(Baothanhhoa.vn) - Gặp gỡ những cựu chiến binh Lào, nghe họ kể về thời kỳ chiến tranh giải phóng đất nước và tình cảm đặc biệt với những đồng đội là người lính Cụ Hồ mới hiểu thêm về mối quan hệ “đồng cam cộng khổ” giữa hai nước, hai dân tộc Việt - Lào.

Người lính Cụ Hồ trong trái tim Nhân dân Lào

Gặp gỡ những cựu chiến binh Lào, nghe họ kể về thời kỳ chiến tranh giải phóng đất nước và tình cảm đặc biệt với những đồng đội là người lính Cụ Hồ mới hiểu thêm về mối quan hệ “đồng cam cộng khổ” giữa hai nước, hai dân tộc Việt - Lào.

Người lính Cụ Hồ trong trái tim Nhân dân Lào

Tượng đài ghi công Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào - công trình được tỉnh Thanh Hóa đầu tư cải tạo, nâng cấp theo thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025.

Trân trọng ký ức về những đồng đội người Việt Nam

Trong nhà làm lễ cầu siêu liệt sĩ, chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào, những tấm biển mang dòng chữ: “Tổ quốc ghi công quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng Lào”, “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả” viết bằng cả chữ Lào và Việt gây ấn tượng với bất cứ ai ghé thăm.

Dẫn chúng tôi đi thăm công trình, Đại tá Phăn Sỉ Xon Mi Xay, Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Hủa Phăn chia sẻ tình cảm đặc biệt, sự biết ơn sâu sắc với quân và dân Thanh Hóa cũng như Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến giải phóng đất nước Lào. Đại tá Phăn Sỉ Xon Mi Xay cũng kết nối giúp chúng tôi với những người lính, cựu chiến binh trên đất Sầm Nưa.

Người lính Cụ Hồ trong trái tim Nhân dân Lào

Trung tá Bun Phon Nhoong Sổm Pheng, nguyên Phó chính ủy, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn cùng vợ chia sẻ những tình cảm của mình dành cho người lính Cụ Hồ.

Gia đình cựu chiến binh Bun Phon Nhoong Sổm Pheng (sinh năm 1949), nguyên Phó chính ủy, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn sống trong căn nhà nhỏ ở ven thị xã. Mọi vật dụng trong nhà đều rất đơn giản. Trên tường, những tấm bằng khen, huy chương bao gồm cả 2 tấm Huy chương Hữu nghị của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trao tặng được treo trang trọng. Ông cho biết: “Năm 2012, tôi được Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Huy chương Hữu nghị vì đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy tăng cường quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào; tấm huy chương còn lại là vì đã có đóng góp tích cực trong công tác phối hợp tìm kiếm, cất bốc, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trong các thời kỳ kháng chiến, góp phần phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Lào”.

Ông Bun Phon Nhoong Sổm Pheng cho biết, từ năm 1965, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam và vùng giải phóng Lào, đặt hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn trong hoàn cảnh trực tiếp có chiến tranh. Cuối năm 1965, công cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Lào phát triển thêm những bước mới. Bộ đội Lào và quân tình nguyện Việt Nam đã giải phóng được 2/3 đất đai và hơn 1 triệu dân, Sầm Nưa trở thành căn cứ địa đặc biệt quan trọng của cách mạng Lào. Năm 1968, khi tròn 19 tuổi, ông lên đường nhập ngũ. Trong giai đoạn này, Việt Nam giúp bạn vừa phát triển sản xuất, vừa xây dựng cơ sở chính trị, góp phần tăng thêm sức mạnh trong khu căn cứ cách mạng. Từ năm 1968 - 1970, ông Bun Phon Nhoong Sổm Pheng cùng những người lính Cụ Hồ làm công tác vận động quần chúng ở Sầm Nưa.

