(Baothanhhoa.vn) - Từ lâu, người dân xã Quảng Thạch (Quảng Xương) luôn tự hào vì có một công trình tín ngưỡng tâm linh tiêu biểu để gửi gắm niềm tin, ước vọng, tìm bình an trong cuộc sống, cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với họ. Đó là chùa Đồng - ngôi cổ tự linh thiêng đã có niên đại cả nghìn năm lịch sử còn lưu truyền đến ngày nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chùa Đồng - khai quang từ phế tích

Từ lâu, người dân xã Quảng Thạch (Quảng Xương) luôn tự hào vì có một công trình tín ngưỡng tâm linh tiêu biểu để gửi gắm niềm tin, ước vọng, tìm bình an trong cuộc sống, cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với họ. Đó là chùa Đồng - ngôi cổ tự linh thiêng đã có niên đại cả nghìn năm lịch sử còn lưu truyền đến ngày nay.

Chùa Đồng - khai quang từ phế tích

Chùa Thượng nằm trong quần thể chùa Đồng (xã Quảng Thạch, Quảng Xương) đã hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân và du khách thập phương.

Chùa Đồng có tên chữ Hán là Linh Ứng tự, tọa lạc ở làng Tú Lâm, nay là làng Ngọc Lâm, xã Quảng Thạch. Về lịch sử hình thành và phát triển của ngôi chùa này, theo các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa - xã hội đều cho rằng chùa có từ thời Lý. Trong cuốn Di tích và danh thắng huyện Quảng Xương, đã ghi rõ: Chùa Đồng được xây dựng to lớn bên cửa biển, hàng năm các đời vua Lý đều xa giá về chùa Đồng nghỉ mát và tụng kinh niệm Phật. Trong chùa có Tam bảo Phật và các vị La Hán là 36 pho tượng được đúc toàn bằng đồng nên gọi là chùa Đồng.

Trong cuốn Địa chí huyện Quảng Xương cũng ghi: Thời Lý lấy đạo Phật làm quốc đạo, nên huyện Quảng Xương được dựng chùa An Đông (Yên Đông), chùa Khải Minh, chùa Đồng (Cự Nham). Riêng chùa Đồng được xây dựng lớn hơn cả, vì bên cửa biển nên hàng năm các vua Lý và các đời vua sau đều về chùa Đồng nghỉ mát và tụng kinh niệm Phật, chùa được Nhà nước bổ nhiệm sư sãi và chu cấp hàng năm.

Cũng có ý kiến cho rằng, trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, Thanh Hóa mà đặc biệt là vùng đất ven biển Quảng Xương là phòng tuyến quan trọng. Để chuẩn bị đối phó với quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai, triều đình nhà Trần đã cho quân về các vùng biên ải, cửa biển xung yếu, với sách lược “Tĩnh vi dân - động vi binh”, vừa khai hoang lập ấp để sản xuất vừa rèn luyện võ nghệ để sẵn sàng chiến đấu. Do ở vào vị trí chiến lược, lại cần có một hệ tư tưởng chính thống thể làm phương tiện đoàn kết tinh thần Nhân dân trong lao động và chống giặc ngoại xâm, cũng như nhu cầu cần có nơi để thực hiện các nghi thức tôn giáo, gửi gắm những mong ước của mình, nên các tướng lĩnh đồn trú và Nhân dân cùng nhau dựng chùa thờ Phật là điều rất có thể xảy ra. Rất nhiều ngôi chùa quanh vùng đã được xây dựng trong giai đoạn này, tiêu biểu như: Chùa Kênh (Hưng Phúc) xây năm Giáp Tý vào đời vua Trần Minh tông (1314-1329); chùa Bồng Hinh xây dựng vào đời vua Trần Anh tông (1293-1313)... Vì vậy, không loại trừ khả năng chùa Đồng cũng được xây vào thời gian này.

Theo các cụ cao niên cũng như tâm thức của người dân trong làng, vào những năm đầu của thế kỷ XX, chùa Đồng là ngôi chùa có quy mô và không gian kiến trúc thuộc vào loại lớn trong tỉnh. Một ngôi cổ tự nức tiếng linh thiêng được đông đảo tín đồ Phật tử gần xa thăm viếng, chiêm bái. Chùa Đồng được xây dựng theo lối chữ Công, mặt ngoảnh hướng Nam. Tiền đường 5 gian, Hậu cung 3 gian được nối với nhau bởi nhà cầu dài khoảng 20m. Ngoài ra còn có những công trình kiến trúc quy mô khác như: Nhà bia, lầu chuông, phủ Mẫu, nhà Giải vũ... Tiền đường của chùa rộng 5 gian, 8 mái lợp bằng ngói mũi được kiến trúc theo lối chồng rường kẻ bẩy, được chạm trổ hoa văn rồng mây, tứ quý hết sức tinh xảo và đẹp mắt.

Về bài trí thờ, chính giữa Tiền đường đặt ban thờ vua nhà Lý và các quan. Gian bên hữu thờ thần Hộ pháp (ông Thiện) và đức Thánh Hiền, Ngũ điện Diêm Vương. Thần Hộ pháp tay trái cầm ngọc minh châu, tay phải chống nạnh. Tượng đức Thánh Hiền ngồi theo thế song thất, đầu đội mũ cánh hoa sen. Gian bên tả thờ thần Hộ pháp (ông Võ) và đức Chúa Ông cùng với Ngũ điện Diêm Vương. Thần Hộ pháp tay phải cầm núi Tu Di, tay trái chống nạnh. Trên bức bàn của 3 cửa ra vào chính bài trí tượng La Hán bằng đồng, mỗi tượng cao chừng khoảng 50cm.

