(Baothanhhoa.vn) - Bà Đặng Tự Khuất không muốn nói nhiều về mình. Bà bảo: “Ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, tất cả đã trở thành kỷ niệm. Những năm tháng đã qua chỉ cần tổng kết trong một vài con chữ, đó là: Tình yêu, niềm đam mê và sự cống hiến hết mình”.

“Tiếng hát át tiếng bom”

Bà Đặng Tự Khuất không muốn nói nhiều về mình. Bà bảo: “Ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, tất cả đã trở thành kỷ niệm. Những năm tháng đã qua chỉ cần tổng kết trong một vài con chữ, đó là: Tình yêu, niềm đam mê và sự cống hiến hết mình”.

“Tiếng hát át tiếng bom”

Những năm tháng cùng chồng, cùng đoàn chèo Thanh Hóa tham gia phục vụ bộ đội, Nhân dân tại các vùng trận địa sẽ mãi là hồi ức không thể nào quên trong suốt cuộc đời nghệ sĩ chèo Đặng Tự Khuất.

Bà Khuất là người con gái “đất chèo” nổi danh của huyện Hoằng Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. “Một tiếng í a cũng lơi lả mái đình”, mảnh đất Hoằng Phượng ấy đã nuôi dưỡng, chắp cánh cho nhiều tiếng hát chèo bay cao, vươn xa.

Cũng từ mảnh đất ấy, bà Khuất lớn lên trong tình yêu, niềm đam mê đặc biệt với bộ môn nghệ thuật truyền thống ấy. Ký ức tuổi thơ đọng lại trong tâm trí bà Khuất là sự hào hứng, vui sướng mỗi khi được theo chân người lớn đi xem các buổi diễn chèo ở làng, xã. Tiếng trống gõ nhịp, tiếng đàn bầu dìu dặt, khoan thai, tiếng sáo trong trẻo hòa quyện cùng tiếng hát ngân nga cứ thế lắng sâu trong tâm hồn bà Khuất. Theo năm tháng, niềm yêu thích chuyển hóa thành sự say mê, trở thành động lực thôi thúc bà Khuất học hát chèo, từng bước ghi danh trên sân khấu chèo.

Không chỉ có niềm đam mê, tinh thần ham học hỏi, ngay từ khi còn rất trẻ, bà Khuất đã bộc lộ năng khiếu với nghệ thuật chèo truyền thống. Bà Khuất hát hay, múa đẹp, ngoại hình “bắt sân khấu”. Chẳng thế mà khi mới mười mấy tuổi, bà Khuất đã là “nhân tố tiêu biểu”, “hạt nhân” trong đoàn chèo địa phương tham gia hội diễn mùa xuân năm 1962 của tỉnh. Năm ấy, tiết mục mà bà Khuất tham gia biểu diễn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả, hội đồng chuyên môn đánh giá cao và giành giải nhất. Từ hội diễn ấy, nhận thấy tiềm năng, triển vọng của người con gái “đất chèo”, bà Khuất được mời về phục vụ cho đoàn chèo Thanh Hóa (nguyên là một đơn vị hoạt động nghệ thuật chèo chuyên nghiệp của tỉnh , sau này sáp nhập vào Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa). Quãng đời hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của bà Khuất bắt đầu từ đó.

Việc theo đuổi con đường nghệ thuật nói chung, nghệ thuật truyền thống nói riêng không hề đơn giản. Bởi lẽ, lĩnh vực này đòi hỏi phải đáp ứng hai yếu tố: niềm đam mê và năng khiếu. Nếu thiếu một trong hai yếu tố ấy, bạn đơn thuần chỉ là một người dạo chơi, “vì yêu mà đến” nhưng không thể gắn bó dài lâu và chạm tay đến thành công. Với bà Khuất, việc được “đặc cách” từ địa phương tham gia vào đoàn chèo Thanh Hóa là một “cơ duyên đặc biệt”, niềm hạnh phúc đáng trân trọng. Ở đó, bà Khuất luôn không ngừng nỗ lực rèn luyện, học hỏi để hoàn thiện mình hơn trong từng vai diễn. Bà Khuất chân thành chia sẻ: “Thời điểm ấy, các đoàn biểu diễn nghệ thuật truyền thống đều có chung nỗi vất vả nhưng ai ai cũng hăng say tập luyện, biểu diễn với mục tiêu hướng đến là phục vụ công chúng”. Bà Khuất cùng đoàn chèo Thanh Hóa đến với nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Từ vùng đồng bằng, ven biển hay ngược miền non cao, họ vẫn miệt mài, say sưa mang lời ca, tiếng hát làm đẹp, làm vui, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho Nhân dân. Trong suốt quãng đời hoạt động nghệ thuật, bà Khuất chẳng thể nhớ nổi bàn chân mình đi đến những nơi đâu, tất cả đọng lại trong tâm trí người đàn bà sắp chạm ngưỡng “bát thập đắc hi hỉ” ấy là niềm vui, hứng khởi, tình cảm yêu mến của bà con Nhân dân khi xem các tiết mục do bà và đoàn chèo Thanh Hóa biểu diễn.

Mỗi số phận cá nhân không bao giờ tách rời khỏi số phận quê hương, đất nước trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Bà Khuất hay đoàn chèo Thanh Hóa cũng vậy.

