(Baothanhhoa.vn) - Trong cuộc chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng không quân ra miền Bắc Việt Nam nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, đế quốc Mỹ coi cầu Hàm Rồng là một điểm tắc lý tưởng trên tuyến đường vận tải từ Bắc vào Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sự thảm bại của một dự án siêu bí mật của Mỹ ở Hàm Rồng

Trong cuộc chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng không quân ra miền Bắc Việt Nam nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, đế quốc Mỹ coi cầu Hàm Rồng là một điểm tắc lý tưởng trên tuyến đường vận tải từ Bắc vào Nam.

Vì vậy, ngay từ trận đầu giặc Mỹ đã sử dụng cả 2 lực lượng: máy bay của không quân Mỹ đóng ở Thái Lan và máy bay của hải quân Mỹ trên các tàu sân bay ngoài Biển Đông cùng tham chiến ở Hàm Rồng, Thanh Hóa.

Ngày mùng 3-4-1965, 8h sáng máy bay của hải quân Mỹ ngoài biển Đông công kích cầu Đò Lèn nhằm ngăn chặn lực lượng phòng không của ta từ Hà Nội chi viện cho Hàm Rồng. Đến 12h trưa, máy bay F105D của không quân Mỹ từ Thái Lan bắt đầu ồ ạt công kích cầu Hàm Rồng. Ngày hôm sau, 4-4-1965, máy bay của hải quân Mỹ ngoài đánh Đò Lèn còn đánh phà Ghép để cầm chân một đơn vị pháo cao xạ của ta từ Nghệ An kéo ra chi viện cho mặt trận Hàm Rồng, rồi sau đó mới cho máy bay F-105 của không quân Mỹ từ Thái Lan đánh phá Hàm Rồng.

Trong 2 ngày 3 và 4-4-1965, quân và dân Thanh Hóa chiến đấu cực kỳ dũng cảm, bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ, trong đó Đò Lèn 10 chiếc, phà Ghép 7 chiếc, riêng Hàm Rồng bắn rơi 30 chiếc, phần lớn là loại F-105 được mệnh danh là “Thần Sấm” của không quân chiến thuật Mỹ ở Thái Lan, đơn vị được cho là “Anh cả đỏ” của không lực Hoa Kỳ lúc bấy giờ, bảo vệ vững chắc cầu Hàm Rồng. Giặc Mỹ phải thú nhận hai ngày đầu tiên đánh phá cầu Hàm Rồng là 2 ngày “đen tối” của không lực Hoa Kỳ.

Tiếp sau đó trong các tháng 5, 6, 7 và 8, hàng loạt cuộc ném bom liên tiếp diễn ra, các phi đội cường kích F-105 Thần Sấm và các loại máy bay khác đã tấn công cây cầu gần 100 lần mà không gây bất kỳ tổn thất nào đáng kể. Cầu Hàm Rồng nhanh chóng trở thành một biểu tượng của sự thách thức đối với không lực Hoa Kỳ. Trên thực tế, cây cầu không có ý nghĩa chiến lược lớn đến mức như vậy, nhưng vấn đề ý nghĩa chính trị và biểu tượng bất khả xâm phạm của cầu Hàm Rồng đã làm cho người Mỹ phát điên.

Theo các nhà nghiên cứu chiến thuật của không quân Mỹ, có 2 nguyên nhân khiến máy bay thất bại trong các cuộc công kích vào Hàm Rồng là: Thứ nhất cây cầu có cấu trúc rất vững chắc nên các loại bom thông thường không đủ sức phá hủy. Thứ hai, nó nằm trên một địa hình hết sức phức tạp, hai bên là núi Rồng và núi Ngọc đứng án ngữ khiến máy bay ném bom chỉ có thể bay thấp dọc theo sông Mã, lấy độ cao ở khoảng cách ném bom và thả bom theo một hướng nhất định. Điều đó khiến cho hỏa lực phòng không dọc hai bờ sông Mã và trên hai ngọn núi Rồng và núi Ngọc thỏa sức nã đạn vào bụng các máy bay Thần Sấm. Thế trận này đã khiến hàng chục máy bay các loại của Mỹ trả giá bằng mạng sống của mình.

Để đánh sập cầu Hàm Rồng, không quân Mỹ cần một loại vũ khí có thể phá hủy mố giữa sông của cầu Hàm Rồng mới đánh sập được cây cầu. Vũ khí đó còn cần độ chính xác để đánh sập được mố cầu mà các phi công Mỹ vẫn tránh được lưới lửa phòng không dày đặc đã tiêu diệt hàng chục máy bay các loại của Mỹ.