Về quy mô đồ sộ của Tiền đường, 3 hàng cột trụ chính vòng tay người lớn ôm không hết, người nằm nấp trên xà ngang xà dọc, người đứng dưới không nhìn thấy. Hậu cung chùa rộng 3 gian, 4 mái lợp bằng ngói mũi hài cũng được kiến trúc theo lối chồng rường kẻ bẩy, được chạm trổ hoa văn rồng mây, tứ quý. Lầu chuông được dựng bằng gỗ, dựng phía trái gần cổng ra vào, gồm 2 tầng lầu, 4 mái. Tầng dưới để thoáng, có cầu thang gỗ để đi lên lầu trên. Trên lầu treo một quả chuông lớn, thân chuông này được chia làm 4 phần, mỗi phần được chạm khắc các hình tượng tượng trưng cho một mùa. Quai chuông đúc 4 con rồng. Đến mùa nào thì chỉ gióng chuông ở phần thân chuông tượng trưng cho mùa đó. Mỗi khi tiếng chuông vang lên thì các xã lân cận đều nghe rõ. Nhà bia là nơi lưu giữ gần chục tấm bia to nhỏ khác nhau, trong đó có những tấm bia lớn được chạm khắc hoa văn cầu kỳ. Nhà Giải vũ nối từ cổng đi vào chùa chính. Mỗi bên 5 gian thông nhau, phía trước không để cửa, phía sau xây tường, là nơi để tín đồ Phật tử nghỉ ngơi, sắp lễ trước khi vào lễ Phật cũng như khi mưa gió Phật tử có thể đi dưới mái của 2 nhà này để vào chùa chính mà không sợ bị ướt. Nhà Mẫu là công trình kiến trúc độc lập được xây dựng theo kiểu chữ Nhất, tọa lạc phía sau tòa Hậu cung. Ngoài ra, chùa Đồng còn có ao cá, giếng nước và rất nhiều cây cổ thụ lớn.

Đến cuối năm 1959, phủ Mẫu và Hậu cung của chùa được tháo dỡ để xây dựng trường học, các hiện vật đều bị thất lạc. Trong những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc (1964-1966), Tiền đường là công trình cuối cùng của chùa bị bom Mỹ phá hủy hoàn toàn. Đến năm 1967, khuôn viên chính của chùa cũng được sử dụng để xây trường học.

Quá trình hình thành và xây dựng, chùa Đồng có thể được xây dựng vào thời Lý hoặc liên quan mật thiết đến triều đại nhà Lý, chứng tích thể hiện ở việc thờ vua và các quan nhà Lý ở trung tâm Tiền đường. Trong giai đoạn này hoặc có thể sang đời Trần xây thêm Hậu cung và các công trình khác. Đến những năm đầu thế kỷ XX xây thêm phủ Mẫu và trùng tu lại chùa.

Về tên gọi chùa Đồng, hiện nay chưa thể giải thích rõ được. Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều cụ cao niên trong xã, gọi tên là chùa Đồng vì chùa có pho tượng Phật Bà rất lớn làm bằng đồng đen. Đến nay, trải qua nhiều biến cố lịch sử, tiếc rằng chùa đã không còn, các công trình kiến trúc, nền móng cũ ẩn sâu dưới lòng đất, các hiện vật đã lưu lạc phương nào. Hình ảnh ngôi chùa chỉ còn lưu lại trong trí nhớ và hoài niệm của các cụ cao niên trong làng. Chỉ còn những câu chuyện, những truyền thuyết về sự linh nghiệm và hiển ứng làm minh chứng cho sự tồn tại của ngôi cổ tự này.

Chùa Đồng linh thiêng vốn có từ thời Lý là vậy, nhưng trải qua thăng trầm lịch sử đã trở thành phế tích. Năm 2013, được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, đặc biệt là sự toàn tâm của Đại đức Thích Nguyên Hồi và tấm lòng ngưỡng Phật của Nhân dân, chùa Đồng đã được tiến hành phục dựng lại và được mở rộng thêm. Quần thể chùa Đồng hiện có tổng diện tích 5 ha, gồm chùa Thượng, chùa Trung và chùa Hạ. Chùa Thượng nằm trên đỉnh núi Bồ đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của Phật tử, du khách và Nhân dân trong vùng đến chiêm bái. Đặc biệt, vị trí tọa lạc của chùa Thượng lúc khởi sự đặt trên đỉnh núi rậm rạp, nhưng khi khai quang ngôi chùa như cưỡi trên lưng một con rùa khổng lồ, tựa lưng vào núi Chẹt, mặt hướng ra một vùng sông nước biển trời mênh mông “sơn thủy hữu tình”. Chùa Hạ có lốt gỗ mấy trăm khối và phần nền móng đã hoàn thành, đang chờ dựng. Còn chùa Trung hiện chưa có kinh phí xây dựng.

Đại đức Thích Nguyên Hồi, Trụ trì chùa Đồng cho biết: Mặc dù toàn bộ quần thể ngôi chùa còn chưa được phục dựng xong, nhưng nơi đây luôn an vui, ấm áp bởi sự quy tụ của Phật tử và khách thập phương trong tiếng mõ, tiếng kinh cầu nguyện và tiếng chuông ngân mỗi ngày. Chùa Đồng lại rất gần với Khu Du lịch biển Tiên Trang, nên trong tương lai gần nơi đây sẽ thành khu du lịch tâm linh hấp dẫn. Dẫu vậy, để phục dựng được ngôi chùa theo tâm nguyện vẫn rất cần sự chung sức và tấm lòng ngưỡng Phật của mọi người. Để từ đây, chùa Đồng linh thiêng sẽ là nơi bà con Phật tử gần xa dâng hương thờ phụng, gửi gắm những mong ước, nguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người người yên vui, đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc


Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]