(Baothanhhoa.vn) - Sáng 7-8, tại TP Sầm Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 3 tỉnh: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm và hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh. Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã trình bày tham luận với chủ đề “Tiềm năng, triển vọng liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh". Báo Thanh Hoá trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận.

Tiềm năng, triển vọng liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh

Sáng 7-8, tại TP Sầm Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 3 tỉnh: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm và hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh. Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã trình bày tham luận với chủ đề “Tiềm năng, triển vọng liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh". Báo Thanh Hoá trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận.

Tiềm năng, triền vọng liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh

Đồng chí Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trình bày tham luận tại hội nghị.

1. Tổng quan du lịch của tỉnh Nghệ An và định hướng phát triển trong thời gian tới

Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (16.486,49 km2), nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ; quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Nơi đây được ví như “Việt Nam thu nhỏ” với địa hình đa dạng, có biển đảo, đồng bằng, trung du và miền núi.

Thiên nhiên đã ưu đãi cho Nghệ An với cảnh sắc tươi đẹp, kỳ thú, “non xanh nước biếc như tranh họa đồ”, với bờ biển dài 82 km, nhiều bãi biển đẹp và hấp dẫn du khách như: Cửa Lò, Bãi Lữ, Diễn Thành, Cửa Hiền, Biển Quỳnh; nhiều ngọn núi, hang động, thác nước nên thơ và hùng vĩ như: cổng trời Mường Lống, đỉnh Puxailaileng (huyện Kỳ Sơn), Hang Bua (huyện Quỳ Châu), thác Khe Kèm (huyện Con Cuông), thác Sao Va, thác Bảy tầng (huyện Quế Phong). Có khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận ở miền Tây Nghệ An. Vùng lõi có Vườn Quốc gia Pù Mát với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

Nghệ An có hệ thống di tích lịch sử, văn hoá phong phú về số lượng và thể loại với hơn 2.000 di tích, danh thắng, trong đó 5 di tích quốc gia đặc biệt, 144 di tích quốc gia, 322 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích đã trở thành điểm đến du lịch tâm linh thu hút du khách như Đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), Đền Quả Sơn (huyện Đô Lương), Đền Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên), Đền Quang Trung (TP Vinh). Nghệ An hiện có 07 lễ hội là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia; 03 bảo vật quốc gia. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Ẩm thực với các món ăn mang hương vị đặc trưng của xứ Nghệ đã nức tiếng gần xa như cháo lươn, dê Cầu Đòn, me Nam Nghĩa, gà Thanh Chương, cam Vinh...

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Nghệ An đã ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai thực hiện với mục tiêu đến năm 2030 phát triển du lịch Nghệ An cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phấn đấu phát triển đưa Nghệ An trở thành trung tâm du lịch vùng Bắc Trung Bộ. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng, trọng tâm là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng. Hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng và chủ lực của địa phương gắn với đa dạng hóa các loại hình du lịch như Khu du lịch quốc gia Kim Liên (Nam Đàn), đô thị du lịch biển Cửa Lò, trung tâm dịch vụ du lịch thành phố Vinh, du lịch sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát; tăng cường kết nối các tua du lịch, các sản phẩm du lịch và phát triển các dịch vụ chất lượng cao nhằm thu hút du khách và kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của khách du lịch. Tập trung phát triển và khai thác thế mạnh du lịch tại các địa bàn trọng điểm gồm: Thị xã Cửa Lò và vùng ven biển, Nam Đàn và vùng phụ cận, thành phố Vinh, miền Tây Nghệ An. Tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2025 có 6 - 6,3 triệu lượt khách có lưu trú tới Nghệ An; doanh thu đạt trên 11.000 tỷ đồng.

Trong 2 năm 2020 - 2021, cũng như các địa phương khác, hoạt động du lịch Nghệ An suy giảm trầm trọng; riêng năm 2021, khách lưu trú chỉ bằng 48%, tổng thu từ khách du lịch bằng 43% so cùng kỳ. Sau khi mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch, du lịch Nghệ An đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã đón và phục vụ hơn 4 triệu lượt khách du lịch, tăng 137% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách lưu trú khoảng 2,53 triệu lượt, bằng 220% so với cùng kỳ năm 2021. Dự ước hết năm 2022, Nghệ An sẽ đón và phục vụ hơn 7 triệu lượt khách, đạt 194% kế hoạch, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 10.000 tỷ đồng, đạt 333% kế hoạch đề ra.