Nhằm thỏa mãn hai yêu cầu trên, tháng 9-1965, phòng thí nghiệm vũ khí không quân Mỹ đưa ra một dự án siêu bí mật - Operation Carolina Moon - sử dụng đến một số công nghệ tiên tiến nhất tại thời điểm đó của nền khoa học Mỹ để triệt hạ cây cầu Hàm Rồng, một cái gai chọc vào mắt không lực Mỹ.

Dự án Moon Carolina đề xuất sử dụng máy bay vận tải C-130 thả những quả bom phao khổng lồ bằng dù xuống sông Mã. Các quả bom phao này sẽ nổi lên ở phía thượng lưu, trôi dần xuống cầu Hàm Rồng, bị kích nổ và phá hủy trụ cầu khiến cầu đổ sập xuống dòng sông. Phương án này cho phép các máy bay ném bom của Mỹ tránh được hỏa lực phòng không dày đặc của Việt Nam xung quanh chiếc cầu.

Bom phao nặng gần 4.000 pound (1.814 kg), đường kính khoảng 8 feet (2,4m) và cao 3 feet (0,9m), những thông tin này do trang War is Boring nhận được theo Luật Tự do thông tin. Những tài liệu này không mô tả phương thức các nhà thiết kế thực hiện để khiến quả bom phao nổi được và nổi ở mức nào.

Vỏ thép của các quả bom phao quá lớn, lực lượng không quân Mỹ phải yêu cầu Ủy ban Năng lượng nguyên tử giúp đỡ để chế tạo nó. Trong lớp vỏ kim loại là một đầu đạn có khối lượng lên tới khoảng 500 pound (226 kg) sẽ phát nổ bên dưới cây cầu. Các nhà chế tạo vũ khí không quân Mỹ ước tính sẽ tạo ra vụ nổ tương đương với 1.000 tấn TNT.

Không quân Mỹ đã chế tạo 20 quả bom phao chiến đấu và 10 quả bom huấn luyện không có chất nổ. Tổng chi phí cho tất cả các quả bom này khoảng 600.000 USD, tương đương với 4,5 triệu USD ngày nay.

Chưa đầy một năm sau khi dự án được thực thi, Bộ Tư lệnh Liên quân Mỹ thông qua chiến dịch tấn công cầu Hàm Rồng khi các bom phao đã được đưa đến Việt Nam. Nhưng không phải tất cả các sĩ quan không quân và chuyên viên kỹ thuật tin rằng quả bom có hiệu quả.

Trung tâm chiến thuật chiến tranh đường không quan ngại các quả bom sẽ gặp khó khăn, dạt vào bờ sông trước khi đến Hàm Rồng và kết luận: Cơ hội thành công là rất nhỏ. Tuy nhiên cũng không viện dẫn bất cứ chi tiết nào của kế hoạch để bác bỏ việc thực hiện dự án.

Đêm 31-5-1966, một chiếc C-130 đã thả 5 trong tổng số 20 quả bom phao vào sông Mã theo kế hoạch. Các phi công báo cáo những quả bom phao đã rơi thành công xuống dòng sông, nhưng trinh sát đường không không cho thấy bất kỳ thiệt hại nào của cây cầu sau cuộc tấn công.

Những ngày này, Đại đội 4 chúng tôi đang đóng chốt trên cao điểm 54 bên bờ Nam sông Mã, chỉ cách cầu Hàm Rồng chưa đầy 500 mét. Khoảng 8 giờ tối ngày 30-5-1966, một máy bay cánh quạt của ta từ phía Bắc vào có bay ngang qua Hàm Rồng. Một đơn vị 12ly7 bảo vệ vòng ngoài chắc là không nhận được thông báo nên bắn lên một loạt đạn nghe lạc lõng trong một khu vực dày đặc pháo phòng không các loại, khiến chiếc cánh quạt bật đèn nhấp nháy liên tục. May chưa gây ra thương tích gì. Ngay đêm đó trung đoàn ra lệnh cho tất cả các đơn vị hỏa lực ở Hàm Rồng, khi phát hiện máy bay cánh quạt, có lệnh của trung đoàn mới được bắn.

Đêm hôm sau, 31-5-1966, chiếc C130 mang theo 5 quả bom phao bay vào thả xuống dòng sông Mã phía thượng nguồn cầu Hàm Rồng. Đêm hôm ấy tính theo âm lịch là đêm 12 tháng tư, trời có trăng lu. Các đơn vị đã trực sẵn trên pháo nhưng nghe tiếng máy bay cánh quạt chưa có lệnh nên chưa dám nổ súng. Khi chiếc C-130 vào đến núi Đọ, trinh sát Đại đội 5 ở trận địa Đồng Đá bên bờ Bắc sông Mã phát hiện máy bay thả dù, báo lên trung đoàn. Khi có lệnh bắn, chiếc C-130 đã ngoặt ra hướng biển, chuồn thẳng.

