(Baothanhhoa.vn) - Khi chúng tôi lớn lên, cái làng quê thuần nông chất phác và yên bình này đã không còn mấy vết tích của một nơi mà cư dân của nó sống dựa hoàn toàn vào nghề quăng chài thả lưới trên hạ lưu sông Mã.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Khúc đồng dao” mang tên hội làng

Khi chúng tôi lớn lên, cái làng quê thuần nông chất phác và yên bình này đã không còn mấy vết tích của một nơi mà cư dân của nó sống dựa hoàn toàn vào nghề quăng chài thả lưới trên hạ lưu sông Mã.

“Khúc đồng dao” mang tên hội làng

Đình làng – nơi diễn ra các nghi thức của hội làng.

Theo một vài ghi chép của các cụ cao niên trong làng còn truyền lại, thì thuở xưa, nơi đây vốn là một vùng đất hoang rộng lớn, phía Đông Nam ngăn cách với sông Mã bằng dãy núi dài có tên gọi là Phúc Nhân. Dãy núi cũng được ví như con đê thiên tạo mà nhờ nó, nước sông Mã có dâng cao đến mấy cũng không thể tràn vào vùng hữu ngạn. Cũng nhờ địa hình đó mà những cư dân đầu tiên của làng vốn sống bằng nghề chài lưới đã tìm đến đây tụ cư. Ban đầu họ chỉ xây nhà tạm làm nơi nghỉ ngơi khi trời tối, còn ban ngày vẫn lênh đênh sông nước mưu sinh. Khi dân cư ngày càng đông đúc, người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện định cư lâu dài, bằng cách khai khẩn đất hoang làm thành đồng ruộng và dựa vào nguồn nước cùng sức lao động dồi dào mà gây dựng nên cuộc sống ngày một trù phú. Xóm làng cũng từ đó mà hình thành với cái tên đầu tiên là Ngư Võng Phường – cái tên nhắc nhở con cháu về tổ tiên và khởi sự dựng làng. Về sau, làng đổi tên thành Ngư Lăng và cuối cùng mang tên làng Nhân Cao (xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hoá) như ngày nay.

Những ruộng đồng bờ bãi màu mỡ vốn là “kế sinh nhai” của biết mấy thế hệ người, đến nay đã không còn là chỗ dựa mưu sinh chính và vì thế, nó cũng chẳng còn được mấy người mặn mà. Thế nên, càng không thể tìm ra nhà nào trong làng còn kế thừa cái nghề chài lưới xa xưa của tổ tiên. Với thế hệ chúng tôi và trẻ hơn nữa, cái sắc thái văn hóa sông nước từng gắn bó với làng quê, với cha ông mình suốt hàng mấy thế kỷ, thì nay chỉ còn được tìm thấy qua một vài phong tục tập quán, tín ngưỡng mà biểu hiện đậm đà nhất có lẽ là qua các nghi thức hội làng truyền thống, còn được gọi là lễ hội Ngư Võng Phường. Tuy là cái làng nhỏ nằm giữa doi đất mà một bên sông Mã ép vào, một bên núi Phúc Nhân chen ra, thế nhưng, xưa kia làng vẫn có đủ đình, phủ, chùa, miếu, nghè thượng, nghè hạ, văn chỉ, võ chỉ... Sự tồn tại đồng thời của các di tích ấy như một minh chứng về sự phong phú trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng tâm linh của cư dân làng.

Làng thờ tứ vị đức Thượng thần, đặc biệt nhất là Đức Thánh Cả, người có công lớn và gắn bó với vận mệnh dân làng, được vua Lê Hiển tông niên hiệu Cảnh Hưng (1740) phong một lúc 2 đạo sắc. Tương truyền, thời ấy ở Ngư Võng có một vị thủy thần hết sức linh thiêng. Nghe tiếng thần, vua Lê Hiển tông bèn cho thuyền rồng về rước lư hương của thần sang tả ngạn sông Mã lập đàn và đích thân nhà vua hành lễ. Lễ vừa xong thì mây mù kéo đến đen kịt bầu trời, sấm chớp nổi lên, nước sông từ thượng nguồn cuồn cuộn chảy về đem theo rong rêu và luồng, gỗ. Tiếp đó, nước sông tạo thành luồng xoáy mạnh, dồn rong rêu và luồng, gỗ thành con đập lớn ngăn lại dòng nước để người dân đắp đất, nâng cao con đê nhằm ngăn nước sông tràn vào đồng ruộng. Sau khi đê Vĩnh Giang được đắp xong, nhà vua cho giong thuyền về kinh, thế nhưng ra đến giữa sông bỗng mưa to, sóng lớn khiến thuyền không thể di chuyển được. Nhà vua bèn đốt nhang khấn thủy thần thì lập tức xuất hiện 2 con cá Vược to lớn, ép mình 2 bên mạn thuyền và đưa thuyền rồng rời đi. Cảm phục tài năng và sự linh ứng của Đức Thánh Cả ở Ngư Võng Phường, nhà vua đã phong cho thần 2 đạo sắc. Trong đó, một đạo sắc phong Mỹ trị là Long Tinh Hiển Ứng Chàng Vược tối linh đại vương và một đạo sắc cho dân Ngư Võng Phường lập nghè lớn phụng thờ hương khói. Đồng thời, ban cho 5 roi bằng vàng, 5 kiếm bằng bạc để làm đồ tế khí. Lễ tế thần được xếp vào hàng quốc tế, theo đó, cứ đến mùng 8 tháng giêng hàng năm triều đình lại cử một vị quan đại thần cùng đội ngũ quan lại trong vùng về cử hành các nghi lễ tế thần hết sức trang trọng, thành kính.

