(Baothanhhoa.vn) - Những thửa ruộng bậc thang không đơn thuần là phương thức sản xuất nông nghiệp mà thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa, tinh thần cố kết cộng đồng, nỗ lực chinh phục tự nhiên, vươn lên trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của đồng bào các dân tộc miền núi xứ Thanh nói riêng, đất Việt nói chung.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ruộng bậc thang - nét đẹp lao động sản xuất, văn hóa truyền thống vùng cao

Những thửa ruộng bậc thang không đơn thuần là phương thức sản xuất nông nghiệp mà thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa, tinh thần cố kết cộng đồng, nỗ lực chinh phục tự nhiên, vươn lên trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của đồng bào các dân tộc miền núi xứ Thanh nói riêng, đất Việt nói chung.

Ruộng bậc thang - nét đẹp lao động sản xuất, văn hóa truyền thống vùng cao

Nét đẹp mộc mạc, hoang dã của những thửa ruộng bậc thang nơi núi rừng Mường Lát.

"Tri thức bản địa là thành tố quan trọng của văn hóa, góp phần làm nên bản sắc tộc người. Tri thức bản địa có thể coi là tài sản của mỗi tộc người trong quá trình phát triển, phản ánh mối quan hệ của từng cộng đồng đối với môi trường tự nhiên và xã hội” - tác giả Vũ Trường Giang sâu sắc nhận định ở luận án tiến sĩ “Tri thức bản địa của người Thái ở miền núi Thanh Hóa”. Trong đó, ruộng bậc thang là một trong những tri thức bản địa quý giá.

Theo Viện từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), ruộng bậc thang là phương thức canh tác ruộng trồng lúa nước vùng đồi núi. Theo đó, đất ở cách chân, các sườn đồi, núi được san ủi thành các vạt đất có cùng độ dốc theo đường đồng mức, tiếp nối nhau từ trên xuống theo kiểu bậc thang. Mỗi ruộng bậc thang có bờ giữ nước và chắn đất khỏi bị xói mòn. Bờ ruộng được đắp bằng đất hoặc xếp bằng đá hộc... Hầu hết các tộc người ở miền núi đều biết khai phá và làm ruộng bậc thang. Tùy vào kinh nghiệm, tri thức làm ruộng bậc thang của từng tộc người mà tạo nên nét độc đáo, mang đậm bản sắc riêng.

Không có được sức vóc, bề thế, rộng lớn như ruộng bậc thang vùng Cordillera, Philippines, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái)... Tuy nhiên, ruộng bậc thang nơi vùng cao xứ Thanh có nét thu hút, sức hấp dẫn đặc biệt, say đắm lòng người.

Nếu ví Pù Luông (Bá Thước) như viên ngọc quý giữa đại ngàn thì những thửa ruộng bậc thang nơi đây là điểm nhấn đắt giá góp thêm phần sinh động, thu hút, gọi mời, níu lòng du khách. Bỏ lại sau lưng những náo nhiệt, ồn ã, du khách rong ruổi trên những cung đường nhỏ quanh co, uốn lượn ôm lấy núi đồi, mướt mát màu xanh cây lá để đến với Pù Luông - kiệt tác thiên nhiên.

Với khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh sắc thiên nhiên vừa có nét hùng vĩ, hoang sơ, mộc mạc mà vẫn không kém phần lãng mạn, trong những năm gần đây, Pù Luông trở thành điểm hẹn lý tưởng cho du khách ưa thích du lịch nghỉ dưỡng, phượt hay đơn giản là tìm chốn yên bình để “sống chậm”, thảnh thơi sau những bộn bề lo toan, hối hả. Hơn hết, không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên, Pù Luông níu lòng du khách bởi những cộng đồng người Thái, Mường hiền lành, mến khách, bao đời thủy chung, gắn bó với núi rừng đắp bồi nên giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, tri thức bản địa đáng quý trọng, gìn giữ, phát huy. Một trong những điểm thu hút khách tham quan nhất khi đến với Pù Luông chính là hình ảnh ruộng bậc thang gối đầu lên nhau nằm sát bên bản làng.

Khách du lịch thường chia sẻ với nhau rằng: Thời điểm tham quan Pù Luông đẹp nhất là khoảng thời gian từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 cho đến tháng 9, tháng 10. Bởi lẽ, khoảng từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 là lúc bắt đầu vụ lúa mới. Bàn tay chăm chỉ, khéo léo, chuyên cần của người dân nơi đây phủ lên những cánh đồng, khu ruộng bậc thang tấm áo choàng xanh mướt, căng tràn sức sống. Đó là màu xanh của hy vọng, của tinh thần hăng say lao động sản xuất, kinh nghiệm đúc kết từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Nếu màu xanh mướt mát của những thửa ruộng bậc thang lúc bắt đầu vụ lúa mới khiến du khách cảm nhận nét thanh tân, sức sống trỗi dậy từ nơi vùng cao còn lắm nỗi thiếu khó này thì bước vào độ tháng 9, tháng 10, Pù Luông thay áo mới, bước vào mùa lúa chín. Những bậc thang trải dài, dệt nên thảm vàng no ấm, rực rỡ. Mỗi khi cơn gió thổi đến từ phía đại ngàn, lúa nghiêng ngả những đợt sóng vàng, thấp thóang bóng dáng người lao động miệt mài, nhỏ bé giữa mênh mông. Những người con trai, con gái của bản, làng hăng hái làm việc. Người gặt lúa, người gùi nặng trĩu đôi vai, chuyện trò hồn nhiên, mồ hôi hòa lẫn trong nụ cười... Tất cả đều là điểm nhấn đắt giá cho bức tranh thiên nhiên thêm phần sinh động, tươi mới, tràn đầy sức sống.

