(Baothanhhoa.vn) - Năm 967, Đinh Tiên Hoàng dẹp yên 12 sứ quân, xưng đế, đóng đô ở Hoa Lư. Ông lập 5 hoàng hậu, trong đó có bà Dương thị Ngọc(1), con gái Dương Tam Kha, cháu gái Dương Đình Nghệ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tỉnh lỵ Thanh Hóa

Bài 2: Trấn Sở Dương Xá

Bài 2: Trấn Sở Dương Xá

(Minh họa)

Năm 967, Đinh Tiên Hoàng dẹp yên 12 sứ quân, xưng đế, đóng đô ở Hoa Lư. Ông lập 5 hoàng hậu, trong đó có bà Dương thị Ngọc(1), con gái Dương Tam Kha, cháu gái Dương Đình Nghệ.

Lập những 5 hoàng hậu là chuyện từ xưa chưa từng thấy. Đây là sách lược chính trị liên kết các phe phái bỏ hận thù, đoàn kết với họ Đinh cùng xây nền độc lập Nhà nước Đại Cồ Việt. Sách lược này còn được thực hiện ở đời Lê Đại Hành. Đến Lý Thái Tổ lập những 6 bà hoàng hậu và Dương hậu đẻ ra Vệ vương Đinh Toàn được tôn sùng nhất vì chuyện dám ủng hộ việc truyền ngôi vua cho Phó vương nhiếp chính Lê Hoàn.

Dương Xá là miền đất họ Dương làm chủ lâu đời, nơi phát tích của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, chỗ Ngô Vương Quyền gây dựng cơ nghiệp, lấy bà Dương Thị Nga sinh ra những tên tuổi chọc trời khuấy nước: Ngô Xương Ngập, Xương Xí, Xương Văn... cùng họ ngoại với Dương Tam Kha cậu ruột, một thời nối ngôi Dương Đình Nghệ... Đinh Tiên Hoàng đã lấy Dương hậu tất phải lấy Dương Xá làm trụ sở Ái Châu để giữ yên miền đất Hoan Ái xung yếu, suốt 1.000 năm qua loạn lạc, quân đô hộ phương Bắc chưa bao giờ được ăn ngon ở yên. Dương Xá liền đất với Doanh Khánh cũng dễ mở mang xây dựng thành trì, dinh thự, núi cao, sông rộng là chỗ đứng chân của triều đình để đối phó với quân giặc thường chiếm cứ miền thượng du Ái Châu, Hoan Châu nổi loạn cướp bóc, chém giết nhân dân. Tiếp theo đời Đinh, các đời Lê, Lý, Trần, Hậu Lê... trị sở Ái Châu, Thanh Hóa đều đặt ở Dương Xá. Riêng đời Lý, những năm Lý Thường Kiệt phụ trách Thanh Hóa, trị sở Thanh Hóa di dời xuống Duy Tinh (huyện Hậu Lộc) sau đó lại trở về Dương Xá.

Đời Trần quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai (1285-1286), theo kế hoạch của Trần Hưng Đạo, hương binh vùng ven sông Mã tổ chức phục binh đón đánh quân Toa Đô phải rút chạy về Hà Trung, Hoằng Hóa. Hiện còn đền thờ kỷ niệm Trần Hưng Đạo ở Chí Cẩn, xã Thiệu Hưng, huyện Thiệu Hóa.

Đất Dương Xá từ đời Hùng Vương (sáu bảy, trăm năm tr.c.ng) đã có một làng Chạ Cổ cư trú khá đông đúc. Năm 1960 khảo cổ học phát hiện một di chỉ trên cánh đồng bên đường trước làng Dương Xá, có tầng văn hóa vừa rộng, vừa sâu, bề mặt khoảng 50.000m2. Trong phạm vi khu di tích đã khai quật 10.800m2, nổi bật lên 38 bộ xương người còn khá tốt so với những bộ xương người tìm thấy ở những di chỉ khác. Những bộ xương người ở Dương Xá được chôn kèm theo nhiều di vật, loại hình phong phú như vũ khí bằng đồng, kiếm sắt, gương đồng, ấm đồng, tiền đồng; đồ đá mài: Hoa tai, vòng đeo tay, chuỗi hạt, đồ gốm... Dưới lớp sâu hơn là xương cốt tầng lớp lao động và nô lệ, vật tùy táng chôn kèm theo: Con dao đồng, búa đồng, lưỡi cày đồng, lưỡi liềm đồng... Có cả dấu vết sợi vải để lại nhiều trên đồ đồng, đồ gốm. Chăn nuôi gia súc, nghề thủ công dệt vải đã phát triển cùng với nghề trồng lúa nước.

