(Baothanhhoa.vn) - Hậu Lộc - vùng đất ven biển xứ Thanh được biết đến như cái nôi của cách mạng với những chiến sĩ trung kiên mà tên tuổi họ đã đi vào lịch sử dân tộc.

Những chiến sĩ cách mạng trên quê hương Hậu Lộc

Hậu Lộc - vùng đất ven biển xứ Thanh được biết đến như cái nôi của cách mạng với những chiến sĩ trung kiên mà tên tuổi họ đã đi vào lịch sử dân tộc.

Những chiến sĩ cách mạng trên quê hương Hậu Lộc

Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập trên địa bàn xã Xuân Lộc là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Lê Hữu Lập - người học trò ưu tú của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc

Cách trung tâm huyện Hậu Lộc chỉ chưa đầy 2 km, Khu Di tích tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập nằm trên địa bàn xã Xuân Lộc được xem là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Trời vào thu, trong không gian di tích tĩnh lặng, câu chuyện về người cộng sản là “Bí thư đầu tiên của Việt Nam Cách mạng Thanh niên Thanh Hóa” - Lê Hữu Lập được “kể” lại qua những tư liệu lịch sử.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống học hành, coi trọng chữ nghĩa, Lê Hữu Lập sớm nhìn rõ hiện tình đất nước trước ách ngoại xâm. Vì thế, ông đã xác định con đường đi cho mình. Ngay khi còn trẻ, Lê Hữu Lập đã theo Đinh Chương Dương đi hoạt động cách mạng. Năm 1924, ông được Đinh Chương Dương đưa sang Trung Quốc tham gia tổ chức Tâm Tâm Xã. Cũng trong năm này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau thời gian ra đi tìm đường cứu nước đã bí mật trở về Trung Quốc. Từ Tâm Tâm Xã, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn những thanh niên ưu tú để lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng. Trong số những người được chọn lúc bấy giờ còn có các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong... Tham gia vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được xem là sự kiện có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời người cộng sản Lê Hữu Lập.

Lê Hữu Lập được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giác ngộ, đào tạo để trở thành người cộng sản kiên cường. Năm 1925, ông và một số đồng chí được Tổng bộ phái về nước hoạt động, gây dựng cơ sở. Ông hoạt động trên một địa bàn rộng lớn từ Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa đến Quảng Trị. Để hoạt động cách mạng được hiệu quả, Lê Hữu Lập đã chủ động lập ra các tổ chức yêu nước như: “Hội đọc sách báo”; “Hưng nghiệp hội xã”; “Hội cày thuê”; “Hội sinh viên”... Trên cơ sở các tổ chức được lập ra, ông lại tuyển chọn những thanh niên ưu tú để “xuất dương” sang Trung Quốc theo kế hoạch của Tổng bộ. Sách Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội viết: “Tháng 8 năm 1926, đoàn xuất dương đầu tiên trong nước đến được Quảng Châu. Đoàn gồm hai bộ phận, một gồm những thanh niên ở Nam Định, Thái Bình do Lê Hữu Lập tổ chức dẫn đường, hai từ Nghệ An do Lê Duy Điếm tổ chức dẫn đường”.

Theo sách Địa chí Hậu Lộc (phần Nhân vật): “Từ những tổ chức cách mạng nói trên, Lê Hữu Lập đã phát triển thành tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Thanh Hóa. Ông là Bí thư đầu tiên của Tỉnh bộ lâm thời cũng như Tỉnh bộ chính thức... Do vai trò to lớn của ông đối với phong trào cách mạng ở những nơi ông hoạt động nên năm 1929 dù đang ở Thái Lan, ông vẫn bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt. Sau vụ Hàm Hạ, bọn địch phát hiện ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Thanh Hóa và Quảng Trị, chúng tìm ra đầu mối do ông đứng đầu... Có thể kết luận rằng, Lê Hữu Lập là người sáng lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở trong tỉnh Thanh Hóa, rồi đến Quảng Trị”.

