(Baothanhhoa.vn) - Ngày 5-10, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp đẩy mạnh xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn thực phẩm (ATTP).

Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp đẩy mạnh xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn thực phẩm

Ngày 5-10, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp đẩy mạnh xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn thực phẩm (ATTP).

Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp đẩy mạnh xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn thực phẩmChủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đây là hội nghị lớn nhất từ trước tới nay về ATTP, được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 635 xã, phường, thị trấn; 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí: Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo quản lý vệ sinh ATTP tỉnh; Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quản lý vệ sinh ATTP tỉnh, đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng cho biết, dự kiến năm 2018, Thanh Hóa sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 15%, cao nhất từ trước đến nay. Kinh tế tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng nhưng chất lượng cuộc sống phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề vệ sinh ATTP và môi trường. Theo báo cáo của ngành y tế, hàng năm chi cho công tác khám, chữa bệnh tăng nhiều, riêng từ nguồn quỹ BHYT chi trả 3.600 tỷ đồng; việc đầu tư cho bệnh viện cũng tăng nhiều, tuy nhiên tình trạng bệnh tật cũng diễn biến phức tạp, mỗi năm trên địa bàn tỉnh phát hiện hơn 6.000 người mắc mới ung thư, gần 3.000 người chết vì ung thư, trong đó có nguyên nhân từ thực phẩm. Vì vậy, vấn đề bảo đảm ATTP để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ giống nòi, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là hết sức cấp thiết. Do vậy từng cấp ủy, chính quyền, từng ngành, huyện, xã phải thực sự trăn trở, sáng tạo, suy nghĩ các giải pháp và quyết liệt vào cuộc, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đây là mô hình mới, các quy định, tiêu chí cũng mới vì thế trong quá trình làm các đơn vị, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm, cùng trăn trở để thực hiện cho được mục tiêu xây dựng xã, phường, thị trấn ATTP, vì chất lượng cuộc sống và sức khỏe của cả cộng đồng.

Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp đẩy mạnh xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn thực phẩm

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 635 xã, phường, thị trấn; 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và 9 tháng triển khai thực hiện mô hình xã ATTP, đã tạo được sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác bảo đảm ATTP, nhất là việc triển khai thực hiện các mô hình thí điểm ATTP và các chỉ tiêu bảo đảm ATTP được giao năm 2018. Hệ thống văn bản quản lý Nhà nước về vệ sinh ATTP tiếp tục được hoàn thiện; tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về ATTP cơ bản được kiện toàn. Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành, nhân rộng, tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành và xử lý vi phạm về ATTP đã phát huy hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Nguồn lực cho công tác đảm bảo ATTP được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước. Các phong trào, mô hình, điển hình tốt về ATTP được phát huy, đẩy mạnh, đồng thời xuất hiện các mô hình mới có cách làm sáng tạo, được đông đảo đoàn viên, hội viên hưởng ứng tham gia. Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 36 mô hình chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, 23 mô hình giết mổ gia súc, gia cầm ATTP, 31 chợ ATTP, 122 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn tại các xã, thị trấn thực hiện thí điểm ATTP và các khu vực đông dân cư, 32 bếp ăn tập thể ATTP. UBND các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình thí điểm 32 xã, thị trấn ATTP (gồm 23 xã và 9 thị trấn) với tỷ lệ hoàn thành các nhóm tiêu chí ATTP tại các xã, thị trấn tham gia mô hình thí điểm ATTP trung bình đạt 5/8 nhóm tiêu chí (62,5%), dự kiến sẽ hoàn thành 8/8 nhóm tiêu chí vào cuối năm 2018 và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận xã, thị trấn ATTP. Trong 9 tháng đầu năm 2018, Văn phòng Điều phối về vệ sinh ATTP tỉnh đã tiếp nhận và thẩm định 20 hồ sơ đề nghị công nhận xã ATTP. Hiện có xã Đông Khê và xã Đông Minh (huyện Đông Sơn) đã hoàn thành 8/8 nhóm tiêu chí xã ATTP, Văn phòng Điều phối về vệ sinh ATTP đang hoàn thiện hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt tiêu chí ATTP theo quy định.

