(Baothanhhoa.vn) - Tính đến thời điểm hiện tại, xứ Thanh đã có 9 bảo vật quốc gia được công nhận. Trong số đó, ngoài 4 hiện vật thuộc Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm lưu giữ và trưng bày 3 hiện vật, trong đó có 2 hiện vật thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, 1 hiện vật thuộc thời kỳ Lê Trung hưng (2 bảo vật còn lại hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngàn năm tinh hoa hội tụ

Tính đến thời điểm hiện tại, xứ Thanh đã có 9 bảo vật quốc gia được công nhận. Trong số đó, ngoài 4 hiện vật thuộc Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm lưu giữ và trưng bày 3 hiện vật, trong đó có 2 hiện vật thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, 1 hiện vật thuộc thời kỳ Lê Trung hưng (2 bảo vật còn lại hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam).

Ngàn năm tinh hoa hội tụ

Trống đồng Cẩm Giang I – Bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Ngàn năm tinh hoa hội tụ

Xứ Thanh trong dòng chảy văn hóa – lịch sử của dân tộc là vùng đất của sự khởi phát. Ngay từ buổi bình minh của loài người, nơi đây đã ôm trọn dấu chân người Việt cổ. Để rồi, dọc đôi bờ sông Mã khi thì dữ dội gằn lên “khúc độc hành” lúc lại mộc mạc, thân tình cất giọng hò lam lũ, những nền văn minh cổ được hình thành, kết đọng tinh hoa. Trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, biến động của lịch sử, những giá trị tinh hoa ấy không hề mất đi mà ngày càng tỏa rạng lấp lánh, ẩn hiện trong bóng hình các loại hiện vật thuộc nhiều giai đoạn khác nhau của quá trình kiến tạo nên “tiểu vùng văn hóa xứ Thanh”, đặc biệt là các hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Tính đến thời điểm hiện tại, xứ Thanh đã có 9 bảo vật quốc gia được công nhận. Trong số đó, ngoài 4 hiện vật thuộc Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm lưu giữ và trưng bày 3 hiện vật, trong đó có 2 hiện vật thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, 1 hiện vật thuộc thời kỳ Lê Trung hưng (2 bảo vật còn lại hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Có thể nói rằng, 2 hiện vật: Kiếm ngắn núi Nưa, trống đồng Cẩm Giang I chính là những bảo vật vô giá, minh chứng sinh động cho nền văn hóa cổ đại phát triển rực rỡ nhất, đỉnh cao của thời kỳ dựng nước – văn hóa Đông Sơn.

Linh khí Ngàn Nưa

Giữa hàng ngàn hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, hình ảnh thanh kiếm ngắn núi Nưa – bảo vật quốc gia luôn có sức hấp dẫn đặc biệt khiến người xem khó lòng rời mắt. Kiếm có kiểu chuôi và lưỡi hình lá tre mang đặc trưng phong cách sông Mã. Lưỡi kiếm mỏng, có hai rìa sắc, nhọn, chắn tay hình sừng trâu. Cán kiếm là khối tượng tròn thể hiện người phụ nữ được đúc liền với lưỡi kiếm. Khối tượng người phụ nữ đứng nhìn thẳng, hai tay khuỳnh chống nạnh đầy uy quyền, đầu vấn khăn hình chóp giống hình búp hoa sen. Đây là cây kiếm ngắn có cán được trang trí tượng người phụ nữ đẹp nhất thời đại Văn hóa Đông Sơn và có khối tượng người phụ nữ đẹp nhất Việt Nam. Vẻ đẹp quyền quý đó được toát lên ở hình thể, trang phục, trang sức cầu kỳ cùng phong thái đầy quyền uy và bản lĩnh. Nhìn tổng thể hình dáng, trang phục và cách trang sức tượng người phụ nữ trên cán kiếm ngắn núi Nưa, đối chiếu với một số tượng chuôi kiếm, dao găm khác, có thể khẳng định đây là tượng người phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc hoặc tầng lớp trên giàu có. Việc phổ biến cán dao găm có hình tượng người phụ nữ ở xứ Thanh chứng tỏ chế độ mẫu hệ trong khoảng trước và những năm đầu thế kỷ III (sau Công nguyên) vẫn còn rất phổ biến tại đây. Điều đó phản ánh vai trò và vị trí quan trọng của người phụ nữ trong xã hội.

Không đơn thuần chỉ là nét đẹp trong nghệ thuật tạo hình, điêu khắc tinh xảo, thanh kiếm ngắn núi Nưa có niên đại cách ngày nay 2.500 – 2.000 năm chứa đựng những giá trị văn hóa – lịch sử to lớn, gắn liền với năm tháng dựng nước và giữ nước kiêu hùng của cha ông. Việc phát hiện thanh kiếm ngắn dưới chân núi Nưa (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) vào năm 1961 có ý nghĩa hết sức to lớn. Bởi đây là nơi nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh xây dựng căn cứ khởi binh chống lại nhà Đông Ngô. Từ sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt một lần nữa ghi nhận phụ nữ là những người đầu tiên đứng lên phất cờ khởi nghĩa chống lại quân xâm lược phương Bắc. Hình ảnh nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh “cưỡi voi đánh cồng”, 19 tuổi đã hiên ngang, đanh thép tỏ rõ khí phách của một liệt nữ trung trinh: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Chính bởi vậy, hình tượng người phụ nữ quyền uy được điêu khắc trên cán của kiếm ngắn núi Nưa dễ khiến liên tưởng đến thanh kiếm lệnh mà bà Triệu trong những năm khởi nghĩa đã sử dụng. Cũng bởi những nét tương đồng như thế, khi muốn khắc họa chân dung Bà Triệu, nhiều người đã lấy ý tưởng từ khuôn mẫu người phụ nữ trên thanh kiếm ngắn này.

