(Baothanhhoa.vn) - Trải qua bao biến thiên của thời gian, nhưng với bàn tay khéo léo cùng với sự sáng tạo của con người, những sản phẩm truyền thống trên vùng đất xứ Thanh vẫn luôn được giữ gìn và phát triển.

Xứ Thanh – quê hương của những sản phẩm truyền thống

Trải qua bao biến thiên của thời gian, nhưng với bàn tay khéo léo cùng với sự sáng tạo của con người, những sản phẩm truyền thống trên vùng đất xứ Thanh vẫn luôn được giữ gìn và phát triển.

Xứ Thanh – quê hương của những sản phẩm truyền thống

Bánh lá răng bừa Xuân Lập (Thọ Xuân) mang hương vị đặc trưng riêng.

Giữ gìn và phát triển

Làng nghề hương Đông Khê (xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa) từ lâu đã nổi tiếng. Không ai nhớ rõ, nghề làm hương có tự bao giờ, chỉ biết, họ làm hương từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Là một trong những hộ có truyền thống làm hương lâu đời, ông Đoàn Văn Mậu, thôn Đông Khê, xã Hoằng Quỳ cho biết: “Ở làng này, trước kia hầu hết đều sống bằng nghề làm hương. Mấy năm gần đây, khi nền kinh tế phát triển, các nhà máy, xí nghiệp mọc lên cũng là lúc những lao động trẻ đi làm công nhân, vì vậy chỉ còn những người đã có tuổi gắn bó với nghề này.

Gia đình tôi là một trong số ít còn giữ lại phương pháp làm hương thủ công truyền thống. Bởi phương pháp này đòi hỏi sự kỹ càng, tỉ mỉ trong từng khâu, từng công đoạn và tốn rất nhiều công sức. Nhưng chính vì thế, hương Đông Khê mang mùi thơm đặc trưng riêng. Hai loại hương nổi tiếng của làng nghề, được sản xuất nhiều nhất là hương sào và hương tăm. Không chỉ phục vụ người dân địa phương, hương làng Đông Khê hiện đã theo chân thương lái có mặt nhiều tỉnh, thành trong cả nước”, ông Mậu bộc bạch.

Với những người như ông Mậu, cả tuổi thơ gắn với mùi của cây bài, của nhựa trám và nhem nhuốc của than hoa. Chính vì vậy, dù tuổi mỗi ngày một cao nhưng ông vẫn tâm niệm rằng mình còn sức khỏe thì sẽ còn cố gắng giữ nghề.

Nằm ở bên bờ sông Chu, làng Đắc Châu (hay còn gọi là làng Chòm), xã Thiệu Châu, nay là xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, có nghề làm bánh đa với lịch sử hàng trăm năm tuổi.

Là người có hàng chục năm gắn bó với nghề, chị Phùng Thị Thu, thôn Đắc Châu 1 chia sẻ: “Tôi cũng chẳng biết nghề có từ bao giờ nhưng khi sinh ra tôi đã thấy ông bà, bố mẹ làm bánh rồi. Để có bánh đa ngon cần rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là bột để tráng bánh. Bột xay bằng tay, thơm dẻo nhưng mà vất vả và năng suất kém. Những năm gần đây, những chiếc máy xay bột bằng điện đã được thay cho sức người, vì vậy, người làm nghề có phần đỡ vất vả hơn. Công việc của chúng tôi thường bắt đầu từ 3h sáng và kết thúc vào khoảng 13h chiều mỗi ngày”.

Theo những người làm nghề ở đây, bánh đa làng Chòm được làm theo phương pháp thủ công truyền thống và có phần cầu kỳ hơn các nơi khác. Từ xa xưa, người dân thường dùng cối đá để xay bột, thanh niên nam nữ là những người đảm nhận công việc này, bởi nó khó nhọc và tốn rất nhiều thời gian. Từ tờ mờ sáng, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì người dân làng Đắc Châu đã phải thức dậy để phơi những mẻ bánh còn chưa kịp khô hẳn từ hôm trước và cũng là để bắt tay vào chuẩn bị làm mẻ bánh tiếp theo của ngày mới.

