(Baothanhhoa.vn) - LTS: Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo căn cứ pháp lý để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống. Sau đây là một số ý kiến, chia sẻ của các ĐBQH về một số giải pháp để tỉnh Thanh Hóa phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh và dư địa của chính sách, tạo “đòn bẩy” quan trọng để Thanh Hóa bứt phá.

Thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa

LTS: Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo căn cứ pháp lý để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống. Sau đây là một số ý kiến, chia sẻ của các ĐBQH về một số giải pháp để tỉnh Thanh Hóa phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh và dư địa của chính sách, tạo “đòn bẩy” quan trọng để Thanh Hóa bứt phá.

Thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa cần phải nỗ lực, trách nhiệm nhiều hơn mới có thể phát huy được hiệu quả và dư địa của chính sách

Các cơ chế, chính sách đặc thù được quy định trong Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội mới là khung chính sách mang tính định hướng, dẫn dắt, đặt nền tảng, tạo dư địa; không phải là các chính sách mang tính “xin – cho” nên càng đòi hỏi tỉnh Thanh Hóa phải nỗ lực, trách nhiệm nhiều hơn mới có thể phát huy được hiệu quả và dư địa của chính sách. Như chính sách về tăng mức dư nợ vay, trước mắt, Thanh Hóa cần xây dựng được kế hoạch vay và trả nợ hiệu quả, hợp lý thì mới khai thác được dư địa của chính sách. Hay đối với những chính sách bổ sung nguồn lực cho Thanh Hóa thì tỉnh cũng phải nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ thì mới được hưởng thành quả từ chính sách mang lại, ví dụ như chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, Thanh Hóa cần quyết liệt hơn nữa trong việc đốc thu, tránh để nợ đọng thuế thì mới có dư địa để được hưởng phần vượt thu. Hay như đối với chính sách về thu tiền sử dụng đất thì trong thời gian tới, tỉnh cần khẩn trương rà soát, thống kê, lên kế hoạch, phối hợp với các cơ quan Trung ương có cơ sở nhà, đất không có nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh để đấu giá, tạo nguồn thu cho địa phương. Đối với chính sách phí và lệ phí thì khi xem xét, trình HĐND ban hành, điều chỉnh các loại phí, lệ phí thì tỉnh phải cân nhắc kỹ lưỡng, tính toán lộ trình phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển, bảo đảm công khai, minh bạch, không làm ảnh hưởng đến môi trường sản xuất, kinh doanh và việc thu hút đầu tư, kích cầu để phát triển.

Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt lưu ý đến các chính sách về quản lý đất đai, rừng, điều chỉnh quy hoạch bởi đây cũng là các chính sách có tác động rất tích cực đến việc thu hút đầu tư. Thực tế hiện nay, trong quy hoạch sử dụng đất tỉnh Thanh Hóa được Chính phủ phê duyệt đã quy định cụ thể diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng được chuyển đổi mục đích sử dụng trong kỳ quy hoạch. Tuy vậy, khi thực hiện dự án đầu tư vẫn phải tiếp tục xin ý kiến các bộ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến thu hút, kêu gọi đầu tư của tỉnh. Với quy định như Điều 4, Nghị quyết số 37 của Quốc hội, tỉnh sẽ chủ động quyết định mà không cần phải xin ý kiến các bộ, báo cáo Thủ tướng. Theo đó, việc áp dụng chính sách này sẽ giúp tăng cường phân cấp, đảm bảo sự chủ động cho địa phương và rút ngắn thời gian chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ so với quy định hiện hành. Đây là giải pháp tăng thẩm quyền, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương trong việc chủ động và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về nguồn lực đất đai, từ đó tạo môi trường thông thoáng cho địa phương để thu hút các dự án đầu tư động lực trên địa bàn tỉnh.

Đi kèm với việc được phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất, rừng, việc điều chỉnh quy hoạch là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn. Việc phân cấp thẩm quyền cho UBND tỉnh Thanh Hóa tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị theo trình tự thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định sẽ rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh và góp phần thúc đẩy sớm thu hút một số dự án đầu tư phát triển hạ tầng trọng điểm của tỉnh.

