(Baothanhhoa.vn) - Tôi biết anh từ khi chưa có cái tên Văn Đắc. Ngày ấy, tôi làm ở tòa soạn báo. Một hôm có một chàng trai cao lớn, sáng sủa đến cửa tòa soạn. Anh rụt rè: - Thưa, đây có phải là tòa soạn báo?. Vâng, anh hỏi gì?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tản mạn cùng Văn Đắc

Tản mạn cùng Văn Đắc

Nhà thơ Văn Đắc.

Tôi biết anh từ khi chưa có cái tên Văn Đắc. Ngày ấy, tôi làm ở tòa soạn báo. Một hôm có một chàng trai cao lớn, sáng sủa đến cửa tòa soạn. Anh rụt rè: - Thưa, đây có phải là tòa soạn báo?. Vâng, anh hỏi gì?

- Tôi có bài thơ muốn đăng báo.

- Hay quá, mời anh ngồi. Xin hỏi anh tên gì?

- Nguyễn Tiến Tới ạ, tôi là giáo viên.

Thế là cái tên Nguyễn Tiến Tới và “Bài thơ quê hương” xuất hiện lần đầu tiên trên báo. Anh viết về làng Triều, cái làng chài ven biển Sầm Sơn quanh năm sóng và gió. Cái làng mà “Hạ buồm xuống kéo trăng lên đỉnh cột/ Neo làng ta vào trong sóng vỗ/ Viết bài thơ cho buổi mai lên. Cái làng ngay “Cửa sông lắm lạch nhiều sò/ Áo tơi nón rách đi mò ốc cua”.

Đã nhiều người viết về làng chài, nhưng có lẽ chỉ có người bạn trai này sinh ra và lớn lên ở đây nên mới có cái nhìn “Hạ buồm xuống/ kéo trăng lên đỉnh cột”. Một bức tranh quê tươi tắn, một không khí làm ăn tấp nập, vô tư đã hiện lên trong bài thơ.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước lan ra khắp miền Bắc. Công sở, trường học, nhà dân ở các tọa độ lửa của máy bay Mỹ đều phải đi sơ tán. Tòa soạn chúng tôi cũng phải sơ tán về làng quê Thiệu Hóa. Một hôm, thầy giáo Tới đến. Anh cười vui mở cặp lấy bài thơ đưa cho tôi. Ông Tổng Biên tập Lê Tân ngồi cạnh hỏi: - Thơ hả. Anh ngồi xuống đây và trình bày xem nào. Cả mấy anh em trong tòa soạn đều chăm chú lắng nghe thầy Tới đọc:

Làng sơ tán

Một túp lều con/ sơ tán/ nhiều túp lều con/ thành làng sơ tán/ giặc bỏ bom ngang/ ta xây làng dọc/ Giặc bỏ bom dọc/ ta xây làng ngang/ Trận địa ta giăng hàng/ rộng hơn vòng bom giặc/ Cây mơ mới bấng trồng/ nhớ cành bom Mỹ chặt/ Bật sáng những mầm xanh/ chiếc chum vỡ mẹ kê đựng nước/ Nhớ mặt giếng xây thao thức một vầng trăng/ như lòng mẹ bâng khuâng/ nhớ về làng cũ/...và Nhưng mẹ ơi! Đường từ làng ta làng sơ tán/ không dài hơn tấm lòng yêu thương của mẹ/ Mà ngắn trong mắt trắng quân thù.

Nghe hết bài thơ, ông tổng biên tập vỗ tay vào đùi cái đét: Hay quá! Chủ nghĩa anh hùng cách mạng là đây rồi, ở ngay bài thơ “Làng sơ tán” của anh. Ta đang rất cần những bài thơ như thế trên báo, thật chẳng đâu lãng mạn bằng: “Trận địa của mẹ đây/ Cháu nhỏ trải nong nằm đếm vì sao hát/ Một ông sáng sao, hai ông sao sáng...” . Đó là một ngày mà hình ảnh Văn Đắc in đậm trong tim tôi. Rồi cái mạch thơ viết về “Làng” ấy liên tục được gửi đến tòa soạn. Đọc những bài thơ “Làng ơi”, “Làng Triều”, “Làng Yên Vực”, “Chuyện ở làng chài”... mỗi bài thơ về làng ấy là một câu chuyện trong thời khắc chống Mỹ cứu nước, là một huyền thoại của thời chiến, là một bức tranh quê xinh tươi ngút ngát. Và “Làng sơ tán” găm một dấu ấn. Bài thơ đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam.

