Xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát: Tuyên án tử hình đối với Trương Mỹ Lan
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình, tổng hợp hình phạt chung cho cả ba tội danh, trong vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức liên quan.
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên phạt mức án tử hình.
Ngày 11/4, sau hơn một tháng xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiến hành tuyên án. Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) nhận mức án tử hình.
Cụ thể, bị cáo Trương Mỹ Lan nhận mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”; 20 năm tù giam về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại khoản 4 Điều 353, khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; 20 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tổng hợp hình phạt là tử hình.
Theo Hội đồng xét xử, tại phiên tòa, các bị cáo dù có nhiều nhận thức khác nhau về hành vi phạm tội nhưng đều thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, bản thân chỉ đưa tài sản vào Ngân hàng SCB để phục vụ tái cơ cấu nên việc cáo trạng quy kết bị cáo sở hữu 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB là không đúng; bị cáo chỉ sở hữu gần 5% cổ phần.
Trương Mỹ Lan cũng cho rằng, bị cáo chỉ huy động người thân, bạn bè, nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu theo động viên của một số cán bộ Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, Trương Mỹ Lan cho rằng, Ngân hàng SCB hoạt động theo quy định pháp luật. Bản thân bị cáo không đưa người thân tín vào các vị trí quan trọng tại ngân hàng. Bị cáo Lan cũng phủ nhận việc chỉ đạo cấp dưới lập công ty “ma” để lập khống hồ sơ vay vốn; khẳng định không móc nối các công ty thẩm định giá để nâng khống tài sản.
Lan xác nhận, được sự ủy thác của hai bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch Hội đồng quản Trị Ngân hàng SCB, đã bỏ trốn) và Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) để gặp riêng bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) hai lần nhằm xin sớm kết luận thanh tra nhưng không thừa nhận chỉ đạo Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn đưa hối lộ cho Nhàn.
Trước ý kiến bào chữa của Trương Mỹ Lan và luật sư, Hội đồng xét xử cho biết, trong quá trình điều tra và diễn biến phiên tòa, lời khai của các bị cáo phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ xác định Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB thông qua các cá nhân, pháp nhân đứng tên hộ; qua đó, chi phối, kiểm soát mọi hoạt động của ngân hàng này.
Theo đó, trước khi hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém là Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB) thành Ngân hàng SCB, Lan sở hữu cổ phần Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa. Quá trình hoạt động, đã cấp tín dụng cho dự án Times Square của bị cáo Chu Lập Cơ (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square, chồng của Trương Mỹ Lan).
Đối với 5 cổ đông nước ngoài, trong quá trình điều tra, Lan khai đã nhận chuyển nhượng cổ phần từ 5 cổ đông này. Tuy nhiên, trên thực tế, các cổ đông nước ngoài từ lâu đã không tham gia đại hội đồng cổ đông.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 11/4.
Do đó, lời bào chữa của các luật sư cho rằng Lan và gia đình chỉ nắm giữ khoảng 15% cổ phần SCB là không có cơ sở. Việc nắm giữ 91,5% cổ phần SCB cho thấy, Lan thực tế là đại cổ đông của SCB, là người có quyền tuyển chọn, bố trí các vị trí chủ chốt tại ngân hàng.
Hội đồng xét xử cũng bác bỏ lời bào chữa từ các luật sư của Trương Mỹ Lan cho rằng, hoạt động đảo nợ được pháp luật cho phép. Hội đồng xét xử khẳng định, không có quy định pháp luật nào cho phép hoạt động này. Bên cạnh đó, việc các luật sư cho rằng Trương Mỹ Lan đưa tài sản vào SCB để trả nợ cũ, nhằm cơ cấu nợ cũ cũng không có cơ sở để chấp nhận.
Kết quả điều tra xác định, các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB phần lớn được thực hiện bởi các pháp nhân mới thành lập. Các bị cáo tại SCB tiếp nhận chỉ đạo của Trương Mỹ Lan đã bất chấp các quy định pháp luật để hợp thức hóa, phê duyệt các khoản vay khống của nhóm Vạn Thịnh Phát, thậm chí có nhiều khoản vay giải ngân trước khi hồ sơ được hợp thức; qua đó, giúp Lan chiếm đoạt số tiền lớn của ngân hàng để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Hành vi nêu trên của Trương Mỹ Lan và các bị cáo đủ cấu thành tội "Tham ô tài sản." Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, trong khi Bộ luật Hình sự có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018. Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định tội “Tham ô tài sản” đối với các pháp nhân ngoài Nhà nước, mà SCB lại không có vốn Nhà nước nên những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1/1/2018 bị xử lý theo điều, khoản tương ứng (điều 179) Bộ luật Hình sự năm 1999. Những hành vi phạm tội xảy ra sau ngày 1/1/2018 bị xử lý theo các điều, khoản (điều 353, điều 206) Bộ luật Hình sự năm 2015. Quyết định này nhằm xem xét đến nguyên tắc có lợi cho các bị cáo.
Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng, chống COVID-19; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và 31 Bằng khen của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh...
