(Baothanhhoa.vn) - Các di sản văn hóa vật thể không đơn thuần là những công trình xây dựng; mà là những công trình kiến trúc – nghệ thuật “thấm đẫm” các yếu tố lịch sử, văn hóa. Chính vì lẽ đó, việc trùng tu, tôn tạo di tích phải được làm một cách thận trọng, nghiêm túc để tránh những sai phạm có thể ảnh hưởng đến giá trị và tính nguyên bản của di sản.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sớm khắc phục những bất cập trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Các di sản văn hóa vật thể không đơn thuần là những công trình xây dựng; mà là những công trình kiến trúc – nghệ thuật “thấm đẫm” các yếu tố lịch sử, văn hóa. Chính vì lẽ đó, việc trùng tu, tôn tạo di tích phải được làm một cách thận trọng, nghiêm túc để tránh những sai phạm có thể ảnh hưởng đến giá trị và tính nguyên bản của di sản.

Sớm khắc phục những bất cập trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Di tích chùa Mậu Xương (huyện Quảng Xương).

Những năm qua, công tác bảo tồn, trùng tu, chống xuống cấp di tích đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, do tác động của điều kiện tự nhiên (thời tiết, khí hậu) và quá trình khai thác của con người, đã và đang tác động, ảnh hưởng đến di tích. Đặc biệt, việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích có lúc, có nơi vẫn chưa bảo đảm các quy định của pháp luật. Điều này ít nhiều xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ của cấp ủy, chính quyền và ban quản lý ở một số địa phương về Luật Di sản văn hóa, Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21-9-2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Nghị định 166/2018/NĐ-CP ngày 25-12-2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh...

Thực trạng trên đã dẫn đến trong quá trình thực hiện một số dự án, các địa phương, đơn vị liên quan đã không tuân thủ quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến việc gìn giữ yếu tố gốc và giá trị lịch sử - văn hóa của di tích. Việc thuê đơn vị thi công, tư vấn lập dự án, giám sát không đủ điều kiện hành nghề theo quy định nên đã xảy ra nhiều hạn chế, sai phạm trong quá trình thi công. Một số địa phương đã thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cho phép; điển hình như chùa Bạch Tượng (huyện Nga Sơn), đền thờ Tô Hiến Thành (huyện Hoằng Hóa), nhà thờ họ Lê Hữu (TP Thanh Hóa)...; hoặc xây dựng các công trình trái phép làm phá vỡ cảnh quan, xâm phạm khu vực bảo vệ di tích như danh lam thắng cảnh Hồ Đồng Vụa (huyện Nga Sơn); danh lam thắng cảnh Núi Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc)...

Hiện nay, do thiếu nguồn lực đầu tư dẫn đến việc triển khai thực hiện các quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Chẳng hạn như Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và các di tích phụ cận gắn với phát triển du lịch; Quy hoạch chi tiết bảo tồn - tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử văn hóa quần thể di tích Bà Triệu, huyện Hậu Lộc; Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh Phủ Na, huyện Như Thanh; Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh - địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (gồm núi Nưa, đền Nưa, Am Tiên) tỷ lệ 1/2.000 huyện Triệu Sơn; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, TP Thanh Hóa... Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh còn nhiều di tích lịch sử văn hóa đang trong tình trạng xuống cấp và có nhu cầu bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo. Theo số liệu báo cáo của các huyện, thì hiện có khoảng 96 lượt di tích đang cần được tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp. Trong khi, tiến độ triển khai thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nhìn chung còn chậm; đặc biệt, nhiều dự án do địa phương làm chủ đầu tư đang cho thấy sự lúng túng trong các bước lập dự án, đề nghị thẩm định và phê duyệt dự án, khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án...

Trong công tác bảo tồn di tích, mặc dù việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, do nhận thức không đầy đủ, không nắm vững Luật Di sản văn hóa và các quy định của pháp luật, cũng như thiếu năng lực chuyên môn nên một số cấp ủy, chính quyền, ban quản lý di tích đã “tự ý” tiến hành tu bổ, phục hồi dẫn đến làm biến dạng di tích. Sai phạm này đa số rơi vào các chùa (di tích tôn giáo) và di tích tín ngưỡng được giao cho ban quản lý di tích địa phương. Điển hình như chùa Bạch Tượng (huyện Nga Sơn); chùa Đông Tác, chùa Giáp Hoa, chùa Đại Bi (TP Thanh Hóa); chùa Liên Hoa (huyện Hậu Lộc); chùa Linh Ứng (thuộc khu di tích danh thắng Kim Sơn, huyện Vĩnh Lộc); phủ Suối (huyện Hà Trung); đền Nưa (thuộc di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu, huyện Triệu Sơn).

Trong công tác bảo tồn di sản nói riêng, quản lý Nhà nước về di sản nói chung, con người hay đội ngũ làm công tác văn hóa đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cả số lượng và chất lượng nhân lực làm công tác quản lý, bảo tồn di sản đang có nhiều bất cập. Việc đào tạo nhân lực cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích cũng còn hạn chế; cán bộ làm công tác quản lý cũng như đội ngũ tư vấn thiết kế, tu bổ di tích và giám sát công trình vừa thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, dẫn đến nhiều sai phạm làm sai lệch giá trị nguyên gốc di tích. Trong khi đó, các thành viên thuộc ban quản lý di tích ở cấp huyện, cấp xã phần lớn không có chuyên môn và kiêm nhiệm, nên dẫn tới việc quản lý, phát huy giá trị di tích chưa mang lại kết quả như mong muốn; công tác quản lý di tích ở một số địa phương chưa được quan tâm, thậm chí có biểu hiện buông lỏng quản lý là nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trong công tác tu bổ, phục hồi di tích nhưng không được sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Ngoài ra, một số địa phương và ban quản lý di tích các cấp (huyện, xã) cũng chưa quan tâm đến việc tham vấn, phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc giám sát, triển khai thực hiện dự án. Trong khi, cơ quan chuyên môn, cán bộ chuyên môn được giao hướng dẫn địa phương thực hiện dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cũng chưa thật sự sát sao và tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, chủ đầu tư trong quá trình triển khai các dự án và để xảy ra sai phạm trong công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích...

Trước những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích đã và đang phát sinh thời gian qua; thiết nghĩ, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng như chính quyền các địa phương, ban quản lý các di tích cần sớm quan tâm và có giải pháp khắc phục triệt để, hiệu quả. Có như vậy mới giữ được tính nguyên gốc và giá trị của các di sản văn hóa vật thể với tư cách một “tấm gương” phản chiếu văn hóa xứ Thanh.

Bài và ảnh: Kim Ngân


Bài và ảnh: Kim Ngân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]