(Baothanhhoa.vn) - Tiểu thuyết Động thổ của nhà văn Lê Ngọc Minh, do Nhà Xuất bản Quân đội ấn hành năm 2017, cuối năm 2018, đã được Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa trao  giải A Lê Thánh Tông, có dung lượng chừng bốn trăm trang với chủ đề xuyên suốt là cuộc đấu tranh cho Chân, Thiện, Mỹ của những con người đi qua thời kỳ chiến tranh, xây dựng cuộc sống hòa bình và cuộc dấn thân vì lợi ích chung cho cộng đồng xã hội phát triển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đấu tranh cho Chân, Thiện, My trong tiểu thuyết Động thổ của Lê Ngọc Minh

Đấu tranh cho Chân, Thiện, My trong tiểu thuyết Động thổ của Lê Ngọc Minh

Tiểu thuyết Động thổ của nhà văn Lê Ngọc Minh, do Nhà Xuất bản Quân đội ấn hành năm 2017, cuối năm 2018, đã được Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa trao giải A Lê Thánh Tông, có dung lượng chừng bốn trăm trang với chủ đề xuyên suốt là cuộc đấu tranh cho Chân, Thiện, Mỹ của những con người đi qua thời kỳ chiến tranh, xây dựng cuộc sống hòa bình và cuộc dấn thân vì lợi ích chung cho cộng đồng xã hội phát triển.

Với bút lực dồi dào, hành văn lưu loát, kết cấu tuyến nhân vật chặt chẽ, các mâu thuẫn được đẩy lên cao và đặc biệt là cá tính nhân vật được bộc lộ rõ nét, tiểu thuyết đã được bạn đọc yêu thích trong thời gian qua.

Tiểu thuyết được chia hai phần, phần đầu mở ra với một bối cảnh chúng ta tưởng chừng như vừa gặp đâu đó trong cuộc sống hiện thực đang diễn ra tại khu vực đất được động thổ để xây dựng trường học cho các em học sinh ở cồn Si. Mọi việc tưởng thông suốt thì có một đoàn người kéo ra phản đối, đòi lại khu đất với lý do nhiều năm trước đó, họ có trong tay sổ đỏ mảnh đất này... Hầu hết các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đều đi qua chiến tranh, trải qua thời kỳ bao cấp và tiếp đến thời kỳ kinh tế thị trường. Trong mỗi con người đều ẩn chứa nhân chủ thiện lương, tuy nhiên đã có người không làm chủ được thiện tính, để cho phụ chủ trong con người họ vượt ngưỡng, khiến họ trở nên ích kỷ, xảo quyệt, toan tính cá nhân. Họ để những điều tiêu cực tràn lấp lý trí và tình cảm, họ đã biến chất theo thời gian. Trong khi đó, nhiều người khác đi theo tiếng gọi trong sáng của lương tâm, mọi việc làm của họ đều vì lợi ích chung cho cộng đồng, xã hội và vì vậy, con đường đấu tranh cho Chân, Thiện, Mỹ vô tình đã phân tuyến nhân vật sau sự bộc lộ cá tính và đường đời của họ mà bà Thanh đại diện đứng về tuyến nhân vật chính diện và ông Sung đại diện thuộc tuyến nhân vật phản diện. Bằng cách sử dụng thời gian đảo chiều theo ký ức của từng nhân vật, nhà văn Lê Ngọc Minh cung cấp cho bạn đọc những dòng ký ức như còn tươi mới trong mỗi nhân vật, đem hòa trộn với hiện tại để tạo sự hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết. Diễn tiến câu chuyện từ việc ông Sung tự cho mình cái quyền áp đặt hạnh phúc của người khác theo ý đồ của mình, cụ thể là ông muốn hỏi Tân, con gái bà Thanh cho Mãn, con trai ông, mặc dù ông biết Tân đã yêu Chính, ông ta vẫn cố tình lấy cái danh cán bộ huyện của mình hòng để đè bẹp người yếu thế, như đoạn văn sau nhà văn đã viết:

“...Bà Thanh vội nói... Tân này, bác Sung có ý định hỏi con cho cậu Mãn. Ý con thế nào thì thưa lại rõ ràng với bác...”. “Cháu xin phép bác, tương lai của cháu, cháu xin tự lo ạ”... Ông Sung đập bàn hỏi: “Thằng Mãn nhà bác thế nào? Hay cháu cùng giuộc với cái thằng của nợ, ất ơ đang thập thò ngoài sân kia để xỉ vả con trai bác?”. “Thưa bác, bác là cán bộ huyện đến nhà cháu làm khách mà bác nói năng thật thiếu văn hóa. Cháu nghĩ bác không nên nói gì thêm ở nhà cháu nữa ạ!”. Bà Thanh tái nhợt đi, bà ngăn con gái: “Tân, con!”. Ông Sung ngắt lời bà Thanh “Con gái cô đuổi tôi đấy, văn hóa cao thế đấy!”. Bà Thanh chắp hai tay xin: “Nó trẻ người non dạ, bác rộng lượng bỏ quá!”. Đạp chiếc xe Fa-vơ-rít trên đường về nhà, ông Sung cứ luôn miệng lẩm bẩm như một kẻ tâm thần: “Chúng mày phải chết!”.