Báu vật của nền văn minh lúa nước

Hình ảnh trống đồng từ lâu đã được xem như biểu tượng rạng rỡ có khả năng lưu giữ sức sống tiềm tàng, tinh hoa trí tuệ cùng với sự khéo léo, tinh tế trong lao động và sáng tạo của cư dân Việt cổ. Chẳng ai nhớ mặt đặt tên nhưng chính những con người vô danh ấy đã đóng góp một phần to lớn làm nên diện mạo văn hóa Việt đáng tự hào. Với vai trò của vùng đất mà nền văn hóa Đông Sơn được phát hiện sớm nhất và là một trong những nền văn hóa phát triển tiêu biểu nhất, xứ Thanh tự hào trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa hiện vật Trống đồng Cẩm Giang I – Bảo vật quốc gia, loại HI (Heger) - HI là loại hiện vật cổ nhất, cơ bản nhất và từ loại này mà các loại khác ra đời.

Trống đồng Cẩm Giang I có kích thước đường kính mặt: 73cm, chiều cao: 41,9cm, tổng trọng lượng 60kg với kết cấu gồm 3 phần: Mặt trống, tang trống, lưng trống. Mặt trống điêu khắc chính giữa là hình ngôi sao 16 cánh, tính từ tâm ra ngoài trang trí 9 vòng hoa văn đặc sắc: Hoa văn hình trám lồng, hình chim lạc bay cách điệu, hình người hóa trang lông chim cách điệu... Trống có 2 đôi quai kép hình chữ C, rìa ngoài trang trí đường gờ nổi. Ngoài các yếu tố cơ bản như: Hình thức, kiểu dáng đẹp, hoa văn trang trí phong phú mang đặc trưng của nền văn hóa Đông Sơn, điều đặc biệt và độc đáo hơn cả đã làm nên tính độc bản cho trống Cẩm Giang I đó là hình tượng con vịt được trang trí trên mặt trống. Nếu đa phần các trống đồng khác đều sử dụng con cóc là vật trang trí thì riêng chỉ có mặt trống đồng Cẩm Giang I lại sử dụng 4 khối tượng con vịt. Các khối tượng vịt đều quay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, được đặt trên vị trí trang trọng. Sự khác biệt đó, tùy theo quan điểm của từng nhà nghiên cứu lại có cách lý giải khác nhau. Tuy nhiên, câu chuyện phía sau hình tượng những con vịt trên trống đồng Cẩm Giang I đều để lại cho người xem ấn tượng về một con vật vốn gần gũi với cuộc sống người dân làm nông nghiệp lúa nước.

Với những nét độc đáo, tiêu biểu của trống Cẩm Giang đã góp phần làm phong phú thêm cho sưu tập trống Đông Sơn ở Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng thế giới, có truyền thống chế tạo và sử dụng trống đồng từ rất lâu đời, hơn 2.000 năm trước trong giai đoạn văn hóa Đông Sơn đã có những chiếc trống đồng tạo hình độc đáo, hoa văn tinh mỹ... Những chiếc trống đồng này được thiết kế tinh xảo, kỹ nghệ đúc đồng độc đáo, được tôn thờ và trở thành báu vật truyền quốc, trăm họ ngưỡng vọng, thấm đẫm hơi thở của thời đại sản sinh ra nó. Trống đồng cổ Việt Nam nói chung, trống đồng cổ Thanh Hóa nói riêng có những đặc trưng riêng biệt hết sức rõ ràng, từ kỹ nghệ đúc đồng, đến đời sống xã hội và văn hóa tư tưởng, phản ánh về một nền văn hóa cổ đại ở Việt Nam phát triển đến một trình độ cao, cũng như trí tuệ, sức sáng tạo của người Việt cổ, như một bức tranh sinh động về lịch sử - văn hóa và đời sống xã hội của Việt Nam thời cổ đại.

Bảo vật quốc gia được công nhận dựa trên nguyên tắc đảm bảo nhiều tiêu chí đánh giá khắt khe. Để được công nhận đã khó nhưng làm sao để lưu giữ, bảo tồn, phát huy những bảo vật quốc gia ấy một cách có hiệu quả, xứng tầm với giá trị vốn có là điều không hề dễ dàng. Trong những năm qua, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, đổi mới trưng bày, tổ chức triển lãm... Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực thu hút công chúng đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu các hiện vật nói chung, bảo vật quốc gia nói riêng. Tuy nhiên, ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại trong công tác trưng bày, tuyên truyền, phát huy giá trị của hiện vật với đông đảo người dân trên các phương diện: Hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng thiếu sự đầu tư, cải tạo, hệ thống trưng bày lạc hậu chưa đáp ứng được thị hiếu người xem, năng lực chuyên môn của cán bộ bảo tàng... Để những tinh hoa ngàn năm đã làm nên niềm tự hào của quê hương, đất nước không bị lãng phí và lãng quên, thiết nghĩ, các cơ quan, ban, ngành có liên quan cần có sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa.

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong Hồ sơ di sản, lưu giữ tại Cục Di sản).

Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]