(Baothanhhoa.vn) - Trong muôn vàn ca khúc viết về Bác Hồ kính yêu, “Sầm Sơn in dấu chân Bác Hồ” là một trong những sáng tác để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng người nghe nhạc. Đặc biệt những lời ca, âm hưởng, giai điệu trong bài hát đã nói lên tình cảm sâu sắc của người dân Sầm Sơn nói riêng và người dân Thanh Hóa nói chung đối với Bác Hồ - Vị lãnh tụ vĩ đại của Nhân dân Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lắng đọng ca khúc “Sầm Sơn in dấu chân Bác Hồ”

Trong muôn vàn ca khúc viết về Bác Hồ kính yêu, “Sầm Sơn in dấu chân Bác Hồ” là một trong những sáng tác để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng người nghe nhạc. Đặc biệt những lời ca, âm hưởng, giai điệu trong bài hát đã nói lên tình cảm sâu sắc của người dân Sầm Sơn nói riêng và người dân Thanh Hóa nói chung đối với Bác Hồ - Vị lãnh tụ vĩ đại của Nhân dân Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới.

Lắng đọng ca khúc “Sầm Sơn in dấu chân Bác Hồ”Bác Hồ tham gia kéo lưới với bà con ngư dân xóm Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay là khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn), tháng 7-1960. Ảnh tư liệu

Là “cha đẻ” của ca khúc “Sầm Sơn in dấu chân Bác Hồ”, hai nhạc sĩ Lê Đăng Khoa và Nguyễn Hoài Nam đã phải đau đáu, trăn trở qua nhiều năm tháng mới có thể viết nên ca khúc đặc biệt này. Các nhạc sĩ của xứ Thanh đã cất công nhiều ngày thâm nhập thực tế ở vùng biển Sầm Sơn, xem bà con ngư dân kéo lưới, đánh cá, rồi nghiên cứu các tấm ảnh, thước phim tư liệu trong thời gian Bác về Sầm Sơn... để lấy cảm hứng, tư liệu sáng tác cho ca khúc của mình. Qua những tư liệu có được, cả ngoài đời và trên phim ảnh, tất cả xúc cảm tự nhiên ùa về trong tâm khảm các nhạc sĩ một hình tượng vô cùng cao đẹp về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Đó là hình ảnh Bác Hồ kéo lưới cùng ngư dân Sầm Sơn, gần gũi và bình dị biết nhường nào!.

Ca khúc “Sầm Sơn in dấu chân Bác Hồ” được ca sĩ Anh Thơ thể hiện thành công nhất. Khi tiếng hát của người ca sĩ cất lên, dường như chúng ta đang bắt đầu nghe kể một câu chuyện: Có một lần Bác về tỉnh Thanh/ Bác ghé thăm Sầm Sơn biển hát/ Nơi dừng chân là đền Độc Cước/ Ước nguyện nào được Bác về thăm/ Ước nguyện nào đón Bác vô thăm. Ngay từ những lời ca đầu tiên, cảm xúc, tâm trạng, tình yêu của người dân Thanh Hóa đối với Bác như được dồn nén trong từng nốt nhạc. Không chỉ người dân Sầm Sơn mà người dân Thanh Hóa luôn ước nguyện được Bác về thăm, được đón Bác vô thăm. Người nhạc sĩ đã khéo léo dùng hình ảnh “Sầm Sơn biển hát” để bày tỏ niềm vui không kể xiết, để muốn nói lên rằng cả con người, thiên nhiên như đang “hát”, vui mừng trước sự kiện được Bác Hồ về thăm. Chỉ trong một đoạn nhạc ngắn, nhạc sĩ đã nhấn mạnh tới 3 lần “ghé thăm”, “về thăm” và “vô thăm”, trong đó cụm từ “vô thăm” đã thể hiện đúng đặc trưng tiếng nói, ngôn ngữ của con người miền Trung gần gũi mà thân thương, trìu mến.

