(Baothanhhoa.vn) - Không chỉ là nơi giao thương tấp nập, sầm uất của vùng Cửu Chân xưa (nay là Thanh Hóa), đất Kẻ Chè, Kẻ Rỵ, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử thể hiện truyền thống yêu nước, hiếu học tiêu biểu của con người xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kẻ Chè, Kẻ Rỵ - vùng quê giàu truyền thống văn hóa lịch sử

Không chỉ là nơi giao thương tấp nập, sầm uất của vùng Cửu Chân xưa (nay là Thanh Hóa), đất Kẻ Chè, Kẻ Rỵ, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử thể hiện truyền thống yêu nước, hiếu học tiêu biểu của con người xứ Thanh.

Kẻ Chè, Kẻ Rỵ - vùng quê giàu truyền thống văn hóa lịch sử

Làng Kẻ Chè (Trà Đông) nổi danh với nghề đúc đồng truyền thống. (Ảnh tư liệu).

Vang mãi nghề đúc đồng Trà Đông

Kẻ Chè, tên nôm của làng Chè (Trà Đông), là nơi được tổ nghề đúc đồng Khổng Minh Không truyền dạy giúp dân làng có được nghề nghiệp để sinh sống và phát triển rực rỡ cho đến ngày nay. Người làng Chè vốn cần cù chịu khó, lại khéo tay và giàu tính sáng tạo nên từ bao đời, những người thợ dân gian đã làm ra được nhiều sản phẩm độc đáo, được thị trường khắp nơi ưa chuộng.

Bước qua chiếc cổng làng to cao, bề thế, làng nghề đúc đồng Trà Đông nổi bật bởi những khu dân cư phát triển từ những ngôi nhà rộng rãi, khang trang san sát nhau cùng với xưởng sản xuất đang ngày đêm đỏ lửa.

Đến xưởng đúc đồng của ông Nguyễn Bá Châu, một trong 6 Nghệ nhân Ưu tú của xã Thiệu Trung vào đúng dịp ông cùng tốp thợ đang chuẩn bị đúc một chiếc chuông theo đơn đặt hàng của một vị khách từ xa tới, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng khâu làm nên sản phẩm, từ cách tạo khuôn cho đến quy trình đun nấu. Nguyên liệu làm khuôn được lấy từ đất sét trộn với trấu giúp khuôn dễ thoát hơi trong quá trình nung và không bị nứt vỡ. Ngoài việc định hình về phom dáng và kích thước, người thợ còn phải ngồi hàng giờ đồng hồ để khắc hoa văn, chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ sao cho từng đường nét phải thực sự mềm mại và sắc nét.

Nếu công đoạn làm khuôn đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện thì quy trình nấu đồng lại được xem là nặng nhọc, vất vả nhất. Lò nung được đốt bằng than đá và than lim ở nhiệt độ 1.200 - 1.500 độ C. Thời gian này, người thợ phải túc trực cho than và đồng vào lò, đảm bảo đủ nhiệt độ để đồng nóng chảy và không tràn ra ngoài. Tùy theo sản phẩm để nghệ nhân quyết định nấu đồng nguyên chất hay pha trộn cùng các nguyên liệu khác. Với sản phẩm là chuông thì nguyên liệu được tính là 75% đồng và 25% thiếc để tạo độ ngân vang cho chiếc chuông. Khi đồng nung chảy với số lượng vừa đủ, người thợ sẽ rót cẩn thận và nhẹ nhàng vào khuôn để định hình sản phẩm. Sau đó là công đoạn tháo khuôn và hoàn thiện sản phẩm bằng các bước cắt gọt và đánh bóng.

Sau khi hoàn thiện chiếc chuông trong sự chứng kiến của những vị khách đặt hàng, ông Châu dành cho chúng tôi những chia sẻ chân thành về nghề truyền thống làng mình: Chẳng biết nghề đúc đồng Trà Đông chính xác có từ khi nào, chỉ biết rằng đây là cái nghề gắn bó với nhiều thế hệ đi trước trong mỗi gia đình làng Chè. Đối với ông, đúc đồng không chỉ là công việc để sinh sống mà nó còn là niềm đam mê sáng tạo. Trong công việc, bản thân ông cũng như những nghệ nhân khác của làng kỹ tính lắm. Mỗi chiếc chuông, chiếc trống trước khi đem ra bày bán hoặc giao cho khách, người thợ thường rất cầu kỳ chỉnh âm, tạo sắc, sao cho trong mỗi tiếng ngân vang phải vừa có chất trầm ấm hòa quyện với thứ âm thanh trong trẻo. Chính bởi tâm huyết của những người thợ Kẻ Chè, hàng nghìn sản phẩm trống, chuông, tượng... đã được làm và có mặt ở nhiều tỉnh, thành, góp phần tạo nên những dấu ấn trong một số sự kiện lớn của cả nước.

