(Baothanhhoa.vn) - Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa có khoảng 300 trẻ đến khám vì có biểu hiện dậy thì sớm, trong đó, có khoảng 60 cháu điều trị dậy thì sớm, con số này tăng gấp đôi so với hai năm trước. Điều này báo động tình trạng dậy thì sớm ở trẻ đang có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

Báo động dậy thì sớm ở trẻ

Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa có khoảng 300 trẻ đến khám vì có biểu hiện dậy thì sớm, trong đó, có khoảng 60 cháu điều trị dậy thì sớm, con số này tăng gấp đôi so với hai năm trước. Điều này báo động tình trạng dậy thì sớm ở trẻ đang có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

Báo động dậy thì sớm ở trẻBác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa khám, tư vấn cho trẻ có biểu hiện dậy thì sớm.

Có các biểu hiện như lớn nhanh, đau ngực, bé D.H.O., 8 tuổi (TP Thanh Hóa) được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để khám. Tại bệnh viện, cháu được khám và làm các xét nghiệm, chụp phim, đo hoóc-môn, đo tuổi xương. Người nhà của bé chia sẻ: “Khi lên 7 tuổi, cháu lớn nhanh, cứ nghĩ cháu phát triển hơn các bạn cùng lứa tuổi. Thời gian sau thấy cháu có các biểu hiện bất thường như ngực phát triển, chân tay bắt đầu mọc lông, tôi mới đưa cháu đến cơ sở y tế để kiểm tra. Tuy nhiên, do cháu đã tròn 8 tuổi nên cần theo dõi và làm thêm xét nghiệm, chụp chiếu và đo các chỉ số để có phương pháp can thiệp phù hợp”.

Phát hiện con gái 7 tuổi đau ngực, ngực nổi to, lớn nhanh hơn bình thường, chị Phạm T.N. (Quảng Xương) liền đưa con xuống Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để khám. Chị Nga cho biết: “Tôi đã biết đến tình trạng dậy thì sớm của trẻ. Do đó, khi thấy con gái 7 tuổi có những biểu hiện bất thường, đau ngực, chiều cao, cân nặng tăng nhanh, tôi đã đưa con đến cơ sở y tế để kiểm tra ngay. Tại bệnh viện, con tôi được chỉ định làm các xét nghiệm, đo hoóc-môn, tuổi xương. Các chỉ số của con đều đang trong độ tuổi dậy thì - cao hơn tuổi thực của con. Do đó, bé phải điều trị, ức chế dậy thì. Sau 10 tháng điều trị, đến nay ngực cháu đã nhỏ lại, chiều cao cân nặng tăng đều, các chỉ số hoóc-môn về mức bình thường theo đúng độ tuổi của cháu”.

Đây là hai trong số nhiều trường hợp trẻ có biểu hiện dậy thì sớm được đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị. Thông thường, bé gái dậy thì trước 8 tuổi, bé trai trước 9 tuổi được cho là dậy thì sớm. Những biểu hiện dậy thì sớm của trẻ không khó để nhận biết. Đối với bé gái, khởi động dậy thì với các biểu hiện như: tuyến vú phát triển, chiều cao, cân nặng phát triển nhanh, tiếp đó xuất hiện lông mu, lông nách, huyết trắng, có kinh; còn với bé trai, kích thước tinh hoàn phát triển, vỡ giọng, lông mu phát triển. Bác sĩ CKII, Nguyễn Duy Thái, Trưởng Khoa Nội tiết - Dị ứng - Cơ xương khớp, cho biết: Hiện nay, tỷ lệ trẻ dậy thì sớm ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2018 mỗi tháng khoa tiếp nhận điều trị khoảng 20 trẻ thì đến nay khoa điều trị cho 60 trẻ/tháng. Đáng lo ngại, có những trẻ đang ở độ tuổi mầm non cũng có dấu hiệu dậy thì. Phần lớn, những trường hợp mắc bệnh đều không có nguyên nhân cụ thể.

