(Baothanhhoa.vn) - Trên vùng đất di sản Vĩnh Lộc, đình làng không chỉ là công trình kiến trúc truyền thống tiêu biểu, mà đó còn là biểu tượng của văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, ước vọng của mỗi con người...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nét đẹp đình làng trên vùng đất di sản

Trên vùng đất di sản Vĩnh Lộc, đình làng không chỉ là công trình kiến trúc truyền thống tiêu biểu, mà đó còn là biểu tượng của văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, ước vọng của mỗi con người...

Nét đẹp đình làng trên vùng đất di sản

Đình làng Hồ Nam (xã Vĩnh Khang, Vĩnh Lộc) còn lưu giữ nhiều hiện vật quý.

Dù khá bận rộn với nhiều công việc, nhưng anh Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khang vẫn dành chút ít thời gian dẫn chúng tôi tham quan đình Hồ Nam, nằm ở trung tâm làng. Đình làng Hồ Nam được xây dựng từ thời Nguyễn, là nơi thờ thành hoàng làng Quản gia Đô bác Trịnh Phủ Quân. Đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các thế hệ người dân làng Hồ Nam nói riêng và xã Vĩnh Khang nói chung. Ngôi đình tọa hướng Nam theo thế tay ngai, phía trước là sông Mã, phía sau là làng mạc. Phía Đông (bên tả) có sông Bưởi uốn lượn quanh, phía Tây (bên hữu) giáp động Hồ Công thuộc xã Vĩnh Ninh. Đình làng Hồ Nam có kết cấu theo kiểu chữ Nhất, riêng gian giữa kéo dài ra phía sau để làm nơi thờ tự. Đình gồm 5 gian, dài 18,6m, rộng 11,4m, mỗi vì gồm 4 hàng cột gỗ và cột đá ở hiên trước. Toàn bộ công trình là một khối kiến trúc hoàn hảo và được thiết kế đăng đối nhau. Vì thứ nhất đăng đối với vì thứ sáu, hai vì này được kết cấu chồng rường kẻ bảy. Các đường nét gờ chỉ đều được chạm khắc họa tiết dây leo, hoa lá hết sức tinh xảo. Riêng chóp nóc ở hai vì này được chạm hổ phù nổi. Vì thứ hai đăng đối với vì thứ năm, hai vì này kết cấu cũng giống vì thứ nhất và vì thứ sáu, nhưng đường chạm trổ sâu và sắc nét hơn. Vì thứ ba đăng đối với vì thứ bốn, đây là hai vì chính giữa cho nên được làm tương đối đặc biệt, tinh xảo và sắc nét hơn các vì khác. Bức hoành phi chính giữa được chạm lưỡng long chầu nhật, theo lối chạm thủng bong sắc nét.

Đáng chú ý nhất của đình làng Hồ Nam là 4 bức ván mê của vì ba và vì bốn được chạm trổ hình tứ linh. Toàn bộ các đường nét đều rất tinh và được chạm ở cả hai mặt của ván mê, xen lẫn tứ linh là các con vật khác, như: Hươu, nai, chim, hoa, lá. Nét tiêu biểu nhất ở đây là bức chạm khắc hình voi kéo cày. Theo quan niệm của phương Đông thì voi thể hiện cho thần linh có võ công, thể hiện niềm khao khát chinh phục thiên nhiên của người xưa. Hay hình sư tử có cánh, rùa ngậm lá sen... đều được chạm nổi, mang phong cách tả thực, trong đó biểu tượng rồng và chim thiêng được nhắc đến nhiều lần ở trong công trình. Toàn bộ các đầu vì, nách trước, nách sau đều được chạm trổ đường nét hoa lá, vân mây. Trong đình hiện còn bảo lưu được nhiều hiện vật quý như: 1 thanh kiếm gỗ, 2 bát hương gốm, 2 mâm bòng gỗ, 1 áo bào, 1 long ngai, 1 bộ bát bảo khí bằng đồng... Có thể nói công trình là một bức tranh tuyệt tác về mảng đối mảng, vừa tôn nghiêm vừa gần gũi gắn bó với người dân. Là công trình kiến trúc gỗ tương đối nguyên vẹn, với kết cấu kiến trúc và đường nét chạm khắc độc đáo, có thể phục vụ cho nghiên cứu và tham quan du lịch.

Tiếp tục tới tham quan, khám phá ngôi đình làng Đông Môn trên vùng đất di sản, anh Hoàng Văn Lơi, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long cho chúng tôi hay: Đình làng Đông Môn xây dựng từ năm Nhâm Thân 1753, được thể hiện trên thượng lương đình và 2 cột hiên trước. Đây là công trình kiến trúc gỗ cổ còn lưu lại tương đối nguyên vẹn, thể hiện bàn tay lao động sáng tạo của nhân dân, sự hiện diện của một làng cổ bên cạnh thành đá cổ...

