(Baothanhhoa.vn) - Đọc “Đổi lấy mây trời” của nhà văn, nhà giáo Ưu tú Lê Vạn Quỳnh, người đọc càng thêm thấm thía câu nói “gừng càng già càng cay”. Nghĩa là, càng cao về tuổi đời thì sức sáng tạo, sức viết của Lê Vạn Quỳnh càng dồi dào, phong phú hơn. Văn chương là thế, bất kể đến sớm hay đến muộn mà người gắn bó bao lâu, cống hiến thế nào, gặt hái ra sao trên con đường chông gai, gian khó ấy mới là điều quan trọng. Lê Vạn Quỳnh đã, đang và sẽ kiên trì, bền bỉ, thận trọng bước đi trên con đường ấy với tất cả tình yêu, nhiệt huyết, đam mê với văn học.

Hai nửa tâm hồn trong “Đổi lấy mây trời” của Lê Vạn Quỳnh

Đọc “Đổi lấy mây trời” của nhà văn, nhà giáo Ưu tú Lê Vạn Quỳnh, người đọc càng thêm thấm thía câu nói “gừng càng già càng cay”. Nghĩa là, càng cao về tuổi đời thì sức sáng tạo, sức viết của Lê Vạn Quỳnh càng dồi dào, phong phú hơn. Văn chương là thế, bất kể đến sớm hay đến muộn mà người gắn bó bao lâu, cống hiến thế nào, gặt hái ra sao trên con đường chông gai, gian khó ấy mới là điều quan trọng. Lê Vạn Quỳnh đã, đang và sẽ kiên trì, bền bỉ, thận trọng bước đi trên con đường ấy với tất cả tình yêu, nhiệt huyết, đam mê với văn học.

Hai nửa tâm hồn trong “Đổi lấy mây trời” của Lê Vạn QuỳnhTập sách “Đổi lấy mây trời” của nhà văn, nhà giáo Ưu tú Lê Vạn Quỳnh.

Nhà văn, nhà giáo Ưu tú Lê Vạn Quỳnh hẳn đã là cái tên quen thuộc, gần gũi, mến thương với độc giả xứ Thanh qua một số tác phẩm tiêu biểu như: “Với nhà thơ Văn Đắc trò chuyện 365” (2003, NXB Văn học), “Lan man xê dịch” (2015, NXB Hội Nhà văn), “Dấu thời gian” (2016, NXB Hội Nhà văn), “Cuối đường khuất gió” (2017, NXB Hội Nhà văn), “Thằng Bơ” (2019, NXB Hội Nhà văn)... Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa.

Với những ai quen biết Lê Vạn Quỳnh đều cảm nhận được ông là người điềm đạm, cẩn trọng, giản dị nhưng không kém phần thú vị, phóng khoáng. Đã nâng chén rượu nồng lên thì chẳng màng những nơi tô vẽ cầu kỳ, kiểu cách mà cốt sao chí thú với tri âm, tri tửu hàn huyên, tâm sự, nói chuyện kim cổ, đông – tây, trên trời dưới bể. Tác phẩm in ấn cũng vậy, khoan nhặt, từ tốn chứ không ham “đổ bộ”, chạy theo số lượng. Những đề tài mà ông tiếp cận, những nhân vật mà ông xây dựng, những tình huống truyện, những vấn đề ông đặt ra trong các tác phẩm... đều có cảm giác chân thực, gần gũi với đời sống mà không kém phần sâu sắc, tinh tế. Tất cả những điều ấy, độc giả đều có thể tìm thấy trong tập sách “Đổi lấy mây trời” (2020, NXB Hội Nhà văn) - tác phẩm mới nhất của Lê Vạn Quỳnh ra mắt độc giả.

