(Baothanhhoa.vn) - Tết đến, là dịp những người con xa quê mong chờ được về bên người thân để cảm nhận trọn vẹn hơi ấm gia đình. Nhưng vì đại dịch COVID-19, vì công việc, vì xa xôi, hay đơn giản là vì không có điều kiện mà không ít người phải đón tết xa quê, nơi đất khách quê người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tết của người Việt ở nước ngoài

Tết đến, là dịp những người con xa quê mong chờ được về bên người thân để cảm nhận trọn vẹn hơi ấm gia đình. Nhưng vì đại dịch COVID-19, vì công việc, vì xa xôi, hay đơn giản là vì không có điều kiện mà không ít người phải đón tết xa quê, nơi đất khách quê người.

Tết của người Việt ở nước ngoài

Nguyễn Anh Khôi cùng các bạn du học tại Canada.

Tết quê hương gọi những người xa quê trở về, gọi những người bận rộn lại với mâm cơm gia đình, với chiếc bánh chưng xanh, bên bàn trà nước nói cười râm ran, với những lời chúc mừng năm mới... Nhưng với không ít người con xa xứ, tết đoàn viên chỉ là một mục tiêu trong tương lai. Nơi ấy, những ngày xuân mới, họ vẫn phải tất tả ngược xuôi công việc như nhịp sống bình thường của nước sở tại.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Hoằng Hóa, chị Cao Linh theo chồng sang thủ đô Bratislava, Slovakia làm ăn đã 10 năm nay. Và cũng từng ấy năm, chị trông chờ tết đến, xuân về. Bởi với chị, tết là những ngày dậy sớm đi chợ hoa cùng gia đình, là nhìn thấy sự vui vẻ, hạnh phúc giản đơn trên gương mặt bố khi chọn được cành đào ưng ý, là thấy hình ảnh mẹ tất bật chuẩn bị cho mâm cỗ chiều 30, là không khí ấm cúng khi cả gia đình quây quần ngồi xem Táo quân, đi chúc tết họ hàng... Có lẽ vì thế mà Tết Nguyên đán năm nào chị Linh cũng thu xếp công việc để về Việt Nam với gia đình. Chưa cần tới Giáng sinh, chị đã rục rịch chuẩn bị cho dịp đoàn viên mỗi năm chỉ có một lần. Năm nay, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, không có chuyến bay, lần đầu tiên chị Linh không thể về đón năm mới tại quê hương. “Tủi thân và buồn lắm em ạ” - chị nói.

Ở thành phố chị Linh đang sống, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện khá nghiêm ngặt. Mỗi khi ra ngoài, người dân phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội và bị từ chối phục vụ ở mọi nơi nếu không đeo khẩu trang. Vì không thể về Việt Nam, chị Linh chỉ có thể trò chuyện với bố mẹ và người thân qua video call.

Hiện việc kinh doanh của vợ chồng chị Linh vẫn hoạt động, tuy vất vả hơn đôi chút nhưng vẫn còn may vì không phải dừng hoàn toàn do đại dịch. “Chị chỉ mong dịch qua đi để mọi thứ trở lại bình thường, dù gì cũng tìm ra vaccine rồi. Chị hy vọng mọi người giữ tinh thần lạc quan, tích cực để đẩy lùi những chuyện chưa vui của năm cũ để đón năm mới trọn vẹn, hạnh phúc hơn” - chị Linh chia sẻ.

Có nhiều người nói rằng, khi còn ở Việt Nam, mỗi lần tết đến, phải dọn nhà, rửa bát, đũa, ấm chén... trong tiết trời rét buốt là một “cực hình”. Tuy nhiên, khi xa quê, có muốn được hưởng cảm giác đó cũng thật khó. Bởi, Canada những ngày cuối đông tiết trời lạnh giá, nhiệt độ thường xuyên xuống thấp dưới 0 độ C, tuyết phủ trắng xóa mặt đường. Hầu hết người đi đường đều mặc đến hai lớp tất và giầy chống tuyết, nhưng không tránh khỏi bị tê buốt ở 10 đầu ngón chân. Mưa và tuyết hỗn hợp khiến cái rét “cắt da, cắt thịt” dịp tết đến xuân về càng khứa sâu vào lòng những người con xa xứ. Nguyễn Anh Khôi, 20 tuổi, chia sẻ: “Năm nay là năm thứ hai em đi du học, nhưng là năm đầu tiên em đón tết xa nhà. Là nam nhi đấy nhưng cứ nghĩ đến việc ăn tết ở nơi đất khách quê người, chạnh lòng lắm chị ạ”.

Tết của người Việt ở nước ngoài

Gia đình chị Cao Linh luôn cố gắng duy trì tết Việt dù hiện đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Ảnh: CTV

Ở nơi cách xa quê nhà cả vạn dặm, điều buồn nhất đối với Khôi là không thể cảm nhận được không khí tết một cách trọn vẹn. Không khí vui tươi, rạo rực làm say mê lòng người ấy chỉ có thể đón chờ qua zalo, facebook... Những lúc ấy, Khôi cảm thấy nhớ da diết những phút giây đầm ấm bên gia đình, người thân; bạn bè và thèm tết hơn bao giờ hết.

