(Baothanhhoa.vn) - Cửa Bạng (Lạch Bạng) thị xã Nghi Sơn nằm ở vị thế ba bề sông nước mênh mang. Và theo quan niệm của người xưa, ở những nơi linh khí trời đất hội tụ vẫn thường được lựa chọn dựng chùa, lập đền để con người gửi gắm ước vọng. Có phải bởi vậy mà ở Lạch Bạng hôm nay là cả một quần thể di tích. Là đền Lạch Bạng, đền Thanh Xuyên, đền Quang Trung và chùa Đót Tiên. Tại đây, có lễ hội truyền thống cầu ngư diễn ra ngay cửa Bạng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng tâm linh đặc sắc.

Lễ hội cầu ngư nơi cửa Bạng

Cửa Bạng (Lạch Bạng) thị xã Nghi Sơn nằm ở vị thế ba bề sông nước mênh mang. Và theo quan niệm của người xưa, ở những nơi linh khí trời đất hội tụ vẫn thường được lựa chọn dựng chùa, lập đền để con người gửi gắm ước vọng. Có phải bởi vậy mà ở Lạch Bạng hôm nay là cả một quần thể di tích. Là đền Lạch Bạng, đền Thanh Xuyên, đền Quang Trung và chùa Đót Tiên. Tại đây, có lễ hội truyền thống cầu ngư diễn ra ngay cửa Bạng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng tâm linh đặc sắc.

Lễ hội cầu ngư nơi cửa Bạng

Cửa Bạng là nơi neo đậu của tàu thuyền, đây cũng là khu vực diễn ra lễ hội cầu ngư chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tâm linh đặc sắc.

Vào cuối tháng 3 (âm lịch), khi nắng hạ gọi hè, cũng là lúc người dân nơi cửa Bạng (phường Hải Thanh, Hải Bình) rộn ràng chuẩn bị cho lễ hội cầu ngư - còn gọi là lễ “xuống mùa”. Lễ hội cầu ngư không diễn ra dịp đầu xuân, cũng không phải mùa thu, mà vào đầu mùa hạ.

Lý giải điều này, các cụ cao niên, cũng là những ngư dân dày dạn kinh nghiệm đi biển chia sẻ: “Ở Lạch Bạng xưa nay người dân vốn chỉ quen với vươn khơi bám biển, khai thác đánh bắt thủy, hải sản. Giống người trồng lúa, đánh bắt thủy, hải sản cũng chia theo mùa. Vụ mùa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9; vụ chiêm từ tháng 9 đến tháng 12. Vụ mùa là khoảng thời gian ra khơi đánh bắt được nhiều thủy, hải sản nhất. Trước đó, sau Tết Nguyên đán đến tháng 3 là thời điểm con nước trong xanh, nhìn thấy cả đáy nước, bởi vậy có rất ít cá, tôm. Khoảng thời gian này, ngư dân sẽ sửa sang phương tiện, ngư cụ, đan lưới sẵn sàng cho mùa đánh bắt mới. Ngư dân Lạch Bạng tin rằng, một mùa đánh bắt có bội thu, vươn khơi có thuận lợi, bình an hay không, ngoài kinh nghiệm, tinh thần đoàn kết, còn có cả sự phù trợ của thần linh. Vì vậy, lễ hội cầu ngư - lễ xuống mùa diễn ra vào thời điểm bắt đầu mùa đánh bắt mới là nghi lễ tâm linh cầu mong những điều tốt lành”.

Và đã là người dân cửa Bạng, mấy ai không biết đến câu ca đậm chất biển: “Trông cho con nước mùng 5/ Thui thuyền, nhuộm lưới, ra thăm rảo ngoài/ Ra thăm con cá đốm ngoai/ Hỏi thăm con cá đốm dài ngoài khơi/ Được thua thì cũng nhờ trời/ Con mực, con mỡ ngoài khơi cũng nhiều...”. Theo đó, lễ hội cầu ngư ở cửa Bạng theo thông lệ diễn ra từ mùng 10 đến 12-4 (âm lịch). Tuy nhiên, có những năm phụ thuộc vào thời tiết mà có thể điều chỉnh sớm hoặc muộn hơn.

Vào trung tuần tháng 3 (âm lịch) người dân Lạch Bạng đã tập trung họp làng và các đầu thuyền để tổ chức phân công nhiệm vụ, tập luyện nghi thức cúng tế, sắm sửa lễ vật. Ngoài lễ “Mộc dục” lau chùi đồ thờ, kiểm tra kiệu rước, lựa chọn trai đinh, soạn văn tế; treo cờ hội... còn cùng nhau làm thuyền Long Châu - vật tế dâng cúng thần linh.