Năm 1934, khi đang hoạt động tại Nghệ An nhằm xây dựng phong trào nhưng trải qua những gian khổ trong quá trình hoạt động, Lê Hữu Lập lâm bệnh nặng. Vào một ngày cuối tháng 6-1934, người cộng sản xứ Thanh Lê Hữu Lập qua đời khi tuổi đời còn khá trẻ. Tuy vậy, tên tuổi ông đã trở thành một phần “lịch sử” của cách mạng dân tộc. Tên ông được đặt cho nhiều tuyến phố, trường học trên địa bàn tỉnh, để nhắc nhớ hậu sinh về một người chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Xứ ủy Bắc Kỳ Nguyễn Chí Hiền - người chiến sĩ cách mạng kiên trung

Cũng giống như người tiền bối, Nguyễn Chí Hiền (người làng Trường Trung, xã Hòa Lộc) từ nhỏ đã bộc lộ sự thông minh, tính tình ngay thẳng, cương nghị. Ông chủ động tìm đến người đàn anh cùng quê Lê Hữu Lập để hiểu thêm về “Cách mạng”. Sau thời gian thử thách, Nguyễn Chí Hiền được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Thanh Hóa, phụ trách phong trào trên địa bàn huyện Hậu Lộc.

Tháng 4-1927, Nguyễn Chí Hiền được bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh bộ lâm thời Thanh Hóa, do Lê Hữu Lập làm Bí thư. Sau một thời gian, ông cùng một số thanh niên được tuyển chọn đưa sang Trung Quốc dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức ở Quảng Châu. Thời gian học tập đã giúp chàng trai trẻ Nguyễn Chí Hiền không chỉ mở mang tầm nhìn về thế giới, về thời cuộc và cả hiện tình đất nước, vận mệnh dân tộc. Sau đó, ông quay trở về nước, tiếp tục hoạt động trong tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên Thanh Hóa và được giữ chức Bí thư (trong thời gian Lê Hữu Lập sang công tác tại Thái Lan theo yêu cầu của Kỳ bộ Trung Kỳ).

Khi hoạt động cách mạng đang sôi nổi thì xảy ra sự vụ Hàm Hạ ngày 14-7-1929. Để thoát sự truy lùng của kẻ thù, ông đã ra Bắc Ninh nhằm bắt mối với Xứ ủy Bắc Kỳ. Và, ông nhanh chóng được Xứ ủy Bắc Kỳ bổ sung vào Tỉnh ủy Thái Bình. Tháng 4-1930, Tỉnh ủy Thái Bình mở hội nghị quyết định lấy huyện Tiền Hải làm trung tâm phát động quần chúng đấu tranh để bênh vực phong trào tranh đấu của nông dân Nghệ Tĩnh. Đồng chí Nguyễn Chí Hiền được phân công chỉ đạo phong trào đấu tranh ở Tiền Hải. Phong trào đấu tranh của nông dân Tiền Hải đã gây được tiếng vang lớn trong cả nước. Theo sách Những sự kiện lịch sử Đảng: “Đảng cộng sản Pháp biết tin đã phát động phong trào phản đối khủng bố trắng của thực dân Pháp ở Đông Dương, ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh và nông dân huyện Tiền Hải - Thái Bình”. Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Chí Hiền lại tiếp tục chỉ đạo cuộc diễn thuyết tại chợ Cao Mại (huyện Kiến Xương cũ) nhằm kêu gọi quần chúng đấu tranh hưởng ứng phong trào ở Tiền Hải. Thời gian này, ông được bổ sung vào Xứ ủy Bắc Kỳ.

Năm 1931, trong chuyến công tác về Xứ ủy Bắc Kỳ, ông bị kẻ địch bắt và đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò, rồi đưa lên nhà tù Sơn La. Dù bị tra tấn, đánh đập dã man, song ý chí người chiến sĩ cách mạng không cho phép ông đầu hàng. Và một ngày tháng 4-1933, tại nhà tù Sơn La, người cộng sản Nguyễn Chí Hiền đã trút hơi thở cuối cùng, đến tận lúc này ông vẫn giữ nguyên vẹn lời thề kiên trung với Đảng và hiến dâng trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc.

Đất nước, dân tộc ta để có được độc lập, tự do như ngày hôm nay đã phải đánh đổi bằng biết bao máu xương, hy sinh của những bậc tiền bối đi trước. Bà Nguyễn Thị Thuần, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hậu Lộc, cho biết: “Tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của hậu thế với những đồng chí đã hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, hàng năm Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hậu Lộc thường xuyên phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng các trường học, địa phương tổ chức hoạt động thăm các “địa chỉ đỏ” như: Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập, Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Hiền... nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Người dân Hậu Lộc luôn tự hào về những chiến sĩ cách mạng trên quê hương mình”.

(Bài viết có tham khảo nội dung trong phần Nhân vật của sách Địa chí Hậu Lộc).

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]