Tâm huyết với nghề, nghệ nhân Châu còn đào tạo hàng trăm thợ từ khắp nơi tìm đến. Con trai ông là anh Nguyễn Bá Quý giờ đây cũng là một thợ đúc đồng lành nghề, kế nghiệp cha mình để tiếp tục giữ và phát triển nghề ngày một hưng thịnh. Được biết, tại làng Chè hiện nay có 22 cơ sở đúc đồng lớn, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thường xuyên. Với 6 Nghệ nhân Ưu tú và nhiều nghệ nhân khác tâm huyết với nghề, làng nghề đúc đồng Trà Đông ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Kẻ Rỵ - miền quê giàu văn hóa lịch sử

Nếu Kẻ Chè nổi danh là mảnh đất nghề truyền thống thì Kẻ Rỵ lại được biết đến với những điểm di tích văn hóa lịch sử nổi bật. Đây cũng là mảnh đất học với nhiều hiền tài góp công cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đó có nhà sử học Lê Văn Hưu.

Theo tài liệu lịch sử, Lê Văn Hưu sinh năm 1230, tại làng Kẻ Rỵ. Từ nhỏ, ông được nhắc đến là cậu bé khôi ngô, tuấn tú, thông tuệ khác thường. Năm 18 tuổi, ông đỗ Bảng nhãn, được bổ nhiệm chức quan Viện hàn lâm, sau đó được Vua Trần Thái tông giao trọng trách biên soạn Quốc sử với bộ Đại Việt sử ký. Đây là bộ quốc sử đầu tiên ở thời phong kiến Việt Nam với 30 cuốn ghi lại các sự kiện của đất nước trong khoảng thời gian 15 thế kỷ một cách trung thực, khách quan. Công trình nghiên cứu của ông đã được Vua Trần cũng như các nhà sử học đời sau rất mực ca ngợi. Để tưởng nhớ công ơn của ông, người dân địa phương đã xây dựng đền thờ tại khu đất đẹp trong xã. Tuy nhiên, hiện nay do di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng nên khu đền thờ đang được xây dựng lại khang trang hơn. Cùng với đền thờ, khu lăng mộ của sử gia cũng được tôn tạo khang trang trong khuôn viên rộng, cảnh quan hài hòa, thoáng đãng. Ngay trước di tích có hồ bán nguyệt, tam quan, đặc biệt có bia đá cổ ghi lại thân thế, sự nghiệp của ông. Người dân trong làng vẫn thường đến đây hương khói với một niềm tôn kính, tự hào về bậc hiền tài của quê hương.

Đến với Kẻ Rỵ, ngoài đền thờ Lê Văn Hưu, chùa Hương Nghiêm cũng là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cổ. Được xây dựng khoảng giữa thế kỷ X trong khuôn viên rộng gần 10.000m2, đây là công trình có giá trị về mặt kiến trúc được Nhân dân địa phương gìn giữ.

Bên cạnh các di tích cổ, vùng đất Kẻ Rỵ còn là nơi lưu lại những dấu ấn cách mạng của chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (giai đoạn 1964 - 1972). Đó là khu hầm làm việc và chỉ huy của Thường trực Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa.

Hầm được xây dựng ở thôn Phủ Lý Nam (nay là thôn 4) với diện tích gần 100m2. theo kết cấu theo hình chữ Y, nửa nổi nửa chìm và có một lối vào ở hướng Nam, hai lối ra ở hướng Bắc. Hầm được xây kiên cố, lớp nền đổ bê tông bằng phẳng tạo độ vững chắc, là nơi trú ẩn và làm việc cho khoảng từ 5 đến 6 người.

Là minh chứng cho sự quyết tâm chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước, góp phần làm nên những chiến công lớn của quân và dân Thanh Hóa, năm 2007 hầm làm việc và chỉ huy của Thường trực Ủy ban Hành chính tỉnh đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tự hào về mảnh đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử, trong những câu chuyện của người dân làng Kẻ Chè, Kẻ Rỵ không chỉ có chiếc trống, chiếc chuông đồng từ những bàn tay thợ nghề của địa phương mà còn đan xen vào đó còn là sự say mê khi giới thiệu về những điểm di tích gắn với câu chuyện về các bậc hiền tài được sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất này. Với họ, việc duy trì và phát triển nghề đúc đồng truyền thống của làng vừa mang lại đời sống khá giả, sung túc vừa là cách thiết thực nhất để lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Và các di tích trong xã dù đã được công nhận di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia hay chưa cũng đều được người dân nơi đây quan tâm giữ gìn với mong muốn lưu lại cho thế hệ sau những giá trị tốt đẹp của đất và người Thiệu Trung.

Bài và ảnh: Thu Hà


Bài và ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]