(Baothanhhoa.vn) - Bà nội ăn trầu từ bao giờ tôi chẳng rõ. Chỉ biết, miếng trầu gắn với bà suốt cả cuộc đời và hình ảnh bà bỏm bẻm nhai trầu là tuổi thơ của tôi.

Ngày xuân nói chuyện trầu cau

Bà nội ăn trầu từ bao giờ tôi chẳng rõ. Chỉ biết, miếng trầu gắn với bà suốt cả cuộc đời và hình ảnh bà bỏm bẻm nhai trầu là tuổi thơ của tôi.

Ngày xuân nói chuyện trầu cauQuả cau, lá trầu vẫn luôn là thứ quà không thể thiếu trong những mâm lễ dâng lên thánh, thần.

Ký ức đẹp như cổ tích

Sống ở phố, chả mấy khi tôi thấy người ăn trầu. Ngay cả ở thôn quê, những người già còn giữ thói quen ăn trầu cũng còn rất ít. Vậy mà giờ đây, tôi lại đi nói chuyện trầu cau. Tự thấy bản thân mình lẩn thẩn, ngược đời quá. Vậy nhưng không hiểu sao, mỗi lần tự tay sắp lá trầu, quả cau đặt nghiêm cẩn trên bàn thờ gia tiên những ngày lễ, tết, giỗ, tôi lại nghĩ đến sự tích trầu cau được nghe kể hồi còn bé tí. Lòng tự hỏi, trẻ em hôm nay có còn thích nghe những câu chuyện cổ tích, sự tích như thời chúng tôi? Hay với chúng, chuyện về siêu nhân, chuyện Doremon mới thực sự hấp dẫn...?.

Ngày xuân nói chuyện trầu cauMiếng trầu đầy đủ thường có lá trầu, vôi, vỏ và cau.

Mỗi lần nhớ, ký ức ùa về chẳng có đầu có cuối. Hương trầu dâng lên vừa sâu lắng, vừa mênh mang như mây trôi bồng bềnh. Ấy là hình ảnh bà nội vẫn ngồi ở bậc thềm, tay nhặt ngô, lựa đậu, miệng bỏm bẻm miếng trầu. Các bà không nhiều chữ, thời ấy chỉ học xong lớp vỡ lòng “bình dân học vụ” nhưng mỗi lúc nhai trầu, có bà cao hứng đọc những câu ca dao, tục ngữ để răn dạy con cháu, vừa dễ hiểu, dễ nhớ, thấm sâu.

Ăn trầu, môi bà luôn đỏ màu nước trầu và khóe miệng có đường viền mảnh như sợi chỉ. Thi thoảng, bà lấy ngón cái và ngón trỏ vét quanh vành miệng rất nhanh và khéo. Tò mò, tôi hỏi: “Trầu ngon không bà?”. “Ngon!”, bà đáp. Tôi thắc mắc: “Nó ngon như thế nào hả bà?”. Bà thủng thẳng: “Thì nó cay cay, chan chát, đăng đắng, rồi ngọt nữa”. Hẳn là các vị ấy hòa trộn với nhau sẽ thành vị ngon vô cùng độc đáo để khi ăn người ta cảm nhận vị đắng cay, ngọt bùi của cuộc đời. Đôi lần tôi cũng đã thử, nhưng vừa đưa đến đầu lưỡi đã nhăn mặt, nhè ra rồi. Bà tôi nghiện trầu lắm. Có lần bà mệt, cơm không ăn được chỉ ăn được chút cháo, nhưng nhất định bảo tôi phải giã cho bà một cối trầu cho đỡ nhạt miệng. Vậy nên mới có câu: “Một thương, hai nhớ, ba sầu/ Cơm ăn chẳng được, ăn trầu cầm hơi”.

Ngày xuân nói chuyện trầu cauTrầu têm cánh phượng thường được dùng cho các sự kiện quan trọng như ăn hỏi, cưới xin, tân gia...

Nhà tôi có một giàn trầu ngay cạnh giếng khơi. Lâu lâu bà lại cho một ít vôi bột trộn lẫn đổ vào gốc cây trầu. Bà bảo trầu ưa vôi, chỉ có vôi mới làm miếng trầu đỏ được. Nên được vôi lẫn đất tốt bón vào trầu nhanh tốt, lá dày. Mùa hè nắng gắt bà cắt lá chuối trong vườn che cho lá trầu khỏi bị cháy nắng. Mùa đông vẫn những tàu lá chuối ấy bà lại che sương muối tránh cho trầu bị táp lá. Thường, gia đình tôi không hái trầu bán bao giờ, hàng xóm hay người thân cần thì qua hái. Bà bảo, ấy là cái lộc của nhà. Mua bán chẳng bao tiền, nhưng luôn sẵn trong vườn để khi ai cần ới một tiếng là có ngay thì lại quý. Tôi nhớ những lần hái trầu vào ban đêm bà dặn phải gọi trầu kẻo nó dỗi mà héo hon đến chết. Nghĩ đến truyện “Sự tích trầu cau”, tôi cứ tưởng thật, nên vừa gọi vừa hồi hộp: “Trầu ơi trầu à/ Tao là người nhà/ Tao xin mấy lá/ Mày đừng giận nhá”.

