(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác đối ngoại, nhất là ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa, ngoại giao Nhân dân, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp, nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh với bạn bè quốc tế.

Tăng cường công tác đối ngoại đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác đối ngoại, nhất là ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa, ngoại giao Nhân dân, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp, nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh với bạn bè quốc tế.

Tăng cường công tác đối ngoại đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mớiLãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn, hội đàm tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Để đạt được những kết quả trong công tác đối ngoại trong 5 năm qua (2016-2021), Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quán triệt, triển khai sâu rộng các chủ trương, định hướng, quy định của Đảng về hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đến từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực... Các cấp, các ngành, địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn mới.

Cùng với đó, tỉnh đã củng cố, phát triển toàn diện quan hệ truyền thống đặc biệt với tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) và là địa phương được Trung ương đánh giá tiêu biểu trong hợp tác với nước CHDCND Lào. Quan hệ hữu nghị hợp tác với các tỉnh, thành phố đã ký kết thỏa thuận hợp tác (gồm thành phố Seongnam, Hàn Quốc; tỉnh Mittelsachsen, CHLB Đức) ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực. Đồng thời, ký kết thỏa thuận hữu nghị hợp tác với tỉnh Farwaniyah, Cô-oét và đang xúc tiến thiết lập quan hệ hợp tác với tỉnh Tula, Liên bang Nga. Quan hệ hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan phát triển, các tổ chức quốc tế... ngày càng được thắt chặt, thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư viện trợ, kết nối thương mại và du lịch của tỉnh với các đối tác nước ngoài.

Trong giai đoạn 2016-2021, công tác hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với Lào được nâng lên một bước, thiết thực và hiệu quả hơn. Có 260 hoạt động trao đổi đoàn công tác cấp tỉnh, cấp sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh và các địa phương của nước CHDCND Lào (Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Luông Pha Băng) để ký kết, triển khai nội dung thỏa thuận hợp tác, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan. Trong đó, riêng hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn đã tổ chức 250 hoạt động trao đổi đoàn. Hàng năm, lãnh đạo hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn duy trì luân phiên tổ chức hội đàm đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận hợp tác trong năm, xây dựng nội dung hợp tác cho năm tiếp theo. Hai tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giai đoạn 2021-2025. Hợp tác giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là giữa các huyện biên giới hai tỉnh ngày càng mở rộng và hiệu quả.

Ngoài các quốc gia và vùng lãnh thổ trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga, Đức trong 5 năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường quan hệ hợp tác với các Đại sứ quán, cơ quan hợp tác phát triển của một số nước tại Việt Nam như Hoa Kỳ, Hungary, Đan Mạch, Ireland, Ấn Độ...; mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc... các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại, các phòng thương mại và công nghiệp, các tổ chức hợp tác quốc tế của các nước... để xúc tiến, vận động, thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong công tác ngoại giao kinh tế, Thanh Hóa đã bám sát các nội dung Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 15-4-2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 13-5-2014 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 31-NQ/CP ngày 13-5-2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế..., để đưa vào chương trình, kế hoạch đối ngoại hàng năm của tỉnh. Đồng thời thành lập tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài tỉnh Thanh Hóa; chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, lao động, xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư để đón làn sóng đầu tư nước ngoài dịch chuyển vào Việt Nam. Nhờ đó, thị trường xuất khẩu của tỉnh ngày càng mở rộng, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giai đoạn 2016-2020 đạt 14.081,67 triệu USD, tăng 88% so với mục tiêu đại hội, gấp 2,5 lần năm 2010; tổng giá trị nhập khẩu đạt 14.581,102 triệu USD. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút 79 dự án FDI, với tổng vốn 3.777,5 triệu USD; lũy kế đến hết năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 134 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 14,35 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Công tác đào tạo nghề, kết nối thị trường và xuất khẩu lao động có nhiều chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 46.101 người đi lao động tại nước ngoài (đạt 92,02% kế hoạch); hằng năm, số tiền gửi về nước khoảng 150 đến 180 triệu USD.

Đối với công tác ngoại giao văn hóa, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh đất và người xứ Thanh đến bạn bè quốc tế. Hàng năm, các hoạt động ngoại giao văn hóa được triển khai ngày càng sâu sắc về nội dung, phong phú về hình thức. Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Văn phòng UNESCO Hà Nội xây dựng, đề xuất các đề án liên quan đến công tác bảo tồn, quảng bá giá trị Di sản Thành Nhà Hồ; triển khai thực hiện Dự án “Tu sửa cấp thiết mái vòm và bảo tồn cổng thành phía Nam, Di sản Thành Nhà Hồ”; Đề án “Nghiên cứu và bảo tồn Minh Văn trên gạch xây dựng kinh thành Tây Đô” từ Quỹ Prince Claus, Hà Lan; các dự án hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại các huyện miền núi, do Tổ chức Tầm nhìn thế giới, Tổ chức Care tài trợ...

Trước những thời cơ, vận hội mới, tạo động lực để Thanh Hóa phát triển, trong giai đoạn 2021-2025, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế trên cả ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, trên tất cả các lĩnh vực ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực.

Với mục tiêu cụ thể là tăng cường, mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành phố trên thế giới, phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, thiết lập mới quan hệ với 2 - 3 tỉnh/thành phố trên thế giới; trong đó tập trung vào một số khu vực trọng điểm như: Đông Bắc Á, Trung Đông, Liên minh Châu Âu, Liên bang Nga, Bắc Mỹ, Châu Úc...; đưa Thanh Hóa trở thành thành viên của một số tổ chức quốc tế có uy tín nhằm nâng cao vị thế, hình ảnh của tỉnh. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao, nhất là thiết lập quan hệ đối tác khăng khít với các cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia và vùng lãnh thổ có thế mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Cô-oét, Liên minh Châu Âu... các tổ chức tài chính quốc tế WB, ADB, KEXIMBANK... và các cơ quan hợp tác quốc tế: JICA, KOICA, USAID... nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút hiệu quả các nguồn vốn từ bên ngoài, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...

Bài và ảnh: Minh Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]