Dương Xá cổ đầu công nguyên có khả năng nhân dân bị tàn sát vào thời khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khi tướng Mã Viện tiến quân vào Cửu Chân năm 43 SCN.

Nhưng “đất có lim, lim lại mọc”, Dương Xá cổ đại mất đi để đầu thai chuyển kiếp thành Dương Xá trung đại với sức sống mãnh liệt bội phần, tiêu biểu là các anh hùng dân tộc Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền đã lãnh đạo hàng ngàn tráng sĩ xứ Thanh tiến ra Bắc diệt quân xâm lược, làm chủ thành Đại La (Hà Nội) khôi phục nền độc lập dân tộc.

Người xưa quan sát Dương Xá dưới con mắt địa lý phong thủy xem núi Ngũ Hoa Phong như năm cánh hoa, mỗi cánh hoa là một tiên nga đang múa. Cụm núi này là “trấn sơn”. Một bài thơ cổ ca ngợi đất Dương Xá:

Núi Hoa Phong gió trong như quạt

Nước sông Lường bóng ngoạt như gương

Đất dinh cơ trông như dường

Khí thiêng đông đúc, trời Dương dịu dàng.

Giữ vị trí “Hộ Sơn” cho Dương Xá là núi Tiên Sơn, tên chính Hộ Sơn. Tĩnh vương Trịnh Sâm lên chơi thấy phong cảnh đẹp, có giếng Tiên với sự tích những nàng tiên trên trời thường xuống tắm nhưng đã lâu vắng bóng. Ông chúa hay thơ, đa tình, cảm hứng vịnh hai câu thơ:

Sơn thủy, yên hà trần mộng cảnh

Quỳnh cung tiên nữ tỏa tâm trường!

Dịch (H.T.P) Ráng mây, sông núi tuyệt trần

Tiên nga sao nỡ khóa xuân cửa lòng!

Phía trước Dương Xá. Một quả núi hình con voi (Tượng Sơn) làm “Tiền án”. Xa xa phía sau Dương Xá là núi Trịnh làm “Hậu chẩm”, người xưa đặt tên núi Kim Ngưu, tượng hình “Tê ngưu vọng nguyệt” nghĩa là tê giác ngắm trăng. Tại đây phát lộ một di chỉ núi mũi tên đồng, khiến người ta nghĩ đến kho tàng vũ khí tổ tiên xưa đúc ra phục vụ các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Trong sách Thanh Hóa kỷ thắng, Vương Duy Trinh cho rằng sơn long địa mạch Tiên Sơn quan hệ tới cả Bàn A – Bằng Trình. Đời Lê sơ, Vua Lê Thánh tông làm bài thơ nôm vịnh Ngã ba Giàng:

... Cá ăn mặt nước tan vầng thỏ

Triều rẽ đầu non lụt bóng giao (giao long)

Xảy thấy một nguồn trong thuở ấy

Dường như ngư phủ lạc nguồn đào.

Nhà sử học Phan Huy Chú viết trong Dư địa chí về núi Đại Khánh (núi Vồm): Thế núi “rất cao mà quanh co, uốn éo, thâm hiểm và rộng thoáng, trông xuống sông Lương ở liền chân núi. Một dải núi từ bên hữu chạy ra là núi Na Sơn, một dải núi từ huyện Thụy Nguyên (Thiệu Hóa) chạy xuống là núi Thái Bình. Sông Mã chảy đến đó hợp lại với sông Lương (hay sông Lường tức sông Chu). Hai sông chầu phía trước, hai núi ôm lại, cảnh rất thoáng rộng”. Vua Lê Hiến tông (con Thánh tông) năm 1501 nhân đi Lam Kinh, dừng thuyền bến Cự Khánh lên chơi đề thơ có những câu rất hay. Núi Bằng Trình gần Bàn A Sơn, chúa Trịnh Sâm cũng có thơ đề (trích):

Thôn thị nhân quy sơ nguyệt thướng,

Ngư than khích độ vãn trào sinh.

(Người về, chợ vãn, trăng non mọc,

Bãi ngập, đò đầy, sóng nước chao – HTP dịch)

Rất nhiều danh sĩ nổi tiếng như Ngô Thì Sĩ, Phan Huy Ích, Hà Đình... đã bút vịnh thơ đề ca ngợi thắng cảnh Dương Xá.

