(Baothanhhoa.vn) - Cụm di tích cách mạng Long Linh trước đây thuộc xã Long Linh, tổng Thử Cốc (Thiệu Hóa), nay thuộc xã Trường Xuân (Thọ Xuân). Được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh năm 1999, Cụm di tích cách mạng Long Linh cho chúng ta hình dung một cách tương đối hệ thống và đầy đủ về chặng đường đấu tranh những năm 1930-1945 ở một “trung tâm cách mạng” tiêu biểu của tỉnh.

Cụm di tích cách mạng Long Linh –“trung tâm cách mạng” tiêu biểu của tỉnh

Cụm di tích cách mạng Long Linh trước đây thuộc xã Long Linh, tổng Thử Cốc (Thiệu Hóa), nay thuộc xã Trường Xuân (Thọ Xuân). Được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh năm 1999, Cụm di tích cách mạng Long Linh cho chúng ta hình dung một cách tương đối hệ thống và đầy đủ về chặng đường đấu tranh những năm 1930-1945 ở một “trung tâm cách mạng” tiêu biểu của tỉnh.

Cụm di tích cách mạng Long Linh –“trung tâm cách mạng” tiêu biểu của tỉnhNhà ông Trịnh Khắc Sản trong Cụm di tích cách mạng Long Linh.

Những năm đầu thế kỷ XX, Cụm di tích cách mạng Long Linh được coi là địa chỉ gây dựng và phát triển phong trào cách mạng vùng tả của huyện Thọ Xuân. Từ những năm 1927-1928, chính nơi đây đã đánh dấu sự ra đời của tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng. Các đảng viên của Tân Việt đã tích cực hoạt động và tăng cường giác ngộ tinh thần yêu nước cho quần chúng Nhân dân. Đến những năm 1930-1931, Long Linh trở thành một trong số những địa phương đầu tiên trong tỉnh nhanh chóng chuyển sang hoạt động cộng sản. Trong những năm tháng cách mạng sục sôi ấy, vùng đất này đã vinh dự được đón nhiều đồng chí cán bộ của Xứ ủy Bắc kỳ, Trung kỳ về hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng. Long Linh trở thành nơi đứng chân quan trọng của Đảng bộ tỉnh trong suốt thời kỳ hoạt động bí mật từ những năm 1930-1945. Chính vì vậy mà kẻ thù đã gọi nơi này là “sào huyệt cộng sản” và đàn áp, khủng bố rất ác liệt.

Cụm di tích cách mạng Long Linh với 3 địa điểm: Nhà ông Trịnh Khắc Sản, đình làng Long Linh Ngoại và bãi vải Long Linh.

Nhà ông Trịnh Khắc Sản được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XX, theo kiểu kiến trúc truyền thống của những ngôi nhà ở vùng nông thôn Thanh Hóa. Ngôi nhà gồm có 5 gian, quy mô vừa phải, trông khang trang, chắc chắn. Năm 2001, ngôi nhà bị cháy tan hoang. Năm 2017, nhà được tôn tạo lại nguyên bản trên nền kiến trúc cũ. Trải qua thời gian năm tháng, đến nay di tích vẫn giữ được nguyên trạng và luôn được gia đình ông Trịnh Khắc Sản trông coi, gìn giữ cẩn thận.

Nhà ông Trịnh Khắc Sản là chứng tích lịch sử cách mạng, bởi nơi đây từng là địa điểm liên lạc bắt nối của các chiến sĩ cộng sản. Đặc biệt, tại đây đã diễn ra sự kiện quan trọng thành lập tổ chức Tân Việt (1927-1928) và là nơi tụ họp của các cán bộ chủ chốt đảng Tân Việt ở Thanh Hóa, của Xứ ủy và Tỉnh ủy trong quá trình củng cố và khôi phục Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1932-1936. Đây cũng chính là trụ sở in báo “Hồn Lao động” của Tỉnh ủy lâm thời năm 1934. Nhiều tài liệu bí mật của Đảng đã được in ấn tại đây để cấp phát cho các cơ sở cách mạng trong tỉnh. Trong những năm 1930–1945, nhà ông Trịnh Khắc Sản là địa chỉ tin cậy mà nhiều đồng chí hoạt động cách mạng của Xứ ủy và Tỉnh ủy đã đến hoạt động và chỉ đạo phong trào, như các đồng chí: Nguyễn Tạo, Lê Chủ, Bùi Đạt, Lê Tất Đắc, Trịnh Ngọc Điệt, Tố Hữu, Hoàng Xung Phong... Bên cạnh đó, nhà ông Trịnh Khắc Sản còn là địa điểm thành lập “Hội Phụ nữ Giải phóng” tỉnh Thanh Hóa (tháng 2-1935) - tiền thân của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa. Bản thân ông Trịnh Khắc Sản là một chiến sĩ hoạt động cách mạng tích cực, là hội viên của đảng Tân Việt, đồng thời là Tỉnh ủy viên có nhiều đóng góp trong quá trình khôi phục Đảng bộ tỉnh những năm 1932–1936.

