Đề án đặt mục tiêu đến trước tháng 6/2025 từng bước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi tín chỉ carbon.

Thủ tướng phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam

Đề án đặt mục tiêu đến trước tháng 6/2025 từng bước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi tín chỉ carbon.

Thủ tướng phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam

Ảnh minh họa. (Nguồn: Insurance Business Mag)

Ngày 24/1, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Mục tiêu chung của Đề án là phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Đề án đặt mục tiêu đến trước tháng 6/2025 từng bước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức vận hành thị trường carbon; nâng cao năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon của cơ quan quản lý nhà nước, năng lực và nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng việc sẵn sàng tham gia thị trường carbon.

Theo Đề án, hàng hóa trên thị trường carbon gồm 2 loại:

Hạn ngạch phát thải khí nhà kính, được phân bổ cho các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo phương thức miễn phí và phương thức đấu giá.

Tín chỉ carbon được xác nhận giao dịch trên thị trường, trong đó gồm: tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước theo quy định của pháp luật; tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế: tín chỉ carbon thu được từ Cơ chế phát triển sạch (CDM); tín chỉ carbon thu được từ Cơ chế tín chỉ chung (JCM); tín chỉ carbon thu được theo Cơ chế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.

Việc giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được thực hiện trên sàn giao dịch carbon trong nước.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội xây dựng và cung ứng dịch vụ sàn giao dịch carbon trong nước theo yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng.

Việc tổ chức giao dịch trên thị trường carbon được thực hiện theo phương thức tập trung trên sàn giao dịch carbon. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn sẽ được cấp mã số trong nước để phục vụ cho việc giao dịch, mã số được cấp là duy nhất và không trùng lắp.

Chủ thể khi tham gia giao dịch trên thị trường carbon tại Việt Nam có tài khoản lưu ký giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính hoặc tài khoản lưu ký giao dịch tín chỉ carbon. Hoạt động đăng ký, cấp mã số hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon được thực hiện tập trung để đảm bảo dữ liệu được thống nhất, đồng bộ và bảo đảm yêu cầu quản lý, giám sát.

Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cung ứng dịch vụ lưu ký, thanh toán giao dịch theo yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng.

Việc thanh toán giao dịch sẽ do hệ thống tự động thực hiện trên cơ sở kết quả giao dịch do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội gửi, đảm bảo nguyên tắc việc chuyển giao hàng hóa được thực hiện đồng thời với thanh toán tiền tại ngân hàng thanh toán.

Việc thanh toán tiền cho giao dịch trên sàn giao dịch carbon do ngân hàng thương mại đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thanh toán giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan tổ chức vận hành thị trường carbon trong nước, đảm bảo không để phát triển tự do, tự phát, gây thất thoát tài nguyên, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội.

Lộ trình triển khai thị trường carbon

Giai đoạn thực hiện thí điểm từ năm 2025 đến hết năm 2028: triển khai thực hiện thí điểm thị trường carbon trên toàn quốc. Việc chuyển nhượng tín chỉ carbon, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho đối tác nước ngoài, quốc tế được nghiên cứu, quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật và được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Toàn bộ hạn ngạch phát thải khí nhà kính được nghiên cứu, xem xét phân bổ miễn phí cho các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc một số lĩnh vực phát thải lớn.Tín chỉ carbon được xác nhận giao dịch trên sàn giao dịch carbon, trong đó gồm các tín chỉ carbon thu được từ: Chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước; Cơ chế phát triển sạch (CDM); Cơ chế tín chỉ chung (JCM); Cơ chế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.Tỷ lệ tín chỉ carbon sử dụng để bù trừ phát thải khí nhà kính trên tổng số hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho cơ sở do Chính phủ quy định.

Chủ thể tham gia giao dịch trên sàn giao dịch carbon là: Các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; tổ chức, cá nhân đủ điều kiện được tham gia mua, bán tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon.

Giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2029

Thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc. Các lĩnh vực, cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính được nghiên cứu, xem xét mở rộng theo lộ trình. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính được nghiên cứu, xem xét phân bổ miễn phí và phân bổ qua đấu giá. Tỷ lệ chi tiết về phân bổ miễn phí, đấu giá hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ được đề xuất trong giai đoạn triển khai thí điểm và sau khi có đầy đủ thông tin, số liệu về hạn ngạch phát thải khí nhà kính được cấp, khối lượng giao dịch.

Tỷ lệ tín chỉ carbon sử dụng để bù trừ phát thải trên tổng số hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho cơ sở do Chính phủ quy định; xem xét mở rộng chủ thể được tham gia giao dịch tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon (điều chỉnh điều kiện tổ chức, cá nhân được tham gia giao dịch trên sàn giao dịch carbon)...

Đề án đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện: Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về hàng hóa trên thị trường carbon; Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về chủ thể tham gia thị trường carbon; Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về hệ thống đăng ký quốc gia và sàn giao dịch carbon; Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về tổ chức vận hành thị trường carbon; Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]