Miền xường thương nhớ

Tin liên quan

Đọc nhiều

Miền xường thương nhớ

“Không biết cầu nào em đi

Để anh trồng cây si làm bóng

Không biết mó nước nào em uống

Để anh cuộn lá làm gầu

Không biết cầu nào em sang

Để anh trồng trầu, trồng nang đứng đợi...”.

Những ca từ đẹp đẽ được cất lên theo một làn điệu mang mang, sâu lắng, thương thương mà quá đỗi mê đắm, ngọt ngào như thế, khách có thể bất chợt bắt gặp khi về Mường chơi. Là một trưa nắng chang, vẳng đưa từ voóng nhà sàn. Là một chiều dìu dịu, đổ xuống từ lưng đồi, vách đá. Là một ban mai sương, vọng lên từ ruộng rẫy, suối khe và hân hoan tưng bừng trong rộn ràng đám đình, lễ hội. Đó là giai âm của những khúc xường, một làn điệu dân ca của người Mường. Xường sinh ra từ bao giờ, tồn tại trong đời sống người Mường bao đời, bao kiếp tôi không tường tận. Chỉ biết lâu lắm rồi, xường là thứ đã nuôi dưỡng tâm hồn người Mường, từ khi sinh ra trên xó bếp sàn, đến lúc trút hơi nơi cửa voóng về với mường Trời. Xường không đơn thuần là một nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của văn hóa người Mường, nó còn là linh hồn, là thứ không thể thiếu trong đời sống tinh thần phong phú và đẹp đẽ của dân tộc Mường tôi.

Lần này tôi về thăm quê ở lâu hơn những chuyến vội vã, ngắn ngủi khác. Nhưng cũng là dịp may mắn để tôi được đi và gặp lại nhiều người già. Như nghệ nhân Phạm Thị Tắng ở Cao Ngọc, bà cố Tưởng, ông cố Kỳ ở Thúy Sơn, nghệ nhân Phạm Thị Thành ở Ngọc Khê... Họ là những người yêu xường, giỏi xường, còn gìn giữ và đã truyền xường lại cho bao thế hệ con cháu như một xứ mệnh thiêng liêng, góp phần duy trì và phát huy những giá trị văn hóa đẹp đẽ, quý giá của dân tộc Mường tôi. Và cũng là những người đã gieo tình yêu xường vào tâm hồn tôi từ thơ ấu.

Không phải sinh ra rồi lớn lên tôi đã biết, đã yêu và mê xường ngay như kiểu phải bùa một người bạn tình xa lạ nào đó, mà là một quá trình được thẩm thấu, nuôi dưỡng từ tấm bé. Ấy là tôi may mắn vì có được một quãng tuổi thơ dài sống bên bà ngoại của mình, một nghệ nhân hát xường có tiếng ở đất Mường Coạc - Ngọc Khê (Ngọc Lặc). Bà ngoại tôi là nghệ nhân Phạm Thị Thành, vốn con gái đất Mường Tạ - Thúy Sơn về làm dâu Mường Coạc - Ngọc Khê. Cái thời bà còn khỏe khoắn, hay xúng xắng váy áo để đi hát đây hát đó, hay được người ta mời diễn hội kia Mường nọ. Thậm chí nhiều lần lên đài, lên tivi, gọi là thời “nổi” nhất ấy thì tôi còn quá nhỏ để hiểu, để biết, mà yêu mà học, mà giữ gìn, trân quý. Chỉ nhớ rằng, tôi hay khóc lóc, vịn rào đòi đi theo ra ngõ cho đến khi bóng ngoại thoăn thoắt hút đi trong đoàn người váy hoa, tay cồng về phía xa xăm hội Mường, đám lễ. Hoặc ngồi cửa thang mà ngóng đến đỏ mắt, đợi ngoại rạng rỡ trở về từ ngõ đã vọng một câu hát xường gọi thân thương, cho lũ chúng tôi ùa xuống mà giành nhau món quà nho nhỏ gì đó trên tay ngoại. Ngoại là một người yêu tha thiết dân ca dân tộc mình. Lẽ bởi điều đó mà ngoại trở thành một kho tàng truyện cổ tích Mường mê dụ bầy cháu và cũng là một kho tàng những bài rang, bài xường đẹp nhất vùng Mường làm bao người ngưỡng mộ. Chẳng cứ phải hội hè đám xá. Chỉ cần có cho mình một không gian thích hợp là ngoại lại hát xường. Ngoại hát say mê, hát như nó là nguồn sống, là hơi mình thở, mà chẳng bận tâm có ai nghe, có ai thích, và cũng mặc, chẳng bận tâm có ai chê cười. Thuở đó tôi chưa hiểu điều như thế, chỉ là nghe thành thói quen, như con gà dưới gầm sàn nghe tiếng gõ chân thang mà về ăn hạt, như con trâu nghe tiếng mõ mà theo nhau lên đồi. Dầu mãi đến sau này, khi ngoại đã không còn lê nổi đôi chân xuống chín bậc thang mà đi hát hội, hơi không còn đầy để cất tròn một câu xường, tâm trí đã lẫn lộn chẳng thể nhớ được một bài xường trọn vẹn thì tôi mới thật sự biết yêu mê, trân quý những điệu xường đẹp đẽ và cái kho tàng văn hóa quý giá ấy ở ngoại. Nhưng tôi thật biết ơn, vì chính cái quãng thơ ấu mà tôi nghĩ mình chưa biết gì ấy mới chính là ngọn nguồn gieo thắp cho mọi yêu mê của tôi với xường bây giờ.

