(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, huyện Thạch Thành đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Thạch Thành đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện

Những năm qua, huyện Thạch Thành đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Thạch Thành đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, UBND huyện Thạch Thành.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với chuyển đổi số và đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là một trong bốn khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạch Thành lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025. Đây cũng được xem là chìa khóa quan trọng để thu hút đầu tư, nhất là các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành kế hoạch CCHC tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nhấn mạnh việc hiện đại hóa nền hành chính để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức, người dân và doanh nghiệp, là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết mà các ngành, các cấp phải tập trung thực hiện nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Thực hiện chủ trương đó, ngay trong năm đầu giai đoạn 2020-2025, UBND huyện Thạch Thành đã chỉ đạo ban hành “Quy định quy trình tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý và lưu trữ văn bản, hồ sơ điện tử trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc". Đồng thời, thành lập ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử huyện, trong đó xác định nhiệm vụ tập trung chỉ đạo đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết TTHC chuyển từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong cơ quan UBND huyện và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đi đôi với đó, huyện xác định tăng cường CCHC mà trọng tâm là cải cách TTHC và chỉ đạo các phòng, ban, các xã, thị trấn thực hiện rà soát các TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết các TTHC thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ số để cải tiến quy trình, thủ tục, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, giảm văn bản, giấy tờ hành chính; lựa chọn công bố danh mục TTHC, nhóm TTHC ưu tiên để triển khai trên môi trường điện tử. Hoàn thiện việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số gắn với CCHC, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo quan trọng trong phát triển chính quyền điện tử. Huyện tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện và nâng cao điểm số, thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI) và chú trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết công việc và đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phát huy hiệu quả hoạt động của tổ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tham mưu giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, loại bỏ các đầu mối, công đoạn xử lý chồng chéo, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc. Nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực đất đai, thực hiện cam kết với nhà đầu tư về thời gian GPMB, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn.

Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính được nâng lên. Cải cách TTHC, mà nổi lên là dịch vụ công trực tuyến quốc gia đạt kết quả tích cực, tỷ lệ giải quyết trực tuyến mức độ 3 đạt 95,59%, mức độ 4 đạt 100%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Sử dụng hiệu quả hệ thống 26 điểm cầu truyền hình trực tuyến 4 cấp bảo đảm việc trao đổi, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành trong các hội nghị nhanh chóng, kịp thời. Triển khai thực hiện phòng họp không giấy tờ góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước; 100% cán bộ, công chức, viên chức cơ quan UBND huyện, UBND các xã, thị trấn đã thực hiện giải quyết công việc trên môi trường điện tử, thực hiện chữ ký số điện tử. Việc tiếp nhận hồ sơ công việc đều được thực hiện qua bộ phận văn thư trước khi chuyển đến lãnh đạo UBND huyện. Thực hiện nghiêm việc theo dõi nhiệm vụ trên hệ thống phần mềm theo dõi giải quyết công việc, đối với những đơn vị chậm trễ giải quyết công việc, UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện nghiêm túc phê bình, nhắc nhở bằng văn bản, chính vì vậy tỷ lệ giải quyết công việc đúng hạn của các phòng, ban trực thuộc UBND huyện đạt gần 90%, không còn tình trạng bỏ quên, sót việc. Đi đôi với đó, các đơn vị đã nỗ lực thúc đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi số, góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, từ đó làm cơ sở, nền tảng quan trọng để đẩy mạnh chuyển đổi số; môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện thông thoáng, hấp dẫn, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện.

Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thành, đến nay, CCHC gắn với chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của huyện đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn. Trong 2 năm 2020-2021, tổng giá trị sản xuất đạt 26.642 tỷ đồng, bằng 65,2% cả giai đoạn 2015-2020; thành lập mới 113 doanh nghiệp, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 47,1 triệu đồng, gấp 1,68 lần so với năm 2015 và tăng 14,8% so với bình quân giai đoạn 2015-2020. 6 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị sản xuất đạt 8.195,1 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ; trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 14,6%; thương mại - dịch vụ tăng 23% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đầu người 6 tháng đạt 28,1 triệu đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ và bằng 52,1% kế hoạch.

