(Baothanhhoa.vn) - Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng, cấp thiết, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhanh chóng đưa tinh thần Hội nghị Trung ương 7 vào thực tiễn cuộc sống

Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng, cấp thiết, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 7. Ảnh: baochinhphu

Đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân đều mong mỏi những giải pháp được đề xuất, thảo luận thấu đáo tại hội nghị này về 3 đề án lớn: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cải cách chính sách tiền lương; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội sẽ sớm được đi vào thực tiễn cuộc sống, nhằm khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém, tạo đột phá mang tính khả thi, tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Dưới đây là một số ý kiến do phóng viên Báo Thanh Hóa ghi nhận.

Đồng chí Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: Kỳ vọng về những đột phá trong công tác cán bộ

Theo dõi tin tức về Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) tôi rất tâm huyết khi Trung ương lựa chọn bàn luận và quyết định về những vấn đề hết sức hệ trọng của đất nước, trong đó tôi đặc biệt quan tâm đến nội dung: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thực tế thời gian qua, việc đánh giá cán bộ vẫn còn hình thức, nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”... dẫn tới thực trạng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thiếu, vừa thừa cán bộ xảy ra ở nhiều nơi. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, thiếu gương mẫu, để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, gây bức xúc trong nhân dân... Sau Hội nghị Trung ương lần này, tôi kỳ vọng có những đột phá trong công tác cán bộ, nhất là sự chuyển biến mạnh về phương pháp đánh giá nhằm nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ, bảo đảm đúng thực chất, rõ người, rõ việc, rõ năng lực... để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược “có tâm và có tầm”, đủ phẩm chất, có uy tín và năng lực, ngang tầm nhiệm vụ được giao. Ðể thực hiện thành công mục tiêu này, việc đánh giá cán bộ cần gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của lĩnh vực, ngành, địa phương và so sánh với các chức danh tương đương; đánh giá để bổ nhiệm và bầu cử phải trực tiếp khảo sát, gặp gỡ, trao đổi đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan và tiếp nhận ý kiến phản ánh, đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân để nắm rõ cán bộ.

Mặt khác, tiền lương thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy Nhà nước. Vì vậy, tôi mong muốn Đề án cải cách tiền lương đưa ra tại Hội nghị Trung ương lần này thực sự tạo được sự đột phá trong chế độ phân phối, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Đồng chí Hà Xuân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh: Để tiền lương là thu nhập chính của người lao động

Những ngày gần đây, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh và cá nhân tôi theo dõi sát sao và rất phấn khởi, kỳ vọng nhiều vào các quyết sách quan trọng của Đảng đối với vấn đề tiền lương đang được thảo luận tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7. Dự thảo Đề án cải cách chính sách tiền lương đưa ra để cải cách toàn diện cả thang lương, bảng lương, mức lương cơ sở, hệ số lương, bội số lương và các khoản phụ cấp, trong đó, chú trọng đến tiền lương và tính giá trị tuyệt đối của tiền lương chứ không tính theo ngạch, bậc, thang bảng lương như hiện nay. Những giải pháp đề ra trong đề án thực sự mang tính đột phá, hướng tới những giá trị tiến bộ và công bằng trong phân phối thành quả lao động. Bởi chỉ có trả lương đúng theo công sức mỗi người bỏ ra mới thực sự là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hy vọng, sự thay đổi tổng thể này sẽ đảm bảo tiền lương trở thành thu nhập chính, bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ. Khi đảm bảo được cuộc sống tối thiểu bằng lương, người lao động sẽ không phải tìm cách để có thêm những thu nhập ngoài luồng khác. Vì vậy, cải thiện tiền lương cũng có tác dụng to lớn trong việc lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội, đặc biệt trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Quảng Xương: Phải coi trọng cả 2 yếu tố phẩm chất và năng lực của cán bộ

Đứng trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, Hội nghị Trung ương 7 lần này đã tập trung thảo luận một nội dung rất quan trọng đó là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tổng Bí thư đã đặt ra câu hỏi, đối với cán bộ chú trọng đặc biệt phẩm chất hay năng lực, hay coi trọng cả hai? Theo tôi, phải coi trọng cả hai, người cán bộ phải vừa có Đức, vừa có Tài. Song trước hết người cán bộ cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, phải có ý chí tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên, bên cạnh đó là các tiêu chuẩn về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời với các chính sách về cán bộ, hội nghị lần này đã thảo luận, đề xuất các chế tài nhằm giám sát, kiểm soát quyền lực của cán bộ. Hy vọng với các chế tài ngày càng được hoàn thiện sau hội nghị này sẽ chống được việc lạm quyền, tiếm quyền, thoái quyền; ngăn chặn, đẩy lùi các tiêu cực, tham nhũng hiệu quả hơn.

