(Baothanhhoa.vn) - Thời tiết mùa đông - xuân rất thuận lợi cho các bệnh dịch truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, như tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, các bệnh cúm, tiêu chảy, liên cầu lợn... Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh được ngành y tế rất chú trọng.

Nỗ lực phòng chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm mùa đông - xuân

Thời tiết mùa đông - xuân rất thuận lợi cho các bệnh dịch truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, như tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, các bệnh cúm, tiêu chảy, liên cầu lợn... Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh được ngành y tế rất chú trọng.

Nỗ lực phòng chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm mùa đông - xuânCác cơ sở y tế luôn chủ động các cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh.

Xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc giúp người dân chủ động chăm sóc bảo vệ sức khỏe, ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cho người dân những kiến thức cơ bản về phòng chống dịch bệnh, như nguyên nhân, triệu chứng, cách phát hiện bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng; vận động Nhân dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm, giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân. Ngành cũng đã chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, thiết bị, phương tiện để triển khai các biện pháp bao vây, khống chế, xử lý dịch kịp thời khi phát hiện sự xâm nhập và không để dịch bùng phát trên diện rộng. Tại các bệnh viện, việc khám, sàng lọc dịch bệnh ngay từ phòng khám cũng được chú trọng; đồng thời thành lập đội cấp cứu, chống dịch ngoài bệnh viện, bảo đảm đủ cơ sở số thuốc điều trị tại chỗ và dự phòng, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Mạng lưới y tế dự phòng cũng đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, theo dõi, giám sát dịch bệnh trên địa bàn, nhất là các ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời. Nhờ nắm chắc tình hình diễn biến của các loại dịch bệnh, chủ động triển khai các hoạt động dự phòng có hiệu quả, nên tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh luôn được kiểm soát tốt, không để xảy ra các ổ dịch ở cộng đồng dân cư.

Thời điểm này, tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa lượng bệnh nhân gia tăng, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khám từ 700 đến 1.000 bệnh nhân; nhiều trẻ nhập viện có các biểu hiện lâm sàng sốt cao, tiêu chảy, viêm kết mạc mắt, khó thở, thở nhanh, trong đó có nhiều trẻ có diễn tiến nặng, biến chứng viêm phổi, suy hô hấp. Số trẻ nhập viện do mắc các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu cũng gia tăng.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm phát triển. Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ vẫn còn chưa hoàn thiện nên rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh đến từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Khi mắc bệnh, trẻ dễ có diễn tiến nặng hơn người lớn. Để tránh lây nhiễm chéo, bệnh viện tổ chức phân luồng những trẻ có biểu hiện lâm sàng của bệnh truyền nhiễm khám ở phòng khám riêng.

Tại huyện Thạch Thành - một trong những địa phương có nhiều địa bàn từng là trọng điểm của dịch sốt xuất huyết, đến thời điểm này mọi chỉ số giám sát về côn trùng đều thấp. Trung tâm Y tế huyện thường xuyên tổ chức các đợt điều tra giám sát dịch ở cơ sở. Ngoài việc tổ chức các chiến dịch phun hóa chất, tẩm màn tại các vùng sốt rét lưu hành và vùng trọng điểm, tập trung các hoạt động giám sát vệ sinh môi trường, cán bộ y tế làm công tác dự phòng còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân cách phát hiện các loại dịch bệnh và biện pháp dự phòng tại cộng đồng. Ở nhiều thôn, bản, cán bộ y tế còn giúp dân thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm quanh nhà, tạo không gian sinh hoạt thoáng đãng để ngăn chặn sự phát triển của muỗi và các loại côn trùng có khả năng truyền bệnh khác.

Trao đổi với bác sĩ Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được biết, để chủ động và kịp thời ngăn chặn các dịch bệnh mùa đông - xuân, hạn chế tối đa những tác hại có thể xảy ra cho sức khỏe và tính mạng của người dân, thời gian qua bên cạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, trung tâm đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh phát sinh và phát triển. Trong đó, chú trọng giám sát dịch tễ các địa bàn có ổ dịch cũ, nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch lan rộng và kéo dài trong cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc-xin có trong chương trình tiêm chủng mở rộng; tổ chức rà soát, tiêm bổ sung cho các đối tượng chưa được tiêm phòng; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, hóa chất, phương tiện, nhân lực sẵn sàng phục vụ chống dịch. Hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe cũng được triển khai thực hiện nhiều hình thức phong phú, đa dạng để cung cấp kiến thức cho người dân, từ đó giúp họ nâng cao ý thức, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Theo các chuyên gia y tế, so với các mùa khác trong năm thì mùa đông - xuân bao giờ cũng xuất hiện nhiều loại dịch bệnh và có khả năng truyền nhiễm, nguy hiểm đối với tính mạng con người. Đặc biệt, ở người già và trẻ em, sức đề kháng giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh hô hấp, các bệnh viêm nhiễm mạn tính bùng phát. Riêng với trẻ em, càng nhỏ thì bệnh có diễn tiến càng nhanh nên việc điều trị thường mất nhiều thời gian, bệnh dễ tái phát và phức tạp hơn. Với những người mắc các bệnh mãn tính thì đây cũng là thời gian bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp nặng hơn. Do đó, để phòng bệnh trong điều kiện thời tiết như hiện nay, người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, như: Tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc-xin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm...); giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, ủ ấm cho trẻ em và cơ thể khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp, nếu cần thiết phải tiếp xúc thì đeo khẩu trang. Bảo đảm an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng, ăn cân đối các nhóm dưỡng chất như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. Với việc chăm sóc trẻ em càng phải kỹ hơn, nhất là đối với trẻ sơ sinh đòi hỏi sự quan tâm và kiến thức hiểu biết của cha mẹ. Cần mặc đủ ấm nhưng chú ý buổi tối nếu mặc quá ấm đi ngủ đến khi nóng quá, trẻ sẽ toát mồ hôi, từ đó có thể ngấm lại vào cơ thể, gây cảm lạnh, sốt cao, nặng thì có thể viêm phổi. Đồng thời, cần cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng, uống thêm nước ấm, tránh cho trẻ ra ngoài vào những ngày rét đậm; cần tiêm phòng đủ các loại vắc-xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu có điều kiện, tiêm phòng thêm các loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm mới nổi, bệnh theo mùa đã có vắc-xin dự phòng nhằm chủ động phòng bệnh cho trẻ.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]