Xường là một làn điệu dân ca trữ tình tiêu biểu của người Mường nói chung và Mường Thanh Hóa nói riêng. Cũng như dân ca của bất kỳ một dân tộc nào, xường do người dân tộc Mường sáng tạo nên trong quá trình sinh sống và phát triển, để thể hiện nỗi niềm, mơ ước khát vọng của họ về một cuộc sống tốt đẹp nhất. Nó đi vào thẳm sâu ngõ ngách tâm hồn con người và trở thành tấm gương phản ánh chân thực nhất đời sống của họ. Xã hội không ngừng phát triển để hoàn thiện và đáp ứng nhu cầu con người, thì lẽ tồn tại tất yếu của dân ca cũng phải vận động, luôn luôn sáng tạo để phù hợp và thích nghi đời sống, vì thế xường cũng phát triển không ngừng, chia thành nhiều thể loại để phục vụ cho nhiều hình thức, hoàn cảnh sinh hoạt trong đời sống của người Mường.

Cùng với đánh chiêng cồng, múa pồn pông, chơi trò dân gian, hát rang... thì hát xường không thể thiếu để làm nên bất kỳ một cuộc vui cộng đồng nào. Từ các hội Mường lớn nhỏ đến những đám hỉ, cuộc vui gia đình như cưới hỏi, lễ vía, mừng nhà mới hay lễ tạ ơn bà lang... Ở đâu có hội, có đám mà điệu xường không được ai đó cất giọng hát lên thì tiếng cồng chiêng cũng đơn điệu nhạt nhẽo, chẳng đủ sức mời gọi khách xa bạn gần, chẳng đủ sức thúc giục đôi chân người người nhảy múa cho cây bông rung riệu, đung đưa. Giai điệu mênh mang, chút như buồn vợi, trầm nhẹ và lắng sâu, cùng với ca từ thường là một dạng văn vần hoặc thơ Mường, được vận dụng hết sức khéo léo, tinh tế, tạo nên một khúc ca cuốn hút, mê hoặc làm người nghe cứ bịn rịn hay thương nhớ rất mơ hồ. Cái hay nữa của xường là tính linh động và sinh động. Tùy theo hoàn cảnh mà người ta có thể hát nguyên bài xường cổ hoặc vận lời mới phù hợp với bối cảnh thực tại. Bởi thế hát Xường là một phần hồn cốt của mọi lễ hội, cuộc vui. Nó cũng là chiếc dây nối buộc lòng người vào nhau mà gắn kết bao nhiêu thứ tình nghĩa. Khác với các trò diễn dân gian, đánh chiêng cồng, múa rặng... chỉ thể hiện khi có đám lễ, hội diễn, thì hát xường còn được dùng trong tất cả các hoạt động đời sống thường ngày của người Mường. Hát xường để mời khách, tiễn bạn, tiếp thông gia họ hàng, hát vui hát chơi lúc ngơi tay trên nương, hát để ru cháu ru con, hát để làm quen hay kết giao bạn mới ở chợ phiên... Đặc biệt, xường còn là sợi tơ tình nối duyên trai gái. Chẳng thế mà xưa có bao nhiêu cuộc duyên nên vợ nên chồng nhờ những đêm hát xường giao duyên của trai mường, gái bản. Tôi nhớ mãi câu chuyện tình xường của cha kể về bạn mình. Chú ấy tên Mặc, người cùng bản. Lúc vừa lớn lên cha mẹ chú đã tìm cho một người vợ tận Mường Yến. Ngày theo ông mơ mối đến nhà gái dạm hỏi chú cũng chẳng được biết chút gì về người con gái