(Baothanhhoa.vn) - Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) là cơ quan Nhà nước đặc thù trong mô hình Nhà nước XHCN, được V.I.Lênin dày công gây dựng trong quá trình xây dựng Nhà nước Xô-viết non trẻ, đây là cơ quan Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo vệ pháp chế XHCN. Vì thế, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò VKSND trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Kỷ niệm 62 năm ngày thành lập ngành kiểm sát Nhân dân (26-7-1960 – 26-7-2022)

Phát huy vai trò của Viện Kiểm sát Nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) là cơ quan Nhà nước đặc thù trong mô hình Nhà nước XHCN, được V.I.Lênin dày công gây dựng trong quá trình xây dựng Nhà nước Xô-viết non trẻ, đây là cơ quan Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo vệ pháp chế XHCN. Vì thế, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò VKSND trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Phát huy vai trò của Viện Kiểm sát Nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Toàn cảnh hội nghị chuyên đề về “Nâng cao trách nhiệm của viện trưởng, thủ trưởng đơn vị trong thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của VKSND”. Ảnh: Quốc Hương

Tầm quan trọng của VKSND trong xây dựng Nhà nước XHCN

Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước Xô-viết non trẻ, V.I.Lênin đã thấy được vai trò to lớn của pháp luật và pháp chế đối với sự tồn tại, củng cố và lớn mạnh của chính quyền Xô-viết, năm 1922, VKSND Liên Xô được thành lập nhằm đảm bảo cho việc thực hiện pháp chế được thống nhất trong phạm vi cả nước, đồng thời còn là thiết chế góp phần quan trọng kiểm soát quyền lực Nhà nước.

Theo V.I.Lênin, VKSND phải thực hiện chức năng công tố, chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan Nhà nước, qua đó bảo vệ pháp chế XHCN. Các chức năng này có mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ với nhau nhằm bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc pháp chế XHCN trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan Nhà nước và quản lý điều hành xã hội. Trong đó, VKSND thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát việc tuân thủ pháp luật chính là nhằm đảm bảo pháp chế XHCN được thực hiện đầy đủ và thống nhất trong phạm vi cả nước; ngược lại VKSND bảo vệ tốt pháp chế XHCN cũng chính là bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật và nhờ đó, pháp luật được thực hiện tốt nhất trong thực tế. Chính vì thế, VKSND phải thực hiện tốt cả chức năng công tố, chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan Nhà nước và bảo vệ pháp chế XHCN, không thiên lệch chức năng nào hơn chức năng nào.

Thực tiễn xây dựng VKSND ở Việt Nam

Theo Hiến pháp năm 1959, các cơ quan tư pháp được quy định tại Chương 8 bao gồm tòa án Nhân dân (TAND) và VKSND. TAND tối cao, VKSND tối cao (tiền thân là Viện Công tố Nhân dân Trung ương) không còn trực thuộc Hội đồng Chính phủ như Hiến pháp năm 1946 mà đã trở thành các cơ quan độc lập trực thuộc Quốc hội: “VKSND tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội” (Điều 108). VKSND thực hiện hai chức năng: chức năng công tố và chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật: “VKSND tối cao nước Việt Nam dân chủ cộng hòa kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và công dân. Các VKSND địa phương và viện kiểm sát quân sự có quyền kiểm sát trong phạm vi do luật định” (Điều 105). VKSND hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất dưới sự lãnh đạo của Viện trưởng VKSND tối cao và nguyên tắc độc lập không chịu sự lãnh đạo ngang của các cơ quan Nhà nước cùng cấp: “VKSND các cấp chỉ chịu sự lãnh đạo của VKSND cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của VKSND tối cao” (Điều 107).

Hiến pháp năm 1980 và Luật Tổ chức VKSND năm 1981 quy định rõ hơn về chức năng của VKSND, đó là: kiểm sát việc tuân theo pháp luật và thực hành quyền công tố bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất; quy định rõ hơn về tổ chức và hoạt động của VKSND theo nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành, không lệ thuộc vào bất cứ cơ quan nào của Nhà nước ở địa phương; VKSND do viện trưởng lãnh đạo, viện trưởng VKSND cấp dưới chịu sự lãnh đạo của viện trưởng VKSND cấp trên và chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao: “VKSND tối cao nước CHXHCN Việt Nam kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ và cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang Nhân dân, các nhân viên Nhà nước và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Các VKSND địa phương, các viện kiểm sát quân sự kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố trong phạm vi trách nhiệm của mình” (Điều 138).

Hiến pháp năm 1992 giữ nguyên tổ chức, chức năng của VKSND như Hiến pháp năm 1980.

Nhìn chung, chức năng của ngành kiểm sát cơ bản ổn định qua các bản Hiến pháp 1959, 1980 và 1992, đó là: (1) kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước, hoạt động này bao gồm kiểm sát văn bản và kiểm sát hành vi; (2) điều tra những việc phạm pháp về hình sự và truy tố trước tòa án những người phạm pháp về hình sự; (3) kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của cơ quan công an và cơ quan điều tra khác; (4) kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử của các tòa án và trong việc chấp hành các bản án; (5) kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giam giữ người của các trại giam; (6) khởi tố, hoặc tham gia tố tụng đối với những vụ án dân sự quan trọng liên quan đến lợi ích của Nhà nước và của Nhân dân(1). Trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước, VKSND có quyền kháng nghị văn bản pháp quy vi phạm pháp luật, đó là quyền phát hiện văn bản pháp quy có vi phạm, phản ứng lại với chủ thể ban hành văn bản đó bằng việc ban hành văn bản có tên gọi là “Kháng nghị” đối với văn bản có vi phạm, chỉ rõ văn bản ở: thẩm quyền (thẩm quyền nội dung và thẩm quyền hình thức), hình thức, nội dung; đồng thời yêu cầu chủ thể đã ban hành văn bản đó xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Như thế trong giai đoạn này, Việt Nam đã áp dụng triệt để quan điểm V.I.Lênin về chức năng, tổ chức, hoạt động của VKSND.