Lễ vật dâng cúng thần linh trong lễ hội cầu ngư ở cửa Bạng có hương hoa, trà thuốc, xôi, chè và không thể thiếu cỗ “tam sinh” (dê, lợn, bê). Địa điểm tổ chức lễ hội là đền Lạch Bạng ngay bên cửa Bạng. Lễ hội gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng các vị thần biển. Trong đó, thần chủ là Tứ vị thánh nương, Mẫu Thoải và Bản cảnh thần (thành) hoàng. Tại lễ hội còn “rước” 13 vị thần được thờ ở các đền, nghè, phủ trong các làng về đền Lạch Bạng để tế lễ. Việc rước kiệu bài vị các vị thần về đền do người dân ở các thôn đảm trách.

Vào ngày chính hội, các tàu thuyền (đã chuẩn bị từ trước) cập bến phía dưới đền Lạch Bạng để rước bài vị phật thánh và chư vị thần linh. Mỗi thuyền do 10 người nam khỏe mạnh, nhanh nhẹn điều khiển. Đến giờ, đoàn thuyền rước ra biển, đến “đầu đá ngang” (núi Thổi), rẽ phải hướng đảo Mê theo vòng tròn (hình thức như đang đánh bắt, thu mua thủy, hải sản). Sau đó, nhằm hướng Lạch Bạng cập bến, trở về điểm xuất phát ban đầu.

Xưa kia, lễ hội cầu ngư được tổ chức theo quy mô hàng tổng (cả một vùng). Ngày nay, do hai phường Hải Bình và Hải Thanh phối hợp tổ chức. Tuy nhiên, đây được xem là lễ hội tâm linh lớn nhất trong vùng, nên thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là người làm nghề biển (ngư dân, người chế biến thủy, hải sản) ở các xã biển lân cận cùng về tham gia. Đặc biệt, cửa Bạng còn là nơi giao thương, neo đậu, ra vào của tàu thuyền nên vào dịp lễ hội, các “thuyền bạn” ở tỉnh ngoài khi qua cửa Bạng cũng ghé vào đây dự hội... tạo nên không khí lễ hội tâm linh sôi động khắp vùng sông nước.

Ông Nguyễn Văn Hòa, thủ từ đền Lạch Bạng, thành viên ban tổ chức lễ hội cầu ngư ở cửa Bạng chia sẻ: “Sống nơi sông nước, mưu sinh trên biển vốn phải đối diện nhiều hiểm nguy, bất trắc. Người dân biển nói chung có niềm tin rất lớn vào các vị thần, đặc biệt là các vị thần biển. Ở Hải Thanh cũng vậy. Đời nối đời, chúng tôi tin rằng, sự thành tâm khấn nguyện của mình sẽ được thần linh chứng giám, được chở che, đón điều lành, xua điều dữ. Trong lễ hội cầu ngư hiện nay bao gồm nhiều lễ nhỏ, như lễ “Tiên hiền” (cúng các vong hồn gặp nạn trên biển); lễ “Xuống mùa” cầu cho mùa đánh bắt bội thu; lễ “Tải mã” (nghi thức trả lễ của các thuyền buôn tạ ơn thần linh đã phù trợ cho việc buôn bán được thuận lợi)”.

Sau các nghi lễ cúng tế thần linh là phần hội sôi động, náo nhiệt với các trò chơi, trò diễn dân gian hấp dẫn, như: đua thuyền, bơi chải, hát trống vả (thi hát các làn điệu hò vè của ngư dân đi biển), hát văn, hát ghẹo, hát nhật trình, thi đan lưới...

Bà Nguyễn Thị Uyên, công chức văn hóa - xã hội phường Hải Thanh, cho biết: “Lễ hội cầu ngư ở Lạch Bạng ngoài ý nghĩa tâm linh còn chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống. Kinh phí tổ chức lễ hội được huy động từ nguồn xã hội hóa. Những năm người dân được mùa thì sẽ tổ chức đại lễ, còn vào những năm kinh tế khó khăn, như 2 năm đại dịch COVID-19 xảy ra thì chủ yếu duy trì tổ chức phần lễ. Dù tổ chức quy mô lớn hay nhỏ, ý nghĩa của lễ hội cầu ngư truyền thống đã ăn sâu vào tâm thức của người dân vùng biển Lạch Bạng cũng không thay đổi”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc


Bài và ảnh: Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]