(Baothanhhoa.vn) - Hổ là một linh vật trong 12 con giáp, gắn liền với văn hóa phương Đông. Hình tượng hổ hay chúa sơn lâm đã xuất hiện từ lâu đời và gắn bó với lịch sử của loài người. Hổ tượng trưng cho sức mạnh, thanh thế, oai linh và huyền bí. Nếu Rồng là biểu tượng cho vua chúa, vương quyền thì hổ là biểu tượng cho các vị tướng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Độc đáo hình tượng hổ tại lăng mộ Vua Lê ở Lam Kinh

Hổ là một linh vật trong 12 con giáp, gắn liền với văn hóa phương Đông. Hình tượng hổ hay chúa sơn lâm đã xuất hiện từ lâu đời và gắn bó với lịch sử của loài người. Hổ tượng trưng cho sức mạnh, thanh thế, oai linh và huyền bí. Nếu Rồng là biểu tượng cho vua chúa, vương quyền thì hổ là biểu tượng cho các vị tướng.

Độc đáo hình tượng hổ tại lăng mộ Vua Lê ở Lam Kinh

Tượng hổ trong khu mộ vua Lê Thái tổ.

Khu Di tích lịch sử Lam Kinh gắn liền với khởi nghĩa Lam Sơn và vương triều hậu Lê, hiện nay còn lại 6 khu lăng mộ (5 lăng mộ Vua và 1 Hoàng thái hậu), tọa lạc trên tổng diện tích hơn 200 ha. Đặc điểm chung của các lăng mộ nơi đây là sự đơn giản, gần gũi với thiên nhiên nhưng cũng không kém phần tôn nghiêm. Và trong bố cục của các lăng mộ thì đều bố trí cân xứng 2 bên theo trục thần đạo các tượng quan hầu và linh vật giống đá. Ở vị trí gần nhất với mộ, bên tả là tượng quan văn, bên hữu là tượng quan võ. Điều độc đáo trong số 6 lăng mộ này đó là hình tượng hổ xuất hiện ở 2 lăng Vua Lê Thái tổ và Lê Thái tông, còn ở các lăng mộ khác thì không có mà thay vào đó là tượng voi đá.

Trong 2 khu lăng mộ của Vua Lê tại Lam Kinh có tượng hổ thì mỗi lăng mộ hình tượng hổ lại được tạc khác nhau. Ẩn chứa trong đó là những câu chuyện ly kỳ về lịch sử và ẩn ý của nghệ nhân tạc tượng. Về xuất xứ của hình tượng hổ trong các khu đền miếu và lăng mộ thì văn hóa phương đông cho rằng hổ linh thiêng và oai hùng trấn giữ cửa vào thì tà ma không dám xâm nhập và những vết sọc trên trán của hổ liên tưởng đến chữ Vương ( ¤), có nghĩa là vua. Hổ là loài vật tôn quý sánh ngang hàng với rồng là biểu tượng sức mạnh của trời và đất

Trong lăng Vua Lê Thái tổ lần lượt gồm có 2 tượng quan hầu và 4 đôi giống đá đối nhau chầu vào đường thần đạo. Lần lượt là tượng quan văn, võ, nghê, tê giác, ngựa và hổ. Các tượng này được xác định niên đại vào thế kỷ XV. Sách lăng bộ - bia ký các Vua và Hậu còn lại ở Lam Kinh còn khẳng định niên đại là vào cuối năm 1433 sau khi Vua Lê Thái tổ mất và được đưa về đây an táng [1; tr.12].

Trong số các tượng đá thì 2 tượng hổ được đặt ở vị trí gần nhất với cửa vào của lăng mộ. Hổ đang trong tư thế ngồi chầu, hai chân trước chống thẳng, mặt nhìn về phía trước, thân cao 0,6m, đầu to, miệng rộng đang há, để lộ 4 răng nanh sắc nhọn, mắt lồi, mũi nhỏ, tai bé, vểnh, cổ ngắn. Từ trán xuống đến đuôi có nhiều đường khắc sọc ngang hai bên lưng, đuôi to nhưng ngắn, 2 chân trước to, khỏe, dài, nách chân trước có một hình xoắn giống hình đao lửa.

Hình tượng hổ trong lăng Vua Lê Thái tổ cho chúng ta trở lại với những câu chuyện lịch sử thần bí liên quan đến vua. Sách Lê Triều ngọc phả còn ghi lại câu chuyện này. “Xưa kia, ngày Đức Thái Tổ chưa sinh, bà ngoại là Trịnh Thị Ngọc Dung sống ở thôn Thủy Chú, huyện Lôi Dương(1). Hồi đó là vào năm Xương Phù thứ 7 (1383), đời Vua Trần Phế Đế, vào đêm 7 tháng 2 năm Quý Hợi, có một con hổ bước vào nhà kéo cụ đến xứ Bồn Quái trong núi, thấy con hổ to lông vàng vằn đen nằm trước đó rồi. Con hổ đó đứng ngồi không yên. Cụ bà thấy vậy liền hỏi: Có phải mày khó đẻ phải không? Con hổ gật đầu. Cụ bà liền vẫy con hổ dẫn đi lấy thuốc về hòa nước cho uống. Trong chốc lát con hổ đẻ ra một cái thai đã chết. Cụ lại lấy nước xa rảy khắp người con hổ, bấy giờ con hổ mới nằm yên. Con hổ lại cõng cụ về nhà. Đêm hôm sau, thấy một chiếc ấn hổ đặt ở trước sân, cụ biết là con hổ báo ơn đêm hôm trước” [2; tr.19, 20].

