(Baothanhhoa.vn) - Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” [1]; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định” [2]. Và để có cán bộ tốt, Người cho rằng, Đảng cần phải chú trọng huấn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đó chính là công việc gốc của Đảng.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ và liên hệ với việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh,“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[1]; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”[2]. Và để có cán bộ tốt, Người cho rằng, Đảng cần phải chú trọng huấn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đó chính là công việc gốc của Đảng.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ và liên hệ với việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Bác nói chuyện với hơn 1 vạn các đại biểu tầng lớn nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc tại sận vận động thị xã Thanh Hóa ngày 13-6-1957. (Ảnh: BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Chính vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và đã dành nhiều tâm huyết cho công tác huấn luyện cán bộ của Đảng. Tư tưởng của Người về công tác huấn luyện cán bộ chiếm một vị trí đặc biệt trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của Người, trong đó Người đã nêu lên một cách toàn diện những vấn đề cơ bản trong huấn luyện cán bộ từ mục đích, yêu cầu đến nội dung và phương pháp huấn luyện cán bộ.

Thứ nhất, về mục đích, yêu cầu của huấn luyện cán bộ

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích của công tác huấn luyện cán bộ là làm cho mỗi cán bộ tiếp thu, bổ sung thêm những hiểu biết mới, nâng cao tầm nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, tu dưỡng đạo đức cách mạng, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, tiền đồ của dân tộc, rèn luyện phong cách làm việc tốt hơn. Quan trọng hơn là sau khi được huấn luyện, người cán bộ có thể thực hành trong thực tiễn công tác, làm việc tốt hơn, cống hiến được nhiều hơn như Người từng viết “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”[3].

Từ trên cơ sở mục đích của công tác huấn luyện cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ những yêu cầu trong huấn luyện cán bộ. Người cho rằng, khi luấn luyện cán bộ trước hết cần bảo đảm “thực tiễn sâu sắc”. Theo đó, phương thức đào tạo, huấn luyện phải cụ thể, thiết thực, phải căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu của nghề nghiệp, trình độ cán bộ để tiến hành; phải “Mở lớp nào cho ra lớp ấy. Lựa chọn người dạy và người học cho cẩn thận. Đừng mở lớp lung tung”[4]; các lớp học phải tổ chức theo trình độ văn hoá chứ không theo cấp bậc cán bộ cao hay thấp, phải chú trọng đội ngũ giáo viên. Người còn căn dặn: đào tạo cán bộ phải gắn với công việc cụ thể, làm việc gì, học việc nấy và phải tránh kiểu dạy lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau, dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được, huấn luyện mà hiệu quả ít, không biết quý chất lượng hơn số lượng …

Cùng với đề cao tính thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, huấn luyện cán bộ là công việc rất khó và lâu dài nên đòi hỏi phải có sự nỗ lực của cả người huấn luyện và người học thì hiệu quả mới cao. Theo Người, không phải ai cũng có thể tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được, người làm công tác này phải thực sự là một tấm gương về đạo đức và chuyên công tác, đồng thời phải là người không ngừng học hỏi, tu dưỡng, phải làm kiểu mẫu về mọi mặt... Còn đối với người được huấn luyện: phải biết “lấy tự học làm cốt”, “phải biết tự động học tập”.

Thứ hai, nội dung huấn luyện cán bộ

Để huấn luyện được những cán bộ có đức, có tài, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung huấn luyện phải toàn diện cả về chuyên môn, nghề nghiệp; huấn luyện về chính trị, về văn hóa, về lý luận; huấn luyện về đạo đức mới - đạo đức cách mạng. Trong đó, về huấn luyện chính trị, Người đề cập tới hai nội dung quan trọng là thời sự và chính sách. Về huấn luyện văn hóa, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải dạy cho họ những kiến thức:

Lịch sử, địa dư, làm tính, khoa học tự nhiên, xã hội, chính trị, cách viết báo cáo, quyền lời và nghĩa vụ công dân...Về huấn luyện lý luận, Người cho rằng, phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu cụ thể của cách mạng mà bố trí, sắp xếp nội dung giáo dục lý luận chính trị cho phù hợp nhằm định hướng chính trị đúng đắn cho từng đối tượng người học. Đồng thời, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với người cán bộ cách mạng, thì đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng, nên trong công tác huấn luyện cán bộ cũng cần phải chú trọng huấn luyện cả về đạo đức mới – đạo đức cách mạng.

