(Baothanhhoa.vn) - Con đường đê sông Lèn chạy qua các xã Hà Ngọc, Hà Sơn (Hà Trung) không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên lưu dấu nhiều nét mộc mạc, gần gũi mà nơi đây được ví như một dải di tích với sự nối tiếp nhau hiện diện của nhiều đền, chùa tiêu biểu, độc đáo như: đền thờ Lý Thái úy, chùa Linh Xứng, đền Chầu đệ tứ (đền Cây thị), đền Hàn Sơn, đền cô Bơ (Ba) Bông...

Con đường di tích

Con đường đê sông Lèn chạy qua các xã Hà Ngọc, Hà Sơn (Hà Trung) không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên lưu dấu nhiều nét mộc mạc, gần gũi mà nơi đây được ví như một dải di tích với sự nối tiếp nhau hiện diện của nhiều đền, chùa tiêu biểu, độc đáo như: đền thờ Lý Thái úy, chùa Linh Xứng, đền Chầu đệ tứ (đền Cây thị), đền Hàn Sơn, đền cô Bơ (Ba) Bông...

Con đường di tích

Đền thờ Lý Thái úy (xã Hà Ngọc) nhuốm màu rêu phong, cổ kính. Ảnh: Thảo Linh

Về với xã Hà Ngọc, du khách không khỏi ấn tượng bởi khung cảnh, nhịp sống vùng quê êm ả, thanh bình với những con người đôn hậu, thân tình, mến khách. Bức tranh khung cảnh làng quê bình dị ấy càng thêm giá trị khi có sự hiện diện của những đền thờ Lý Thái úy, chùa Linh Xứng gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Thái úy Lý Thường Kiệt – danh tướng lẫy lừng thời nhà Lý.

Theo các tài liệu cổ, chùa Linh Xứng là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất vào thời Lý trên đất Hà Trung. Diện mạo của một “vương xá lớn” chỉ còn lưu truyền trong dân gian, trong một số tư liệu cổ, đậm nét nhất là tấm văn bia ghi lại việc dựng chùa do Thông Thiền Hải Chiếu Đại sư Pháp Bảo soạn. Nội dung ghi lại trong tấm bia “Ngưỡng sơn Linh Xứng tự bi minh” đã miêu tả tỉ mỉ, chi tiết quá trình xây dựng và diện mạo chùa Linh Xứng xưa: Thế là phát cỏ rậm, bạt đá to, thầy bói nhằm phương, thợ hay dâng kiểu, quan thuộc góp tiền, sĩ dân đổ tới. Kém sức thì bào, thì gọt, sành nghề thì dựng, thì xây. Chùa Phật thênh thang ở giữa, phòng chay rộng rãi hai bên... Trang nghiêm chính giữa thì Ngũ trí Như Lai sắc vàng rực rỡ, ngồi trên tòa sen trồi lên mặt nước. Quanh tường thì thêu vẽ dung nghi đẹp đẽ của cực quả mười phương cùng với mọi hình tướng biến hóa, muôn hình vạn tượng, không thể kể xiết. Phía sau xây ngôi tháp báu gọi là tháp Chiêu Ân, chín tầng chót vót, giăng mắc rèm the, cửa mở bốn bên, bao quanh con tiện. Gió rung chuông bạc; hòa nhịp chim rừng. Tháp báu nắng soi; long lanh vàng diệp. Quanh thềm lan can; đầy sân hoa cỏ. Trước cửa chính, trong treo chuông vàng, một tiếng chày kinh, ngân vang khắp chốn.

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân, sau nhiều nỗ lực, cố gắng, đến nay, chùa Linh Xứng đã được trùng tu, tôn tạo, trở thành địa điểm tham quan, vãn cảnh, thực hành văn hóa – tín ngưỡng thu hút đông đảo du khách thập phương.

Cách chùa Linh Xứng không xa, nằm nép mình dưới chân núi Ngưỡng Sơn, đền thờ Lý Thái úy cổ kính, rêu phong như nét chạm khắc tỉ mỉ, tinh tế của thời gian, là niềm tự hào, biểu tượng cho nét đẹp lịch sử - văn hóa của đất và người nơi đây. Đền được xây dựng nhằm tỏ bày tình cảm yêu mến, ngưỡng vọng trước tài năng, công đức của Thái úy Lý Thường Kiệt. Cả hai di tích này cùng hướng mặt về phía sông Lèn, nằm gọn trong phức hợp không gian hội sơn tụ thủy, đền – chùa nối tiếp, san sát xóm làng, đồng ruộng mênh mông ít nơi nào có được.