Năm 1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của Nhân dân Việt Nam. Với sự chuẩn bị từ trước cùng tinh thần cảnh giác cao, các lực lượng vũ trang (LLVT) và Nhân dân miền Bắc đã giáng trả địch những đòn thích đáng. Chiến sự nổ ra. Cũng như biết bao đoàn văn công khác, bà Khuất và đoàn chèo Thanh Hóa hăng hái lên đường, mang lời ca, tiếng hát của mình đến phục vụ cho các chiến sĩ tại các vùng trận địa. Những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất, bà Khuất mang lời ca, tiếng hát của mình phục vụ Nhân dân, bộ đội trong vùng chiến sự. Gian khổ, hiểm nguy giăng đầy nhưng bà Khuất chưa một lần chùn bước.

Ngồi nhớ lại quãng thời gian ấy, bà Khuất như có chút lặng người đi. Ánh mắt nhìn về phía xa xăm, từng hồi ức, kỷ niệm như thước phim quay chậm hiển hiện rõ nét trong tâm trí người nghệ sĩ. Từ năm 1964, khi chiến tranh bắt đầu nổ ra, bà Khuất cùng đoàn chèo Thanh Hóa đi lưu diễn, phục vụ cho Nhân dân, bộ đội tại các khu vực trận địa. Chẳng quản ngại gian nan, hiểm nguy, bà và những người đồng nghiệp của mình đã băng qua mưa bom bão đạn để đến với các khu vực đang là “điểm nóng” lúc bấy giờ như: trận địa Hàm Rồng, trận địa Ghép... Đặc biệt, trên những nẻo đường lưu diễn ấy, bà Khuất còn có chồng - ông Nguyễn Minh Thông, nhà văn, nhà viết kịch kề vai sát cánh. Sức mạnh như được nhân đôi, tình yêu trở thành động lực to lớn cho mọi sự hy sinh, quên mình.

Đối mặt với lằn ranh sinh tử, thiếu thốn đủ bề cũng không ngăn được bước chân đoàn văn công. Bà Khuất kể: Phần lớn thời gian là đoàn đi bộ, có lúc đi xe bò, dò dẫm theo ánh đèn măng sông. Như những con ong chăm chỉ, cần mẫn, đoàn cứ đi, biểu diễn ở địa phương này xong lại tiếp tục đến với vùng đất mới. Nhiều khi đói quá không có gì ăn, đi qua vườn chanh của nhà dân mà cả đoàn ghé vào xin thêm ít muối hạt ăn ngấu nghiến. Đời người trong chiến tranh “sống giờ chết giờ”, nhiều khi buổi biểu diễn còn chưa kịp khép lại đã phải vội vã xuống hầm trú ẩn vì tiếng bom rơi, tiếng máy bay gào rú trên đầu. Có khi, những gương mặt chiến sĩ hôm nay còn hồ hởi xem đoàn chèo biểu diễn nhưng ngày mai đây đã vùi chôn thân xác mình dưới làn mưa bom bão đạn. Họ cảm mến lời ca, tiếng hát và tấm lòng của mình mà nhiệt tình hưởng ứng, vỗ tay. Tình cảm yêu mến, trân trọng ấy chính là phần thưởng cao quý nhất trong cuộc đời người nghệ sĩ.

Bà Khuất rưng rưng xúc động khi nhớ lại kỷ niệm đi lưu diễn tại trận địa Hàm Rồng năm 1968. Bà và đoàn chèo Thanh Hóa đến đây khi chiến trường còn ngổn ngang, khói bom mịt mùng. Đoàn được phân công tá túc tại chùa Mật Đa (hay còn gọi là chùa Nam Ngạn, TP Thanh Hóa). Ở chùa lúc bấy giờ cũng là nơi tập hợp hài cốt của những tử sĩ tham gia chiến đấu ở trận địa Hàm Rồng. Trong không gian thanh tịnh, mùi khói hương phảng phất, trước những cuộc đời đã mãi mãi ra đi cho nền độc lập, tự do của quê hương, đất nước khiến bất kỳ ai cũng không khỏi xúc động nghẹn ngào. Tất cả niềm thương xót, trân trọng, cảm phục ấy, bà Khuất và đồng nghiệp gửi gắm vào lời ca, tiếng hát chèo ngâm nga, da diết.

Hòa bình lập lại, bà Khuất vẫn miệt mài sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật. Không chỉ hết mình với vai diễn trên sân khấu, bà Khuất còn nhiệt tình truyền nghệ, thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết trong các thế hệ trẻ. Bà luôn tâm niệm một điều: “Mong sao thế hệ sau gìn giữ được bộ môn nghệ thuật truyền thống, tinh hoa văn hóa dân tộc”. Bởi nỗi niềm đau đáu như thế nên bất kỳ ai chăm chỉ, ham học hỏi, bà Khuất cũng sẵn lòng chia sẻ, truyền nghề.

Như mạch nguồn chảy mãi, niềm vui càng được nhân lên khi bà Khuất đã có người nối nghiệp. Người con gái thứ 3 của bà Khuất hiện đang làm việc cho đoàn chèo - nhà hát nghệ thuật truyền thống.

Giờ đây, khi đã ở phía bên kia con dốc cuộc đời. Nhiều điều đã theo thời gian lãng quên đi. Nhưng có lẽ, những năm tháng cùng đoàn chèo Thanh Hóa đi lưu diễn, phục vụ Nhân dân, bộ đội trong các vùng chiến sự sẽ mãi là hồi ức chẳng thể nào quên...

Bài và ảnh: Hương Thảo


Bài và ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]