Song song với đó, để phát huy hết hiệu quả tích cực của chính sách này thì đầu tiên là tỉnh phải tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí nhân lực phù hợp để nâng cao năng lực thực thi chính sách, đồng thời chú trọng cải cách hành chính, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, từng cấp, từng ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, tạo sự chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả trong việc đưa ra các quyết định để tạo đòn bẩy thu hút đầu tư. Việc triển khai cũng cần lưu ý bảo đảm phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, lấy ý kiến người dân và các đối tượng bị tác động và thực hiện công khai, minh bạch để tránh trường hợp lạm dụng chính sách. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát của HĐND, MTTQ Việt Nam và của Nhân dân để bảo đảm việc triển khai thực hiện đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn và được sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân vì mục tiêu phát triển chung của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa

Cao Mạnh Linh

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp Quốc hội

Nghị quyết số 58 tạo “cú hích” đột phá xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa

Để Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị sớm đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, theo quan điểm cá nhân tôi, sau khi nghị quyết được Quốc hội ban hành, tỉnh Thanh Hóa, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải nhanh chóng triển khai thực hiện một số nội dung như sau: Thứ nhất, phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù nêu trong nghị quyết. Thứ hai, quán triệt sâu rộng để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ về các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho tỉnh Thanh Hóa để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội cũng như thu hút đầu tư trong và ngoài nước theo đúng Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất trình các cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của tỉnh Thanh Hóa trong từng giai đoạn, nhằm thu hút, huy động nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước. Thứ tư, đảm bảo cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước cấp huyện, thị, thành phố với cấp tỉnh và giữa tỉnh Thanh Hóa và Trung ương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kịp thời đề xuất, kiến nghị với Trung ương những vấn đề mới phát sinh, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. Thứ năm, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù để báo cáo Chính phủ, Quốc hội theo quy định.

Nghị quyết cho phép Thanh Hóa được nâng hạn mức dư nợ vay từ 20% lên 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức dư nợ vay 20% (tính theo dự toán năm 2021) thì mức dư nợ vay tối đa của tỉnh Thanh Hóa là 2.636 tỷ đồng, dư nợ vay đến ngày 31-12-2021 của tỉnh dự kiến là 718 tỷ đồng (còn có thể vay 1.918 tỷ đồng). Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa có 13 dự án ODA với tổng mức đầu tư dự kiến 12.287 tỷ đồng và nhu cầu vốn vay lại 2.707 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều dự án ODA khác đang được vận động cho vay vốn trong giai đoạn 2021-2025 do các bộ, cơ quan Trung ương làm chủ đầu tư có đề nghị tỉnh Thanh Hóa đề xuất danh mục tham gia; đồng thời trong giai đoạn tới tỉnh còn có nhu cầu huy động vốn đầu tư nhiều dự án trọng điểm khác trên địa bàn (với tổng mức đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng)1. Do vậy, với việc nâng mức dư nợ vay từ 20% lên 60% sẽ giúp tỉnh đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, đồng thời tạo dư địa để tỉnh huy động các nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của khu vực Bắc Trung bộ và của cả nước.

Với việc nâng hạn mức cho vay cũng sẽ góp phần để tỉnh Thanh Hóa thu hút đầu tư. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong các điều kiện cần thiết, để thu hút được đầu tư, các cơ quan chức năng của tỉnh phải nghiên cứu, tiếp tục có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp để thu hút đầu tư, cùng với đó cần phải tiếp tục cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích lớn, dân số đông, số lượng các đơn vị hành chính nhiều, địa hình phức tạp..., đặt ra yêu cầu đối với nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước phải phù hợp, hài hòa giữa các vùng, miền, đối tượng. Việc thực hiện chính sách phí, lệ phí sẽ giúp cho tỉnh Thanh Hóa chủ động hơn trong việc thực hiện chính sách phí, lệ phí phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu của Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị; vừa phát huy hiệu quả vai trò công cụ điều tiết vĩ mô, tái phân phối thu nhập xã hội, vừa tăng cường khả năng khuyến khích, dẫn dắt đầu tư sản xuất, kinh doanh, đóng góp nguồn thu cho ngân sách tỉnh, tạo dư địa tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh.

Tuy nhiên, để khai thác được lợi thế này, theo tôi tỉnh cần nghiên cứu, tính toán thật kỹ trước khi thực hiện việc áp dụng các loại phí, lệ phí mới hoặc điều chỉnh mức thu các loại phí, lệ phí đang thực hiện để phù hợp với khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp, không cản trở việc thu hút đầu tư.

Về những điểm cần lưu ý trong quá trình triển khai nội dung này, thì ngay tại Điểm c Khoản 4 Điều 3 nghị quyết của Quốc hội đã nêu: Việc thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí phải tuân thủ các nguyên tắc: bảo đảm có lộ trình phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của tỉnh; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; không gây ra tiêu cực, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách hành chính Nhà nước. Bên cạnh những điểm cần lưu ý trên, theo tôi trước khi áp dụng các loại phí, lệ phí mới hoặc điều chỉnh mức thu các loại phí, lệ phí đang thực hiện cần phải lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn để tạo sự đồng thuận trước khi tổ chức thực hiện.