Bên cạnh đó, Ngư Võng Phường xưa còn thờ Quản Gia Đô Bác thượng đẳng tối linh tôn thần – một biểu tượng về tai nạn sông nước - là thành hoàng làng để cầu thần bảo hộ cho nghề nghiệp và xóm làng bình yên. Ngoài ra, làng còn thờ Tiêu Sơn Độc Cước, Thánh Mẫu Liễu Hạnh và có văn chỉ thờ đức Khổng Tử, võ chỉ thờ Thánh sư nghề vật võ. Đặc biệt, làng có một ngôi đình rất lớn, được xây dựng ngay trung tâm làng làm nơi bàn việc làng, nơi tổ chức các cuộc đại tế khi mở hội hay nơi rước các bậc thánh thần về mỗi độ lễ tết. Hằng năm, bắt đầu từ 30 tháng chạp, cùng với niềm vui ngày tết, không khí lễ hội cũng rộn ràng khắp xóm làng. Các nghi thức trong lễ tế được tổ chức khá công phu. Bà tôi kể, để soạn được mâm lễ đúng theo quy định của làng, từ mùng 4 đến mùng 7 tháng giêng mọi người phải lo lương thực, thực phẩm thật tươm tất. Một trong những thức cúng không thể thiếu trong ngày lễ hội là bánh dầy, theo đó, ngày 4 tháng giêng được chọn là ngày giã bánh dầy. Gạo làm bánh là gạo nếp hạt cau hoặc nếp cái hoa vàng được gặt từ ruộng Nghè. Cối giã bánh to như cái thúng và chày giã bánh được làm bằng gỗ tròn có đường kính 6cm, dài 1,5m do 4 người đàn ông khỏe mạnh và có kinh nghiệm được làng chọn ra giã bánh. Bánh sau khi được giã và nặn cho tròn trịa, có đường kính 1m, sẽ được đặt lên mâm và đặt lên ban thờ trong nghè Cả.

Trước khi làng khai hội, một nghi thức đặc biệt quan trọng cần được tiến hành: Tục lấy nước thờ. Ông Tiên chỉ và ông Từ nghè Cả sẽ chọn một ngày đẹp trong khoảng từ 23 đến 28 tháng chạp và cử 2 người đàn ông khỏe mạnh, giỏi chèo thuyền, nhà không có tang đến ngủ trong nghè. Khi gà gáy sáng, ông Từ dậy thắp hương khấn Đức Thánh Cả và 2 người đàn ông sẽ khiêng vò sành xuống thuyền, chèo ra giữa sông lấy gáo múc nước sạch đổ đầy vò rồi chở về nghè. Vò nước này sẽ dùng làm nước thờ suốt những ngày tết đến ngày kết thúc lễ hội. Mùng 8 tháng giêng, làng chính thức khai hội. Từ mùng 8 đến mùng 10 lễ Đức Thánh Cả tại nghè Thượng sẽ diễn ra với các nghi thức: Mùng 8 làng hộ tế và đón chạ Chè Hạ bên kia sông (thuộc xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa) sang cùng tế; mùng 9 dành cho quan viên, chức sắc tế; mùng 10 làng binh tế. Tiếp đó, ngày 11 tháng giêng làng giã giò làm lễ phẩm và tổ chức bơi chải ngoài sông. Ngày 12 rước cây phan từ nghè Thượng, rước thánh thẻ thần ở nghè Hạ và các miếu về đình làng gọi là “Long vân cuộc đại tế”. Đây là nghi lễ chính trong năm, mọi nghi thức, lễ tế, chủ tế, đông xướng, tây xướng, đọc chúc, truyền chúc và các vị chấp sự, trang phục, lễ phẩm và tuần tự cuộc tế... diễn ra theo đúng nghi thức chiếu tế. Cũng từ nghi thức này mà mọi ước nguyện trong năm được người dân bày tỏ trước các bậc thánh thần bảo hộ cho làng: “Nay đến ngày xuân lệ làng cầu phúc/ Rước các thánh đến chốn đình trung... Ơn đức các ngài/ Phúc đến tai bay/ Được hưởng niềm vui bốn mùa tươi sáng/ Đời sống thịnh vượng/ Thái bình yên ổn...”.

