(Baothanhhoa.vn) - Làng là không gian sống cũng là không gian kinh tế, không gian xã hội và không gian văn hóa của người nông dân. Do vậy, văn hóa làng là một cộng đồng văn hóa – cộng đồng sáng tạo, bảo tồn và hưởng thụ những giá trị vật chất và tinh thần, trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Từ đó hình thành nên nhân cách, tính cách con người làng xã và những nét riêng – diện mạo văn hóa xóm làng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn hóa làng trong xây dựng làng văn hóa

Làng là không gian sống cũng là không gian kinh tế, không gian xã hội và không gian văn hóa của người nông dân. Do vậy, văn hóa làng là một cộng đồng văn hóa – cộng đồng sáng tạo, bảo tồn và hưởng thụ những giá trị vật chất và tinh thần, trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Từ đó hình thành nên nhân cách, tính cách con người làng xã và những nét riêng – diện mạo văn hóa xóm làng.

Văn hóa làng trong xây dựng làng văn hóa

Bình yên làng quê.

Văn hóa làng được thể hiện đa dạng, trên những đường nét lớn, có tính bao quát; hoặc cũng có thể được phản ánh chân thực và cụ thể qua hình ảnh cây đa, giếng nước, ngõ xóm, đình làng... Nó cũng có thể được biểu hiện dưới dạng thức “vô hình”, trong tâm linh của người nông dân và qua vô số những quan hệ khác nhau. Lấy đó làm căn cứ, có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra rằng, văn hóa làng chính là cội nguồn của tâm hồn và sự sống dân tộc.

Khi tìm hiểu về văn hóa dân gian xứ Thanh nói chung, văn hóa làng nói riêng, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Anh Nhân đã nhấn mạnh, đồng bằng Thanh Hóa – cái vốn thiên nhiên ngàn đời của nền nông nghiệp xứ Thanh – cũng chính là cái nôi sinh sôi và nảy nở văn hóa làng ở Thanh Hóa từ thời tiền sử cho đến tận ngày nay. Từ các vùng dân cư cổ xưa, trong trường kỳ lịch sử vật lộn tranh đấu và xây dựng, đã hình thành nên ở mảnh đất này rất nhiều làng có truyền thống lâu đời và có văn hóa bền vững. Mỗi làng có cuộc sống riêng, có tâm lý riêng, không có làng nào giống làng nào. Nhờ đó mà tạo cho bộ mặt văn hóa cũng như các mặt sinh hoạt khác của nông thôn xứ Thanh đa dạng, sinh động và hấp dẫn. Thậm chí, nó khiến cho nhiều học giả phương Tây phải thốt lên rằng, đó là “sự bí mật của các làng Việt” đã lôi cuốn họ tìm hiểu và càng đi sâu nghiên cứu, họ càng yêu thích và thán phục.

Biến đổi văn hóa cổ truyền trong xã hội hiện đại là một tất yếu. Song, biến đổi không phải là biến mất. Bởi, mọi di sản cha ông để lại đã trở thành phần tài sản quý giá dành cho các thế hệ con cháu. Do vậy, chắc chắn không ai muốn và cũng không ai có thể “chối bỏ quá khứ để hoạch định tương lai trên nền đất trắng sạch bong vết cũ”! Cũng chính vì lẽ đó, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã khẳng định, nền văn hóa Việt Nam phải đứng vững trên “đôi chân” vừa tiên tiến – hiện đại, vừa đậm đà bản sắc – kế thừa truyền thống. Trong vài thập kỷ trở lại đây, đã có rất nhiều phong trào, cuộc vận động lớn liên quan đến xây dựng đời sống văn hóa nói chung, làng văn hóa nói riêng. Đồng thời, đã và đang có hàng loạt chính sách liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa trong đời sống đương đại. Từ đó, tiếp tục nhấn mạnh, đề cao vai trò của văn hóa như là nền tảng tinh thần của xã hội. Đồng thời, phát triển văn hóa song hành với kinh tế cũng chính là cơ sở cho phát triển bền vững.

