(Baothanhhoa.vn) - Lịch sử hình thành và phát triển dân tộc Việt ghi nhận: Việt Nam là một quốc gia hướng biển. Trong đó, với hơn 102km đường bờ biển, từ lâu, tỉnh Thanh Hóa lưu dấu ấn đậm nét của các cửa biển lớn như: Lạch Trường, Hội Triều, Thần Phù, Lạch Bạng, Biện Sơn... Những cửa biển ấy không chỉ là một vùng danh thắng, thấm đẫm giá trị văn hóa lịch sử mà từng có vai trò, vị trí khá quan trọng về thương mại, quốc phòng - an ninh.

Vị thế xứ Thanh – nhìn từ dấu ấn các cửa biển, vụng biển xưa

Lịch sử hình thành và phát triển dân tộc Việt ghi nhận: Việt Nam là một quốc gia hướng biển. Trong đó, với hơn 102km đường bờ biển, từ lâu, tỉnh Thanh Hóa lưu dấu ấn đậm nét của các cửa biển lớn như: Lạch Trường, Hội Triều, Thần Phù, Lạch Bạng, Biện Sơn... Những cửa biển ấy không chỉ là một vùng danh thắng, thấm đẫm giá trị văn hóa lịch sử mà từng có vai trò, vị trí khá quan trọng về thương mại, quốc phòng - an ninh.

Vị thế xứ Thanh – nhìn từ dấu ấn các cửa biển, vụng biển xưaBiện Sơn – vụng biển thuộc xã đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) là nơi có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thấm đẫm giá trị lịch sử – văn hóa, kinh tế – xã hội từng bước phát triển. Ảnh: Thảo Linh

Với tính chất cảng biển, nằm trên tuyến giao thương ven biển, các thương cảng Bắc Trung bộ đóng vai trò là điểm neo đậu, luân chuyển hàng hóa của tiểu vùng, trong nước và quốc tế. Các thương cảng Bắc Trung bộ là thành phần cốt lõi trong cấu trúc kinh tế - xã hội của tiểu vùng, điểm giao lưu chính với bên ngoài. Sự hiện diện của các thương cảng góp phần quan trọng tạo nên đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa tiểu vùng Bắc Trung bộ” – nhận định của tác giả Nguyễn Văn Chuyên trong cuốn sách “Các thương cảng ven biển Bắc Trung bộ thế kỷ X – XIX” đã phần nào cho thấy vai trò của các thương cảng ven biển Bắc Trung bộ nói chung, Thanh Hóa nói riêng. Đó không chỉ là nơi cập bến của thuyền chài, thuyền buôn nội vùng, trong nước mà còn là điểm đến của thuyền buôn, thương nhân quốc tế, trọng yếu về mặt quốc phòng - an ninh, góp phần thúc đẩy kinh tế tiểu vùng phát triển, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

Non nước Linh Trường

Nhìn địa hình Hoằng Hóa, trừ phía Đông là biển, còn ba bề đều có sông Mã bao bọc. Theo “Đất nước Việt Nam qua các đời”, sông Lạch Trường ngày nay là dòng chính của sông Mã thời xưa. Các sách sử và địa chí cũ gọi Ngu Giang chính là khúc sông này. “Cuối đời Lê ở ngã ba Ngu Giang, nơi sông Mã hợp lưu với sông Lạch Trường, còn có tuần ty gọi là Tuần Ngu để đánh thuế những thuyền bè từ sông Mã ra biển và từ biển vào sông Mã”.

Cửa biển Lạch Trường gắn với núi Linh Trường, non nước nơi đây dệt nên bức tranh phong cảnh hữu tình. Năm Hồng Đức thứ 7 (1476), vua Lê Thánh tông đi qua đây có làm bài thơ “Linh trường hải khẩu” và mô tả chi tiết về dãy núi này: “Bên cạnh nước biển, núi xanh cao vót, hình núi dị kỳ đứng sững cửa biển, chân núi có động, sâu thẳm không cùng, tương truyền đấy là miệng rồng; ngoài cửa động có viên ngọc như hình cái mũi, tương truyền đấy là mũi rồng (long tỵ). Dưới núi lại mọc lên một viên đá tròn, nhẵn nhụi đáng yêu, tương truyền đấy là hạt ngọc. Đá lớn lô nhô, rất nhiều hình thái, chỗ thưa, chỗ dày, không thể đếm được, tương truyền đấy là râu rồng”.

