đình”, chị Thu hiền hậu nói.

Mỗi buổi trực là một đêm thức dài căng thẳng, làm việc trái giờ gây nhiều mệt mỏi nhưng lúc nào cũng phải tỉnh táo để ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong đêm. Với những ca trực phụ, người điều dưỡng dù không bắt buộc phải có mặt ở cơ quan nhưng khi có lệnh cấp cứu thì lập tức trong vòng 10 đến 15 phút phải có mặt kịp thời để theo xe hộ tống bệnh nhân ra các bệnh viện tuyến trung ương dù khi ấy là nửa đêm hay mờ sáng. Trách nhiệm với công việc và lương tâm nghề nghiệp không cho phép họ chậm trễ. Nhiều bữa cơm trực đành bỏ dở khi bệnh nhân diễn biến nặng hoặc có ca mới chuyển vào. Có không ít những điều dưỡng là người mẹ trẻ phải gửi con nhỏ cho gia đình để đến viện trực đêm, tận tụy chăm sóc người bệnh. Dịp lễ tết, khi mọi người đang quây quần bên gia đình hay vui vẻ với những chuyến du lịch cũng là lúc những nhân viên y tế phải thay phiên nhau miệt mài với công việc. Buồn có, mệt mỏi có, tủi thân cũng nhiều nhưng trên hết, sức khỏe và tính mạng người bệnh thôi thúc họ gác lại những nhu cầu cá nhân để làm công việc cứu người cao cả.

Để tìm hiểu thêm về công việc của người điều đưỡng, chúng tôi đến Khoa Cấp cứu vào ngày đầu tuần. Theo quan sát, phòng nào cũng chật kín người bệnh, hành lang được tận dụng để xếp cả dãy giường, các y, bác sỹ không ngừng đi lại thăm khám, tiêm truyền…, mỗi người một việc, miệt mài và lặng lẽ. Chị Lương Thị Nga Linh, Điều dưỡng trưởng của khoa, người có thâm niên 22 năm trong nghề, say sưa chia sẻ với chúng tôi như muốn gửi gắm những tâm tư, nhiệt huyết của một người trải nghề: Vất vả là đặc trưng chung của nghề điều dưỡng chứ không riêng gì khoa chị. Tuy nhiên theo chị, vất vả, mệt mỏi không là gì so với áp lực công việc cũng như những sức ép, rủi ro từ bệnh nhân và người nhà dồn đến. Nhiều khi phía người bệnh vì có hiểu sai về công việc của người làm nghề y nên đã buông những lời lẽ trách móc, xúc phạm, thậm chí cả hành vi gây gổ, hành hung nhân viên y tế khiến những lương y như chị không ít lần tổn thương. Chị Linh nhớ lại trường hợp cả đám thanh niên khoảng 20 người mặt mày dữ tợn, xăm kín cánh tay vây quanh khu vực cấp cứu để đe dọa chính những người đang giúp cho bạn họ qua cơn nguy kịch. Hay một cô gái trẻ mắc bệnh lây truyền qua đường máu có biểu hiện dùng ma túy tổng hợp, giật dây truyền be bét máu rồi bỏ chạy khiến các nhân viên y tế phải rất vất vả, phối hợp với bảo vệ bắt giữ để tiếp tục cứu chữa. Những lúc ấy, ngoài sự vất vả, mệt nhọc thì những rủi ro nghề nghiệp luôn rình rập, đe dọa đến sự an toàn cho chính bản thân người thầy thuốc.

Cuộc trò chuyện với chị Linh thường xuyên bị gián đoạn bởi người điều dưỡng này liên tục đưa mắt quan sát các bệnh nhân phía trước, lúc lại vội vã chạy qua đỡ một bệnh nhân đang chập chững tập đi, khi chị phải lưu ý các nhân viên của mình về một vài trường hợp đang theo dõi… Trong ánh mắt sâu thẳm của chị, ngoài ngọn lửa nhiệt huyết, thiết tha yêu nghề, tôi còn cảm nhận rõ có sự băn khoăn, trăn trở như vẫn còn xen lấn bên trong. Dường như hiểu được suy nghĩ của tôi, chị Linh tiếp lời: “Công việc người điều dưỡng liên quan đến sức khỏe, tính mạng, sự sống còn của con người. Chỉ một sơ suất nhỏ thôi cũng có thể dẫn đến hậu quả lớn nên những người theo nghề này không bao giờ dám lơ là, chủ quan dù chỉ trong giây phút. Không ít lần chúng tôi cảm thấy xót xa, day dứt khi đã cố gắng hết sức, hết lòng cứu chữa nhưng vẫn không mang lại cuộc sống cho nhiều người bệnh quá nặng”. Với chị Linh, ngoài trách nhiệm với công việc thì lương tâm nghề nghiệp chính là nhân tố thôi thúc chị sáng suốt hơn, chuẩn mực hơn với sứ mệnh mà xã hội giao phó.

Do đặc thù công việc trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, điều dưỡng viên như người làm dâu trăm họ. Mỗi bệnh nhân một tính cách, nỗi đau đớn bệnh tật làm họ trở nên khó tính, khó chiều. Bên cạnh vai trò là người thầy thuốc, điều dưỡng viên nhiều lúc còn trở thành chuyên gia tâm lý, xem bệnh nhân như người nhà, nhẫn nại lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng, giúp người bệnh vơi đi những đau đớn mà yên tâm chữa trị. Với những người như chị Thu, chị Linh, nụ cười rạng rỡ cùng lời chào, lời cảm ơn chân thành của bệnh nhân khi xuất viện chính là niềm vui mà các chị luôn mong muốn được đón nhận mỗi ngày, tiếp thêm sức mạnh và động lực cho các chị càng yêu nghề hơn.

Vẫn biết chọn nghề điều dưỡng là lựa chọn con đường nhiều vất vả và áp lực nhưng mỗi điều dưỡng viên đều có một lý do riêng để đến với nghề. Chúng tôi biết, dù lý do gì đi nữa thì ở họ vẫn có một điểm chung là lòng yêu nghề sâu sắc, sự tận tâm và can đảm, tình thương và trách nhiệm đối với người bệnh.

Thu Hà


Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]