Ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi gặp những đoàn cựu chiến binh, trong đó có nhiều người sức đã yếu, phải chống gậy, phải có người dìu. Thế nhưng vượt lên bệnh tật, vượt qua sự thất thường của thời tiết, họ đã có mặt ở đây, bên đồng đội của mình. Đó là sự cảm động vô cùng. Trong sâu thẳm tâm trí họ, trên hết và mãi mãi có bóng hình những người đồng đội. Những người đã ngã xuống, dù rất lâu rồi, nhưng không thể quên. Trở lại chiến trường, trở lại nơi đồng đội yên nghỉ vào dịp đặc biệt như thế này, một việc tưởng bình thường, nhưng vô cùng có ý nghĩa.
Dâng nén hương thơm cho những người một thời cùng chiến hào, giờ âm dương cách trở, những cựu chiến binh như thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn. Dù có là chiến tranh hay hòa bình, ở điều kiện kinh tế nào đi chăng nữa, thì trên hết, nghĩa tình đồng đội vẫn mãi trường tồn, là thứ thiêng liêng, cao quý nhất.
Bất giác lúc này tôi liên tưởng đến nghĩa tình đồng đội thật nhẹ nhàng, nhưng vô cùng thiêng liêng trong bài thơ ngắn của Lê Bá Dương viết trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất ở vùng đất lửa Quảng Trị - Trường Sơn: "Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi hòa sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm".
Chiến tranh đã đi qua đã lâu, nhưng những gì còn đọng lại đủ để chúng ta thấy sự tàn khốc của nó. Vượt lên mất mát, đau thương, còn đó mãi mãi một bài ca hùng tráng về tinh thần chiến đấu và chiến thắng. Rất nhiều người con đã vĩnh viễn ra đi cho sự bình yên đất mẹ. Rất nhiều người đã để lại một phần cơ thể nơi rừng thẳm, núi cao. Nhưng trên hết họ luôn tự hào đã được cống hiến phần đời thanh xuân đẹp nhất cho sự vẹn toàn của đất nước, cho tình hữu nghị với nước bạn láng giềng. Những người đã có công với đất nước, và sau chiến tranh họ xứng đáng nhận được sự tôn vinh, tri ân. Dù biết rằng cố gắng bao nhiêu cũng khó đền đáp xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của đội ngũ thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, nhưng như một đạo lý ngàn đời nay, người đi sau luôn nhìn về quá khứ để tỏ bày, đáp đền.
Tháng bảy, cùng với các hoạt động thăm, viếng nghĩa trang liệt sĩ là rất nhiều hoạt động thăm, tặng quà, chăm sóc người có công đang được các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể thực hiện. Đây là những việc làm thường xuyên trong năm và đặc biệt trở thành cao điểm vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày thương binh - liệt sĩ, như sự tiếp nối mạch nguồn truyền thống, đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”...
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các chiến sĩ, thương binh, bệnh binh, Người nói: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người đã có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Ngày 16-2-1947, Người ký Sắc lệnh số 20/SL quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Tháng 6-1947, Bác đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm làm “Ngày thương binh toàn quốc” để đồng bào có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh, và ngày 27-7 đã được chọn là Ngày thương binh toàn quốc, đến năm 1955 thì đổi thành Ngày thương binh - liệt sĩ.
Tiếp nối truyền thống tri ân và biết ơn ấy, 75 năm qua rất nhiều chế độ, chính sách dành cho người có công đã được Đảng, Nhà nước ban hành và tiếp tục hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tế. Cùng với đó, nhiều nghĩa trang liệt sĩ được xây mới, tu bổ. Các đội quy tập hài cốt liệt sĩ không quản khó khăn, ngày đêm tìm kiếm, cất bốc, đưa các anh, chị về với đất mẹ. Đặc biệt, từ năm 2021 chế độ dành cho người có công tiếp tục được tăng lên một bậc theo Quyết định số 1142/QĐ-CTN của Chủ tịch nước. Cũng từ ngày 1-7-2021, Pháp lệnh ưu đãi về người có công có hiệu lực thay thế Pháp lệnh năm 2005 đã quy định mức trợ cấp hàng tháng với Mẹ Việt Nam anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn.
Việc ban hành chính sách mới không chỉ giúp thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ thêm ổn định cuộc sống, còn góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, lan tỏa thông điệp về lòng biết ơn, trách nhiệm của người sau với người trước, người hái quả đối với người trồng cây...
Hòa vào dòng chảy tri ân, cùng với việc thực hiện đảm bảo và kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công, trong nhiều năm qua bên cạnh việc sử dụng ngân sách hợp lý để chăm lo cho thương, bệnh binh, gia đình chính sách, tỉnh Thanh Hóa đã huy động nhiều nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ người có công. Theo đó, nhiều người có công đã được hỗ trợ sinh kế, chăm sóc sức khỏe, làm nhà, từ đó động viên thương, bệnh binh, gia đình chính sách tiếp tục vươn lên ổn định cuộc sống.