Cũng giống như nhà ông Trịnh Khắc Sản, đình làng Long Linh Ngoại mang dấu ấn của một địa điểm đã từng gắn bó với cả quá trình đấu tranh cách mạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng. Đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động cách mạng hết sức sôi động, đấu tranh đòi bãi bỏ các hủ tục và đóng góp nặng nề của bộ máy chính quyền tay sai. Là nơi tổ chức các cuộc hội họp, mít tinh... nhằm hạ uy thế bọn cường hào, đứng lên giành chính quyền. Đây cũng là nơi diễn ra các dịp tế lễ, hội hè, họp làng, xử kiện... để cán bộ cách mạng lợi dụng bắt nối liên lạc với phong trào. Đặc biệt, đình làng Long Linh Ngoại là nơi tập hợp lực lượng tự vệ cách mạng để tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, các phong trào sinh hoạt và đóng góp cho kháng chiến đều diễn ra ở đình làng này. Trong cải cách ruộng đất cũng vậy, đình là nơi đấu tố địa chủ và phát thẻ ruộng đất cho nông dân.

Đình làng Long Linh Ngoại được xây dựng vào thời Nguyễn (triều vua Minh Mạng), với 5 gian, mái lợp ngói mũi, bờ nóc trang trí lưỡng long chầu nhật, sân đình lát gạch bát... Năm 1975, xã đã cải tạo ngôi đình này thành nhà truyền thống nên diện mạo kiến trúc của ngôi đình đã dần bị biến dạng. Song, các vì kèo và cột trong đình, sân đình và ao đình thì vẫn còn nguyên vẹn.

Ngoài nhà ông Trịnh Khắc Sản và đình làng Long Linh Ngoại thì trong Cụm di tích cách mạng Long Linh còn có bãi vải Long Linh. Nơi đây nằm ven bờ sông Chu, đất đai màu mỡ, tốt tươi nên từ lâu đã có hàng nghìn gốc vải được trồng lên. Đặc biệt hơn, bãi vải này vừa có địa thế thuận lợi là nơi che chở cán bộ cách mạng hoạt động, vừa tạo cảnh quan thiên nhiên xanh mát trù phú cho cả làng Long Linh Ngoại.

Trong những năm 1930-1945, bãi vải Long Linh là nơi liên lạc, hội họp của cán bộ cách mạng và là nơi luyện tập của đội tự vệ Long Linh. Cán bộ các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa đã vượt sông Chu, qua bãi vải Long Linh hội quân lên điểm tập kết Chiến khu du kích Ngọc Trạo. Khi bị địch khủng bố, đàn áp, nhiều vũ khí, tài liệu cách mạng đã được cất giấu tại bãi vải này. Tại đây cũng đã chứng kiến nhiều cuộc đánh tháo cho cán bộ cách mạng khi bị địch truy đuổi, vây bắt. Cùng với sự tàn phá của chiến tranh và yếu tố thiên nhiên tác động, bãi vải Long Linh chỉ còn dấu tích một số gốc cây còn sót lại, hiện là nơi Nhân dân sản xuất nông nghiệp.

Có thể nói, Cụm di tích cách mạng Long Linh có một vai trò, vị trí và giá trị to lớn nhất định về mặt lịch sử. Là minh chứng cho quá trình hoạt động kiên trì và liên tục của Đảng bộ tỉnh trong suốt những năm tháng đấu tranh gian khổ, ác liệt, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử. Chính quyền và Nhân dân nơi đây luôn tự hào và ra sức bảo tồn, phát huy giá trị Cụm di tích cách mạng Long Linh - “trung tâm cách mạng” tiêu biểu của tỉnh những năm 1930-1945, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]