Bỏ lỡ khá nhiều việc và mọi chuyện không theo đúng kế hoạch nên Nguyễn Khôi cảm thấy như mình vừa bỏ phí một năm. Thời gian dịch COVID-19 ở Canada vừa qua, Khôi phải ở phòng trọ học online và một mình chống chọi với nỗi cô đơn nơi xứ người. Không thể về nước ăn tết với gia đình, Khôi dự định, sẽ cùng các bạn du học sinh Việt Nam cùng nhau nấu nướng liên hoan một bữa. Cả nhóm cùng trang trí phòng trọ, nấu các món ăn Việt truyền thống ngày tết... “Tết Việt ở Canada là ngày bình thường nên mọi người đều bận rộn đi học, đi làm. Song, dù có bận rộn thế nào, em và các bạn vẫn sắp xếp thời gian để cùng ăn bữa cơm tất niên cho đỡ nhớ nhà” – Khôi cho biết.

Với cộng đồng người Việt Nam xa xứ, có một nỗi niềm đau đáu là làm sao để tết cổ truyền không mai một. Những ngày cuối năm, tiết trời Nhật Bản ngày càng trở nên lạnh giá, tuyết phủ che lấp hết những bàn chân người in trên cát. Thế nhưng “mùi tết” đã bắt đầu phảng phất đâu đó trên những cung đường đi làm hằng ngày của lao động Việt ở Nhật Bản. Một trong những tỉnh có cộng đồng lao động người Việt đông tại Nhật Bản là Mie. Nơi đây bình thường vốn yên ắng nay lại náo động bởi những tốp người Việt Nam đua nhau đi “chợ tết”. Những người lao động Việt Nam thỏa thuận chia nhau xin nghỉ phép theo đúng quy định công ty để gói và nấu bánh chưng, bánh tét. Bởi với họ chỉ cần có mùi bánh chưng, bánh tét là đã có 90% “mùi tết”.

Phạm Thị Phương, 25 tuổi, hiện là nhân viên một công ty lắp ráp linh kiện điện tử tại tỉnh Mie, cho biết: Do tình hình dịch bệnh căng thẳng trên thế giới nên các hợp đồng đặt hàng lắp ráp linh kiện điện tử xuất khẩu đã tạm ngưng, dẫn đến một số dây chuyền trong xưởng phải ngừng hoạt động. Nhân viên trong công ty phải chia nhau làm xen kẽ trong tuần, chấp nhận giảm thu nhập để tồn tại nơi đất khách. Buồn đấy, lo đấy nhưng cảm giác xốn xang khi tết về vẫn khiến trái tim của người con xa quê như Phương lỗi nhịp. Tranh thủ lúc hết giờ làm, Phương cùng một vài người bạn Việt Nam chạy đi tìm mua lá cờ Việt Nam và những thứ cần thiết để làm các món ăn, quà bánh mứt truyền thống. Tất cả đều háo hức, dường như bỏ lại hết những mệt nhọc nơi làm việc.

Phương chia sẻ: “Mình đã xa nhà gần 5 năm rồi. Kể từ khi sang đây làm việc, chưa có dịp nào được về sum họp với gia đình trong dịp tết. Ở bên này, bạn bè cũng có nhưng không khí đầm ấm như ở nhà thì không bao giờ có được. Bên này, vẫn có thể lên mạng xem không khí đón tết ở quê hương, muốn xem Táo quân cũng có Táo quân... nhưng vẫn thấy thiếu thốn lắm. Vì thế, mỗi dịp mừng năm mới, mình và các bạn đều cố gắng chuẩn bị những món đặc trưng như bánh chưng, bánh tét, thịt kho... để vơi đi cảm giác nhớ nhà, nhớ tết. Dù nguyên liệu nấu nướng không được đầy đủ như ở Việt Nam, bánh khi luộc xong thì chỗ méo, chỗ tròn nhưng hương vị vẫn thơm nồng”.

Thêm một mùa xuân đến, hàng nghìn người con Thanh Hóa đang học tập, làm việc, sinh sống ở gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ phải đón tết xa nhà. Thế nhưng, với dòng máu con Lạc, cháu Hồng trong người, những người, như: chị Linh, Khôi và Phương... vẫn chuẩn bị và đón tết Việt ngay ở những nơi đất khách quê người. Mỗi người nhớ về quê hương và thể hiện tình yêu dành cho quê hương theo một cách riêng, nhưng dù sống ở phương trời nào, làm gì thì nỗi niềm tết trong lòng họ chắc ai cũng giống ai, cũng muốn xích lại gần nhau hơn để cùng gìn giữ, phát huy và lan tỏa văn hóa, bản sắc của người Việt ra với bạn bè thế giới.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]