Hồi ức lại, ông chưa quên hình ảnh những người đồng chí, đồng đội cùng kề vai sát cánh trong giai đoạn khó khăn của cuộc kháng chiến, như anh Vững, anh Chì, anh Phênh (quê Thanh Hóa), anh Chống (quê Sơn La). Đó đều là những người lính Cụ Hồ đã sang giúp đỡ cách mạng Lào, được bà con Nhân dân Sầm Nưa quý mến, tin tưởng nghe theo.

Trở về thời bình, ông luôn canh cánh một điều không biết đồng đội còn sống hay đã mất. Công tác ở nhiều vị trí, công việc khác nhau, ông Bun Phon Nhoong Sổm Pheng tâm niệm sẽ luôn là cầu nối gắn kết tình cảm của những người lính từ trong chiến tranh đến thời bình và sợi dây gắn kết tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc. Ông cũng là người có nhiều đóng góp trong công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ, chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả trở về đất mẹ.

Tâm nguyện đưa “các anh” về với quê hương đất mẹ

Nhà của gia đình Thiếu tá Xiêng Phay Văn Xay Văng Mương, Phó Ban Đối ngoại, Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn nằm cheo leo trên một ngọn đồi trên địa bàn thị xã Sầm Nưa, đường đi lên nhỏ và dốc đứng. Thiếu tá Xiêng Phay Văn Xay Văng Mương (41 tuổi) là một trong những cán bộ đang tích cực tham gia công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương liệt sĩ, chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào.

Nhận nhiệm vụ đặc biệt này từ năm 2016, trải qua một thời gian dài tạm dừng hoạt động tìm kiếm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mùa khô năm 2020 đến năm 2022, Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn cử Thiếu tá Xiêng Phay Văn Xay Văng Mương cùng 2 đồng chí khác tham gia đội quy tập. Nhiệm vụ của đội là tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại các huyện Sầm Nưa, Viêng Xay, Mường Hiện...

Người lính Cụ Hồ trong trái tim Nhân dân Lào

Thiếu tá Xiêng Phay Văn Xay Văng Mương, Phó Ban Đối ngoại, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn tham gia công tác tìm kiếm cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ, Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào.

Được tham gia nhiệm vụ thiêng liêng, ý nghĩa, Thiếu tá Xiêng Phay Văn Xay Văng Mương càng thêm tự hào, trân trọng tình cảm, mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc và sự hy sinh cao cả của những người con quê hương Việt Nam dành cho đất nước Lào trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Là những người lính thế hệ trẻ được sống, học tập làm việc trong thời bình, Thiếu tá Xiêng Phay Văn Xay Văng Mương càng hiểu thêm vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt của hai dân tộc Việt - Lào, nhất là trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng.

Những ngày trên đất Hủa Phăn, chúng tôi có dịp đến thăm Khu Di tích lịch sử cách mạng Lào tại huyện Viêng Xay là địa điểm đón khách du lịch đến tham quan nơi ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Lào trong thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc. Ngoài những hình ảnh, tư liệu về các vị lãnh đạo tiền bối của Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành của Lào thời kỳ 1964-1973, còn có một số hình ảnh, tư liệu quý về Bác Hồ và Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản, về tình cảm đặc biệt giữa Nhân dân hai nước Việt - Lào. Dưới sự bao bọc của tán rừng xanh, khuôn viên bên ngoài mỗi hang động được điểm tô bởi loài hoa Hom Phay với màu lá đỏ tía đặc trưng. Hướng dẫn viên nói với chúng tôi rằng, màu đỏ ấy tượng trưng cho sự hy sinh xương máu của bao người trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền ở đất nước Lào, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những người con Việt Nam vì nhiệm vụ quốc tế cao cả, vì tình đồng chí gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt - Lào.

Đi qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đối với cách mạng Lào, Thanh Hóa là một trong những căn cứ hậu phương chiến lược trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của bạn. Và, đóng góp của những người con quê hương Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng đã góp phần đem lại nền độc lập dân tộc cho đất nước Lào. Họ mãi trong tim và nhận được sự biết ơn, trân quý của Nhân dân các dân tộc Lào, vun đắp mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, Hủa Phăn - Thanh Hóa mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn


Bài và ảnh: Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]