Tiềm năng, triền vọng liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh

2. Kết quả liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Nghệ An - Thanh Hoá - Hà Tĩnh thời gian qua

Nội hàm của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng. Ngoài sự liên kết giữa các ngành để tạo nên chuỗi giá trị dịch vụ du lịch, đòi hỏi cần có sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh/thành phố, các vùng du lịch để mở rộng không gian phát triển du lịch, gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch với nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, chuyên biệt. Nhận thức điều này, thời gian qua ngành du lịch của 3 tỉnh đã tích cực liên kết, hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch của vùng nói chung và mỗi tỉnh nói riêng. Đặc biệt sự liên kết, hợp tác được đẩy mạnh hơn nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi trong đi du lịch của du khách trong và ngoài nước hậu dịch COVID-19. Nhiều hoạt động liên kết, hợp tác đã được 3 tỉnh triển khai như: đã hình thành Ban điều phối hợp tác, liên kết phát triển du lịch 4 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình do Liên minh Châu Âu EU tài trợ kỹ thuật năm 2016; phối hợp với các tỉnh/thành phố phía Bắc như Hà Nội, Ninh Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang xây dựng và khai thác sản phẩm “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”, phối hợp với Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế xây dựng và khai thác sản phẩm “Con đường di sản miền Trung”, phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tổ chức chương trình du lịch về nguồn, xây dựng và khai thác chương trình du lịch 1 ngày ăn cơm 3 nước (Việt Nam, Lào, Thái Lan); định kỳ hằng năm phối hợp tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước như Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội, Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Hội chợ du lịch quốc tế ITE Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình giới thiệu du lịch 3 tỉnh tại Lào, Thái Lan với slogan “Ba địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm” cùng nhiều video clip, ấn phẩm, vật phẩm quảng bá du lịch chung; nhiều Hội nghị, Hội thảo, Diễn đàn, sự kiện đã phối hợp tổ chức thành công như Hội thảo khoa học liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ năm 2016, Festival văn hoá ẩm thực du lịch quốc tế - Nghệ An 2019, Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng - Nghệ An 2022 vừa tổ chức vào đầu tháng 7/2022 tại Nghệ An; phối hợp trong trao đổi thông tin, nghiệp vụ, kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch.

3. Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 3 địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

- Lượng khách du lịch, doanh thu từ du lịch của các tỉnh trong vùng còn ở mức khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế.

- Sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nội vùng thời gian qua chưa đồng bộ, thiếu tính chặt chẽ; đặc biệt sự liên kết của vùng với các trung tâm phân phối khách du lịch lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.

- Kết quả triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác còn khiêm tốn, mới tập trung một số hoạt động như phát triển sản phẩm liên kết, công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến; quy mô các hoạt động liên kết còn nhỏ lẻ, chưa xứng tầm.

Về nguyên nhân:

- Khách quan: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài; hạ tầng kết nối các điểm đến trong vùng còn khó khăn; nguồn lực đầu tư cho các hoạt động liên kết, hợp tác còn hạn chế.

- Chủ quan: Thiếu cơ chế liên kết, hợp tác cụ thể, chặt chẽ.

4. Tiềm năng, triển vọng liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Nghệ An - Thanh Hoá - Hà Tĩnh

4.1. Tiềm năng, cơ hội

- Dư địa phát triển du lịch của vùng lớn với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc riêng biệt; diện tích tự nhiên lớn là điều kiện phát triển không gian du lịch và dân số đông là cơ hội gia tăng trao đổi khách giữa các tỉnh/thành phố và các vùng du lịch trong cả nước.

- Hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi: địa giới hành chính của 3 tỉnh tiếp giáp với nhau qua hệ thống trục giao thông quốc gia với: quốc lộ 1A, cao tốc Bắc Nam, đường ven biển, đường Hồ Chí Minh; đường sắt và đường biển. Nơi đây có 2 sân bay gồm sân bay quốc nội Thọ Xuân, Thanh Hoá và sân bay quốc tế Vinh, Nghệ An với các đường bay trong nước đi đến các tỉnh/thành phố trung tâm du lịch trong cả nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt. Mặt khác hạ tầng giao thông kết nối các điểm đến của mỗi tỉnh đã và đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Là điều kiện thuận lợi để tiếp cận điểm đến, rút ngắn thời gian di chuyển và gia tăng trải nghiệm nhiều điểm đến hơn cho du khách trong hành trình du lịch của mình.