Khi xác định được máy bay thả thủy lôi trôi theo dòng nước xuống gặp mố cầu phát nổ để phá cầu Hàm Rồng, trung đoàn liền điều động các đơn vị đóng 2 bên bờ sông cho anh em mang súng bộ binh xuống nấp trên bờ, khi phát hiện bom phao trôi xuống thì bắn cho phát nổ trước khi đến được mố cầu.

Tôi cùng với hơn chục anh em trên đồi 54 được đại đội cử đi bắn thủy lôi. Chúng tôi xuống bờ sông, cách cầu về phía thượng nguồn khoảng trên 500 mét, tìm mô đất cao nấp chờ sẵn. Địch thả bom phao chỗ ngã ba sông, nơi dòng sông Chu gặp dòng sông Mã, dưới bãi cát làng Giàng, cách cầu gần 2.000 mét, lại gặp lúc thủy triều đang lên nên những chiếc bom phao trôi rất chậm.

Chúng tôi đợi mãi đến quá nửa đêm vẫn không thấy bóng dáng thủy lôi đâu. Có nghe mấy lần mặt đất rung nhẹ, có lẽ thủy lôi đã nổ dưới dòng sông. Chúng tôi được lệnh rút về mà chưa được bắn phát nào. Sớm mai ngủ dậy, nhìn xuống sông Mã đã thấy các anh công an trên núi Mắt Rồng cùng công binh tỉnh đội Thanh Hóa đang trục vớt quả thủy lôi bên bờ đê làng Yên Vực.

Đêm hôm sau, cả Hàm Rồng trực sẵn để đánh máy bay đi thả thủy lôi. Máy bay C-130 là loại vận tải cánh quạt, to kềnh càng, khi nó xuất hiện đã bị chúng tôi phát hiện sớm. Dưới ánh trăng lu, nhiều đơn vị nhìn thấy máy bay nên chỉ một loạt đạn chiếc C-130 cùng với thủy lôi và lũ giặc lái đâm đầu xuống đất, nổ tung.

Sau này, tôi đọc được một tài liệu, chúng khai rằng:

“Ngày hôm sau (tức ngày 1-6-1966) các quan chức Mỹ lại ra lệnh tấn công và yêu cầu phi hành đoàn thả những quả bom còn lại gần cây cầu hơn. Nhưng đến gần hơn cây cầu cũng có nghĩa tiếp cận gần hơn các trận địa pháo phòng không các cỡ nòng và tên lửa phòng không.

Chuyện còn lại xảy ra là tất yếu. Chiếc C-130 trở thành mục tiêu ngon ăn nhất của phòng không miền Bắc Việt Nam. Số phận của các quả bom phao không rõ ràng. Tốp trinh sát F-4 Phantom báo cáo thấy một chớp sáng dữ dội ở vùng lân cận cây cầu kiên cường của tỉnh Thanh Hóa. Các quả bom phao đã nổ tung khi chiếc máy bay C-130 rơi xuống mặt đất”.

Tài liệu đó còn nói thêm: “Trong một vụ bắt cóc dân thường đánh cá miền Bắc Việt Nam sau vụ tấn công ở khu vực biển Thanh Hóa, không quân khẳng định bốn trong số các quả bom mà họ thả đã phát nổ thành công dưới cây cầu - nhưng không gây ra bất kỳ thiệt hại nào đáng kể cho cấu trúc thân cầu”.

Tình huống thực sự là quân và dân Thanh Hóa đã phát hiện ra các quả bom phao trôi nổi dọc dòng sông, tất cả đều cho rằng đây là một loại thủy lôi mới có thể dùng để tấn công các cầu phao hoặc bến cảng. Đại đa số đã bị tháo gỡ và phá hủy, vỏ một quả bom phao - thủy lôi này còn được lưu giữ tại viện bảo tàng vũ khí công binh tại Hà Nội.

Thảm bại của dự án đánh cầu bằng bom phao của không lực Hoa Kỳ đã phơi bày toàn bộ sự thất bại của không quân Mỹ trong việc đánh phá cầu Hàm Rồng. Nó một lần nữa khẳng định, cầu Hàm Rồng là cây cầu bất khả xâm phạm, là nỗi nhục của lực lượng không quân nhà nghề Hoa Kỳ, là niềm kiêu hãnh của quân và dân Việt Nam nói chung và quân và dân Thanh Hóa nói riêng.

LÊ XUÂN GIANG

*Bài viết sử dụng một số tài liệu, lời khai của phi công đi đánh phá Hàm Rồng bị ta bắn rơi và hồi ức của người tham chiến trận này ở Hàm Rồng.


LÊ XUÂN GIANG

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]