(Baothanhhoa.vn) - Tại Thanh Hóa, qua tổng kết đánh giá của ngành y tế cho thấy, đến nay tỷ lệ người bị mắc các bệnh không lây nhiễm (BKLN) có xu hướng gia tăng và ở mức cao so với toàn quốc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả bước đầu trong quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng

Tại Thanh Hóa, qua tổng kết đánh giá của ngành y tế cho thấy, đến nay tỷ lệ người bị mắc các bệnh không lây nhiễm (BKLN) có xu hướng gia tăng và ở mức cao so với toàn quốc.

Tư vấn cho bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường tại Trạm Y tế xã Quảng Tân (Quảng Xương).

Với mục tiêu khống chế, tiến tới giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2017 – 2020, ngày 30-5-2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND về việc tăng cường triển khai phòng, chống BKLN năm 2018.

Theo đó, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu năm 2018 tập trung phòng, chống một số BKLN như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản... 100% cơ quan truyền thông và hệ thống truyền thanh trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền về BKLN ít nhất 1 tháng 1 lần; tăng tỷ lệ hiểu biết ở người trưởng thành về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, đến năm 2020 tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành giảm 30% so với năm 2016 và nhóm vị thành niên xuống còn 3,6%, tỷ lệ người uống rượu, bia ở người trưởng thành giảm 10% so với năm 2016 và nhóm vị thành niên xuống còn 20%. 100% xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai phòng, chống BKLN; 80% người bệnh mắc tăng huyết áp, hen phế quản và đái tháo đường chưa có biến chứng được quản lý, chăm sóc và tư vấn tại trạm y tế; 85% học sinh trên địa bàn được tư vấn, tuyên truyền và khám sàng lọc các bệnh tim mạch, hen phế quản, thừa cân béo phì; 100% trạm y tế đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT và 70% người bệnh đến các cơ sở khám, chữa bệnh phát hiện mắc bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường chưa có biến chứng tại 9 huyện, thị xã, thành phố...

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống BKLN trên địa bàn tỉnh; giao Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh làm đầu mối phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động dự phòng phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý một số BKLN phổ biến tại tuyến y tế cơ sở; quy định những trường hợp bệnh tuyến trên cần chuyển về trạm y tế để quản lý, điều trị. Các bệnh viện đa khoa huyện triển khai hoạt động khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị BKLN, chuyển người bệnh đã được chẩn đoán xác định tình trạng bệnh phù hợp với khả năng chuyên môn của tuyến y tế cơ sở về quản lý và điều trị tại tuyến y tế xã. Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các trạm y tế thuộc phạm vi quản lý thực hiện cung cấp gói dịch vụ y tế cơ bản theo quy định tại Thông tư 39/2017/TT-BYT đã được Sở Y tế phê duyệt và triển khai các hoạt động dự phòng, quản lý, điều trị BKLN; phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, vật tư để triển khai hoạt động này. Hiện 9 huyện, thị xã, thành phố triển khai điểm đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị BKLN tại cộng đồng. Trung tâm y tế các huyện đã xây dựng kế hoạch phòng, chống BKLN để các xã, thị trấn thực hiện; phát sổ theo dõi, ghi chép tình hình sức khỏe cho các đối tượng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cách phòng, tránh và điều trị BKLN bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về cách phòng, chống các BKLN cũng như cách chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Hiện toàn tỉnh có hơn 16.000 bệnh nhân đái tháo đường, 36.000 bệnh nhân tăng huyết áp, tim mạch... được quản lý điều trị.

Bà Lê Thị Loan, xã Quảng Tân (Quảng Xương), chia sẻ: Tôi bị bệnh đái tháo đường đã 7 năm nay. Trước đây, mỗi lần lên tuyến trên đi kiểm tra và lấy thuốc phải đi từ 4-5 giờ sáng để xếp hàng, lấy được thuốc về nhà cũng mất một buổi nên nhiều khi tôi thường ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc về uống cho tiện. Từ khi có chủ trương đưa bệnh nhân mắc các BKLN về tuyến y tế cơ sở quản lý giúp ích rất nhiều cho người dân chúng tôi, hàng tháng tôi được cấp thuốc 1 lần, được các y, bác sĩ ở trạm y tế tận tình tư vấn hướng dẫn cách sinh hoạt, theo dõi biến chứng bệnh để có hướng điều trị thích hợp nên bệnh của tôi vẫn được kiểm soát tốt.

Theo đánh giá bước đầu, việc triển khai xây dựng mô hình thí điểm quản lý BKLN tại trạm y tế cho thấy, mô hình đã mang nhiều lợi ích cho người dân ngay tại địa phương, người dân được phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, phòng ngừa được các biến chứng do tăng huyết áp; được khám, tư vấn, chăm sóc điều trị gần nhà, tiết kiệm được thời gian, kinh phí cho bệnh nhân; được cán bộ y tế quan tâm, nhắc nhở lịch khám và có thể đến khám tại nhà nếu bệnh nhân ốm không đến trạm y tế được. Các đối tượng tăng huyết áp và đái tháo đường phù hợp sẽ được lập bệnh án điều trị ngoại trú để quản lý, khám, cấp thuốc điều trị lâu dài và có hệ thống tại trạm y tế. Tại đây cũng áp dụng phần mềm quản lý BKLN và cập nhật đầy đủ các thông tin liên quan vào hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân của người mắc bệnh để theo dõi quản lý, bệnh nhân được cấp phát thuốc theo định kỳ 1 tháng/lần và được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các trạm y tế tuyến xã mới chỉ thực hiện quản lý và cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, chưa thực hiện quản lý và cấp thuốc điều trị rối loạn tâm thần, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản... Bên cạnh đó, khó khăn trong công tác phòng chống BKLN hiện nay là các chương trình hoạt động mới tập trung chủ yếu vào quản lý và điều trị người bệnh, chưa chú trọng tới dự phòng phục hồi chức năng và giám sát theo dõi... Việc thực thi các chính sách, pháp luật liên quan tới BKLN chưa được tuân thủ tốt. Trong đó việc thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, khó kiểm soát việc kinh doanh, tiêu thụ rượu, bia,... Để tăng cường hiệu quả công tác dự phòng, phát hiện và quản lý BKLN tại cộng đồng, Sở Y tế tiếp tục củng cố, tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống BKLN các tuyến, đặc biệt là tại các trạm y tế để tăng tỷ lệ phát hiện sớm. Tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ y tế tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn về quản lý lồng ghép tăng huyết áp và đái tháo đường tại trạm y tế; dinh dưỡng và hoạt động thể lực trong quản lý điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường; triển khai hoạt động dự phòng, quản lý điều trị BKLN tại tuyến y tế cơ sở; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe.


Bài và ảnh: Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]