Tại hội nghị, sau khi nghe báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 04 và 9 tháng thực hiện mô hình xã ATTP; dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, xã, phường, thị trấn ATTP trên địa bàn tỉnh; dự thảo quy định tiêu chí, trình tự thủ tục, hồ sơ công nhận, công khai xã, phường, thị trấn ATTP trên địa bàn tỉnh... các đại biểu đã thảo luận, đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã, phường, thị trấn ATTP, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp: đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý ATTP ở cơ sở, người chế biến, sản xuất; phát huy trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm ATTP; chính sách đối với tổ giám sát cộng đồng; phối hợp giữa cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP; góp ý sửa đổi Quyết định 4627 về tiêu chí, trình tự thủ tục, hồ sơ công nhận, công khai xã, phường, thị trấn ATTP trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đánh giá cao việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về bảo đảm vệ sinh ATTP của các cấp, các ngành trong tỉnh. Ở một số huyện, xã, mặc dù việc xây dựng xã, phường, thị trấn ATTP là một việc mới, khó và chưa có tiền lệ nhưng đã triển khai tốt. Bên cạnh các đơn vị được chọn làm điểm, một số đơn vị dù không được chọn làm điểm cũng triển khai tích cực và tương đối toàn diện ở các mục tiêu, các đầu công việc nêu ra... cũng như dành kinh phí tương đối thỏa đáng cho công tác bảo đảm vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về bảo đảm ATTP vẫn còn nhiều hạn chế yếu kém, lãnh đạo một số huyện, xã chưa có nhận thức đầy đủ về vệ sinh ATTP, chưa trăn trở, nghiên cứu và quyết liệt trong triển khai; nhất là trong tổ chức bộ máy, xây dựng thể chế, xác định kế hoạch chưa cụ thể, một số địa phương còn lúng túng trong triển khai; công tác thanh tra, kiểm tra cũng chưa quyết liệt; các ngành chưa kịp thời cập nhật những khó khăn vướng mắc để nghiên cứu giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh, Nghị quyết số 04 đặt mục tiêu đến hết năm 2020 thực phẩm sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh ATTP. Muốn đạt mục tiêu này thì trước hết phải thực hiện tiêu chí về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đây vừa là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng, vừa là chấp hành quy định của pháp luật. Trong bối cảnh việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa chưa triển khai đồng bộ, toàn diện thì trước mắt, các địa phương có thể tổ chức cho các chợ bố trí khu vực bán hàng có nguồn gốc xuất xứ và không có nguồn gốc xuất xứ để người dân lựa chọn. Về mô hình giết mổ, các địa phương phải tăng cường quản lý, tất cả các cơ sở giết mổ phải bảo đảm quy định về ATTP mới được phép hoạt động, khuyến khích phát triển quy mô giết mổ tập trung. Về thực hiện tiêu chí 17.8 (theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và tiêu chí xã ATTP hiện nay sẽ tiến hành song song, nhưng nếu trong năm 2019, những xã đạt chuẩn nông thôn mới mà không đạt tiêu chí ATTP thì phải xem xét lại...

Thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng xã, phường, thị trấn ATTP, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về ATTP năm 2018, phấn đấu đến cuối năm 2020 hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu về ATTP đã đề ra tại Nghị quyết số 04, các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cần phải xác định việc xây dựng xã ATTP là mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, là thực thi pháp luật về ATTP, là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành, đồng thời phải gắn trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý ATTP. Các ngành nông nghiệp, công thương, y tế cần tăng cường hướng dẫn cơ sở thực hiện công tác quản lý vệ sinh ATTP thuộc lĩnh vực phụ trách, nắm bắt và kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở; tổ chức sơ kết, tổng kết về các mô hình xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm, bếp ăn tập thể, chợ ATTP để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xác định và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn để quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện.

Văn phòng Điều phối về vệ sinh ATTP tỉnh phối hợp với các ngành liên quan rà soát các tiêu chí để tháo gỡ khó khăn và có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình thực hiện; hoàn chỉnh quy định về trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý vệ sinh ATTP để nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện vai trò quản lý Nhà nước trong triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách theo thẩm quyền; hoàn thành phần mềm kết nối cung cầu; phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị xây dựng xã ATTP; thành lập tổ kiểm tra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát từ cấp tỉnh đến cấp xã... UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng thí điểm các xã, phường, thị trấn ATTP; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc cần thiết xây dựng xã, phường, thị trấn ATTP; hoàn chỉnh kế hoạch, xác định lộ trình, thời gian hoàn thành; ban hành quy chế hoạt động tổ giám sát cộng đồng, tổ ATTP, kiện toàn ban chỉ đạo, chọn những cán bộ có năng lực tham gia ban chỉ đạo; tăng cường công tác thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện đạt các mục tiêu về xã, phường, thị trấn ATTP. Đây cũng chính là một trong những giải pháp để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]