Bên cạnh việc tạo cảnh quan đẹp, cửa biển cùng núi Linh Trường như “bức tường chắn phía Nam, hạn chế sóng gió, tạo điều kiện cho tàu thuyền neo đậu, tránh bão, tiến hành các hoạt động trao đổi buôn bán ở Lạch Trường, tạo dựng không gian, diện mạo thương cảng Lạch Trường, đồng thời định hướng cho tàu thuyền đi biển, ngoài khơi tìm về đúng bến”. Là cửa biển lớn nên Lạch Trường có tính chất chiến lược và xung yếu đối với lịch sử dân tộc. Ngay từ cuối thế kỷ XIV, cửa biển Lạch Trường (Hoằng Hóa) đã là một quân cảng nổi tiếng của quân nhà Trần chống lại sự xâm lấn của vua Chăm Chế Bồng Nga. Theo “Địa chí văn hóa Hoằng Hóa”: Xưa kia, cửa biển Lạch Trường là một thương cảng, nơi người Việt giao lưu buôn bán với người Trung Hoa, người ở các nước Đông Nam Á, Ấn Độ. Lạch Trường là một cửa ngõ giao lưu quốc tế quan trọng trên đường hàng hải kết nối Trung Quốc – Đông Nam Á - Ấn Độ, đồng thời là cửa ngõ tiếp dẫn vào quận trị quận Cửu Chân nằm lui trong nội địa, thuộc khu vực ngã ba sông Mã, sông Chu.

Lênh đênh qua cửa Thần Phù

Cửa Thần Phù (cửa Chính Đại) - trước đây là cửa sông Chính Đại (sông Tống), là cửa biển đáng chú ý, được sử sách nhiều lần nhắc tới: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm...”.

Sách “An Nam chí lược” cho biết: Thời vua Lý Thánh tông tiến quân đánh Chiêm Thành, định vượt biển, gặp sóng gió, cầu sơn thần đi qua bèn lập đền thờ. Thế kỷ XV, cửa Thần Phù hiện diện là một cửa biển lớn. Trong bài thơ: Qua Thần Phù hải khẩu (Qua cửa biển Thần Phù), Nguyễn Trãi mô tả: “Sát bờ ngàn ngọn núi bày ra như búp măng mọc/ Một dòng nước ở giữa chảy ngoằn nghèo như con rắn xanh”. Dư địa chí của Phan Huy Chú cho biết: Cửa Thần Phù ở huyện Nga Sơn, sông chảy từ tuần Chính Đại xuống đến đấy, hai bên sông có núi đứng liền, đi ngoằn nghèo đến biển, phong cảnh thoáng mát, là chỗ núi sông có quang cảnh rất đẹp”. Nhưng trong Đại Nam nhất thống chí, các sử gia triều Nguyễn cho biết hiện trạng lúc đó: “Cửa bể Chính Đại ở huyện Tống Sơn. Nguyên trước là cửa bể Thần Phù. Hiện nay, cửa bể đã nông hẹp dần. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) đặt đồn quân canh giữ. Sau bị bỏ đi”.

Như vậy, qua tư liệu có thể thấy, cửa Thần Phù đã bị bồi lấp nhanh ở thế kỷ XIX. Tuy nhiên, theo thời gian, cửa biển Thần Phù vẫn được nhắc đến như là một trong những địa danh lịch sử - văn hóa đặc sắc. Đến với nơi này, du khác dạo bước trong không gian thanh tịnh của chùa Hàn Sơn mà hồi cố lại cảnh xưa, người xưa.