Trong tiến trình cải cách tư pháp, chức năng của VKSND có sự chuyển biến. Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001) đã bỏ chức năng kiểm sát chung của VKSND đối với việc tuân theo pháp luật của các cá nhân, cơ quan và tổ chức, VKSND chỉ thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Đến Hiến pháp năm 2013, VKSND tiếp tục thực hiện chức năng quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp như trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001): “VKSND thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” (Điểm 1, Điều 107), có nhiệm vụ “bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất” (Điểm 3, Điều 107).

Thông qua việc định rõ chức năng, nhiệm vụ, VKSND góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền Nhà nước ở Việt Nam trong thời gian qua. Đây là nhu cầu tất yếu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, vì thế trải qua năm bản Hiến pháp: Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001) và 2013, tư duy về tổ chức và thực thi quyền lực Nhà nước ở nước ta ngày một hoàn thiện, trong đó cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước dần được khẳng định rõ. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Khoản 3, Điều 2).

Định hướng nhằm phát huy vai trò của VKSND trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, VKSND phải tiếp tục thực hiện tốt chức năng thực hiện quyền công tố nhằm xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vi phạm pháp luật hình sự; bên cạnh đó, VKSND kiểm sát tốt hoạt động tư pháp, bảo vệ công lý, pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể pháp luật, qua đó đảm bảo sự thực hiện pháp luật một cách thống nhất; bảo đảm trật tự pháp luật và thực hiện pháp luật nghiêm minh.

Để thực hiện tốt chức năng này, hoạt động của hệ thống VKSND ở Việt Nam phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm chỉnh những nguyên tắc cơ bản sau đây: (1) Nguyên tắc tập trung thống nhất - các kiểm sát viên phục tùng viện trưởng VKSND tương ứng của mình, viện trưởng VKSND cấp dưới phục tùng viện trưởng VKSND cấp trên, viện trưởng VKSND các cấp phục tùng Viện trưởng VKSND tối cao; (2) Nguyên tắc độc lập - ngoài Viện trưởng VKSND tối cao, hệ thống VKSND thực hiện thẩm quyền của mình không phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan Nhà nước, tổ chức, phương tiện thông tin đại chúng hay người có chức vụ nào; (3) Nguyên tắc pháp chế - hệ thống VKSND hoạt động trên cơ sở bảo đảm tính pháp chế tối thượng và hiệu lực trực tiếp của Hiến pháp và của các luật đối với các văn bản dưới luật và các văn bản pháp quy khác; (4) Nguyên tắc công khai - hệ thống VKSND hoạt động công khai, trừ những trường hợp phải bảo vệ bí mật nghề nghiệp do pháp luật quy định; (5) Nguyên tắc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp - các kiểm sát viên khi vào ngành kiểm sát phải tuyên thệ theo luật định và phải giữ gìn đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ bảo vệ pháp luật.

Thứ hai, vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin trong nghiên cứu giám sát hành chính hiện nay. Xác định cơ quan nào là cơ quan thay VKSND trong chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan hành chính Nhà nước, để có thể kháng nghị các nghị quyết và quyết định của chính quyền địa phương trái với hiến pháp, pháp luật; đặc biệt kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan hành pháp theo hướng chỉ tập trung vào đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong bộ máy hành pháp và kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ, việc tố tụng về hình sự và phi hình sự (hành chính, lao động, dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình). VKSND tối cao có những thẩm quyền: kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc nhánh quyền hành pháp nhưng theo định hướng chỉ tập trung vào hoạt động đấu tranh phòng - chống tham nhũng trong bộ máy hành pháp; kiểm sát việc bảo vệ các quyền và tự do của con người và của công dân.

Thứ ba, phát huy vai trò của VKSND trong kiểm soát quyền lực Nhà nước.

Để phát huy vai trò VKSND trong kiểm soát quyền lực Nhà nước ở nước ta hiện nay cần thiết phải khôi phục lại quy định về chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của VKSND.

Gắn với việc phân công thực hiện quyền lực Nhà nước, tất yếu đòi hỏi phải có việc kiểm tra và giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước được phân công, ủy quyền cho các chủ thể (lập pháp, hành pháp, tư pháp). VKSND với chức năng là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật đã được hiến định trong Hiến pháp 1959 và tiếp theo đó là Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992, nhưng đến Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001) và Hiến pháp năm 2013, VKSND chỉ còn hai chức năng là: chức năng công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp. Gắn với thực hiện phân công quyền lực là cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh sự lạm quyền và đòi hỏi phải có một cơ quan độc lập trong hệ thống bộ máy Nhà nước được Quốc hội phân công thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát - nhân danh cơ quan quyền lực tối cao.

Tuy nhiên, do đặc thù trong hoạt động của Quốc hội nước ta chủ yếu là thông qua các kỳ họp và số lượng đại biểu chuyên trách còn hạn chế, nên cần phải thiết lập một cơ quan thực hiện chức năng giám sát phục vụ cho yêu cầu kiểm soát quyền lực Nhà nước, tránh lạm quyền, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh. Vì thế, để nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực Nhà nước, cần thiết phải xem xét, bổ sung chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật cho VKSND bên cạnh chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

(1). Nguyễn Đăng Dung (Chủ biên) (2014), Viện Kiểm sát Nhân dân trong Nhà nước pháp quyền, NXB Tư pháp, Hà Nội, tr. 124-134.

Lê Văn Đông

Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa


Lê Văn Đông

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]