Tương lai cuộc xung đột Nga - Ukraine dưới thời Tổng thống Donald Trump?
Bất chấp những tuyên bố giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24h trong chiến dịch tranh cử, song giới phân tích chính trị cho rằng, việc Donald Trump giành chiến thắng và lên nắm quyền ở Mỹ không bảo đảm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Nối lại đàm phán Mỹ - Nga: Yếu tố cốt lõi
Sự tương tác giữa Nga và Mỹ hiện chỉ giới hạn ở các kết nối giữa các cơ quan ngoại giao, quốc phòng. Lần cuối cùng lãnh đạo hai nước có cuộc hội đàm là vào tháng 6/2021 ở Geneva. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, bất đồng quan điểm giữa hai cường quốc không ngừng leo thang. Trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra những đề xuất liên quan đến bảo đảm an ninh bình đẳng và không thể chia cắt của Nga, nhưng thực thế đã bị phương Tây phớt lờ. Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ và phương Tây không trực tiếp tham chiến nhưng tăng cường trợ giúp Ukraine các trang thiết bị vũ khí hiện đại, áp đặt nhiều biện pháp cấm vận kinh tế ngặt nghèo đối với Nga... Trong tính toán của Mỹ và phương Tây, căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang giúp Mỹ và phương Tây có thể đạt được nhiều mục tiêu chiến lược. Việc Nga tiếp tục “sa lầy” vào cuộc chiến sẽ là cơ hội để Mỹ và phương Tây tranh thủ tái thiết cục diện an ninh châu Âu và tạo dựng các cơ chế kinh tế không có sự tham gia của Nga theo hướng có lợi cho Mỹ và phương Tây; đồng thời, làm suy giảm sức mạng tổng hợp quốc gia của Nga trên trường quốc tế. Có thể nói, kể từ khi Chiến tranh Lạnh, không có một quốc gia nào nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ về trang bị vũ khí hiện đại như Ukraine, và cũng không có một quốc gia nào hứng chịu nhiều biện pháp cấm vận, trừng phạt khắc nghiệt như Nga phải đối mặt.
Giới phân tích cho rằng, chiến thắng vang dội của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump mở ra cánh cửa đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ - Nga. Bản thân hai nhà lãnh đạo cũng đã có những phát biểu “để ngỏ” khả năng này. Ngày 7/11, tại hội nghị thường niên Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai lần thứ 21, Tổng thống Vladimir Putin đã chúc mừng chiến thắng của ông Trump và tuyên bố sẵn sàng tiếp xúc với nhà lãnh đạo mới của Mỹ. Về phần mình, ông Trump cũng thường xuyên thừa nhận về khả năng đối thoại với nhà lãnh đạo Nga. Trên thực tế, ngày 10/11, truyền thông phương Tây đưa tin, ông Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc điện đàm diễn ra vào ngày 7/11, tức chỉ 2 ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump thắng cử.
Theo Nhà sử học người Mỹ và Giáo sư của Đại học Harvard Vladimir Brovkin nhận định, mối quan tâm chính của ông Trump sẽ là những vấn đề chính trị trong nước, nhưng sự trở lại của ông, bằng cách này hay cách khác, sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn để giải quyết xung đột Ukraine. Donald Trump luôn tự nhận mình là một nhà đàm phán và ưa thích thực hiện các thỏa thuận. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin được đánh giá là một nhà kỹ trị với kỹ năng ngoại giao xuất sắc. Những kinh nghiệm làm việc với Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu của ông (2017 - 2020) sẽ giúp ông Putin biết tìm ra cách tiếp cận phù hợp để đạt được một số thỏa hiệp.
Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev cho rằng, mặc dù lãnh đạo hai nước đã “hé mở” về cánh cửa đàm phán, song không có gì bảo đảm quan hệ Mỹ - Nga sẽ nhanh chóng hạ nhiệt sau khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1 năm sau, đặc biệt là những quyết định chính sách của ông Trump sẽ bị tác động phần nào bởi quyền lực ở Quốc hội và điều này cũng đã xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Có một thực tế là, mặc dù có những khác biệt căn bản về nhiều vấn đề chính sự của nước Mỹ, song đảng Cộng hòa và Dân chủ có sự đồng thuận, nhất trí cao trong cách tiếp cận với Nga. Do đặc điểm của hệ thống chính trị Mỹ và vai trò của lưỡng viện Quốc hội, triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa hai cường quốc, theo ông Konstantin Kosachev, là khá thấp và mơ hồ.
Triển vọng giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine
Truyền thông nhắc nhiều đến chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 gắn với triển vọng giải quyết xung đột Ukraine. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ứng viên đảng Cộng hòa đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ việc nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột và dừng các gói viện trợ cho các hoạt động quân sự của Ukraine. Chính ông Trump đã gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “là kẻ lừa đảo vĩ đại nhất” khi nhận hàng trăm tỷ USD viện trợ từ Mỹ.