Câu chuyện thứ 2 liên quan đến việc Vua Lê Thái tổ chào đời. Sách Lê triều ngọc phả viết rằng: “Đế sinh giờ Tý, ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu (năm 1385) ở thôn Thủy Chú. Trước đó còn gọi là Sa Kỳ, cây cối tốt tươi, có một cây quế rất cao, vươn cao hơn cả mọi loại cây khác(2). Cây quế đó mọc ở núi Du Sơn. Ở đó, có một con hổ đen, sống chung với người đến 10 năm chưa từng hại một ai. Khi Đế sinh ra thì không thấy con hổ đen ấy đâu nữa. Mọi người đều lấy làm lạ” [2; tr.20]. “Đế thể chất anh vĩ, miệng rộng, trán cao, thân dài 6 thước, vai tả có 7 nốt ruồi, đi như rồng, bước như hổ, hào quang tỏa khắp người, tiếng vang như chuông, dáng ngồi như hổ chầu, bậc trí giả biết đó là tướng cực quý” [2; tr.20].

Trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã viết về sự chào đời của vua với miêu tả “Vua sinh ra thiên tư tuấn tú khác thường, thần sắc tinh anh kỳ vĩ, mắt sáng miệng rộng, mũi cao, trên vai có nốt ruồi, tiếng nói như chuông, dáng đi tựa rồng, nhịp bước như hổ, kẻ thức giả đều biết vua là bậc phi thường” [3; tr.302].

Như vậy tượng hổ trong lăng Vua Lê Thái tổ với dáng vẻ hiền lành, thuần phục hòa hợp với không gian chung của lăng mộ, để chúng ta nhớ đến hình tượng hổ gắn liền với cuộc đời vua, cũng có thể ngụ ý nói Lê Lợi là anh hùng cứu nước có tài “hàng long, phục hổ”.

Tại lăng Vua Lê Thái tông 2 tượng gần nhất với lối vào lăng là hổ nhưng đã được tạc với phong cách hoàn toàn khác. Nếu như lăng mộ Vua Lê Thái tổ, tượng hổ được tạc hiền lành mang đậm nét văn hóa dân gian thì đến lăng này, hổ đã chi tiết hơn, cụ thể hơn, dũng mãnh hơn và có nhiều sự thay đổi, chuyển tiếp trong phong cách tạc tượng.

Hổ đang trong tư thế ngồi chầu, hai chân trước chống thẳng, mặt nhìn về phía trước, thân dài, thon, tròn, miệng rộng, hai bên mép lộ ra hai nanh sắc, nhọn, mũi nhô cao, mắt tròn, tai vểnh, trán bằng, lưng tròn, đuôi dài và uốn thành ba khúc vắt sang bên phải, trên lưng có nhiều sọc vằn nổi như hình ngọn lửa. Hổ bên trái thân dài 0,9m, cao 0,58m, hổ bên phải có kích thước lớn hơn, thân dài 0,93m, cao 0,58m làm bằng đá xanh nguyên khối niên đại thế kỷ XV (năm 1442)(3).

Về tượng hổ tại sao lại được đặt ở lăng Vua Lê Thái tông thì đến nay vẫn chưa có lý giải nào. Trong suốt cuộc đời Vua Lê Thái tông thì năm sinh là 1423 (Quý Mão), năm băng hà 1442 (Nhâm Tuất) và vua cũng không có sự kiện nào liên quan đến hổ. Vậy tại sao lăng này còn tạc tượng hổ mà các lăng về sau lại không tạc nữa? Đây có lẽ sẽ vẫn là một ẩn số lịch sử.

1.Nay là thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

2.Sách Lam Sơn thực lục, chép là thôn Như Áng, thôn Hậu.

3. Tượng hổ bên trái bị gãy chân sau đã gắn chắp hoàn thiện, tượng hổ bên phải không còn nữa và đã phục dựng năm 1996-1997.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh, Lăng mộ- bia ký các vua và hậu còn lại ở Lam Kinh, Nxb Hồng Đức, HN 2015.

2. Lê Xuân Kỳ, Lê Trung Tiến, Lê Triều ngọc phả, Nxb Thanh Hóa, 2015.

3. Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH, HN, 2009.

Trần Thanh Hải

(Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh)


Trần Thanh Hải

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]