Ngoài chế tài và thực thi pháp luật nghiêm thì cũng cần có chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng để cán bộ yên tâm cống hiến, làm việc. Tôi cho rằng việc triển khai thực hiện Đề án cải cách chính sách tiền lương đồng thời với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, xác định đúng vị trí việc làm sẽ tạo được động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yên tâm công tác, phấn đấu, từng bước khắc phục được những bất cập, hạn chế trong chính sách tiền lương hiện nay.

Anh Dương Ngọc Tuấn, Sở Y tế: Những kỳ vọng vào cải cách lịch sử

Là công chức, bí thư đoàn thanh niên Sở Y tế, tôi rất quan tâm theo dõi Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Cá nhân tôi nhận thấy: Dự thảo Đề án cải cách chính sách BHXH mà Hội nghị Trung ương 7 thảo luận lần này được thiết kế chính sách đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ rủi ro, trong đó chú trọng việc nâng tỷ lệ bao phủ BHXH. Hy vọng với quyết tâm cải cách chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước, những hạn chế trong thực hiện chính sách BHXH sẽ cơ bản được khắc phục. Tôi cũng đồng tình với Dự thảo Đề án cải cách chính sách BHXH về nội dung điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHXH. Đối với Đề án cải cách tiền lương cũng sẽ giải quyết các bất hợp lý “cào bằng, không kích thích lao động sáng tạo, không kiểm soát được thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức”; trả lương theo cấp bậc, vị trí việc làm, đề cao trách nhiệm trả lương của người đứng đầu, người sử dụng lao động gắn với năng lực, khả năng của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; đồng thời gắn với chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đầu mối cơ quan, đơn vị để kéo giảm các chi phí như khánh tiết, hành chính, điện, nước, tăng cường thuê các dịch vụ của tư nhân... Như vậy, quyết tâm của đề án có thể thấy được mục tiêu người lao động trong khu vực công có thể có mức lương đủ sống, cạnh tranh hơn và tiệm cận với kinh tế thị trường hơn. Quyết tâm này nếu thành hiện thực sẽ là một sự kiện lịch sử, thay đổi bộ máy hành chính Nhà nước, từ lâu đã tốn nhiều giấy mực của báo chí và chuyên gia. Suy nghĩ đơn giản hơn, là một người lao động, tôi kỳ vọng đề án sẽ cho mình có một công việc ổn định, thu nhập xứng đáng với công sức mình bỏ ra, môi trường làm việc có thể giúp tôi vững tin, thỏa sức cống hiến...

Chị Lương Thị Sơ, xã Mường Chanh (Mường Lát): Mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ, hoặc giảm mức đóng BHXH cho đối tượng ở miền núi, vùng biên giới

Theo dõi sát thông tin về Hội nghị Trung ương 7, tôi và hội viên, phụ nữ xã Mường Chanh mong muốn Đảng sẽ đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm được đội ngũ cán bộ các cấp vừa “hồng”, vừa “chuyên” để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng. Công tác cán bộ thời gian tới chắc chắn phải dân chủ, công khai và khách quan hơn. Khi bổ nhiệm cán bộ phải lấy phiếu tín nhiệm và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Vì mỗi cán bộ được bầu lên là để làm việc phục vụ lợi ích của nhân dân.

Về dự thảo Đề án cải cách chính sách BHXH, đây là nội dung vô cùng quan trọng, liên quan đến quyền lợi của hàng chục triệu người đang tham gia và hưởng các chế độ của BHXH, nên tôi và hội viên, phụ nữ mong muốn nên mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác có nhu cầu và có khả năng, cân nhắc kỹ mức đóng, hưởng và chia sẻ rủi ro. Đồng thời có các gói BHXH tự nguyện linh hoạt và bổ sung chế độ thụ hưởng. Mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ, hoặc giảm mức đóng cho đối tượng vùng miền núi, vùng giáp biên giới còn nhiều khó khăn. Đồng thời, ngay sau hội nghị, Đảng, Nhà nước và Chính phủ cần chỉ đạo nhanh chóng đưa tinh thần nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]