ấy, ngoài đôi lời cha mẹ khen rằng nàng nết na, khéo léo. Nào ngờ, khi ra mắt mới biết vợ già hơn mình rất nhiều và hình thức thì quá xấu. Buồn lòng, chàng trai về một mực đòi hủy hôn ước. Cha mẹ khuyên giải bao lời cũng đành bất lực. Sau lần đó, chú Mặc tuyên bố sẽ tự đi tìm vợ chứ không để cha mẹ mai mối nữa. Là một chàng trai có tài hát xường hay, vận lời xường giỏi nên chú thường được các anh trai trong làng cử làm người hát chính trong các cuộc đi hát xường giao duyên tìm người yêu ở các Mường. Và trong cuộc xường tìm bạn ở Mường Yến chú Mặc đã say mê một giọng xường ngọt ngào với tài vận câu đối đáp vô cùng khéo léo của đội hát bên nữ. Những đêm xường đã làm tình yêu của chú Mặc ngày càng tha thiết, chú cũng cảm nhận được tình cảm của người con gái ấy qua lời đối đáp tình tứ, nhưng cứ có gì đó vướng bận, ngại ngần. Chẳng đợi được lâu, chú Mặc đã về đòi cha mẹ nhờ ông mơ đến Mường Yến tìm nhà người con gái có giọng xường hay nhất ấy để dạm hỏi. Thật bất ngờ, khi đến Mường Yến hỏi thăm thì người dẫn đường đã đưa đoàn nhà trai đến chính ngôi nhà người vợ chú từ hôn lần trước, và cô gái có giọng xường mê đắm kia chính là người vợ chú từng chê bỏ. Không ai biết chính xác cảm xúc của chú Mặc lúc ấy là gì. Chỉ biết rằng tình xường đã xóa hết mọi cách trở để rồi sau đó vài mùa trăng họ đã nên vợ thành chồng.

Xường đã đem lại bao điều đẹp đẽ và ý nghĩa lớn lao trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Mường tôi. Vì lẽ đó xường xứng đáng được yêu quý, gìn giữ bảo tồn và phát huy như một di sản. Mặc dù có những thời kỳ hát xường cùng các hoạt động văn hóa truyền thống bị lãng quên, bị lấn át bởi sự du nhập và phát triển ồ ạt của văn hóa hiện đại. Nhưng may mắn thay, cùng với chủ trương gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc của tỉnh nhà, những năm gần đây xường đã được khôi phục mạnh mẽ thành các phong trào trong sinh hoạt cộng đồng, tập thể ở khắp nơi. Không chỉ ở những hội Mường lớn ngày xuân ngày lễ, mà ở cả những cuộc họp làng cũng dễ dàng bắt gặp những giai âm thân thương của xường trên chiếc loa phóng thanh vang vọng khắp vách núi lòng thung. Không chỉ người già mà cả người trẻ cũng đã học xường. Vui mừng hơn còn có những nơi biết truyền trao và nuôi dưỡng tình yêu xường vào cả thế hệ các cháu học sinh như ở Trường Dân tộc nội trú Ngọc Lặc đã từng làm nhiều năm nay.

Còn miền xường thương nhớ, thì dù tôi bươn bả khắp đó đây, cứ mỏi lòng lại lần câu xường mà về ngơi nghỉ. Lại nghe đời bình yên và tươi đẹp vô chừng như câu hát của ngoại đã hát tôi nghe suốt một thời thơ ấu trong veo.


Ký của Tú Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]