Sầm Sơn đón Bác bằng giọng hò rất đỗi quen thuộc, bằng bát nước chè xanh ấm áp tình người, bằng bữa cơm đạm bạc: Hò ơi.../ Bát nước chè xanh, bữa cơm đạm bạc/ Rau muống, cá kho Bác khen là được/ Sao mà giản dị ơi Bác Hồ ơi!/ Sao mà bình dị ơi Bác Hồ ơi! Bữa cơm đạm bạc chỉ rau muống với cá kho thôi mà cũng được Bác khen và đủ làm Bác thấy vui lòng. Thế mới thấy Bác Hồ của chúng ta là con người giản dị, bình dị biết nhường nào. Bác không chỉ thấu hiểu, chia sẻ với cảnh nghèo khổ, nỗi vất vả của người dân vùng biển mà còn yêu thương họ với một tình yêu bao la, mênh mông của đại dương vô tận, của ngàn hoa tỏa ngát hương thơm: Đại dương mênh mông bao la/ Tình Bác như ngàn hoa tỏa ngát.

Bác Hồ sinh ra trong bối cảnh nước mất, nhà tan, nên Bác thấu hiểu nỗi đau mất nước, người dân bị đàn áp, cuộc sống khốn khó trăm bề. Bác ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba khắp năm châu, làm đủ trăm nghề, làm cách mạng để tìm ra hình hài cho đất nước. Thế nên việc kéo lưới hay đánh cá cùng với ngư dân Sầm Sơn đối với Bác đâu có gì xa lạ: Bác đã cùng dân kéo lưới/ Dô huầy hô dô huầy hô hò dô huầy dô. Song, cũng việc làm ấy đã gợi cho chúng ta thấy một hình ảnh hết sức cao đẹp, bình dị về Bác Hồ, mà dường như chưa thấy có ở vị lãnh tụ nào trên thế giới.

Bác về thăm Sầm Sơn, thăm Thanh Hóa không chỉ để kéo lưới, đánh cá cùng ngư dân, mà từ trong sâu thẳm, Bác muốn động viên, căn dặn người dân nơi đây hãy ra sức thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, hãy vững tin vào tương lai tươi sáng mà cách mạng đã soi đường, dẫn lối. Là một tương lai mà ở đó chỉ có độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc đang đón chờ. Người nhạc sĩ đã đưa vào hình ảnh thật đặc sắc và tinh tế: Khoang cá đầy lấp lánh ánh trăng soi/ Giòn giã tiếng cười dòng người có Bác để minh chứng cho điều đó.

Phần kết ca khúc xuất hiện hình ảnh: Sầm Sơn in dấu chân Người. Nếu như các sáng tác về Bác Hồ trước đó đều tập trung miêu tả ánh mắt, vầng trán, chòm râu của Bác, thì đến ca khúc “Sầm Sơn in dấu chân Bác Hồ”, người nhạc sĩ đã chọn lấy hình ảnh dấu chân Bác Hồ làm điểm nhấn cho ca khúc của mình. Đó là dấu chân của Bác hằn in trên cát khi cùng ngư dân Sầm Sơn kéo lưới. Dấu chân ấy là hình ảnh đẹp đẽ, là biểu tượng cho tình yêu của Bác dành cho người dân Sầm Sơn, người dân Thanh Hóa, đồng thời cũng là gửi gắm niềm tin và giao nhiệm vụ cho Nhân dân Sầm Sơn, Nhân dân Thanh Hóa.

“Sầm Sơn in dấu chân Bác Hồ” – một ca khúc dạt dào và tình cảm, mang âm hưởng dân ca đã lắng đọng và đi vào lòng hàng triệu người dân Thanh Hóa. Và đặc biệt, Bác Hồ luôn ở trong trái tim người dân Sầm Sơn.

Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn Thế Việt - 06:45 16/05/21

 Trả lời

Nhà báo đã có những đánh giá, nhận xét rất tinh tế. Cảm ơn Nhà báo - Nhà phê bình âm nhạc cho ta cảm nhận thêm về tác phẩm của Cố Nhạc sĩ Lê Đăng Khoa và Nhạc sĩ Nguyễn Hoài Nam.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]