Nói về quan niệm văn học, nhà văn, nhà giáo Ưu tú Lê Vạn Quỳnh bộc bạch: “Văn chương là nơi mình chia sẻ những xúc cảm và tâm tình cùng người thân và bè bạn”. Tập sách “Đổi lấy mây trời” chính là minh chứng sinh động, thuyết phục, truyền tải đầy đủ quan niệm văn học của ông. Với gần 200 trang sách, bố cục cuốn sách chia làm hai phần: Phần I là tập hợp 15 bài ký của tác giả với phong phú về nội dung, hấp dẫn về hình thức thể hiện; phần II, tác giả dành dung lượng giới thiệu “lời bạn bè” viết về mình và các tác phẩm của mình.

Phải nói ngay rằng, thể loại ký là một trong những “thế mạnh” của Lê Vạn Quỳnh, bên cạnh truyện ngắn. Thể loại văn học này vừa cơ động, linh hoạt, nhạy bén trong việc phản ánh hiện thực ở cái thế trực tiếp nhất, ở những nét sinh động và tươi mới nhất. Tác phẩm ký vừa có khả năng đáp ứng được những yêu cầu bức thiết của thời đại, đồng thời vẫn giữ được giá trị của nghệ thuật. Đặc biệt, ký không gò bó người viết trong một phương thức biểu hiện và một phong cách duy nhất mà mở rộng, thừa nhận nhiều hình thức và nhiều phong cách sáng tạo.

Từ nền tảng kiến thức ấy, khi đọc các tác phẩm ký nói chung, các phẩm ký được chọn in trong “Đổi lấy mây trời” nói riêng, người đọc băn khoăn tự hỏi: Chính cái sự phóng khoáng, sinh động, thời sự của ký đã hấp dẫn cây viết Lê Vạn Quỳnh hay chính tính cách, tâm hồn Lê Vạn Quỳnh đã tự tìm đến thể loại văn học độc đáo này để kết giao? Đó là mối lương duyên rất khó tách bạch và khó lòng đi đến tận cùng bản chất. Chỉ biết được rằng, Lê Vạn Quỳnh vẫn say sưa viết ký, vẫn trút bầu tâm sự, nỗi niềm của mình qua những trang ký. Ký của Lê Vạn Quỳnh hấp dẫn bạn đọc bởi lối kể, dẫn dắt rất duyên, ở những bóng hình nhân vật thân thương, gần gũi, ở những đề tài, chi tiết đắt giá được lẩy lên từ muôn màu muôn vẻ cuộc sống đời sống, ở giọng điệu vừa như thủ thỉ, tâm sự mà đôi khi cũng dí dỏm, hóm hỉnh, bông đùa...

Với “Đổi lấy mây trời”, bạn đọc dường như cảm nhận được hai nửa tâm hồn Lê Vạn Quỳnh hòa quyện vào nhau. Đó là một tâm hồn ưa hoài cổ, lắng sâu trong từng kỷ niệm, ký ức. Bởi thế nên mới có những bài ký viết về một “người hâm” – Sơn Tỷ nổi tiếng khắp thị xã Thanh Hóa thời kỳ trước chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, về “bố vợ”, “con ông chú họ”, chị gái (Sinh ra từ làng), mẹ vợ (Mát trong như nước tự nguồn”... Mỗi bài ký là một chân dung được vẽ nên bằng hồi ức, kỷ niệm, cảm xúc yêu mến, trân trọng, tự hào. Mỗi bài ký cũng là niềm tâm sự rất riêng mà nếu không có sự tồn tại của văn học để trao gửi, tác giả khó có thể cất thành lời.

Nếu ký chân dung của Lê Vạn Quỳnh lắng đọng hồi ức, kỷ niệm đượm nét hoài cổ thì khi đọc những bài viết như: “Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới”, “Thất tình thời 4.0”, “Lo thay một sự xê dịch”, “Không có gì là vô nghĩa”, bạn đọc thích thú trước một Lê Vạn Quỳnh dí dỏm, hóm hỉnh, đầu đã hai thứ tóc mà bắt trend chẳng thua kém gì các “công dân thời @”. Những bài viết ấy thường chứa đựng, truyền tải một thông điệp sâu sắc mà không nặng giáo điều, kẻ cả.