Ngày xuân nói chuyện trầu cauVẫn còn khá nhiều người trẻ thích ăn trầu.

Trưởng thành, tôi đi khắp đây cùng đó, thi thoảng mới được về bên cơi trầu của bà. Tôi đã gặp gỡ bao nhiêu con người, đã say sưa nhìn ngắm bao nhiêu người bà, người mẹ ăn trầu nơi làng quê, phố thị, nhưng hình ảnh ăn trầu của bà vẫn là đẹp nhất. May mắn sao trong những năm cuối đời của bà, tôi vẫn được đôi lần giã trầu cho bà ăn. Tất cả cho vào cối trầu rồi ngoáy cho mềm, có màu đỏ là đưa cho bà. Cứ nhìn cái miệng móm mém của bà nhai trầu đỏ tươi thấy thanh bình làm sao và cứ thích mình còn bé dại mãi.

Trầu cau, mai mốt có còn?

Khi tôi lẩn thẩn viết ra những dòng chữ này thì mùa xuân đang vào độ đẹp nhất, nhiều lễ hội của tháng Giêng mở khắp chốn quê, không ít nơi còn tổ chức hội cho trai gái thi nhau têm trầu xem ai têm đẹp, têm khéo. Đây cũng là mùa trai gái tổ chức cưới xin. Cuối tuần rồi nhà tôi có đám cưới. Trong khi người lớn bàn chuyện đại sự nhà trên, thì anh chị em người trẻ chúng tôi lại tụm năm, tụm ba dưới nhà với hàng tá chuyện trên trời dưới đất. Đón đĩa trầu từ bà dì, ông anh tôi nhón một miếng cho vào miệng đến ngon lành. Thế rồi những người trẻ chúng tôi sôi nổi chuyện trầu cau, từ phong tục, tập quán người miền Bắc, nét văn hóa của người miền Trung. Toàn chuyện tận đẩu tận đâu, nhưng vẫn rất lạ, vẻ như không khí đang nồng vị ấm của vôi, cái chát ngọt của cau và chút the the của trầu.

Ngày xuân nói chuyện trầu cauNhư một quy luật bất biến hàng trăm năm nay, đám hỏi bắt buộc phải có trầu cau và đĩa trầu mời khách.

Sáng hôm sau, nhìn gia đình nhà trai xúng xính trong những trang phục hiện đại, bước xuống từ những chiếc ô tô sang trọng, trên tay của những người bưng mâm quả lễ, hình ảnh buồng cau bánh tẻ và mâm trầu đi đầu, sau đó trầu cau được đem chia cho hai họ, mời bà con làng xóm, tôi lại như được củng cố thêm niềm tin: Cho dù nhiều năm nữa, rất có thể nước mình chẳng còn một ai “tiêu sầu bằng thú nhai trầu” (6 chữ này là từ sách của người xưa), tôi vẫn tin, mãi mãi nhiều nơi chốn, những hàng cau, khóm trầu vẫn mướt lá, đĩa cau trầu têm khéo vẫn được dâng lên cúng tổ tiên những ngày lễ, tết... Và “Sự tích trầu cau” vẫn sẽ được kể lại - như một ghi dấu văn hóa ăn trầu của người Việt qua hàng thế kỷ, nhắc nhớ người nghe nét đẹp tinh thần - tình anh em thuận hòa, vợ chồng tiết nghĩa...

Năm mới nói chuyện cũ, bà tôi dù đã nghìn năm mây trắng nhưng trên bàn nước trong căn nhà thờ tự ở quê, gia đình vẫn giữ nguyên cơi trầu bằng đồng có nắp, con dao bài nhỏ bổ cau và “Ông bình vôi” bằng sứ có quai xách của bà. Với gia đình tôi, đây là một đồ dùng quan trọng, ngoài ý nghĩa để đựng vôi - một trong ba vị chính (trầu, vỏ, vôi) làm nên một miếng trầu - nó còn là biểu tượng cho quyền uy của bà - “nội tướng” trong nhà. Vì thế, nếu gia đình nào không giữ lại thì cũng không được vứt bỏ thùng rác, mà đem để dưới gốc đa, dưới lũy tre bên đình, hay mang ra sông thả...

Có một điều rất đặc biệt mà tôi tìm hiểu được đó là vào những năm nhuận, bình vôi thường được các làng gốm sản xuất với số lượng lớn. Phải chăng, ở một số địa phương người dân thường thay bình vôi vào những năm nhuận. Lý giải về điều này, nhiều người cho rằng, năm nhuận là năm có tháng dư, tháng thêm, sản xuất, thay thế bình vôi vào năm nhuận, cả người mua và người bán đều được “dôi dư”, thịnh vượng. Năm nay có 2 tháng 2 âm lịch, chẳng biết đúng sai ra sao, nhưng thấy có những chữ “dôi, dư, thêm, thịnh vượng”, trong lòng vẫn thấy vui vui.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]