Được biết đình làng Đông Môn có từ xa xưa, lúc đầu là đình tranh, sau mới bằng gỗ. Đình được xây dựng từ thời chúa Trịnh Tùng (1570-1623), là nơi sinh hoạt của làng Đông Môn, là trang ấp của họ Trịnh nhưng lại giao cho quan đại thần họ Vũ, tên là Vũ Khắc Minh cai quản, nên ông đã chiêu nạp dân chúng khai phá lập xóm làng. Khi ông mất, dân làng tôn kính ông là thành hoàng làng nên thờ ông ở nghè Hạ. Sau khi ông mất năm Canh Thân 1680, đến năm Cảnh Hưng thứ 15 triều Vua Lê Hiển tông (năm 1753), đình làng Đông Môn mới được xây cất bằng gỗ. Đình đặt trên một dải đất bằng phẳng giữa gò đất cao, mặt hướng xuống hào nước Thành Nhà Hồ. Đình có 2 ngôi: Ngôi đình ngoài 5 gian, 2 chái, cấu trúc 4 mái, nền đình dài 23m, rộng 12m. Đình trong giáp với đình ngoài, tạo nên kết cấu hợp nhất theo kiểu chữ (J), trong kiến trúc cổ gọi là chữ đinh chui vồ. Phần chui vồ là hậu cung hay còn gọi là một điện, là trung tâm thờ thần. Đình Đông Môn có kết cấu vì kèo rất độc đáo. Hai vì giữa trạm trổ cầu kỳ, phía trên kết cấu theo kiểu “giá chiêng, chồng rường”, chạm trổ cầu kỳ, soi gờ kẻ chỉ. Hai vì có hình đầu rồng chạm thủy bong, đường nét tỉ mỉ, cầu kỳ, có hàm trên, hàm dưới, mũi, mắt, râu, mi mắt, bờm rồng. Phần nách của 2 vì chạm bong hình “tứ linh” chen lẫn hình “tứ quý” với đường nét tinh vi, chau chuốt, mềm mại nhưng chắc khối... Đây là ngôi đình kiến trúc điêu khắc gỗ có giá trị nghệ thuật cao. Ngày 24-7-1995, đình làng Đông Môn được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Toàn huyện Vĩnh Lộc hiện có 17 đình làng đã được xếp hạng, thường sử dụng làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi hội họp, sinh hoạt của chi bộ đảng, thôn, các tổ chức đoàn thể... Cũng như các đình làng xứ Thanh, đình làng ở huyện Vĩnh Lộc kết tinh giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, tiêu biểu như: Đình làng Yên Tôn Thượng, đình làng Phù Lưu, đình làng Bái Xuân, đình làng Hạ, đình làng Mỹ Xuyên, đình làng Bồng Thôn, đình làng Xuân Áng, đình làng Vực... Đình làng huyện Vĩnh Lộc có giá trị đặc biệt về mặt kiến trúc nghệ thuật, trong đó chạm trổ, điêu khắc là phần độc đáo nhất của đình làng, thể hiện bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ đạt tới mức tinh xảo, điêu luyện, với lối chạm bong, nét đục sâu, nổi rõ hình khối, màu sắc hài hòa, có sức sống lâu bền. Các hiện vật còn lại trong các ngôi đình làng cũng hết sức phong phú và quý hiếm, như: Hoành phi, câu đối, đồ thờ, các bức chạm trổ, nội dung ngắn gọn, ý nghĩa sâu sắc. Các ngôi đình làng đã phát huy được giá trị của nó khi nơi đây thường xuyên trở thành nơi hội họp, tổ chức các lễ hội, các sự kiện quan trọng của làng.

Chị Đỗ Thị Loan, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Lộc cho biết: Những năm qua, các làng đã nhận thức được giá trị về nhiều mặt của ngôi đình làng, nhân dân đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền của trùng tu, tôn tạo đình làng khang trang, cảnh quan tươi đẹp. Để bảo tồn và phát huy giá trị của đình làng, huyện đã xem xét lý lịch các ngôi đình làng đưa vào xếp hạng và có kế hoạch trùng tu tôn tạo gắn với phát huy giá trị di tích. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tổ chức ngay tại đình làng các buổi sinh hoạt văn hóa truyền thống, khôi phục lễ tế thành hoàng làng, tổ chức các cuộc thi, hội thi..., để đình làng thực sự là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng ý nghĩa của làng.

Bài và ảnh: Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]