Bẵng đi một thời gian không thấy thơ Văn Đắc xuất hiện. Tôi đi tìm mới biết anh đã được điều động về công tác tại Ty giáo dục Thuận Hải (khi miền Nam mới được giải phóng). Những ngày xa quê là những ngày anh sáng tác nhiều bài thơ về quê hương Thanh Hóa. Bài thơ “Tôi người Thanh Hóa” dài đến 131 câu. Sự nhớ nhung quê hương đã dồn hết lên đầu ngòi bút. Đắc viết về nghề canh cửi với những sợi tơ vàng, về nghề đục đá làng Nhồi với những pho tượng quan văn, quan võ; về những cái nồi đất làng Vồm, về rau má bò qua cơn khát, về núi Đọ, sông Chu, về nem chua và rượu Cầu Lộc, rượu làng Quảng, về con người Thanh Hóa thích bông lơn kiểu Trạng Quỳnh, về người Thanh Hóa “Thích thì vác đá xây thành/ Uất thì chọc thủng trời xanh mà cười” .

Năm 1979, Văn Đắc được trở về Thanh, làm việc tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chúng tôi lại có dịp được gần gũi, gắn bó bên nhau. Nhiều khi tâm sự tôi hỏi: Đắc là người có chữ nghĩa, văn chương, lại kinh qua nhiều năm công tác giảng dạy, đào tạo nhiều người trưởng thành chả lẽ mình cứ là thằng văn chương? Đắc ngẫm nghĩ và nói: - Mỗi người có một lối đi, tôi chọn văn chương và văn chương là tài sản quý giá nhất mà tôi vun trồng và để lại. Có một chút ngậm ngùi nhưng tôi nghĩ cái tạng Văn Đắc nó thế, cứ dồn hết tâm can cho văn chương, anh sống phóng khoáng, viết phóng khoáng, sâu sắc, thâm trầm, ví von, so sánh, diệu vợi, lãng tử một chút, mơ mộng một chút. Không phải bất cần đời mà cái cần nhất là tìm cho được vỉa quặng của văn chương đích thực, cái khác chưa cần. Khi ngước lên tuổi đã cao, tác phẩm đã đầy đặn, có tầm vóc, dáng đứng của Văn Đắc trên thi đàn đã lồng lộng Đắc mới ớ ra nhiều điều.

Người đời nhớ Văn Đắc không phải ở số lượng những tác phẩm, không chỉ ở kịch thơ “Lê Hoàn”, không chỉ ở trường ca “Thành Tây Đô” hay những tác phẩm dày cộp mà nhớ cái dáng lúc lắc ở ngoài đời với những câu thơ tình cũng không kém phần “lúc lắc” như Thy Lan đã nói. Này nhé:

Ta lén khỏi tuổi ta/ Tìm lại vườn tuổi trẻ. Ấy là khi cái tuổi đã ngả mầu mà vẫn còn “lén” để trở lại vườn xuân. Nào là Tóc đã trót nửa hoa râm/ Mà sao xuân cứ vọng thầm nở hoa. Lại nữa Buồn như chiếc lá/ Đã vàng khô còn níu mãi đầu cành... Ai ngờ lật ngửa bàn tay/ Em rung lá úa rụng đầy tay tôi. Mạch thơ ấy cứ như là tự thú, tự nuối tiếc cái thanh xuân.

Thơ tình Văn Đắc trải dài suốt những năm tháng chống Mỹ. Tình yêu của anh gắn với đời sống con người; gắn với non sông gấm vóc, gắn với lịch sử dân tộc. Khi đi thuyền trên sông Hương anh thốt lên “Ai kẽ sông lệch bên trời/ Để câu ca Huế một đời rơi nghiêng”. Đến Hà Nội anh viết “Tôi có một thời trai Hà Nội/ Một thời trai như bãi sông Hồng/ Lá lúng liếng vào trăng chừng đã nói/ Một câu gì để Hà Nội bâng khuâng”. Gặp bạn ở Năm Căn, Đắc hòa nhập cùng bạn nhậu tới bến, cùng cởi áo, ở trần vào cuộc cho hết mình:

“Ếch của rừng U Minh

Nướng trên lò than đước

Bày biện ra mép nước

Uống cho nghiêng ngả thuyền”.