- Đây là vùng đất hội tụ đầy đủ, đa dạng các loại hình, gồm đồi núi, trung du, đồng bằng và biển với nhiều hang động, thác nước đẹp, nhiều bãi biển trong xanh, trải dài cùng với nhiều giá trị di sản văn hoá được kết tinh từ bao đời nay đã làm nên vùng đất giàu các sản phẩm du lịch văn hoá, lịch sử. Thiên nhiên còn ban tặng cho vùng đất này nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp gắn liền với loại hình du lịch sinh thái cộng đồng. Đặc biệt, ẩm thực nơi đây cũng là một trong những yếu tố níu chân du khách bởi nhiều món ăn đặc trưng, có giá trị nổi bật.

- Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị ngành du lịch của 3 tỉnh đã và đang được đầu tư đồng bộ, khang trang, hiện đại với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, Tập đoàn, Tổng Công ty du lịch lớn như: Vingroup, Sun Group, FLC, Saigontourist, Mường Thanh, Vietravel, Flamingo tạo nên hình ảnh, nhận diện dịch vụ du lịch đẳng cấp và thị trường du lịch sôi động, hấp dẫn.

4.2. Đề xuất một số hoạt động liên kết, hợp tác trong thời gian tới

(1) Liên kết, hợp tác xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch của vùng

- Phát huy tốt thế mạnh độc đáo của tài nguyên, sản phẩm du lịch của mỗi địa phương để xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới theo chiều sâu, nhiều trải nghiệm; đồng thời liên kết chặt chẽ không gian và tính chất sản phẩm du lịch như du lịch tham quan nghiên cứu di sản thế giới và văn hoá, du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng biển, du lịch lễ hội - tín ngưỡng, du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch mạo hiểm, cắm trại…

- Tiếp tục quan tâm phối hợp đề xuất với Chính phủ ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cao tốc Viên Chăn - Hà Nội đi qua cửa khẩu Thanh Thuỷ (Nghệ An) nhằm kết nối các tỉnh qua tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 3 tỉnh nói chung và khai thác phát triển du lịch của mỗi địa phương với sản phẩm “Ba quốc gia một điểm đến”.

(2) Liên kết, hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch

- Tăng cường liên kết, hợp tác trong khảo sát, đánh giá, nghiên cứu thị trường du lịch, ưu tiên thị trường truyền thống, thị trường mục tiêu như thành phố Hà Nội các tỉnh phía Bắc; thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; các tỉnh Tây Nguyên đối với thị trường khách nội địa; Lào, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Hà Lan, Italia… đối với thị trường khách quốc tế.

- Phối hợp, liên kết chặt chẽ trong xây dựng thương hiệu điểm đến vùng và thường xuyên tham gia chung trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài. Đẩy mạnh trong phối hợp ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá du lịch, chia sẻ thông tin, dữ liệu du lịch.

- Thúc đẩy liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch của 3 tỉnh và giữa Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch của 3 tỉnh với Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch của các tỉnh/thành phố.

(3) Liên kết, tăng cường phối hợp trong công tác quy hoạch, công tác quản lý nhà nước và phát triển nguồn nhân lực du lịch

- Đẩy mạnh tham vấn, trao đổi, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong công tác xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch, Chiến lược, Đề án phát triển du lịch của mỗi địa phương, từ đó xây dựng và phát triển vùng du lịch giàu bản sắc, sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, đẳng cấp, chuyên biệt nhưng thống nhất trong một tổng thể, cộng sinh cùng thúc đẩy phát triển.

- Tăng cường công tác trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch nhằm phát huy hiệu lực hiệu quả của cơ quan quản lý, đồng thời xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thị trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho các doanh nghiệp hoạt động.

- Thúc đẩy liên kết, hợp tác trong đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch trong vùng, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

(4) Phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách và thu hút nguồn lực đầu tư: phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách liên tỉnh và ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư phát triển vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh để tạo ra cực tăng trưởng kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng cho 3 tỉnh.

5. Kiến nghị, đề xuất

- Lãnh đạo các tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực cho các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và đưa hoạt động liên kết, hợp tác lên tầm cao mới, thực chất, thiết thực và hiệu quả hơn.

- Ba địa phương phối hợp, nghiên cứu xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác chặt chẽ và cụ thể hoá nội dung, hoạt động liên kết trong kế hoạch hằng năm của mỗi địa phương để bố trí kinh phí triển khai thực hiện.

- Phối hợp kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành có cơ chế chính sách ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối điểm đến và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng khu vực miền Tây của 3 tỉnh.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]