Ông hóm hỉnh nói chuyện “thất tình thời 4.0”: “Tôi thấy buồn. Thi sĩ Nguyễn Bính tái thế mà lâm bệnh thất tình thì có lẽ ít người như ông còn than thở gió mưa là bệnh của giời, tương tư là bệnh của tôi yêu nàng. Lối sống mở cùng gấp gáp nhịp sống hiện đại không có chỗ cho tương tư cũng như thất tình”. Nói về tương tư, thất tình không phải như một câu chuyện phím lúc rỗi nhàn, cao hứng mà xuất phát từ trăn trở, canh cánh của Lê Vạn Quỳnh trước thực trạng đời sống xã hội: “Nhiều từ cũng như cụm từ, mà rõ nhất là các từ tương tư, thất tình đã không cánh mà bay khỏi đời sống xã hội rồi... Sự biến cải vô chừng của thời đại 4.0 đang ồn ào mang chật chội đến trú trong cái vỏ cũ càng của ngôn từ, hay diễn bá đạo hơn, chính sự xâm lăng quá mức của đời sống đã làm cho chữ nghĩa bị xê dịch đến mức ngôn từ chỉ còn trơ lại cái... vỏ”.

Lê Vạn Quỳnh sâu sắc và tinh tế. Nếu không sâu sắc và tinh tế thì mấy ai cảm thấy lo lắng, băn khoăn trước thông tin hòn Mái nằm trong danh thắng Hòn Trống Mái trên núi Trường Lệ (TP Sầm Sơn) bị xê dịch. Đằng sau câu chuyện xê dịch ấy, ông đặt ra vấn đề về văn hóa ứng xử của con người trước di tích, công tác bảo tồn, phát huy di tích trong thời đại CNH, HĐH như hôm nay. “Đây không phải hòn đá vô tri, nó có nội tâm lưu dấu những bí ẩn linh thiêng và có thể cất tiếng. Sự xê dịch vị trí so với xưa kia của hòn Mái, phải chăng đã báo hiệu một sự sang chấn về văn hóa nhiều hơn là sai lệch về tọa độ!?”.

Sẽ thật là thiếu sót nếu nói về “Đổi lấy mây trời” mà không nhắc đến những trang ký tâm huyết, tỉ mỉ, hấp dẫn mà tác giả viết về những người bạn văn của mình như: “Con nai gầy vượt suối Rạc Troong”, “Đổi lấy mây trời”, “Hầu chuyện tướng về hưu”. Qua những bài ký ấy, Lê Vạn Quỳnh như cầu nối đưa tác giả đến gần hơn với công chúng, gợi mở một cách cảm nhận về Hà Thị Cẩm Anh, Nguyễn Duy, Nguyễn Huy Thiệp. Đó là một Hà Thị Cẩm Anh lam lũ, quay quắt giữa thung lũng Si Dồ, vùng miền núi Cẩm Thủy nhưng luôn có tình yêu cháy bỏng với văn chương. Với tất cả nỗ lực, say mê, nhiệt huyết ấy, Hà Thị Cẩm Anh như “con nai gầy vượt suối”, đi giữa bão giông cuộc đời mà xây nên gia tài văn chương khiến người khác phải nể phục. Đó là một Nguyễn Duy quảng giao, tiêu sái, một tài danh mà “bài thơ nào cũng có một hành trình, một số phận lắm nỗi bi hài”. Đó là Nguyễn Huy Thiệp đanh đá, sắc lạnh trong văn học nhưng gần gũi, giản dị, thân tình giữa cuộc sống đời thường.

Có lẽ, nhiều người sẽ cho rằng, trong những tác phẩm đã xuất bản, “Đổi lấy mây trời” chưa phải là tác phẩm thành công nhất của Lê Vạn Quỳnh. Tuy nhiên, với “Đổi lấy mây trời”, bạn đọc thêm hiểu hơn về chân dung tinh thần nhà văn, nhà giáo Ưu tú Lê Vạn Quỳnh, càng thêm yêu mến, tin tưởng vào sự chân thành, nghiêm túc, say mê mà ông dành cho văn chương.

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]