Khi đến chợ Đồng Mỏ Lạng Sơn, anh thì thầm:

“Đêm nay còn chưa tỏ/ Sáng mai tìm gặp nhau/ Cái đêm chợ Đồng Mỏ/ Mướt xanh như lá trầu”. Đến địa danh nào Văn Đắc cũng để lại những vần thơ tình khát khao, cháy bỏng, ngả nghiêng thế. Nếu Đắc đã yêu thì: “Đã yêu tìm chốn mỹ miều/ Trăm gươm kề cổ cũng liều mà yêu”. Thơ tình của Văn Đắc cứ như hát, như múa, như có như không. Con người của ông luôn có “chín đợi mười chờ”, yêu đó, đợi chờ đó rồi lại như không. Thì ra Đắc không phải viết cho mình, ông toàn bịa ra để viết (cái người ta gọi là sáng tác ấy mà), viết cho bao nhiêu người. Trong thực tại cũng nhiều phen làm ông say đắm. Say đắm đến mức gần nửa đêm rồi còn bắt tôi đánh xe đưa ông về một làng quê xa thành phố, đánh thức cô em dậy, chỉ ngắm nhìn một lát, cùng đọc mấy bài thơ rồi ra về. Các “em” ấn tượng Đắc có lẽ là thơ và lãng tử thế. Tỉnh rượu lại về với em Thanh để húp một bát cháo hành cho tỉnh táo.

Cũng chính cái “lúc lắc” gập ghềnh ấy, mà có một ông bạn nhạc sĩ của tôi phàn nàn: Thơ Đắc hay, đọc ngấm. Nhưng tôi tìm một bài để phổ nhạc quả là khó. Cái hay của thơ Văn Đắc nó cứ lặn sâu, đọc lâu mới thích, không vần điệu, không nhạc khí làm trọng thì phổ nhạc khó thật. Ấy cũng là điểm yếu của thơ Văn Đắc chăng?

Một hôm tôi ngồi trên xe khách đi Hà Nội, có hai cô sinh viên ngồi bên đọc thơ Văn Đắc, khúc khích cười, rồi đấm nhau mà cười. Tôi hỏi: - Gì mà thích thú thế? Cô nọ lật trang thơ Văn Đắc với bài Vợ:

Khi anh đang lả tay ra với gió

Thì tay em đang sàng gạo

Khi anh đang nhấp chén trà như

nhấp mật ong

Thì mồ hôi em ướt hai đầu vú

Em có ghét anh không

Mà hôm nào cũng dậy sớm

Rúc vào anh như con chó con.

Không biết bà Thanh vợ ông đọc bài này có thấy ngượng ngùng và sung sướng không, nhưng hai cô sinh viên này thì cười ngả nghiêng và đấm nhau thùm thụp.

Mới đây, Văn Đắc đưa tôi về thăm làng ông. Cái làng mà ông vẽ bức tranh bằng thơ ấy đã khác xưa nhiều lắm. Chúng tôi đi từ biển vào, biển không còn những cánh buồm, biển không “nằm ngang trên vai”, không “trăng đậu trên đỉnh cột buồm” mà giăng giăng nhà cao tầng. Chúng tôi thắp hương trong đền thờ Bà Triều, thắp hương những khu mộ cha mẹ, ông bà, tổ tiên nhà thơ Văn Đắc. Tôi để ý trong góc khu mộ vẫn còn một đống cát, để mỗi khi về thăm, Đắc lại được vục tay vào cát mà thơm. Bỗng nhớ mấy câu:

“Bãi hoang cỏ dại bùi ngùi

Đá khô, cát bỏng cất lời chào ta

Làng mọc phố, phố mọc hoa

Thuyền căng, buồm dựng mái nhà chân mây

Biển thì hát, làng thì say

Cứ như thần thánh về đây hóa người.

Cái làng Triều mới ngày nào nuôi “thằng Tới” lớn bằng sào, “thằng Tới” viết thơ trên cát, mà hôm nay làng Triều dang tay đón một nhà thơ có tên tuổi rộng dài Văn Đắc.

Tháng giêng Kỷ Hợi 2019.

Trần Đàm


Trần Đàm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]