Những ngày tháng bảy này, dù có rất nhiều việc phải chỉ đạo, điều hành, nhưng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã rất sớm có mặt ở những địa bàn xa xôi để viếng các anh hùng liệt sĩ, dâng hương tưởng nhớ những người con đã ngã xuống, trong đó có rất nhiều người con quê hương Thanh Hóa. Phần mộ của các anh, các chị dù nằm xa quê mẹ, nhưng không hề lạnh lẽo. Cùng với sự chăm sóc của các ban quản lý nghĩa trang, mỗi dịp tháng bảy, những nén hương thơm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, của người thân từ quê nhà lại được thắp lên sưởi ấm từng phần mộ.
Từ đầu tháng 7-2022 đến nay, nhiều đoàn công tác của tỉnh do các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã đến những nghĩa trang ở nơi rất xa từ miền Tây Nam bộ, biên giới Tây Nam, đến đất lửa Miền Trung, nơi đại ngàn Tây Bắc… để tỏ lòng thành kính, biết ơn những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, trong đó có rất nhiều người con quê hương Thanh Hóa.
Trong hành trình tri ân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đến viếng các liệt sỹ tại một số nghĩa trang thuộc tỉnh Hậu Giang, Tây Ninh, thành phố Cần Thơ, mở đầu cho chuỗi các hoạt động tri ân của tỉnh nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tại những nơi đến viếng, đồng chí đã tỏ lòng thành kính, xúc động và biết ơn trước sự hy sinh của những anh hùng liệt sĩ. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã bày tỏ quyết tâm đoàn kết, đổi mới, phấn đấu xây dựng tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra cũng như các nghị quyết mà Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành dành riêng cho tỉnh. Tiếp đó các đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lại Thế Nguyên; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh đã dẫn đầu các đoàn công tác đến viến nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, các nghĩa trang, điểm di tích tưởng niệm thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Giang, Điện Biên…
Trong tỉnh, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đến các nghĩa trang liệt sĩ, di tích cách mạng dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng đã đến thăm hỏi, tặng quà, tỏ lòng tri ân đối với người có công, động viên các thương, bệnh binh nỗ lực vượt lên bệnh tật, phát huy truyền thống cách mạng của đất nước, quê hương và gia đình, tiếp tục xung kích, đi đầu trong các phong trào thi đua, lan tỏa tinh thần cách mạng đến các thế hệ tiếp nối, để cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Cũng trong tháng bảy này, các ngành, địa phương trong tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa với nhiều hoạt động nghĩa tình, nhân lên sự nhân văn và biết ơn đối với người có công với cách mạng.
Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp vào sự thành công, thống nhất và vẹn toàn đất nước. Toàn tỉnh đang quản lý 349.469 người có công với cách mạng, trong đó có 4.630 Mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 94 Mẹ còn sống); 55.932 liệt sĩ; 860 cán bộ lão thành cách mạng, 444 cán bộ tiền khởi nghĩa, 43.571 thương binh; 15.959 bệnh binh; 14.539 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 1.065 người có công giúp đỡ cách mạng; 1.636 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 210.833 người tham gia kháng chiến được tặng huân chương, huy chương.
Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong 5 năm gần nhất (từ 2018 đến 2022) các cấp, ngành trong tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 94 mẹ; tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và giải quyết chế độ, chính sách mới cho 919 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thiết lập hồ sơ theo quy định và đề nghị công nhận 45 trường hợp là liệt sĩ, 373 trường hợp được xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, xét duyệt và chi trả trợ cấp cho 4.713 người được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong kháng chiến; thực hiện chế độ tuất, mai táng phí, ưu đãi học sinh, sinh viên đối với 7.118 thân nhân người có công, tiếp nhận và di chuyển 1237 hồ sơ người có công;trình Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công cho 3.481 liệt sĩ.Hằng năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình cho gần 28.000 người có công, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người có công và thân nhân người có công theo quy định.
Hiện nay, có 69.466 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hằng tháng. Đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản ổn định, có trên 99,8% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. 100% các Mẹ Việt Nam anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời.Các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng.
Cùng với việc chăm sóc, tri ân những người còn sống, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ cũng đã được chú trọng. Đặc biệt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin luôn được đẩy mạnh.
Tỉnh Thanh Hóa đã huy động sự đóng góp của Nhân dân được hơn 56 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng mới 338 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 555 nhà với kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng và hàng vạn suất quà thăm hỏi gia đình người có công với cách mạng; tặng 408 sổ tiết kiệm cho người có công với cách mạng. Hầu hết người có công và thân nhân người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở, 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đã nhận được phụng dưỡng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội…
Tháng bảy, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022) là dịp để lần nữa các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội thêm thấu hiểu, biết ơn đến những người đã ngã xuống, những người đã hy sinh một phần máu thịt vì độc lập tự do của dân tộc, từ đó nâng cao hơn trách nhiệm chăm lo, góp phần xây dựng một xã hội nhân văn và biết ơn hơn nữa.
Xin thắp nén hương lòng, góp tâm nguyện mãi mãi hướng về các chị, các anh - những người đã nằm xuống.