Dậy thì sớm ở trẻ gồm 2 loại, dậy thì sớm ngoại biên (dậy thì sớm giả) thường do bệnh lý như: u nang buồng trứng, buồng trứng đa nang, u tinh hoàn, u tuyến thượng thận... tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến sức khỏe, cần lập tức tiến hành điều trị và phẫu thuật. Còn dậy thì sớm trung ương (dậy thì sớm thật) là quá trình dậy thì giống như dậy thì bình thường nhưng được hoạt hóa sớm hơn của trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục và thường gặp ở bé gái (70%) hơn bé trai.

Dậy thì sớm trung ương đang có chiều hướng gia tăng, tuy nhiên chưa xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm. Một số những yếu tố nguy cơ dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ đó là yếu tố dinh dưỡng như: chế độ ăn giàu năng lượng, một số đồ ăn nhanh, chế biến sẵn, ăn thức ăn có chứa các chất kích thích thúc đẩy quá trình tăng trưởng nhanh ở gia súc, gia cầm, các cây lương thực, rau - củ - quả hay lạm dụng thuốc bổ cho trẻ. Đồng thời, các vấn đề xã hội, môi trường sống; tiếp xúc với những chất trong môi trường như: PPA (chất có trong nhựa dẻo từ chén, đĩa, bình sữa...), mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm, các sản phẩm sơn móng tay, móng chân mà bé vô tình tiếp xúc cũng gây nên dậy thì sớm ở trẻ.

Trẻ dậy thì sớm thường dễ bị ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm, sinh lý và chiều cao của trẻ. Do các em còn nhỏ, chưa hiểu biết và nhận thức đầy đủ về cơ thể, sự phát triển của cơ thể và giới tính; việc chăm sóc sức khỏe giới tính còn chưa thuần thục, đặc biệt là những trẻ ở độ tuổi 5 - 6. Đồng thời, sự thay đổi cơ thể nhanh, khác biệt lớn so với các bạn cùng tuổi sẽ tạo nên tâm lý ngại ngùng, bất an cho trẻ; trẻ dễ bị trêu chọc, thậm chí quấy rối, lạm dụng tình dục, nhất là bé gái. Bên cạnh đó, trẻ dậy thì sớm thường có chiều cao thấp hơn so với trẻ dậy thì đúng độ tuổi. Bởi trong giai đoạn dậy thì, xương của trẻ phát triển rất nhanh nhưng sẽ sớm ngừng tăng trưởng. Vì sau dậy thì, xương gần như không phát triển nữa.

Các bé được chẩn đoán dậy thì sớm sẽ được điều trị ức chế dậy thì từ khi phát hiện cho đến khi ổn định về trạng thái phát triển bình thường theo đúng độ tuổi dậy thì. Việc điều trị rất đơn giản nhưng cần được thực hiện theo đúng phác đồ của bác sĩ. Bác sĩ CKII Nguyễn Duy Thái, Trưởng Khoa Nội tiết - Dị ứng - Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết, khi phát hiện con dậy thì sớm, cha mẹ không nên tự mua thuốc hoóc-môn ức chế sự phát triển mà cần đến cơ sở y tế để khám, theo dõi và điều trị. Bởi để xác định dậy thì sớm, các bác sĩ cần tiến hành khám lâm sàng, đánh giá cẩn thận bằng các kỹ thuật như: xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X-quang tuổi xương, chụp cắt lớp, cộng hưởng từ sọ não để tìm nguyên nhân. Từ đó, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bé.

Để hạn chế sự dậy thì sớm của trẻ, cha mẹ cần xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh cho trẻ. Hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao cho trẻ. Đặc biệt, hạn chế cho trẻ sử dụng đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn. Ngoài ra, cha mẹ cần đồng hành cùng trẻ trong giáo dục tâm - sinh lý cũng như quan tâm phát hiện sớm sự thay đổi của trẻ.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]