Kinh tế phát triển, đời sống Nhân dân được nâng lên, cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huyện có điều kiện huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân xây dựng mới, chỉnh trang nhà ở. Trong 2 năm 2020-2021, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của huyện Thạch Thành đạt 5.664,5 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 390 tỷ đồng, chiếm 11,9%. 6 tháng đầu năm 2022, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 1.395,9 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 78,3 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 345,7 tỷ đồng, vốn dân cư 972 tỷ đồng. Đi đôi với đó, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, môi trường được huyện tăng cường, thực hiện có hiệu quả. Từ nguồn vốn này, nhiều dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn, như dự án đường giao thông từ xã Thành Mỹ qua Thành Yên vào Khu Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận, với tổng mức đầu tư 51,7 tỷ đồng (khi dự án này hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ khu vực xã Thành Yên - xã đặc biệt khó khăn); các dự án thủy lợi, như dự án hồ Ba Cầu, tổng vốn đầu tư 16 tỷ; hồ Bai Mạ, 10,5 tỷ đồng; hồ Đá Mài, 8,9 tỷ đồng; kè sạt lở sông Bưởi, 15 tỷ đồng; nâng cấp đê bao Thạch Định, 10 tỷ đồng; trạm bơm tiêu úng Ngọc Thanh, 8,7 tỷ đồng...; ngoài ra, còn có các dự án đường giao thông nông thôn, công trình trạm y tế, nhà văn hóa, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đi đôi với đó, trên địa bàn huyện Thạch Thành cũng đã thu hút nhiều dự án đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 2.700 tỷ đồng, với nhiều dự án, như: Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO Thanh Hóa, tại hai xã Thạch Tượng, Thạch Lâm, với tổng vốn đăng ký đầu tư 654,463 tỷ đồng; dự án Khu Du lịch và nghỉ dưỡng sinh thái suối khoáng nóng Thành Minh, xã Thành Minh của Công ty TNHH Xuân Lộc, 610,6 tỷ đồng; xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Vân Du, do Công ty CP Tập đoàn Tân Phục Hưng làm chủ đầu tư, 275 tỷ đồng; dự án xây dựng Thiền viện Tịnh Lạc tại thị trấn Vân Du, 155,85 tỷ đồng; Nhà máy Chế biến nông sản xuất khẩu Thủy Nguyên tại xã Thành Tâm, 40,898 tỷ đồng; dự án trồng cây ăn quả cam, bưởi, ổi, bơ công nghệ cao tại hai xã Thành Vân, Thành Tân, 41,308 tỷ đồng và nhiều dự án khác. Những dự án này hoàn thành đầu tư xây dựng, đi vào sản xuất, kinh doanh đi vào hoạt động sẽ phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tạo động lực cho sự phát triển trên các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông nghiệp, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với du lịch tâm linh trên địa bàn huyện.

Công tác GPMB, đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất được huyện Thạch Thành tập trung chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như trước đây việc đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện ở một vài thửa đất có vị trí thuận lợi, nằm ngay sát các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các trục đường giao thông chính (không được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, diện tích các lô phía sau vị trí đấu giá không được sử dụng hiệu quả, xảy ra hiện tượng lấn chiếm, cảnh quan, mỹ quan khu dân cư không đồng bộ), UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lập mặt bằng quy hoạch chi tiết khu dân cư đô thị, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như đường giao thông, mương thoát nước, vỉa hè, cây xanh, đường điện... để đấu giá quyền sử dụng đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những kết quả trên đã góp phần nâng cao chỉ số DDCI huyện Thạch Thành, năm 2021 đạt 69,73 điểm, xếp thứ 8 trong khối UBND cấp huyện, dẫn đầu trong nhóm “Khá” của tỉnh; đã tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Đồng chí Phạm Đình Minh, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, cho biết: Thạch Thành chưa bằng lòng với những kết quả trên, UBND huyện vẫn đang tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là TTHC, xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số DDCI. Vì vậy, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 18-6-2022 về đẩy mạnh CCHC, xây dựng phát triển chính quyền điện tử, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh huyện Thạch Thành; Công văn số 2101/UBND-VP ngày 19-7-2022 về tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số DDCI; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn với các tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

Phấn đấu hàng năm DDCI của huyện dẫn đầu trong khối UBND cấp huyện. Đến năm 2025, 100% TTHC liên quan đến đất đai, GPMB, đầu tư, xây dựng, môi trường, tài chính ngân sách, thuế, bảo hiểm, quản lý thị trường, khám, chữa bệnh, hộ tịch... được thực hiện đúng thời gian. Duy trì tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn từ 98% trở lên; tỷ lệ giải quyết hồ sơ, công việc của các phòng, ban, đơn vị đạt từ 98% trở lên. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đối với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên tổng số hồ sơ được tiếp nhận (gồm cả trực tuyến, trực tiếp và qua bưu chính công ích) đạt từ 85% trở lên (đối với cấp xã đạt từ 80% trở lên); mức độ 4 đạt từ 80% trở lên (đối với cấp xã đạt từ 60% trở lên). 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC. 100% hồ sơ công việc tại cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); 100% các báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội của huyện được thực hiện trên hệ thống thông tin và kết nối với hệ thống thông tin báo cáo tỉnh. Triển khai nhân rộng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của UBND tỉnh đến 100% UBND cấp xã. 100% các dự án đầu tư trên địa bàn huyện hoàn thành đúng tiến độ về GPMB. 100% các xã, thị trấn có bộ phận một cửa trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ nhu cầu tra cứu, xử lý thông tin của người dân khi đến giao dịch. Tiếp tục duy trì 100% các trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện và công khai thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐCP ngày 13-6-2011 của Chính phủ. 100% các cơ quan Nhà nước sử dụng hệ thống mạng internet băng thông rộng tốc độ cao bảo đảm hiệu quả trong việc thực hiện công vụ, ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan, đơn vị; các hệ thống thông tin tại các cơ quan Nhà nước ứng dụng đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo mật và kịp thời ứng cứu với các sự cố an toàn thông tin xảy ra.

Để đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra, UBND huyện tổ chức họp giao ban định kỳ, chuyên đề để chấn chỉnh, nhất là trên lĩnh vực đất đai; kiện toàn tổ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức hội nghị gặp gỡ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Đổi mới phương thức làm việc, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo hiệu quả công việc của các cấp chính quyền. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, xem đây là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy CCHC; tập trung triển khai chuyển đổi số trong khối chính quyền, nhất là trong việc cung cấp các dịch vụ công..., góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Bằng sự quyết tâm và nỗ lực trong việc đẩy mạnh CCHC gắn với chuyển đổi số, huyện Thạch Thành kỳ vọng sẽ tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh phát triển, là điểm đến tin cậy đối với các nhà đầu tư – Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành Phạm Đình Minh – nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Xuân Hùng


Bài và ảnh: Xuân Hùng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]