Thứ ba, về phương pháp huấn luyện cán bộ

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nhiều phương pháp huấn luyện cán bộ, như: kết hợp đào tạo chính quy với đào tạo không chính quy, học tập trung với tự học... Người cho rằng, có trường học thì càng tốt, không có trường cũng phải tự mình tìm cách mà tự học,“phải vừa làm vừa học, nghiên cứu không những trong sách vở mà ngay trong những công tác của mình”[5], đồng thời nhấn mạnh, học để hành, nghĩa là để làm việc chứ không phải là để có bằng cấp, để cho oai và để có chức này chức nọ. Người thường phê phán cách huấn luyện “chỉ đem lý luận khô khan nhét cho đầy óc họ. Rồi bày cho họ viết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Nhưng đối với việc thực tế tuyên truyền, vận động, tổ chức, kinh nghiệm chỉ nói qua loa mà thôi. Thế là lý luận suông, vô ích”[6]. Đồng thời, Người cũng chỉ ra cách huấn luyện đúng là “trong lúc học lý luận phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế”[7]. Bảo đảm là sau khi học “họ có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị, có thể làm được những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là lý luận thiết thực, có ích”[8]. Có như vậy, bằng kiến thức lý luận, người cán bộ sẽ giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn, củng cố lập trường, nâng cao quan điểm và phương pháp làm việc. Đây là nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, là biện pháp cơ bản để chống lại “thực tiễn mù quáng” và “lý luận suông”.

Trong phương pháp huấn luyện cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu đội ngũ cán bộ phải phát huy tinh thần tự học, học để sửa chữa tư tưởng, tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin tưởng và học để hành; phải xem việc học là công việc suốt đời.

Như vậy có thể khẳng định rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ là một nội dung khoa học, mang tính hệ thống, bao quát toàn bộ cả về mục đích,yêu cầu và nội dung, phương pháp của quá trình huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nó vừa có giá trị lý luận và vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, lâu dài cho công việc huấn luyện, đào tạo cán bộ của Đảng, Nhà nước. Quán triệt sâu sắc những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ và những chủ trương, Nghị quyết của Đảng về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trên cơ sở căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, bám sát phương hướng, nhiệm vụ của Tỉnh ủy và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã rất chú trọng việc đổi mới đồng bộ và nâng cao chất lượng toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng từ quy trình tổ chức các lớp đến cải tiến nội dung chương trình, đổi mới phương pháp dạy – học và đổi mới đánh giá kết quả học tập của học viên. Cụ thể:

Thứ nhất, ngay từ trong quy trình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng,với phương châm “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn”, đối với các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tập trung, nhà trường đã đổi mới quy trình tổ chức đào tạo theo hướng học viên học 02 tuần tại trường theo các chuyên đề, 02 tuần nghiên cứu thực tế ở địa phương, đơn vị; đối với các lớp không tập trung, trên cơ sở căn cứ đặc thù công việc và nguyện vọng của học viên, nhà trường tổ chức học theo từng đợt trong tháng hoặc học vào các ngày cuối tuần, các buổi tối để đảm bảo học viên chủ động sắp xếp vừa học, vừa làm, đồng thời gắn nghiên cứu thực tế ở địa phương, đơn vị. Các lớp bồi dưỡng được tổ chức theo mô hình 3-3-3 (3 mục tiêu: nâng cao nhận thức, niềm tin, thái độ; nâng cao kiến thức lãnh đạo, quản lý theo chức danh; hoàn thiện phương pháp lãnh đạo, quản lý; 3 nội dung: cập nhật kiến thức mới, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo và quản lý, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo, quản lý; 3 hoạt động: học các chuyên đề, tọa đàm, hội thảo, đi nghiên cứu thực tế). Đây là cách thức tổ chức có hiệu quả phù hợp với đặc điểm học viên, phù hợp với yêu cầu rèn luyện, phát triển kỹ năng công tác và nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn cho học viên.