Làng Đắc Châu có những hộ gia đình có truyền thống làm bánh từ 3 - 4 đời. Không chỉ làm nghề kiếm kế sinh nhai, với họ, làm bánh đa còn là cách để giữ gìn mảnh hồn làng và truyền thống lâu đời của ông cha.

Vươn cao, vươn xa

Theo thời gian, những sản phẩm truyền thống trên đất xứ Thanh, theo du khách, theo thương lái, theo cả những người con quê hương đi khắp mọi miền Tổ quốc và thế giới.

Bao đời nay, nghề rèn Tiến Lộc, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, đã nổi tiếng với rất nhiều sản phẩm như: dao, kéo, cày, bừa, cuốc, xẻng... Những sản phẩm được tạo ra bởi những đôi tay tài hoa, sự tỉ mỉ, mồ hôi, công sức của người thợ rèn. Với những người làm nghề này, họ không chỉ là một người thợ, mà còn là một nghệ nhân.

Bà Thiều Thị Phương, làng nghề Tiến Lộc, chia sẻ: “Mặc dù rất vất vả, nhưng đem lại thu nhập cao hơn rất nhiều so với nghề nông. Sản phẩm nghề rèn giờ đây không chỉ dừng lại ở những nông cụ truyền thống mà đã đa dạng hóa các sản phẩm, chủng loại và mẫu mã. Chính vì thế, qua hàng trăm năm, sản phẩm từ nghề rèn xã Tiến Lộc đã có mặt ở hầu hết khắp địa phương trên cả nước và lan sang các nước bạn như: Lào, Thái Lan, Campuchia... Là thế hệ con cháu, chúng tôi có nhiệm vụ phải kế thừa và lưu truyền những điều tốt đẹp mà ông cha bao đời đã gây dựng”.

Là một trong những đặc sản nổi tiếng trên đất Thọ Xuân, bánh răng bừa Xuân Lập hấp dẫn bởi hương vị dân dã, mộc mạc. Hiện toàn xã Xuân Lập có khoảng hơn 200 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa. Sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, tết cổ truyền... Tại đây, nghề làm bánh cùng với các phong tục tập quán đã gắn liền với cuộc đời, thân thế của nhân vật lịch sử Lê Hoàn - Hoàng đế Lê Đại Hành.

Tương truyền, sau khi dẹp xong giặc Tống, đất nước thái bình, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, vua Lê Đại Hành lại đích thân xuống đồng cày ruộng để mở đầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, động viên Nhân dân tích cực lao động sản xuất. Để tỏ lòng biết ơn vua, người dân nơi đây đã dành những hạt gạo ngon nhất để làm nên một loại bánh với hương vị riêng dâng lên vua. Hình dáng chiếc bánh gợi liên tưởng đến chiếc răng bừa, nên có lẽ tên bánh cũng bắt nguồn từ đây.

Bà Đỗ Thị Khương, chủ một cơ sở sản xuất bánh răng bừa ở thôn Trung Lập 2 chia sẻ: “Bánh lá răng bừa thì có ở rất nhiều nơi, nhưng bánh răng bừa Xuân Lập có hương vị đặc trưng riêng không lẫn vào đâu được. Gia đình tôi đã có nhiều đời làm bánh lá răng bừa. Trước đây, bánh lá chỉ được làm vào những dịp quan trọng để phục vụ nhu cầu của gia đình và dòng họ nhưng hiện nay chúng tôi đã thương mại hóa sản phẩm truyền thống quê hương. Trung bình mỗi ngày chúng tôi làm được từ 2.000 - 3.000 cái để cung cấp ra thị trường. Những năm gần đây, bánh lá răng bừa Xuân Lập đã được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh, thậm chí được đóng gói gửi sang nước ngoài. Bánh lá răng bừa Xuân Lập không chỉ là một món ăn ngon, mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử của một vùng đất giàu truyền thống”.

Theo thống kê, hiện Thanh Hóa có 36 nghề với 118 làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 75 làng nghề, làng có nghề truyền thống đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận làng nghề.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, những nghề truyền thống trên đất xứ Thanh lúc thăng, lúc trầm. Nhưng với sự cần cù, chịu khó và sáng tạo của con người nơi đây, những nghề tưởng như đã mai một lại được hồi sinh để tiếp tục sứ mệnh của mình.

Bài và ảnh: Hoài Thu


Bài và ảnh: Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]