Do cư trú trên địa bàn có địa hình phức tạp, hầu hết là khu vực núi cao, độ dốc lớn, cách xa trung tâm nên hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế, trong đó ruộng bậc thang là phương thức canh tác lúa nước lâu đời. Không cần đến sự trợ giúp của quá nhiều công cụ, máy móc, ruộng bậc thang được tạo tác nên từ chính sức lao động, bàn tay, khối óc, kinh nghiệm được tích lũy, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Theo đó, ruộng bậc thang đạt tiêu chuẩn phải có bờ viền đắp bằng đất, đá ăn khớp với địa hình. Mặt ruộng tương đối bằng phẳng, độ dốc càng lớn thì độ rộng của ruộng càng nhỏ để đảm bảo giữ nước, chống xói mòn và giảm bớt sự rửa trôi các chất dinh dưỡng có trong đất... Đặc biệt, việc làm hệ thống dẫn nước vào ruộng với các cửa mở nước bố trí hợp lý, kết nối chặt chẽ với nhau đảm bảo nước từ bậc cao chảy xuống bậc thấp không phải là việc đơn giản mà đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Giống lúa được trồng trên những ruộng bậc thang được lựa chọn theo tri thức bản địa.

Được biệt, hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Lát có tổng diện tích gieo trồng lúa nước là hơn 1 nghìn ha. Toàn bộ diện tích này đều sử dựng phương pháp canh tác là ruộng bậc thang, trong đó nhiều nhất là ở các khu vực: xã Quang Chiểu, Mường Chanh, thị trấn Mường Lát...

Xã Quang Chiểu có 13 thôn, bản, hơn 1.200 hộ, hơn 5 nghìn nhân khẩu, gồm 4 dân tộc sinh sống là: Thái, Dao, Mông, Kinh... Với tổng diện tích ruộng bậc thang là 416 ha/khoảng hơn 10 nghìn ha diện tích đất tự nhiên, xã Quang Chiểu là địa phương có diện tích ruộng bậc thang lớn nhất của huyện Mường Lát. Tự thuở xa xưa, ruộng bậc thang được các thế hệ cha ông khai phá, đắp bờ, đào mương,... theo phương pháp thủ công, sử dụng sức người với những công cụ lao động thô sơ. Kênh, mương dẫn nước cũng được đắp thủ công, bắt máng bằng các ống nứa, luồng dẫn nước từ trên núi cao xuống. Tuy nhiên, do được quan tâm, đầu tư nên đến nay, xã Quang Chiểu đã có hơn 70% diện tích ruộng bậc thang được xây dựng kênh, mương kiên cố.

Ruộng bậc thang được người dân nơi đây chủ yếu trồng lúa nước, mỗi năm canh tác 2 vụ là: vụ mùa và vụ chiêm xuân. Vụ mùa bắt đầu từ khoảng tháng 6 - tháng 10, bà con gieo trồng giống lúa nếp Cay Nọi. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, bà con có nhiều kinh nghiệm gieo trồng, chăm sóc nên lúa nếp Cay Nọi cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, hương vị đặc trưng. Đây được xem là đặc sản, món ăn gần gũi với đời sống sinh hoạt, văn hóa ẩm thực, tín ngưỡng của đồng bào nơi đây. Vụ mùa năm 2021, năng suất lúa Cay Nọi ước đạt 55 tạ/ha; với giá bán là 140 nghìn đồng/10kg thóc, 280 nghìn đồng/10kg gạo. Lúa Cay Nọi được xem là cây trồng chủ lực của xã, không chỉ đảm bảo cung cấp lương thực ổn định cho người dân mà còn là sản phẩm hàng hóa, kinh doanh, từ đó giảm bớt tình trạng phát nương, làm rẫy, giữ vững an ninh trật tự, an ninh quốc phòng vùng biên giới. Ông Ngân Trọng Hiệp, Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu cho biết: “Nông nghiệp luôn đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế địa phương. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, xã Quang Chiểu tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, trồng cây lúa nước, bảo tồn và phát huy giá trị ruộng bậc thang”. Được biết, bên cạnh việc xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển cây lúa nước, xã Quang Chiểu phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thí điểm mô hình trình diễn trồng lúa nếp Cay Nọi với diện tích khoảng 10 ha, 31 hộ tham gia. Vừa qua, sản phẩm lúa nếp Cay Nọi của HTX nông lâm Chung Thành, xã Quang Chiểu đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Đây là sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Mường Lát.

Trải qua quá trình lao động mệt nhọc, cần cù, sáng tạo, khéo léo và tính toán kỹ lưỡng từ việc lựa chọn vùng đất, khai phá, đắp bờ, dẫn nước..., những thửa ruộng bậc thang thoạt nhìn có vẻ thô sơ, lạc hậu nhưng nó lại cho thấy sự logic, hợp lý, tính toán rất cẩn thận, khoa học, thích ứng linh hoạt với điều kiện địa hình, thời tiết. Mặc dù là sản phẩm được tạo nên từ tri thức bản địa, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nhưng theo thời gian, từ hoạt động thực tiễn, ruộng bậc thang không đơn thuần là phương thức sản xuất mà sâu thẳm trong đó là giá trị lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng mang đậm bản sắc tộc người. Hơn hết, nếu được quan tâm đầu tư, bảo tồn, phát huy, tuyên truyền, quảng bá, những khu ruộng bậc thang góp phần quan trọng thu hút, hấp dẫn khách du lịch về với miền Tây xứ Thanh.

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài và ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]