Vụng biển Biện Sơn - một vùng lịch sử - văn hóa, thắng cảnh nổi danh

Vụng biển Biện Sơn thuộc xã đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) - vốn là cù lao nổi lên giữa một vùng sóng nước mênh mông nằm trong cửa Bạng. Trước đây, muốn ra vùng đất nổi này, người dân phải dùng thuyền. Sau này, do tác động của quá trình kiến tạo địa chất và bàn tay quai đê lấn biển của con người, Biện Sơn được nối với đất liền thành một dải, hình thành xã đảo Nghi Sơn phong cảnh hữu tình với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng như đã có hôm nay. Xã đảo Nghi Sơn tồn tại nhiều di tích gắn liền với những sự kiện lịch sử của dân tộc như: Đền thờ vua Quang Trung, Quan sát hải đại thần, lãnh binh Tôn Thất Cơ, Tứ vị thánh nương cùng với huyền tích về Mỵ Châu – Trọng Thủy nơi giếng ngọc, hệ thống những chiếc giếng cổ mang kiến trúc, phong cách Chăm Pa...

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, vùng Biện Sơn từng có vai trò, vị trí quan trọng trong thương mại và quốc phòng – an ninh. Khi nhà Lê Trung Hưng bắt đầu (1533), vị trí của Biện Sơn trở nên quan trọng khi xứ Thanh trở thành cửa ngõ đối ngoại quan trọng hàng đầu của Nam Triều và Đàng ngoài. Sự lớn mạnh của Biện Sơn gắn với sở tuần tu được thiết lập ở đây vào khoảng thế kỷ XVII. Mặc dù mục đích ban đầu là kiểm soát “những người nói tiếng lạ và quần áo lạ chứ không đánh thuế người buôn bán” nhưng sau đó, sở tuần ty nhanh chóng trở thành nơi thu thuế, kiểm soát hoạt động giao thông, thương mại. Thời Nguyễn thế kỷ XIX, Biện Sơn không còn là cảng trung tâm nhưng có vị trí nhất định trong hệ thống cảng biển quốc gia Đại Nam. Minh chứng là sự hiện diện của sở tuần ty ở đây.

Biện Sơn là một vị trí quan trọng đối với hoạt động quân sự, quốc phòng của quốc gia Đại Việt. Phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn là giới hạn rút lui cuối cùng của quân Tây Sơn ở Bắc Hà và cũng là địa điểm tập kết của đại quân Tây Sơn do vua Quang Trung thống lĩnh từ Phú Xuân kéo ra. Phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn được xem như bàn đạp của cuộc phản công chiến lược, là căn cứ xuất phát của các đạo thủy bộ hùng binh Tây Sơn tiến ra đại phá quân Thanh. Xác định Biện Sơn là nơi quan yếu về mặt quốc phòng – an ninh của xứ Thanh nên nhà Nguyễn từng xây dựng pháo đài trên Biện Sơn. Lúc này, Biện Sơn vừa mang chức năng của một thương cảng vừa mang chức năng của quân cảng. Nhờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi và nằm ở vị trí có tính chất then chốt trên tuyến giao thương đường biển Bắc – Nam, trong thời kỳ hoàng kim của nền thương mại châu Á, Biện Sơn trở thành cảng tiêu biểu của quốc gia Đại Việt thế kỷ XVII – XVIII và cũng là thương cảng tiêu biểu ở vịnh Đàng ngoài, có đóng góp quan trọng đối với nguồn tài chính của triều Lê – Trịnh. Càng về sau, yếu tố thương cảng suy yếu, vai trò quân cảng càng được tăng lên.

Linh Trường, Lạch Bạng, Hội Triều, Thần Phù, Biện Sơn... là những địa danh ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất xứ Thanh. Theo dòng chảy của thời gian, biến động lịch sử, những cửa biển, vụng biển ấy đã không còn giữ được diện mạo, vai trò như trước đây; có địa danh giờ chỉ còn lưu lại trong sử sách; có những địa danh đã phát triển hơn xưa. Tuy nhiên, dẫu qua bao lần biến ảo đi chăng nữa, những địa danh ấy vẫn luôn là minh chứng tiêu biểu, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của xứ Thanh đối với tiến trình lịch sử dân tộc.

Bài và ảnh: Thảo Linh

* Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Các thương cảng ven biển Bắc Trung bộ thế kỷ X – XIX” của tác giả Nguyễn Văn Chuyên và “Địa chí văn hóa Hoằng Hóa” (NXB Khoa học xã hội).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]