Sau khi đỗ Hoàng giáp, năm 1767, Ngô Thì Sĩ về Thanh Hoa làm Hiến sát sứ coi việc hình án. Ông viết bài ký Công đường dinh Hiến sát Thanh Hoa:

“Thanh Hoa là châu đế vương, đất trời tươi tốt, vượng khí tụ tập như đất Kỳ nhà Chu, đất Bái nhà Hán, có quan hệ đến gốc rễ nước nhà. Phàm trăm quan đã giữ chức vụ quan trọng thì thấy việc nên Hưng nên Trừ, phải hết sức, huống nữa người giữ trọng trách một phương. Công sở của Hiến ty trước ở xã Phù Lê, huyện Thụy Nguyên (Thiệu Hóa). Công đường vốn dựa lưng vào chân núi, lùm bụi thấp hẹp. Tôi bắt đầu vâng mệnh đến nhậm chức vào tháng đầu thu năm nay (1767) đã có ý muốn sửa chữa lại cho đẹp mắt. Nhân đó đem những đồ lễ mừng của dân để xướng xuất trước bạn đồng liêu là ông Phó sứ họ Nguyễn cũng tán thành, bèn góp bổng riêng của mình để cùng lo toan. Lại bàn với liêu thuộc cấp dưới, ai cũng xin tùy sức mà đóng góp. Thế rồi, tìm được một mảnh đất phía trên sảnh đường cũ một đoạn, mạch núi đến đây thì bằng phẳng hơn. Chúng tôi tới rẫy cỏ đắp nền, mộ thợ gọi phu làm hai ngôi nhà, mỗi ngôi năm gian. Việc xây dựng, sửa chữa vừa theo cũ, vừa đổi mới, còn như một quy củ cao rộng thì để chờ người có năng lực hơn. Vì thế, ngôi nhà dựa cao, trông xa để biểu thị suy nghĩ việc đúng chức danh, phên trúc mái tranh để biểu thị ý việc làm cốt giản dị. Nhà gối hướng Đinh (chếch Nam), quay mặt hướng Quý (chếch Bắc) để chầu Kinh đô...

“Người trông coi công việc (Ngô Thì Sĩ) nói: Các ông có tưởng tượng ra hình thế ngôi nhà này không? Núi Doanh Khánh làm vạt áo, lấy sông Mã, sông Lương làm dải lưng, hai sông hợp lưu phía trước mặt, dãy núi ôm ấp cả bốn bề. Chú ý ngắm trông thì thôn khói gần xa, bến cát chênh chếch, kẻ đội nón mang tơi qua lại, thuyền buồm căng gió xướng lên, mênh mông bảng lảng, hình tượng muôn nghìn, đó vốn là vẻ đại quát nơi đây”.

“Tuy nhiên, đây là ngôi nhà để làm việc, không phải đặt ra để ngắm cảnh. Những kẻ bước lên nhà này, hoặc quan hoặc lại, no ấm đều nhờ ơn nước, bổng lộc là mỡ máu dân. Non sông gấm vóc, nhìn ngắm suốt ngày ắt nhớ đây là mảnh đất thành trì của vua ta, ta phải cẩn thận giữ gìn cho vững chắc. Thấy kẻ mặt gầy áo rách, vì cơ nào mà đến, ắt phải nghĩ đây là con dân của vua ta, ta phải giảng giải vỗ về, để họ được ở yên, cũng để làm cho phong tục được tốt đẹp, khiến cho có nơi nghe, hỏi mà không có kẻ vu cáo. Sổ sách không phiền hà, hình phạt ít dùng đến, được thong dong ở nơi đây để phẩm bình vẻ lạ của ánh non sắc nước, mây tạnh trắng trong, mặc ý ta lựa chọn. Như thế thì chẳng cảnh nào đẹp hơn ngôi nhà này, mà cái cách làm cho dân tục trong sạch của ta cũng không phụ. Nếu như dung túng bọn hào cường, lừa gạt kẻ mồ côi gái góa, khéo dùng từ để thắt buộc khi xử án, giỏi hối lộ để làm giàu, chẳng để tâm đến cái gốc của nước, chỗ dựa của dân, túi tham vơ vét đầy rồi bỏ đi, để lại tiếng xấu làm hổ thẹn núi sông, những kẻ như thế thực là con mọt lớn của nước nhà, bọn ta bất tài còn không nỡ làm, huống nữa bậc quân tử mai sau...” (Băng Thanh dịch).

Ngô Thì Sĩ làm Hiến sát sứ Thanh Hoa chưa đầy ba năm, Chúa Trịnh gọi về triều, bổ nhiệm làm Đốc trấn Lạng Sơn. Bản thân Ngô Thì Sĩ cũng có thời gian làm Đốc đồng Thanh Hoa (cũng như Đốc trấn), một chức quan võ, sau khi đỗ Hội nguyên được bổ nhiệm chức Thiêm tri Công phiên năm 1752 (năm 1767 ông mới đỗ Hoàng giáp).