Chiến tranh đã đem theo bao số phận bi thương, Chính, người yêu của Tân ra chiến trường và đã hy sinh, Tân trở thành giáo viên và thời gian sau đó kết hôn với thầy giáo Thức để xây dựng một gia đình hạnh phúc, trong khi ông Sung đã trở nên già yếu và con trai ông là Mãn cũng đã có một gia đình riêng. Tuy nhiên, lợi ích chính đáng của tập thể là động thổ để xây dựng trường học cấp ba cho các em học sinh trong khu vực cồn Si mà mẹ con nhà bà Thanh, cô Tân, anh giáo Thức... đứng ra bảo vệ, đã bị bố con ông Sung phản đối, để giành lấy khu đất đó cho gia đình họ. Nếu câu chuyện bỏ lửng, hoặc chấm hết ở đây thì cái kết của cuốn tiểu thuyết đã phá hỏng toàn bộ kết cấu câu chuyện và khiến câu chuyện trở nên tẻ nhạt. Tại thời điểm gay cấn này, nhà văn cho xuất hiện trên “sân khấu” tiểu thuyết một nhân vật nữ có cái tên nôm na là Nở - một doanh nhân thành đạt đã trở về đóng góp xây dựng quê hương:

“Trong nhà, lời nói đầu tiên của cụ Sung là cụ trách móc bà Nở đã bỏ quê hương bản quán, quên bẵng hết người thân và ân nhân quá lâu. Bà Nở chỉ ngồi nghe. Ký ức như được cơ hội bung ra, cụ Sung nhắc lại cái ngày cụ bao phen xuống xưởng nông cụ mà không gặp được cô Nở, đánh đùng cái, cụ nghe tin cô Nở lấy chồng, khi ấy, cụ đã như người chết nửa con người, cụ định tìm bằng được để hỏi cho ra ngọn nguồn nông nổi nhưng... Bà Nở nói nhỏ nhẹ, mắt nhìn thẳng vào cụ Sung: “...Cháu phải vội về gặp bác là vì cái trường cấp ba cồn Si chưa động thổ xây dựng được đấy ạ!”. Cụ Sung phản ứng hỏi: “Có phải cánh giáo Thức và con mẹ Tân nhà lang Thanh đã báo cho cô không?”. “...Phải mất hơn nửa thế kỷ mới có điều kiện xây dựng trường học cấp ba cho con cháu nhân dân vùng ta. Lẽ ra phải rất vui mừng thì bác lại còn trưng giấy tờ giả ra để khẳng định là đất khai hoang của bác...”. “Mồ hôi nước mắt và cả máu của tôi ở mảnh đất khai hoang cồn Si đấy, thời buổi luật pháp rõ như ban ngày này dễ gì mà cướp ngửa được?”. “Đừng nặng lời như thế bác Sung... Đất cồn Si là đất của làng, thời bình HTX đã trồng khoai, trồng lạc, thời chiến bộ đội về lập trận địa, sau đó Trường cấp ba Quang Sơn II tiếp quản cái cồn này từ giữa những năm bảy mươi, rồi chiến tranh... Nhớ lại chuyện xưa khi đó cháu có can hệ đến việc đóng dấu cho các thứ giấy tờ ám muội của bác vì bác đã thu xếp xin các chữ ký, dù cái chân làm hành chính giữ con dấu không có tính quyết định, nhưng cháu đã rất ăn năn hối lỗi với bà con nơi đây”. Sau khi bộc bạch rõ quan điểm của mình, bà Nở về khách sạn, nhưng hôm sau ông Sung đã đánh tiếng ra giá: “Giá đất cồn Si theo thị trường khoảng bảy mươi tỷ, nhưng tôi cần một tỷ bên dự án trả cho tôi để dưỡng già...”. Cuối cùng doanh nghiệp cô Nở đồng ý trao một tỷ để ông Sung viết giấy trao lại khu đất cồn Si cho nhà trường động thổ xây dựng. Đọc đến đây, chúng ta tưởng có thể kết thúc câu chuyện tốt đẹp và có hậu này, nhưng nhà văn muốn đem luật nhân quả gửi vào câu chuyện trên hành trình đến Chân, Thiện, Mỹ của mỗi con người, xem đó là bài học là đẩy mâu thuẩn lên cực đỉnh khi ông Sung nhận một tỷ đồng từ doanh nghiệp cô Nở thì con trai ông Sung là Mãn, một kẻ ham chơi, ưa hưởng thụ đã tranh chấp khốc liệt số tiền trên với ông Sung, khi không được đáp ứng, Mãn đã lăng mạ ông Sung, khiến ông Sung tức giận đến đột tử.

Tiểu thuyết là một thể chuyện dài trong văn học và để có một cuốn tiểu thuyết hay phải có kết cấu câu chuyện chặt chẽ theo các tuyến nhân vật. Tính cách các nhân vật phải đặc sắc, đặc trưng, các mâu thuẫn tạo nên sức hút câu chuyện phải đẩy lên cao, đôi khi cần gây sốc và một yêu cầu đặc biệt cũng như đối với truyện ngắn, các chi tiết phải “đắt” và nhiều như những “viên kim cương” đính vào câu chuyện, chúng luôn tỏa sáng lấp lánh lôi cuốn bạn đọc suốt chiều dài tác phẩm, nhà văn Lê Ngọc Minh đã làm được điều đó trong tập tiểu thuyết này trên hành trình đi đến Chân, Thiện, Mỹ của các nhân vật!.

Viên Lan Anh


Viên Lan Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]