Kiến trúc của đền nhìn chung vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn với nhiều hạng mục như: nghinh môn, tiền đường, hậu cung, sân đền. Dù đã trải qua những lần trùng tu, tôn tạo nhưng không gian thờ tự vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ. Ngoài tấm bia do Nhữ Bá Sỹ - học giả danh tiếng thời Nguyễn soạn vào năm Tự Đức thập tam niên (1860) thì vẫn còn 3 tấm bia đá khác ghi chép về việc công đức trùng tu đền.

Con đường di tích

Đền Chầu Đệ tứ.

Nhà tiền đường gồm 5 gian 2 chái với 12 cột lớn và 12 cột quân bằng gỗ lim. Kết cấu vì kèo của nhà tiền đường theo kiểu giá chiêng, chồng rường, kẻ bẩy. Thượng lương ghi: “Hoàng triều Gia Long thập tam niên tuế thứ Giáp Tuất tam nguyệt nhị thập nhị nguyệt thôi trụ thượng lương”. Những nét điêu khắc, chạm trổ công phu, khéo léo trên gỗ cho thấy sự tài hoa và lòng thành kính của các nghệ nhân xưa với người được thờ tự trong đền. Nét độc đáo, thu hút nhất của đền Lý Thái úy chính là nghinh môn. Không tô vẽ cầu kỳ, nghinh môn được thiết kế hai tầng tám mái theo kiến trúc triều Nguyễn vừa tạo được sự bề thế, uy nghi mà vẫn thanh thoát, mềm mại. Ngay ở vị trí trung tâm nghinh môn là 3 chữ “Lý Đại vương”. Cảnh quan phía trong và ngoài ngôi đền xanh mát. Những cây đại, cây bàng cổ thụ, rêu phủ trên thân cây bạc màu năm tháng như càng điểm xuyết thêm nét thâm trầm, gợi chút gì cô tịch, huyền bí chốn đền thiêng. Hằng năm, tại đền thờ Lý Thái úy thường diễn ra hai lễ hội lớn là: Ngày giỗ của Thái úy (21-6 âm lịch) và ngày lễ khai ấn (25 tháng Giêng âm lịch).

Xuôi về khu vực ngã ba Bông, nằm ở gần khu vực giáp ranh giữa xã Hà Ngọc và Hà Sơn, đền Chầu Đệ tứ (hay còn gọi là đền Cây thị) soi bóng bên dòng sông Lèn. Theo một số tài liệu viết về đạo mẫu cho biết: Chầu Đệ tứ là một vị thánh trong đạo mẫu tứ phủ Việt Nam. Chầu Đệ tứ thuộc địa phủ, người đứng thứ tư trong hàng tứ phủ Chầu Bà, danh hiệu là Chiêu Dung công chúa. Chầu Đệ tứ được coi là người hầu cận bên thánh Mẫu. Tương truyền, Chầu Bà vốn là Bồng Lai Tiên Nữ, cũng có tài liệu ghi rằng bà là Mai Hoa Công Chúa trên thiên Cung, giáng sinh vào nhà họ Lý, với tên là Lý Thị Ngọc Ba. Quê hương của bà ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Với tính cách công minh, chính trực, Chầu Đệ tứ lập nhiều công trạng phò vua, giúp nước và được giao trấn giữ vùng sông nước Hà Trung.

Để tưởng nhớ công đức ấy, đền Chầu Đệ tứ được xây dựng trên mảnh đất Hà Ngọc, tương truyền từng là nơi bà đã anh dũng dẹp giặc năm xưa. Không quy mô, bề thế nhưng ngôi đền nằm ở vị trí đắc địa, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra sông Lèn. Khu đền thờ chính gồm: cung đệ nhất thờ tam tòa thánh Mẫu, cung đệ nhị thờ Chầu Đệ tứ và hội đồng thánh Chầu, cung đệ tam thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế và hội đồng quan lớn. Ngoài ra, hai lầu của đền thờ hội đồng thánh cô và thánh cậu. Tháp bút uy nghi là điểm nhấn đắt giá. Tiếng hát văn khi thì khoan thai, dìu dặt, khi thì lảnh lót ngân vang như mời gọi bước chân du khách về với một miền văn hóa – tâm linh.

Con đường di tích vẫn tiếp tục được nối dài với những cái tên quen thuộc như: đền Hàn Sơn, đền cô Bơ (xã Hà Sơn), bến đò cô Tám... Những di tích ấy là nơi lưu giữ, trao truyền, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa làng xã cũng chính là tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch tâm linh, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài và ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]