Thứ hai, cùng với đổi mới quy trình tổ chức lớp học, trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện cải tiến nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo phương châm rõ hơn về lý luận, sát với đối tượng và phù hợp với thực tiễn. Theo đó, trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính và các lớp bồi dưỡng, nhiều chuyên đề bổ trợ đã được đưa vào giảng dạy như: các chuyên đề thực tiễn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, về công tác xây dựng Đảng; các chuyên đề kỹ năng lãnh đạo, quản lý, các chuyên đề thực tiễn về những vấn đề đang đặt ra hiện nay về đạo đức công vụ, diễn biến hòa bình, cách mạng công nghiệp 4.0,…

Thứ ba, trong thực hiện đổi mới phương pháp dạy – học, Ban Giám hiệu chỉ đạo quyết liệt đổi mới theo phương châm 3 tăng, 3 giảm (Tăng tính chủ động, tăng trao đổi, đối thoại, tăng kỹ năng xử lý tình huống); (Giảm thụ động; giảm đọc – chép; giảm lý thuyết). Đây là một trong những mô hình tiêu biểu trong đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trong những năm gần đây và đã tạo hiệu ứng tích cực đối với giảng viên, học viên. Riêng đối với đội ngũ giảng viên, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu, trong quá trình giảng dạy, cùng với việc không ngừng học tập nâng cao trình độ, mỗi giảng viên đều chú trọng đến việc rèn luyện, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, trong đó, giảng viên đóng vai trò là người định hướng, dẫn dắt, gợi mở các vấn đề để học viên trao đổi, thảo luận; tăng các bài tập xử lý tình huống để tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận đa chiều giữa giảng viên và học viên, giữa học viên và học viên. Từ đó góp phần làm tăng sự kết nối về tri thức giữa người dạy và người học, tạo được sự hứng thú, phấn khởi cho học viên trong học tập, đồng thời qua đó cũng giúp các giảng viên thu lượm được kiến thức thực tiễn từ học viên để làm phong phú thêm vốn kiến thức của mình.

Thứ tư, đối với việc thực hiện đổi mới đánh giá kết quả học tập của học viên, thực hiện phương châm chỉ đạo của Ban Giám hiệu, các khoa, phòng và đội ngũ giảng viên đã phối hợp chặt chẽ trong đổi mới các khâu đánh giá kết quả học tập của học viên, kết hợp giữa đánh giá điểm số với đánh giá quá trình học tập, lấy chất lượng sản phẩm nghiên cứu thực tế làm một tiêu chí đánh giá kết quả học tập môn học, phần học. Trong đó, cùng với việc thực hiện tổ chức thi và chấm thi, chấm khóa luận đảm bảo đúng quy chế, quy định của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các khoa chuyên môn và các giảng viên đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu về tổ chức cho học viên báo cáo chuyên đề (gắn lý luận với thực tiễn) sau mỗi phần học và coi đó là một trong những cơ sở đánh giá kết quả môn học, phần học của học viên; khách quan, công tâm trong đánh giá, nhận xét kết quả học tập, rèn luyện của học viên để gửi về cơ quan, đơn vị nơi học viên công tác làm cơ sở cho việc sử dụng có hiệu quả cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng.

Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ là một trong những di sản Người để lại có giá trị rất lớn cả về lý luận và thực tiễn, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người vào công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Đảng nói chung, công tác đào tạo bồi dưỡng của Trường chính trị tỉnh Thanh Hóa nói riêng là hết sức cần thiết để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, góp phần tạo nên một đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên đủ phẩm chất, năng lực, đủ “đức”, đủ “tài” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị.

Ths. Lê Ái Bình - Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr.309

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr.280

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t5, tr 684

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t5, tr.52

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t4, tr38

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t 5, tr.272

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t 5, tr.311-312

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t 5, tr.272.


Ths. Lê Ái Bình - Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]