(Baothanhhoa.vn) - Xung quanh diễn đàn góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Báo Thanh Hoá tiếp tục giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến đóng góp của các cán bộ, Nhân dân trong tỉnh.

Thống nhất với quy định về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai

Xung quanh diễn đàn góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Báo Thanh Hoá tiếp tục giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến đóng góp của các cán bộ, Nhân dân trong tỉnh.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Thống nhất với quy định về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường: Quy định cụ thể việc giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Thống nhất với quy định về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã kế thừa các quy định Luật Đất đai 2013 đã quy định tăng cường hơn sự giám sát, đánh giá của các cơ quan dân cử, của MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức thành viên và của Nhân dân trong việc quản lý, sử dụng đất đai, giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; quy định về quyền giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có thông tin minh bạch về đất đai cũng được đề cập cụ thể hơn, đảm bảo quyền của người sử dụng đất không bị xâm hại và đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc quản lý đất đai và thực hiện quyền của người sử dụng đất; nhằm hạn chế tối đa sự trục lợi, vi phạm lĩnh vực đất đai.

Dự thảo có điểm mới là quy định về quyền, nội dung, hình thức giám sát của công dân trong quản lý và sử dụng đất đai (Điều 219).Tuy nhiên, bản chất những nội dung này trước đến nay đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như Luật Tiếp công dân, Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại... Do đó, những quy định này trong Dự thảo thực chất chỉ là quy định mang tính hình thức.

Mặt khác, tại khoản 2 của Điều này quy định: "Việc giám sát và phản ánh phải bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật; không được lợi dụng quyền giám sát để khiếu nại, tố cáo không đúng quy định của pháp luật, làm mất trật tự xã hội; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác các thông tin do mình phản ánh".

Đây cũng là quy định mang tính chung chung, không có ý nghĩa cụ thể vì không có chế tài xử lý những trường hợp vi phạm khoản 2 Điều này. Do đó, đề nghị xem xét có thể không cần quy định điều này. Nếu vẫn giữ điều này thì cần phải đề xuất với Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu để ban hành nghị định quy định cụ thể về việc xử lý các trường hợp giám sát và phản ánh không bảo đảm khách quan, trung thực; lợi dụng quyền giám sát để khiếu nại, tố cáo không đúng quy định của pháp luật, làm mất trật tự xã hội. Tránh tình trạng như Luật Tố cáo năm 2018 nhưng cho đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về việc xử lý người tố cáo sai sự thật; người tố cáo không phối hợp. Luật hình sự chỉ quy định khi người bị tố cáo có đơn tố giác về hành vi vu khống; không quy định việc cơ quan Nhà nước trong quá trình giải quyết được xử lý như thế nào.

Về thanh tra, kiểm tra về đất đai (Điều 223), hiện chỉ có Luật Thanh tra, không có Luật về kiểm tra. Thực tiễn công tác thanh tra, kiểm tra đang có cách hiểu khác nhau, thậm chí lẫn lộn, thiếu rạch ròi về thẩm quyền cũng như về nội dung, đối tượng, phương pháp tiến hành… Thậm chí tại cơ quan quản lý đất đai ở địa phương (cấp tỉnh đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường), một số nơi có tư tưởng coi đó là trách nhiệm của Thanh tra Sở với lực lượng mỏng, phạm vi nhiệm vụ rộng. Hiểu như thế là phiến diện. Chúng tôi thống nhất với quy định tại Điều 223 của dự thảo về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đất đai; cho rằng trách nhiệm chính trong việc kiểm tra thường xuyên về đất đai thuộc về chi cục quản lý đất đai hoặc phòng quản lý đất đai. Có như vậy mới bám sát, không bỏ lọt nhiệm vụ. Thanh tra chuyên ngành đất đai phù hợp với quy định của Luật Thanh tra, chủ yếu tập trung vào thanh tra theo từng chuyên đề, theo kế hoạch được phê duyệt, có trọng tâm, trọng điểm, chú ý những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong công tác quản lý về đất đai, những vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần kiến nghị xử lý sai phạm.

Điểm mới trong dự thảo Luật lần này là bổ sung quy định “Kiểm toán về đất đai”. Quy định này sẽ góp phần bổ khuyết, khắc phục khâu yếu trong công tác thanh tra, kiểm tra hiện nay. Chúng tôi cũng tán thành quy định về đối tượng và phạm vi kiểm toán, theo đó tập trung kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng quỹ đất là tài sản công, tránh việc kiểm toán tràn lan, chồng chéo với cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm điểm c trong khoản 3 Điều 223 về nhiệm vụ của thanh tra, kiểm tra trong chuyên ngành đất đai: "Phát hiện các sơ hở, bất cập của pháp luật để kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới lĩnh vực đất đai”. Nội dung bổ sung này phù hợp với chức năng của cơ quan thanh tra được quy định trong Luật Thanh tra cũng như phù hợp vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ ở lĩnh vực đất đai. Quy định này sẽ nâng cao trách nhiệm, vai trò của tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai.

Ông Lê Bá Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Viên (Thiệu Hóa): Tạo điều kiện thuận lợi để các HTX nông nghiệp có điều kiện về quỹ đất để sản xuất nông nghiệp

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Thống nhất với quy định về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai

Dự thảo Luật Đất Đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể các trường hợp được giao đất, cho thuê đất để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực HTX nông nghiệp, trong dự thảo chưa có quy định cụ thể về sử dụng đất làm văn phòng, cửa hàng dịch vụ các loại giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, cửa hàng giới thiệu sản phẩm… để các HTX có địa điểm phục vụ Nhân dân địa phương sản xuất nông nghiệp, đến mua, trưng bày các sản phẩm do Nhân dân trong xã làm ra. Đây là một vấn đề cần được quan tâm.

Liên quan đến vấn đề thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, tại điểm h khoản 1 Điều 80 dự thảo Luật quy định: “Đất sản xuất nông nghiệp không được sử dụng trong thời hạn 36 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng”. Quy định này, tôi cho rằng chưa phù hợp bởi thực tế hiện nay, đối với đất nông nghiệp của các hộ gia đình không sản xuất nông nghiệp có thể do nhiều nguyên nhân như: do ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu, môi trường, ảnh hưởng của các dự án quy hoạch “treo” không thể đưa đất vào sản xuất… Vì vậy, tôi đề nghị cần kéo dài thêm thời gian, quy định các hình thức xử phạt để thu hồi đất.

Bên cạnh đó, đối với diện tích đất nông nghiệp không còn khả năng, điều kiện canh tác, canh tác không hiệu quả hoặc không canh tác và đất giao cho các hộ đã chuyển khấu đi.... mà hộ dân đề nghị thu hồi hoặc cơ quan quản lý Nhà nước xét thấy phải thu hồi, cần rút ngắn thời gian thu hồi đất và giao lại cho các hộ khác quản lý, sử dụng để phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất hàng hóa. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX nông nghiệp có điều kiện về quỹ đất để sản xuất nông nghiệp.

Việt Hương (ghi)


Việt Hương (ghi)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]