Tháng 9/2024, nhiều nguồn tin tiết lộ về kế hoạch của đảng Cộng hòa nhằm giải quyết xung đột có thể bao gồm việc thành lập một khu phi quân sự và việc Kiev từ bỏ tham vọng trở thành thành viên của NATO. Theo nguồn tin giấu tên của The Wall Street Journal, ê-kíp của Donald Trump đã chuẩn bị kế hoạch đóng băng xung đột dọc đường liên lạc và việc Ukraine không gia nhập liên minh quân sự NATO trong ít nhất 20 năm. Bản thân ông Trump cũng đã nhiều lần chỉ trích Chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden vì đã để cuộc xung đột leo thang đến mức độ như hiện nay.
Moscow thể hiện sự không hài lòng với các kịch bản đóng băng xung đột theo ê-kíp của ông Trump đề xuất; bởi lẽ, theo quan điểm của Nga, điều này được xem là “đòn nghi binh” nhằm giúp Kiev tái vũ trang và tình trạng thù địch sẽ tiếp tục diễn ra. Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai ngày 7/11, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, Nga và Ukraine cần hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển vì tầm nhìn lịch sử lâu dài, chứ không phải là một thỏa thuận đình chiến ngắn hạn mà xung đột có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Ở góc độ của Nga, nếu không có sự trung lập của Ukraine thì khó có thể đi đến giải pháp bình thường hóa quan hệ giữa Moscow và Kiev. Chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ sự sẵn sàng đàm phán hòa bình, nhưng chỉ trên cơ sở thỏa thuận đạt được ở Istanbul vào năm 2022 và có tính đến cục diện thực chiến hiện nay. Vào tháng 6 năm nay, Tổng thống Nga Putin đã nêu ra các điều kiện của Nga để khởi động tiến trình hòa bình với Ukraine. Các điều kiện cốt lõi cho cuộc xung đột Nga-Ukraine là việc quân đội Ukraine rút quân khỏi các khu vực Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng (LPR), Zaporozhye và Kherson. Ngoài ra, một số điều kiện khác trong đề xuất hòa bình của ông Putin như: (1) Tình trạng trung lập, không liên kết và không có lực lượng hạt nhân trên lãnh thổ Ukraine; (2) Phi quân sự hóa, phi quốc tế hóa Ukraine; (3) Ấn định quy chế cho các vùng Crimea, Sevastopol, DPR, LPR, Kherson và Zaporozhye là các vùng của Nga trong các điều ước quốc tế; (4) Dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga.
Rõ ràng, vẫn còn có những khác biệt cơ bản trong quan điểm của Nga và ê-kíp của ông Trump trong giải quyết vấn đề Ukraine. Theo chuyên gia Mikhail Mironyuk, Trường Kinh tế cao cấp Moscow nhận định, sự trở lại của Donald Trump không đồng nghĩa với việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, thậm chí còn có thể khiến tình hình thêm phức tạp hơn. Những gì đã diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên cho thấy sự khó đoán định trong hoạch định đường lối của Tổng thống Donald Trump; do đó, tình hình có thể diễn ra theo một khuôn khổ nguy hiểm hơn theo kiểu tối hậu thư, không chỉ đối với Chính quyền Kiev, mà còn đối với Nga.
Chuyên gia Mikhail Mironyuk cho rằng, đối với Mỹ, vấn đề Ukraine vẫn là một “con bài chiến lược” mà cả Donald Trump hay bất kỳ ai khác đều không thể bỏ qua. Kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, NATO luôn xem Nga là mối đe dọa an ninh số 1; còn Mỹ coi Nga và Trung Quốc là những “đối thủ cạnh tranh chiến lược” hàng đầu. Mỹ và phương Tây luôn muốn dập tắt những hy vọng của Nga trong việc phục hồi vị thế cường quốc toàn cầu của Liên Xô như trước đây thông qua quá trình “Đông tiến” của NATO. Với chủ trương thực dụng và vốn là một nhà lãnh đạo thích thỏa hiệp, nhiều khả năng Chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp tới sẽ tiếp tục sử dụng vấn đề Ukraine như một “con bài” chiến lược nhằm thỏa hiệp với Nga bằng những điều kiện có lợi cho mình.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:07:00
Nga thay đổi học thuyết hạt nhân: Đòn “nắn gân” có sức nặng
-
2024-11-21 09:14:00
COP29: Các quốc gia giàu có cam kết không xây mới nhà máy điện than
-
2024-11-11 20:00:00
Liệu bộ trưởng quốc phòng mới có cứu được Israel?
Trump đã trở lại, và lần này thì khác
Cuộc chiến giữa Israel và Hamas sẽ ra sao khi Donald Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ?
Doanh nghiệp châu Á trăn trở trước ngưỡng cửa nhiệm kỳ mới của ông Donald Trump
Liệu Trump có thể chấm dứt xung đột ở Ukraine “trong 24 giờ” không?
Ukraine buộc phải đối mặt với thực tế tàn khốc sau chiến thắng của Trump
Cử tri Mỹ chấp nhận rủi ro?
Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump mang đến những thay đổi gì cho nước Mỹ?
Chính phủ Đức đối mặt với nguy cơ tổ chức bầu cử sớm
Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024: Cuộc chiến kim tiền