Tuy nhiên, bị cáo Trương Mỹ Lan phạm nhiều tội danh đặc biệt nghiêm trọng; tổ chức thực hiện chuỗi hành vi phạm tội trong một thời gian dài, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, gian dối; chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.
Đặc biệt, Trương Mỹ Lan có 3 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là: Thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức; phạm tội từ hai lần trở lên và dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội. Trong quá trình xét xử, bị cáo có thái độ thiếu thành khẩn, quanh co chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới.
Vì vậy, cần phải có mức hình phạt nghiêm khắc tương xứng với hành vi và hậu quả bị cáo gây ra, loại bỏ bị cáo khỏi đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm kinh tế chức vụ nói riêng.
Theo cáo trạng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (trụ sở tại số 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản; vốn điều lệ 13.000 tỷ đồng; người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng Giám đốc là Trương Huệ Vân (cháu gái Trương Mỹ Lan). Chủ tịch Hội đồng quản trị là Trương Mỹ Lan, sở hữu 60% cổ phần công ty.
Trong trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.
Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã thuê, nhờ hàng trăm cá nhân đứng tên đại diện pháp luật các công ty; được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau, gồm: Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam với Ngân hàng SCB, Công ty chứng khoán Tân Việt, Công ty Cổ phần tài chính Việt Vĩnh Phú; nhóm công ty có hoạt động kinh doanh về khách sạn, nhà hàng, bất động sản; nhóm công ty “ma” tại Việt Nam; nhóm mạng lưới công ty nước ngoài tại nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế.”
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 11/4.
Mặc dù không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB nhưng do luôn nắm giữ cổ phần chi phối (từ 85-91,5% tổng số cổ phần Ngân hàng SCB) nên Trương Mỹ Lan là người thực tế có “quyền lực” cổ đông chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của ngân hàng này ngay từ khi hợp nhất 3 ngân hàng tư nhân đến khi khởi tố vụ án. Đồng thời, Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và phần lớn các công ty trong hệ sinh thái.
Từ đó, Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân. Bằng nhiều phương thức, thủ đoạn, Lan cùng các đồng phạm thực hiện một chuỗi hành vi gồm: Tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB; thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; cấu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm; thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ Ngân hàng SCB; lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu nhằm che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.
Kết quả điều tra xác định, trong giai đoạn từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 2.527 hồ sơ cho vay để giải ngân từ Ngân hàng SCB tổng số tiền 1.066.608 tỷ đồng. Đến ngày 17/10/2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.286 tỷ đồng (gồm 483.971 tỷ đồng nợ gốc và 193.315 tỷ đồng nợ lãi phí). Các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi. Dư nợ gốc các khoản vay của Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của 23.042 khoản vay còn dư nợ tại Ngân hàng SCB.
Sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo, cáo trạng xác định, bị cáo Trương Mỹ Lan Lan gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỷ đồng. Từ ngày 1/1/2012-31/12/2017, bị cáo vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hơn 64.000 tỷ đồng, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay. Từ ngày 1/1/2018-7/10/2022, bị cáo tham ô tài sản hơn 304.000 tỷ đồng nợ gốc và hơn 129.000 tỷ đồng lãi phát sinh từ nợ gốc, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay.
Hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm là nguyên nhân căn bản, cốt yếu dẫn đến Ngân hàng SCB đã hoàn toàn mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỷ đồng.
Với cáo buộc là người chủ mưu, cầm đầu và nắm quyền chi phối, điều hành hoạt động của Ngân hàng SCB, trong suốt quá trình xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan luôn giữ thái độ bình tĩnh trả lời các vấn đề mà Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các luật sư đưa ra.
Trước, trong và sau khi bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình, bị cáo chăm chú ghi chép, thể hiện nhớ rất rõ các dự án hợp tác đầu tư, các tài sản của gia đình mình và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Tuy nhiên, trong khoảng 40 phút nói lời sau cùng, phần lớn thời gian bị cáo Trương Mỹ Lan đã không kiềm chế được cảm xúc, đã khóc và đau xót cho hoàn cảnh của gia đình khi cả chồng và cháu đều bị bắt tạm giam, gia đình tan nát.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-12-14 08:00:00
Điểm nóng 14/12: Xúc phạm chồng, người phụ nữ bị xử phạt 7,5 triệu đồng
-
2024-12-13 19:40:00
Khởi tố 5 vệ sĩ dẹp đường cho đoàn xe đám cưới
-
2024-04-11 11:22:00
Thị xã Bỉm Sơn tổ chức hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”
Giả vờ mua xe máy để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Bị phạt nguội ở tỉnh ngoài, có nộp phạt tại nơi cư trú được không?
Bảo đảm các điều kiện triển khai Luật Căn cước
Phê chuẩn khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối tượng giết người tại TP Thanh Hóa
Kịp thời ngăn chặn 2 vụ lừa đảo trên không gian mạng
Triệu tập làm rõ nhóm thanh, thiếu niên đi xe máy lạng lách, đánh võng trên đường
Triệt phá đường dây mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ
Bảo đảm tối thiểu 80% thủ tục hành chính được cung cấp bởi dịch vụ công trực tuyến
Kế hoạch triển khai thi hành Luật Viễn thông