Trong 30 năm triển khai xây dựng làng văn hóa, hiện toàn tỉnh đã có 5.586/6.031 làng, thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng văn hóa, đạt tỷ lệ 92,6%. Trong đó, 4.396/6.031 làng, thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 72,8%. Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cơ quan thường trực chỉ đạo thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa, thì những kết quả đạt được từ phong trào đã trở thành một động lực, góp phần xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy quá trình CNH, HĐH quê hương, đất nước. Đặc biệt, việc triển khai xây dựng làng văn hóa đã tạo điều kiện cho người dân được hưởng thụ và sáng tạo văn hóa; thắt chặt tình làng, nghĩa xóm; góp phần xây dựng nhân cách và lối sống đẹp... Đồng thời, làng văn hóa cũng góp phần ổn định đời sống chính trị, nâng cao dân trí, thúc đẩy sản xuất phát triển, đẩy lùi đói nghèo lạc hậu và phòng chống tệ nạn xã hội. Từ đó, xây dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh, tiến bộ.

Như đã khẳng định, văn hóa làng là “cái lõi” căn bản của văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, thực tế triển khai thì không phải ở đâu và lúc nào, cái phần hồn cốt của văn hóa truyền thống cũng được chú trọng gìn giữ và phát huy cho tương xứng. Xưa kia, xóm giềng chỉ cách nhau hàng rào râm bụt và con người chuyện trò với nhau quanh bát nước chè xanh bằng vài ba câu chuyện đồng áng, sinh hoạt. Ngày nay, cái cổng được xây cao, tường bao xung quanh và cửa đóng then cài chắc chắn. Dân làng bận bịu mưu sinh, làm giàu và sự giao lưu giữa người với người cũng ít đi, tình làng, nghĩa xóm “co” lại, khiến cho sự thấu hiểu, cảm thông giữa những người cùng làng cũng nhạt dần.

Đường sá được mở về tận trung tâm các xã và không ít làng truyền thống cũng đang ngày càng “mở” cả về không gian sinh sống và xu thế “hướng ngoại” - giao lưu với bên ngoài. Do vậy, làng không còn là thế giới khép kín và “đóng khung” sau lũy tre hay cổng làng. Theo đó, các phong tục tập quán, lối sống, quan niệm, thói quen, hành vi... cũng có sự giao lưu giữa truyền thống với hiện đại, giữa nông thôn với thành thị. Và kết quả là, nhiều cái mới nhanh chóng tràn về các làng quê. Tuy nhiên, cái “mới” nhiều khi không đồng nghĩa với cái “tốt”. Bởi quá trình “phố hóa làng quê” cũng kéo theo không ít vấn nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, lô đề, lừa đảo, vỡ hụi; rồi thì bạo lực gia đình, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông... cũng gia tăng. Nông thôn lấy người nông dân làm chủ, nhưng có nơi có lúc, dân chủ ở nông thôn chưa được phát huy đầy đủ. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện tập thể, kéo dài, gây mất ổn định đời sống xã hội và phá vỡ cả những truyền thống đạo lý tốt đẹp trong ứng xử giữa người với người...

Căn nguyên cho mọi sự hạn chế, bất cập vừa nêu, thiết nghĩ, đều xuất phát từ việc chưa coi trọng đúng mức đến yếu tố văn hóa truyền thống và nhân tố con người. Trong khi, đây vốn dĩ là nguồn nội lực bền vững để phát triển. Chính vì lẽ đó, xây dựng làng văn hóa không thể chỉ chú trọng trên bề rộng mà thiếu chiều sâu, hay có “nền” mà thiếu có “đỉnh”. Nói cách khác, xây dựng làng văn hóa trong bối cảnh hiện nay, không thể tách rời cái hạt căn bản của nó là văn hóa làng.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân


Bài Và Ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]