(Baothanhhoa.vn) - Với hình thức dự thi đa dạng, phong phú, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc đã thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Qua cuộc thi, các em học sinh được thỏa sức thể hiện tình yêu dành cho sách, đam mê đọc sách của mình. Từ đó, lan tỏa văn hóa đọc trong các trường học và cộng đồng.

Đại sứ văn hóa đọc: Cuộc thi lan tỏa văn hóa đọc

Với hình thức dự thi đa dạng, phong phú, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc đã thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Qua cuộc thi, các em học sinh được thỏa sức thể hiện tình yêu dành cho sách, đam mê đọc sách của mình. Từ đó, lan tỏa văn hóa đọc trong các trường học và cộng đồng.

Đại sứ văn hóa đọc: Cuộc thi lan tỏa văn hóa đọc

Học sinh Trường Tiểu học Hà Bình (Hà Trung) tham gia lễ phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Thanh Hóa năm 2022.

Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động trong những năm qua nhằm thúc đẩy, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên trên toàn quốc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Cuộc thi đã trở thành sân chơi bổ ích, ngày càng thu hút đông đảo học sinh tham gia với nhiều hình thức đa dạng. Nhận thức được lợi ích của cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, từ năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu hưởng ứng và phát động cuộc thi. Ngay từ năm đầu tổ chức, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Thanh Hóa đã thu hút đông đảo các em học sinh tham gia với 9.986 bài dự thi, trong đó có 10 bài bằng hình thức quay video, còn lại là bài viết. Đến năm 2022, số lượng học sinh tham gia cuộc thi tăng lên đáng kể với 50.212 bài dự thi. Nhiều trường liên tục có số học sinh tham gia vòng sơ khảo tại tỉnh nhiều như: THCS Quang Trung (TP Thanh Hóa), Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa), THPT huyện Như Xuân... Một số trường có học sinh đạt giải vòng sơ khảo nhiều như: Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga (TP Thanh Hóa), Tiểu học Hà Bình (Hà Trung). Sự hưởng ứng tích cực này đã minh chứng cho thấy sách, văn hóa đọc luôn tồn tại, phát triển và sẽ được phát triển mạnh mẽ nếu biết cách khơi dậy đúng cách. Đồng thời khẳng định sách và văn hóa đọc có sức ảnh hưởng to lớn đến độc giả ở nhiều lứa tuổi.

Tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, các em học sinh được chia sẻ về một cuốn sách yêu thích hoặc một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức hoặc cuộc sống của bản thân; sáng tác một tác phẩm (câu chuyện hoặc một bài thơ) nhằm khích lệ mọi người đọc sách; viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc cuốn sách mà bản thân đã đọc... Theo đánh giá của Thư viện tỉnh - đơn vị tham mưu tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc và là nơi tập hợp những bài dự thi của các em, hầu hết bài thi đều thể hiện sự xuất sắc, ấn tượng trong ý tưởng, cách lựa chọn cuốn sách để chia sẻ, nội dung viết thể hiện sự sáng tạo của các em học sinh. Các em đã thể hiện niềm say mê thực thụ đối với sách, trải lòng mình trong từng trang viết và dành trọn tâm huyết của mình để thực hiện bài dự thi. Nhiều bài dự thi được trình bày công phu, đẹp mắt, với cách thể hiện chững chạc trong lối diễn đạt, sâu sắc trong suy nghĩ và sự hồn nhiên trong cảm nhận. Qua bài thi của các em những cuốn sách được thể hiện sinh động, nhiều cuốn sách hay có ý nghĩa sâu sắc được lan tỏa. Bên cạnh đó, những chia sẻ đầy xúc động, chân thành của các em trong các bài dự thi cho thấy rằng sách là người bạn đồng hành vô cùng thân thiết của các em trong suốt cuộc đời.

Thể hiện tình yêu sách của riêng mình, em Nguyễn Đặng Hà Linh, học sinh lớp 4A3, Trường Tiểu học Điện Biên 2 (TP Thanh Hóa) chia sẻ cảm nhận về một cuốn sách đã truyền cảm hứng cho em lối sống tích cực, có ý thức xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, có trách nhiệm với xã hội. Đó là cuốn sách “Chuyện kể về ước mơ và khát vọng”, do tác giả Quang Lân sưu tầm và tuyển chọn. Cuốn sách dày 199 trang với nhiều câu chuyện ý nghĩa. Em Hà Linh chia sẻ: Càng đọc em càng bị lôi cuốn bởi nội dung cuốn sách. Mở đầu cuốn sách là câu chuyện ước mơ bé bỏng, kể về một cô gái bị bại não luôn bị các bạn cười chê. Cô gái đã viết thư gửi ông già Noel với mong muốn được các bạn đồng cảm, yêu thương và bản thân mạnh mẽ vượt qua những đau đớn, khiếm khuyết do bệnh tật. Từ những câu chuyện ý nghĩa trong sách, giúp em thấu hiểu, đồng cảm hơn với những người bạn chẳng may bị khuyết tật và khâm phục các bạn vẫn luôn lạc quan, mạnh mẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, trở thành những công dân có ích trong xã hội.

Là một trong những thí sinh vinh dự được trao giải “Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu”, em Đỗ Vy Lam, học sinh Trường TH, THCS, THPT Đông Bắc Ga, đã để lại ấn tượng khi giới thiệu về cuốn sách em yêu thích: “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Cách giới thiệu cuốn sách bằng video dễ nhớ, dễ hiểu, đặc sắc cùng với những thông điệp em truyền tải thực sự là một sản phẩm lan tỏa văn hóa đọc bổ ích trong nhà trường và cộng đồng. Em Vy Lam chia sẻ: “Em rất thích đọc và ham đọc sách từ nhỏ. Bởi vậy em luôn được bố mẹ, thầy cô giáo khuyến khích và định hướng trong việc tìm những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi của mình. Sách giúp em khám phá chân trời tri thức rộng mở; qua từng trang sách khiến em càng thêm yêu quê hương, đất nước mình và mong muốn được giới thiệu quê hương đất nước của mình ra thế giới. Để tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, em đã dành thời gian để suy nghĩ, lựa chọn cuốn sách yêu thích và tìm cách thể hiện tốt nhất. Em rất xúc động khi bài dự thi bằng video của em được các thầy, cô giáo đánh giá cao và đạt giải “Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu””.

Qua cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc cho thấy thế hệ trẻ hiện nay vẫn đam mê đọc sách và không thờ ơ với văn hóa đọc. Hy vọng cuộc thi sẽ phát huy những hiệu quả ban đầu, trở thành một hoạt động thực sự ý nghĩa, thiết thực đối với các em học sinh; tìm kiếm những bạn trẻ có niềm đam mê với sách... Từ đó, chính các em sẽ trở thành người truyền cảm hứng đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Bài và ảnh: Thùy Linh


Bài và ảnh: Thùy Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]