Xen kẽ giữa các chiếu tế của quan viên chức sắc, của làng hộ, làng binh... lễ hội Ngư Võng Phường còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc như rước thuyền, đua thuyền trên sông Mã, đánh đu, chọi gà, đánh cờ người, múa lân... Nhưng nét đặc sắc làm nên sắc thái riêng cho lễ hội là sự xuất hiện của hai loại diễn xướng dân gian: Chèo chải và múa đèn. Tôi nhớ, bà đã từng kể cho tôi nghe về những chiếu chèo được trải trên sân đình trong đêm xuân. Cái đêm tháng giêng lất phất mưa bụi và ánh sáng hắt ra từ những ngọn đèn dầu không đủ soi tỏ mặt người, nhưng thật lạ là cái mờ mờ, ảo ảo ấy lại khiến cho đêm chèo tăng thêm mấy phần đậm đà. Không cao vút, trong trẻo, nhưng tiếng hát của các bà, các chị lại có cái gần gũi, quen thuộc của giọng quê, tiếng quê và cái sự tự nhiên, mộc mạc:“Chèo chải cạn xin dâng một cách/ Trước lạy Đức thánh sau lạy mừng làng/ Văn hay khoa mục, võ thường quận công/ Mừng làng công đã nên công/ Thọ càng thêm thọ đắp nền nhân đượm đà...”. Múa đèn làng Ngư Võng xưa tuy không thể so sánh với múa đèn Đông Anh vốn rất nổi tiếng, nhưng nó vẫn mang nét riêng đặc sắc. Đó là những điệu múa, lời hát sinh động, sôi nổi, hướng đến ca ngợi ngọn đèn, ca ngợi ánh sáng dẫn đường cho sĩ, nông, công thương cùng thành đạt, sau đó mới mừng chúc cho quốc gia hưng đạt, chúc dân làng một lòng gìn giữ nếp sống đẹp đẽ của tổ tiên, sau đó mời các nàng tiên trên Quảng Hằng về dự hội...

Lễ hội Ngư Võng Phường mang đậm sắc thái văn hóa sông nước, thể hiện ở tục thờ các vị thần liên quan đến sông nước và các nghi lễ gắn liền với tục thờ này. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Anh Nhân, thì qua lễ hội này, “có lẽ người xưa muốn thầm nhắc nhở con cháu về một thời tổ tiên đã từng lênh đênh sông nước, vật lộn với nắng mưa bão lụt, đổ mồ hôi, xương máu lấy con cá, con tôm, củ khoai, hạt lúa. Tổ tiên đã kết lại với nhau, tạo nên sức mạnh để vượt lên chính mình mà xây dựng làng xóm quê hương. Nơi đây là nguồn cội, là nghĩa tình, là nguồn sữa mẹ nuôi ta khôn lớn”. Thật ra, khi chúng tôi lớn lên, hội làng với đầy đủ các lễ nghi, trò chơi, trò diễn như thời xưa đã không còn nữa. Rồi những chùa, đình, đền, nghè, phủ của làng đã bị phá hủy hết. Mãi mấy năm gần đây, người xa kẻ gần quyên góp, làng mới dựng lại được nghè Cả và ngôi đình mới, kiểu dáng khá hiện đại. Làng vẫn mở hội, nhưng hội chỉ gói gọn trong ngày 12 tháng giêng và các nghi lễ hầu hết đã được tối giản. Chèo chải, múa đèn giờ không còn mấy người biết để hát, để diễn khi hội làng và các trò chơi dân gian cũng được thay bằng bóng chuyền, bóng đá.

Những ẩn ức về hội làng thời xa xưa ấy, còn lại trong tôi là niềm háo hức ngồi chờ mẻ bánh bà hấp cho mâm lễ sáng mai; là niềm vui được chạy theo đoàn kiệu rước với cờ, ô, võng lọng sặc sỡ, trống kèn rộn rã khắp làng; là lấp ló nơi cửa đình xem các cụ cao niên kính cẩn dâng hương... Để rồi, khi tìm lại bóng dáng của những giá trị xưa cũ ấy, lòng như có một khoảng trống khó lấp đầy. Đó là cái khoảng trống hay khoảng lặng của dáng dấp làng quê hồn hậu, chất phác được thể hiện trong “khúc đồng dao” mang tên hội làng!

Bài và ảnh: Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]