Như: Tuyến đường vành đai 3 nhánh đông đoạn từ huyện Hoằng Hóa đến huyện Quảng Xương; Đại lộ Nam sông Mã (giai đoạn 2); Đại lộ Bắc sông Mã; hệ thống tiêu thủy sông Hoàng; đập Cẩm Hoàng...

Thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa

Bùi Mạnh Khoa

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Tháo gỡ được những rào cản, tạo đòn bẩy quan trọng để Thanh Hóa bứt phá, phát triển nhanh và bền vững

Thanh Hóa là một trong số ít địa phương được Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; góp phần tạo thuận lợi cho Thanh Hóa trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính đột phá về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa vùng miền. Cùng với đó, cũng giúp Thanh Hóa khắc phục được cơ bản một số “rào cản” trong phát triển kinh tế - xã hội, như:

Thứ nhất, về mức dư nợ vay, đã cho phép nâng trần tổng mức dư nợ vay của Thanh Hóa lên 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp, như vậy Thanh Hóa sẽ có căn cứ, dư địa để có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển (bởi trước thời điểm nghị quyết ban hành, Thanh Hóa chỉ được phép tổng mức dư nợ vay không quá 20%).

Thứ hai, Thanh Hóa có điều kiện, nguồn lực bổ sung để góp phần hoàn thành việc di dân tái định cư. Tăng thu hút đầu tư vào các dự án, phát triển hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn, vì theo nghị quyết, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao để đầu tư phát triển nhưng không vượt quá số tăng thu so với thực hiện năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu. Đây cũng được xem là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy đầu tư phát triển của tỉnh.

Thứ ba, nghị quyết quy định HĐND cấp tỉnh được phép ban hành phí và lệ phí chưa có trong danh mục. Tỉnh cũng được quyền điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định để huy động thêm nguồn lực (ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí và lệ phí quy định). Đối với nội dung này, trước Thanh Hóa, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khi có nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù đã thực hiện rất thành công và đã góp phần tạo động lực quan trọng cho phát triển.

Thứ tư, về quản lý đất đai quy hoạch, HĐND tỉnh Thanh Hóa được quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; được quy định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 héc-ta, đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô 500 héc-ta, đất rừng sản xuất dưới 1.000 héc-ta. Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa được thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Song song với việc tháo gỡ những “rào cản”, trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, cũng cần đặc biệt lưu ý một số nội dung, nhất là việc xem xét, đánh giá tác động của cơ chế, chính sách này nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Trong đó, đối với vấn đề quản lý tài chính ngân sách cần cân nhắc kỹ mức dư nợ vay tạo nguồn lực đầu tư phát triển. Vì thực tế hiện nay tỉnh Thanh Hóa chưa vay hết mức trần quy định hiện hành (là 20%) và trong giai đoạn 2021-2025, tổng mức bội chi ngân sách của địa phương dự kiến chỉ là 0,3% GDP. Đối với việc thu tiền sử dụng đất, phải khẳng định đây là nguồn lực quan trọng để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh. Tuy nhiên, cần nghiên cứu rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 54/2017/QH14 cho đến nay đã sơ kết 3 năm thực hiện nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có khoản thu nào từ cơ chế, chính sách này.

Về thực hiện chính sách phí và lệ phí (thí điểm) mặc dù là tạo căn cứ pháp lý để Thanh Hóa huy động thêm nguồn lực, tuy nhiên, trong triển khai thực hiện phải cần bảo đảm nguyên tắc trong việc ban hành mức và điều chỉnh các khoản phí và lệ phí, phải có lộ trình cụ thể, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bảo đảm sự thống nhất không cản trở việc lưu thông hàng hóa và công khai, minh bạch, hạn chế tối đa tác động bất lợi đối với Nhân dân và xã hội. Về quản lý đất đai và quy hoạch được xem là cơ chế, chính sách tăng thẩm quyền cho HĐND và UBND tỉnh Thanh Hóa, đẩy mạnh phân cấp theo tinh thần Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị. Tuy vậy, cũng cần cân nhắc, thận trọng để tránh tạo tiền lệ, đặc biệt trong bối cảnh cần bảo vệ môi trường và bảo đảm sinh kế người dân trong phạm vi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc chuyển đổi cần phải thực hiện công khai, lấy ý kiến của người dân, tạo sự đồng thuận xã hội nhất là các chủ thể chịu sự tác động của việc chuyển đổi, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, phù hợp với quy hoạch tổng thể.

Thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa

Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]