Phan Huy Ích đỗ đầu khoa thi ứng chế, con rể Ngô Thì Sĩ, năm 1775 làm Hàn lâm thừa chỉ, hai năm sau được bổ nhiệm Đốc đồng Thanh Hoa coi việc binh nhung, công đường tại trấn lỵ Dương Xá; bên núi Bàn A. Năm 1785, Phan Huy Ích lại giữ chức Hiến sát sứ Thanh Hoa làm việc tại chính công đường nhạc phụ năm xưa. Được vài năm, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc (lần đầu) giương cao ngọn cờ “phù Lê diệt Trịnh” rồi lại vội vã đem tướng sĩ về Nam. Thừa dịp, Trịnh Bồng lên ngôi Chúa, sai Phan Huy Ích làm Đốc thị Nghệ An kiêm Tán lý quân vụ Thanh – Nghệ. Ông viết bài thơ “Ghi nỗi buồn khi bị giam giữ” kèm lời chú “dẫn”:

“Tháng 9 nhuận, tôi từ Kinh đô đến chỗ trú ngụ là Cự Khánh (Bàn A – Bằng Trình), thuộc trấn Thanh Hoa, ở lại đó chấn chỉnh việc quân nhu và chiêu mộ 400 nghĩa dũng. Tháng 10, tôi đem quân đến đóng ở cửa biển Cự Nham (sông Ghép). Lúc ấy là sau khi loạn lạc, tình người tan rã. Tôi thuộc quan quân của cơ 17 chậm chạp, chưa đến. Nghe tin đạo quân Võ Thành Đạo đã ra chống giữ đất Hoàng Mai (Nghệ An), tôi cùng với viên đốc lĩnh đội quân thủy chiến là Mãn quận công (Lê Trung Nghĩa) bàn kế tiến quân để đánh và giữ. Mới tiến quân đến cửa Hào thì gặp địch, quân tiên phong sợ hãi rối loạn. Mãn quận công ngã ngựa bị giặc bắt, bị thương nặng, đến nửa đường thì chết. Tôi một mình phi ngựa chạy trốn để tìm đường lên Kinh đô, đến thôn Nguyễn Xá ở Thụy Nguyên (Thiệu Hóa) bị viên tùy tướng của địch đuổi kịp bắt đưa về giữ lại ở nơi đóng quân tại Dương Xá, hơn một tháng thì thả cho về...”.

Trấn Dương Xá rơi vào tay quân Tây Sơn. Vua Quang Trung chiêu mộ quan lại nhà Lê ra làm quan cho Tây Sơn. Nhiều năm sau, Phan Huy Ích không có dịp dừng thuyền đỗ bến Cự Khánh hay treo roi ngựa dưới núi Bàn A, vì nơi này đã thành trấn sở nhà Tây Sơn và bản thân Huy Ích theo Tây Sơn làm tới Thị trung Ngự sử, Thụy Nham hầu triều vua Cảnh Thịnh.

Năm 1792, Vua Quang Trung phân phong Nguyễn Quang Bàn làm Tuyên công Trấn thủ Thanh Hoa nội trấn (đất thang mộc nhà Lê) di dời trấn sở đến làng Thiên Linh (ngã ba Cầu Vạy – Vị Giang) bấy giờ thuộc huyện Ngọc Sơn, về sau cắt chuyển sang huyện Quảng Xương. Trấn Dương Xá được sử dụng làm nơi đóng quân của đội quân phòng thủ. Trấn Thiên Linh chỉ tồn tại được gần 10 năm thì mất cùng với nhà Tây Sơn.

Đời Tây Sơn – Quang Trung Nguyễn Huệ đến triều Quang Toản (1788-1802) cộng 14 năm, trấn sở Dương Xá không còn, nhưng người Kẻ Giàng với làng thôn, chợ búa, bến đò... vẫn ngày càng đông vui, tấp nập. Tiếng Hò sông Mã cất cao, theo sóng nước lan xa, lan xa...

Vui thay là bến đò Giàng

Khi ngược phố Giáng, khi sang phố Đầm

(Hò mời khách)

Tiếng Hò sông Mã mang niềm vui ra Bắc, vào Nam, lên rừng, xuống biển, vượt qua thời gian từ Lê Trung hưng đến Nguyễn, dù trấn lỵ Thanh Hóa đã di dời đến Thọ Hạc.

Hoàng Tuấn Phổ

(1). Con gái Dương Đình Nghệ là Dương Thị Nga lấy Ngô Quyền.

(*). Đời Lê, Thanh Hoa được gọi là “xứ”. Vì thế các sử sách thường chép là Trấn Thanh Hoa, Thanh Hoa nội trấn, viên quan đứng đầu coi cả quân dân mọi sự là Lưu thủ, Đốc trấn, Trấn thủ... Chủ yếu trấn sở là Dương Xá, thời gian đặt ở xã khác thuộc vùng Đông Sơn, Thiệu Hóa rất ngắn.

Bài 3: Trấn thành Thanh Hóa.


Hoàng Tuấn Phổ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]